“Nếu Mỹ-Trung có chiến tranh, nguy cơ tấn công hạt nhân không nhỏ”
Sinh viên Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa địa đối không HQ9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island), quần đảo Hoàng Sa, ngày 19/02/2016 trước lãnh sự Trung Quốc ở Manila.REUTERS/Erik De Castro
Cho đến nay, ngày càng có nhiều dự đoán về khả năng xung đột quân sự một ngày nào đó có thể bùng phát giữa Mỹ và Trung Quốc. Xung đột dễ bùng lên đặc biệt tại vùng Biển Đông, nơi tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh thách thức luật pháp quốc tế hiện hành. Tuy nhiên, ít ai nghĩ xung đột như vậy có thể kéo theo một cuộc chiến hạt nhân. Viễn cảnh chiến tranh hạt nhân có thể buộc cả Washington và Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận để tránh một thảm họa cho khu vực và thế giới.
Trên đây là quan điểm của chuyên gia an ninh quốc tế Caitlin Talmadge, trong bài « Beijing’s Nuclear Option. Why a U.S.-Chinese War Could Spiral Out of Control », được đăng tải trên trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng 11 và 12/2018.
***
1 - Lý do nào khiến người ta ít nghĩ đến nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ?
Theo chuyên gia Caitlin Talmadge, từ lâu Trung Quốc đã được biết đến như một cường quốc hạt nhân, với học thuyết mang tính tự vệ. Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, Trung Quốc đã hết sức tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, như Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây. Hệ thống vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ và đơn giản hơn rất nhiều so với hai siêu cường nói trên. Các lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn khẳng định vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng để làm phương tiện răn đe. Cho đến nay, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ không bao giờ là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Về mặt lịch sử, hệ thống vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ của Trung Quốc hiện nay là đủ để thực hiện mục tiêu làm phương tiện răn đe này.
Xét trên quan điểm này, viễn cảnh về một cuộc xung đột hạt nhân dường như chỉ là câu chuyện viễn tưởng, một tàn tích sót lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nay đã khép lại.
Thêm một yếu tố nữa khiến tình hình hiện nay rất khác với thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Đó là Hoa Kỳ và các đồng minh lo sợ trước kịch bản quân đội khối Vacxava, do Liên Xô cầm đầu, ồ ạt xâm chiếm châu Âu bằng đường bộ. Trong trường hợp đó, khối NATO sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên để vô hiệu hóa một cuộc tấn công như vậy. Nỗi lo sợ bị đối phương tấn công trước tiếp tục trong suốt một thời kỳ dài sau này, đặc biệt trong những năm 1950, có thể dẫn đến bùng phát chiến tranh hạt nhân, trong lúc vũ khí hạt nhân Mỹ, được bố trí tại châu Âu, được quản lý không được thực sự nghiêm ngặt, và giới chỉ huy quân sự Mỹ không hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo dân sự, khiến nguy cơ tấn công hạt nhân xảy ra khi không có lệnh chính thức từ phía tổng thống Mỹ.
Tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là hoàn toàn khác. Hiện tại, không quân đội bên nào có thể trực tiếp xâm chiếm nhanh chóng lãnh thổ của nhau, trong một cuộc chiến quy ước. Kiểm soát của giới lãnh đạo dân sự đối với hệ thống vũ khí hạt nhân của đôi bên đều được coi là hết sức chặt chẽ. Điều này khiến cho vũ khí hạt nhân, về mặt lý thuyết, sẽ chỉ được sử dụng như một phương tiện răn đe, và cứ theo lô gic thông thường này, thì sẽ không bên nào tấn công hạt nhân phủ đầu trước, bởi sợ đối phương cũng sẽ hành động tương tự. Theo quan điểm này, khả năng xẩy ra chiến tranh hạt nhân Trung – Mỹ là không thể có.
Đây chính là quan điểm của cựu tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Thái Bình Dương, ông Dennis Blair, người từng phục vụ 34 năm trong Hải Quân. Trong một phát biểu hồi năm 2015, cựu tư lệnh Mỹ khẳng định « nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung là từ không đến zero ».
2 - Lý do gì để cho rằng chiến tranh hạt nhân Mỹ- Trung có thể bùng phát?
Theo chuyên gia Caitlin Talmadge, quan điểm nguy cơ chiến tranh hạt nhân bằng không là hoàn toàn sai lầm. Một con đường căn bản có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát khủng hoảng hạt nhân là thông qua một cuộc chiến quy ước.
Phương pháp mà Washington vẫn thường sử dụng lâu nay trong các cuộc chiến tại Irak, Libya…, là sử dụng hỏa lực áp đảo để tấn công vào các hệ thống vũ khí quan trọng nhất của đối phương, nhằm dập tắt khả năng phòng ngự. Tuy nhiên, các quốc gia nói trên không sở hữu vũ khí hạt nhân. Vấn đề là, trong một chiến với một cường quốc hạt nhân như Trung Quốc, quân đội Mỹ, khi tấn công vào các hệ thống vũ khí quy ước chủ chốt của đối phương, như các dàn hỏa tiễn, tên lửa, tấn công hay phòng không, cũng có thể nhắm luôn vào hệ thống vũ khí hạt nhân của kẻ thù. Trong bối cảnh hệ thống vũ khí hạt nhân bị chính cuộc chiến bằng các vũ khí quy ước đe dọa, lãnh đạo Trung Quốc có thể quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, trước khi quá muộn, do phán đoán đối phương có chủ trương triệt tiêu hệ thống vũ khí hạt nhân của mình.
Trong trường hợp này, Bắc Kinh có thể sử dụng một cuộc tấn công hạt nhân quy mô nhỏ, để báo động là đối phương đã vượt qua lằn ranh đỏ, và cũng để tránh bị trả đũa ở quy mô lớn. Phản ứng bằng vũ khí hạt nhân, trong trường hợp này, lại được coi như một biện pháp phòng vệ khả dĩ. Ví dụ như bắn tên lửa hạt nhân vào một nơi vắng người, ở giữa đại dương, hay tấn công vào một số căn cứ của Mỹ chẳng hạn.
- Mời đọc thêm : Đài Loan, « hàng không mẫu hạm Mỹ » chĩa vào Trung Quốc
Theo chuyên gia Caitlin Talmadge, Đài Loan chính là điểm đáng lo ngại nhất. Trong trường hợp hòn đảo ly khai này bị Trung Quốc tấn công, Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ Đài Bắc, thì các chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm tiêu diệt các hệ thống vũ khí chủ chốt của Trung Quốc cũng tức khắc chạm đến hệ thống hỏa tiễn hạt nhân trên bộ, trụ cột của chính sách hạt nhân Trung Quốc.
3 - Tại sao hệ thống vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể là đối tượng bị tấn công, cùng lúc với các vũ khí quy ước ?
Nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là, điểm đặc biệt của hệ thống quân sự Trung Quốc là các phương tiện hạt nhân, như các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, thường chia sẻ cùng các cơ sở hạ tầng với các phương tiện quân sự quy ước, về mạng lưới vận tải, tiếp liệu, lộ trình di chuyển, cũng như các cơ sở hậu cần khác. Và cũng có thể cả về mạng lưới chỉ huy, điều hành, kiểm soát. Đây là điều mà bên tấn công, dù có muốn, cũng khó có thể phân biệt được.
Đó là chưa kể việc tấn công nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Trung Quốc, cũng có nghĩa là đặt hệ thống vũ khí hạt nhân trên bộ trong tầm tấn công, với nguy cơ bị hủy diệt tăng cao. Vấn đề không phải là Hoa Kỳ có mục tiêu tấn công toàn bộ hệ thống vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hay không, mà điều chủ yếu là ban lãnh đạo Trung Quốc có coi đây là một nguy cơ hay không. Khía cạnh tâm lý ở đây là rất căn bản.
4 - Đâu là những cội rễ tâm lý mang tính lịch sử, có thể dẫn đến việc Bắc Kinh mạo hiểm sử dụng đòn tấn công hạt nhân đầu tiên, ngược với học thuyết chính thức hiện nay ?
Chuyên gia Caitlin Talmadge lưu ý là, cho dù, về mặt chính thức chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân, khi không bị tấn công hạt nhân trước, rất khó mà biết được quan niệm của ban lãnh đạo Trung Quốc về hệ thống vũ khí hạt nhân của chính họ. Đâu là các bộ phận thứ yếu, đâu là bộ phận cốt lõi. Và trong trường hợp nào có thể khẳng định đối phương đang tìm cách hủy diệt cái lõi của hệ thống phòng thủ hạt nhân.
Bà Caitlin Talmadge nhắc đến một kinh nghiệm lịch sử, cho thấy Bắc Kinh rất có thể liều lĩnh tính đến việc dùng loại vũ khí hủy diệt này, trước một đối thủ mạnh hơn nhiều lần. Đó là vào năm 1969, khi chiến tranh biên giới với Nga bùng nổ. Matxcơva đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, nếu Trung Quốc lấn tới.
Đây cũng là lý do đẩy Trung Quốc đến chỗ đặt hệ thống vũ khí hạt nhân, còn rất sơ khai của họ, trong « tình trạng báo động ». Đây là một tình thế rất nguy hiểm, bởi tên lửa có thể được bắn đi, vì một lý do bất thường nào đó, ngoài ý định của người lãnh đạo.
Tuy tình hình hiện tại khác xa với cuộc xung đột 1969, nhưng một cuộc chiến với các vũ khí « quy ước » leo thang, với những kịch bản vượt tầm kiểm soát, có thể khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh rơi vào trạng thái « hoang tưởng ».
5 – Điều gì cần tránh để giảm nguy cơ xung đột hạt nhân ?
Trong phần kết luận của bài viết này, nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp căn bản để giảm các nguy cơ leo thang xung đột. Duy trì đối thoại ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, về phía giới quân sự cũng như chính trị, là điều rất quan trọng cho phép xuống thang, khi xung đột xảy ra.
Tuy nhiên, dù việc cải thiện lĩnh vực đối thoại, giao lưu có ý nghĩa đến đâu, điều này cũng không thể thay thế được vấn đề cốt lõi là học thuyết quân sự và chiến lược chủ yếu của mỗi bên. Hoa Kỳ có thể tránh tấn công vào các vị trí của Trung Quốc trên đất liền, để không gây hiểu lầm cho phía Trung Quốc. Nhưng nếu như Trung Quốc sử dụng các vị trí này để tấn công vào các lực lượng Mỹ và đồng minh, thì tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ không thể chấp nhận xuống thang.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tiếp tục coi việc gắn chặt hai hệ thống vũ khí, quy ước và hạt nhân, là một điểm then chốt, điều kiện mà Bắc Kinh tin là chắc chắn để bảo đảm sức mạnh răn đe của Trung Quốc không bị phía Mỹ đụng đến, khiến Mỹ không dám khai chiến. Thế nhưng, một khi xung đột bùng nổ, thì trong tình trạng này, hậu quả sẽ rất khốc liệt.
Với những lý do trên, tác giả đề nghị giới lãnh đạo hai bên suy nghĩ thấu đáo tìm ra các phương thức giải quyết các bất đồng về chính trị, kinh tế và quân sự, mà không gây ra chiến tranh. Bởi một khi xảy ra, nó sẽ trở thành thảm họa cho khu vực và thế giới.
Ghi chú
1. Tạp chí Foreign Affairs là ấn phẩm của viện tư vấn chính trị quốc tế phi chính phủ Council on Foreign Relations, có trụ sở ở New York, được công bố trên trang mạng cùng tên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét