Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Mỹ đá đít Tàu cộng văng khỏi “WTO” Nguyễn Vĩnh Long Hồ

Mỹ đá đít Tàu cộng văng khỏi “WTO”
Nguyễn Vĩnh Long Hồ
Tổ chức Thương mại Thế giới “World Trade Organization” (WTO) ra đời từ tổ chức tiền thân là Hiệp Định Chung về Thuế quan và Mậu dịch “General Agreement on Tariffs and Trade” (GATT). WTO được thành lập ngày 1/1/1995. Trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, hiện có tất cả 162 nước thành viên và VN trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này.
WTO với 6 chức năng chính:
·        Quản lý các hiệp định thương mại quốc tế.
·        Diễn đàn cho các vòng đàm phán thương mại.
·        Giải quyết các tranh chấp thương mại.
·        Giám sát các chính sách thương mại.
·        Trợ giúp về kỹ thuật và đào tạo cho các quốc gia đang phát triển.
·        Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.
WTO hoạt động dựa trên 4 nguyên tắc chính:
·        Nguyên tắc tối huệ quốc.
·        Nguyên tắc mở cửa thị trường.
·        Nguyên tắc cạnh tranh công bằng.
·        Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia.
Hầu hết các quyết định của WTO đều được thông qua trên nền tảng “đồng thuận”. Trong một số trường hợp nhất định, khi không đạt được sự đồng ý chung, các thành viên có thể tiến hành bỏ phiếu. Khác với các tổ chức quốc tế khác, mỗi thành viên WTO chỉ có quyền bỏ một phiếu và các phiếu bầu của các thành viên có giá trị ngang nhau.
Cơ quan quyền lực tối cao của WTO là Hội nghị Bộ trưởng, họp ít nhất 2 năm một lần. Dưới hội nghị Bộ trưởng là Đại hội đồng, thường họp nhiều lần trong một năm tại trụ sở chính của WTO ở Geneva. Nhiệm vụ chính của Đại Hội Đồng là giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên và rà soát các chính sách của WTO. Dưới Đại Hội Đồng là Hội đồng Thương mại hàng hóa, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng giám sát về các vấn đề liên quan đến quyền “Sở hữu Trí tuệ” (TRIPS).
MỸ SAI LẦM KẾT NẠP TÀU CỘNG VÀO WTO:
Vào năm 2000, việc trao cho Tàu Cộng hưởng quy chế “tối huệ quốc” vĩnh viễn đã gây nhiều tranh cãi trong Quốc hội Mỹ vì những sự phản đối dành cho các hành động “nhân quyền”. Đưa ra lập luận ủng hộ dựa trên ảo tưởng, TT Bill Clinton lạc quan tếu, đã nói: “Thông qua gia nhập LHQ, Trung Quốc không chỉ đồng ý nhập cảng nhiều hàng hóa hơn, mà còn đồng ý nhập cảng một trong những giá trị được coi trọng nhất của dân chủ, là tự do kinh tế khi có thể thực hiện được giấc mơ, họ sẽ yêu cầu có tiếng nói lớn hơn”.
Cái tinh thần lạc quan tếu trong trí tưởng tượng của ông Bill Clinton, Tàu Cộng được kết nạp vào WTO, có thể thực hiện “tầm nhìn dân chủ” của Tổng thống Thomas Woodrow Wilson, nghĩa là “một thị trường tự do đầy đủ, bầu cử tự do và thế giới do nhân dân tự do cùng nỗ lực tiến lên làm cho Trung Quốc sẽ giống như nước Mỹ”. Nhìn từ góc độ thể chế kinh tế và chính trị sẽ làm cho Tàu Cộng giống nước Mỹ hơn. Đó chính là ảo tưởng vĩ đại của ông Bill Clinton muốn giúp Tàu Cộng gia nhập WTO.
Ngày 25/7/2018, Đại sứ TC tại Mỹ là Thôi Thiên Khải nhận lời tham dự hoạt động của Quỹ Hòa bình Quốc tế Camegie. Ông ta cho biết, đối với mục tiêu và ý đồ của Bắc Kinh, bên ngoài không ít người hiểu nhầm và rằng: “Làm thay đổi TQ là một ảo tưởng,” ông ta nói. “Tôi không cho rằng 2 nước Trung - Mỹ thật sự có thể đi thay đổi đối phương như có một số người nói. TQ có lịch sử văn hóa, chính trị và thể chế kinh tế của mình. TQ bất kể thay đổi thế nào đều do lịch sử lâu dài của TQ quyết định. Bất cứ nước nào đều không thể thực sự làm thay đổi được TQ. Làm thay đổi TQ không nên là mục tiêu chính sách đối với Bắc Kinh của bất cứ nước nào, bao gồm chính phủ Mỹ. Tin rằng đây cũng không phải là mục tiêu chính sách đối với TQ của các đời Tổng thống Mỹ”. Ông Thôi Thiên Khải đã tạt một gáo nước lạnh vào mặt Bill Clinton, đã sáng mắt ra chưa?
Washington tuyên bố thấy rất tiếc vì ủng hộ kết nạp TC vào WTO và cáo buộc TC có nhiều hành động vi phạm quy định. Ông Bill Clinton đã phạm sai lầm khi ông ra sức ủng hộ TC gia nhập WTO với những điều khoản thiếu hiệu quả trong việc bảo đảm Bắc Kinh thực hiện chế độ thương mại mở, theo định hướng thị thị trường. Hệ thống giao dịch quốc tế đang bị đe dọa bởi các nền kinh tế lớn không có ý định mở cửa thị trường để giao dịch và tham gia công bằng. Ông Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ, gọi các hành động của Bắc Kinh là đi ngược với các nguyên tắc căn bản của WTO.
THỦ ĐOẠN LỪA MỸ VÀ CHÂU ÂU Ở WTO NHƯ THẾ NÀO?
Trong số ra ngày 09/7/2018, Les Echos đặt ra câu hỏi: “Tàu Cộng đã lừa Mỹ và Châu Âu như thế nào ở Tổ chức Thương mại Thế giới?” Năm 2001, khi Tàu Cộng được kết nạp vào định chế này, cả Hoa Kỳ dưới thời TT Bill Clinton lẫn Liên Hiệp Châu Âu đã quá ngây thơ tin rằng, Tàu Cộng sẽ hướng đến nền kinh tế thị trường, phi tập trung và tôn trọng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế Giới - WTO. Thị trường hơn một tỷ dân Tàu ưa chuộng hàng hóa Mỹ và châu Âu sẽ được rộng mở. Sau gần 2 thập kỷ, Mỹ và châu Âu mới tỉnh ngộ, mới thấy mình bị lừa. Cả hai đang trả giá quá đắt vì quá ngây thơ và khờ khạo trước một thực tế phũ phàng của thế giới Tàu Cộng, theo nhận định của Les Echos.
Những lời hứa, cam kết rất chặt chẽ mà TT Bill Clinton khẳng định nhận được từ phía Bắc Kinh, càng thúc ông nhiệt tình ủng hộ ứng viên Tàu Cộng gia nhập WTO vào năm 1999. Tuy nhiên, từ khi chính thức được kết nạp vào WTO, những lời hứa đó trở thành vô nghĩa vì Bắc Kinh đi theo một hướng ngược lại, hoàn toàn khác của định chế vì “WTO hướng đến việc tạo điều kiện cho thương mại giữa các nền kinh tế thị trường, trong đó vai trò của nhà nước bị hạn chế”.
Năm 2001, Bắc Kinh đứng trước một thách thức lớn vì nền kinh tế nước này, chủ yếu dựa vào lĩnh vực các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chính. Mỹ và phương Tây đưa ra thời hạn 15 năm để Bắc Kinh cổ phần hóa và tự do hóa các doanh nghiệp quốc doanh. Nếu không, toàn bộ hệ thống WTO sẽ gặp nguy!” Lời cảnh báo đang trở thành hiện thực.
Rõ ràng, nền kinh tế TC hiện đang được đánh dấu với việc tăng cường quyền lực thống trị của Hoàng đế Tập Cận Bình, một chế độ cộng sản độc tài, toàn trị chuyên quyền. Nhà nước có mặt ở khắp nơi trong lĩnh vực kinh tế với sự tồn tại dai dẳng của doanh nghiệp nhà nước. Thực tế này, hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây. Chính vì điều này mà vào năm 2016, Washington và Bruxelles đã từ chối việc công nhận TC là một nền kinh tế thị trường như đã từng hứa năm 2001.
Phân tích những sai lầm căn bản của Mỹ và phương Tây đối với Bắc Kinh, có thể liệt kê như sau:
·        Tại Đại Lục, tư bản nhà nước có thể sẽ nhường cho tư bản thị trường và Bắc Kinh sẽ chấp nhận những giá trị dân chủ của phương Tây. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng, mô hình phương Tây đã lỗi thời rồi.
·        Một điểm khác biệt giữa phương Tây và Tàu Cộng không có chung khái niệm thời gian. Một doanh nghiệp phương Tây có thể sẽ không đầu tư vào một dự án không mang lại tiền lời tức thì. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không chú trọng vào lợi tức trước mắt, nếu như cần đến lợi ích chiến lược lâu dài.
·        Một thí dụ cụ thể chứng tỏ kinh tế thế giới mất cân đối và sản xuất dư thừa chính là cách Bắc Kinh sản xuất không tuân theo nguyên tắc của thị trường. Từ năm 2001, Bắc Kinh khai triển nhiều chương trình hỗ trợ có quy mô lớn với ngành công nghiệp thép, thủy tinh, giấy, các thiết bị trong lĩnh vực sản xuất xe hơi và các linh kiện điện tử… Bà Elvire Fabry, chuyên gia thuộc viện Jacques Delors (Pháp), thẩm định: “Doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm 40% các tập đoàn công nghiệp chính của TC và chiếm đến 80 -90% thị phần trong các ngành công nghiệp chiến lược”.
Les Echos kết luận, đã đến lúc phải xem lại sự cân đối trong quan hệ thương mại và cải cách quy định của WTO. Có lẽ Washington và Bruxelles cũng phải mời Bắc Kinh ngồi lại vào bàn đàm phán.
TT D. TRUMP: CẦN SỬA ĐỔI QUY TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA WTO:
Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ - Trung đặt ra vấn đề cần sửa đổi quy tắc hoạt động WTO để phù hợp với điều kiện hiện nay. WTO, tổ chức mà TT Donald Trump gọi là “thảm họa”, vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng thương mại toàn cầu, bao gồm việc giải quyết các tranh chấp thương mại của các quốc gia thành viên.
 
Mỹ đang tiến hành chiến tranh thương mại với TC, gây áp lực to lớn về kinh tế thương mại với Bắc Kinh, có nhiều nguyên nhân trong đó có sự hối hận với việc ông Bill Clinton đưa Bắc Kinh hòa nhập vào trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo để rồi ngày nay, Washington coi Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất.
Những diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây chấn động toàn cầu. Nhiều học giả cho rằng, cải cách mở cửa của Bắc Kinh đã đến thời điểm cuối cùng, trong khi đó “cuộc cách mạng thứ ba” đang phát triển theo phương hướng trái ngược với cải cách mở cửa. Đối với chính phủ Bắc Kinh tuyên bố quyết tâm kiên trì cải cách mở cửa. Nhưng, về phía Mỹ giải thích cho rằng là lấy “bức tường ảo” để kiểm soát chặt chẽ hơn là trao đổi tư tưởng và vốn với bên ngoài.
Hội đồng chung của WTO ngày 26/7/2018 đã tổ chức hội nghị lần thứ 3 trong năm tại Geneve, Đại sứ Mỹ thường trú ở WTO Denise Shea dựa trên văn kiện trình trước hội nghị của Mỹ, tiến hành chỉ trích mô hình kinh tế của Bắc Kinh, bao gồm tấn công “kinh tế kế hoạch”; Hiến pháp Tàu Cộng trao quyền cho chính phủ Bắc Kinh và ĐCSTQ phát triển “Kinh tế thị trường XHCN”. Thể chế của TC còn lấy pháp luật làm công cụ Nhà nước, dùng để thúc đẩy chính phủ thực hiện chính sách ngành nghề, đồng thời bảo đảm đạt được thành quả kinh tế nổi bật. Loại thể chế này làm cho doanh nghiệp rất khó hành động độc lập với chính sách ngành nghề một cách toàn diện và liên tục.
Ông Dennis Shea đã cáo buộc TC gây tổn hại nghiêm trọng cho các đối tác WTO, khi không tuân thủ những quy định về thương mại tự do. Theo ông Dennis Shea, vấn đề này không thể trì hoãn và cần được WTO và các thể chế khác giải quyết.
Đại sứ Trung Quốc Trương Quốc Thuần lại trực tiếp phản bác những chỉ trích của Đại sứ Dennis Shea, cho rằng Mỹ áp đặt quan điểm của Mỹ lên nước khác, thậm chí lên quy tắc đa phương, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà chúng tôi nói đến là kinh tế thị trường do ĐCSTQ lãnh đạo. Trên thế giới, kinh tế thị trường không chỉ có một mô hình, TC đang nỗ lực tìm kiếm con đường kinh tế thị trường phù hợp với tình hình đất nước, bất kể người khác nói gì, chúng tôi đều sẽ kiên định đi con đường này.
Đại sứ Dennis Shea vừa mới sử dụng khái niệm “tính chất phi thị trường” của kinh tế TC, nhưng lật lại các quy tắc WTO, chúng tôi không tìm được định nghĩa “kinh tế thị trường”. Trên thế giới cũng không có tiêu chuẩn “kinh tế thị trường” chung. Quy tắc của WTO không trao quyền đặc biệt như vậy cho bất cứ hội viên nào lấy mô hình kinh tế của mình làm tiêu chuẩn “kinh tế thị trường”, một khi có nước nào không đồng ý làm theo thì chính là “kinh tế thị trường”.
Đối với việc kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc TQ phải chăng phù hợp với cam kết gia nhập WTO của TC. Có một giáo sư tại Đại học Harvard, tác giả cuốn sách “Câu hỏi về TQ: Đánh giá sự trỗi dậy của một cường quyền”, đã phân tách tình hình và các mức độ thực hiện WTO của TC, cho rằng: “Vấn đề cốt lõi không ở chỗ TC có thực hiện nghĩa vụ rộng rãi hay không, mà là tinh thần khả năng đạt được thỏa thuận”.
Giáo sư Carl Min Zina, Đại học Fordham, cho rằng: “Thời đại cải cách của TC sắp kết thúc, các nhân tố cốt lõi của đặc tính này (ổn định chính trị), mở cửa ý thức hệ và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đang tan rã…Thời đại “cải cách mở cửa” sau năm 1978 sắp kết thúc. TC đang đóng cửa, tính không chắc chắn còn tồn tại”.
TT TRUMP TỐ TÀU CỘNG ĂN CẮP SÁNG CHẾ TRONG VỤ KIỆN Ở WTO:
Mỹ đã đâm đơn kiện TC lên WTO ngày 23/3/2018, một phần trong một loạt biện pháp thương mại do TT Donald Trump công bố một ngày trước với cáo buộc TC đánh cắp “tài sản trí tuệ”của Hoa Kỳ. Bản ghi nhớ được TT Trump ký nhằm mục tiêu đánh thuế tới 60 tỷ USD hàng hóa của TC. Vụ kiện lên WTO không nằm ngoài dự kiến vì các khoản thuế theo luật của Hoa Kỳ, đòi hỏi phải có đối đầu pháp lý cùng lúc tại cơ quan thương mại toàn cầu. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của TT Trump và tuyên bố sẵn sàng trả đũa chống hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ.
Reuters dẫn thông báo của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nói: “Tàu Cộng đang vi phạm các quy tắc của WTO khi khước từ, không cho chủ sở hữu các bằng sáng chế nước ngoài, kể cả các công ty Mỹ, hưởng các quyền sáng chế căn bản để ngăn chận một tổ chức hoặc công ty TC sử dụng công nghệ sau khi kết thúc hợp đồng cấp phép”. TC cũng đang vi phạm các quy tắc WTO khi áp đặt các điều khoản hợp đồng bất lợi, phân biệt đối xử và gây bất lợi cho công nghệ từ nước ngoài”.
Ngày 22/3, Đại sứ TC tại WTO nói với Reuters rằng, Bắc Kinh đã sẵn sàng đối phó với các động thái của Mỹ và sẽ thách thức Mỹ tại WTO. Hoa Kỳ liền tung các chiêu về các khoản thuế mới nhắm vào chính sách của TC về quyền sở hữu tài sản trí tuệ sau hai hành động thương mại quan trọng của TT Trump: Áp thuế trên các tấm pin năng lượng mặt trời, nhôm và thép…
Hành động mới đây, Tàu Cộng đã xuống nước, Bắc Kinh sẽ không phản đối những thay đổi nhằm cập nhật hóa những luật lệ thương mại toàn cầu; miễn là những luật lệ đó vẫn đem lại lợi ích cho TC với tư cách là một quốc gia đang phát triển, một quan chức chính phủ Bắc Kinh cho biết hôm 21/11/2018. Thái độ khăng khăng của Bắc Kinh rằng họ vẫn là một nước đang phát triển do đó được hưởng những quy chế đặc biệt, mặc dù họ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một nhà sản xuất chế tạo lớn, đã khiến các đối tác thương mại của họ bực tức. Điều này có thể làm giảm cơ hội đạt được những thỏa thuận về cải cách WTO để làm hài lòng Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác. Nhiều quốc gia khác đã hưởng ứng với Mỹ để chỉ trích những rào cản mà Bắc Kinh dựng lên đối với thị trường và chính sách công nghệ của họ.
TT TRUMP MUỐN ĐÁ ĐÍT TẬP CẬN BÌNH VĂNG RA KHỎI WTO?
Trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg ngày 30/8/2018, TT Trump không che giấu ý định sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nếu họ không chịu thay đổi. Nếu TT Trump thực hiện lời đe dọa đó, cũng chẳng có gì bất ngờ, bởi nó giống như cách ông đã làm với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, giống như chuyện Washington rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ…
Nhưng, ngày 3/7/2018, Peter Morici, cựu kinh tế gia hàng đầu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ “United States International Trade Commission” (USITC) cho biết, Hoa Kỳ không nên rời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà nên đẩy TC ra khỏi tổ chức này.
Trong một cuộc phỏng vấn của Fox News, ông Morici cho biết: “Tàu Cộng vào WTO, nhưng không phải là một nền kinh tế thị trường, cho nên nước này đã đẩy chiếc xe hàng khổng lồ chui khoảng trống sơ hở của WTO, đây là vấn đề cơ bản thứ nhất. Chúng ta không cần phải rút khỏi WTO mà chúng ta phải đẩy tàu Cộng ra ngoài WTO”. Morici cũng chỉ trích các hoạt động thương mại không công bằng của TC, bao gồm cả hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ. “Tàu Cộng được điều khiển bởi những kẻ lừa đảo và côn đồ, một tổ chức “xã hội đen” được gọi là những nhà lãnh đạo quốc gia,” ông nói. “Bí quyết trong cuộc chiến thương mại là các nước trên thế giới cùng đoàn kết lại để xử lý vấn đề TC”.
Một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của TT Trump vừa đưa ra đề nghị có thể “trục xuất Tàu Cộng” ra khỏi tổ chức WTO. Trả lời trong cuộc phỏng vấn của BBC, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của TT Mỹ, nói TC “đã thiếu cư xử” với tư cách của một hội viên WTO. Ông cũng tuyên bố rằng, tổ chức này đã làm Hoa Kỳ thất vọng, ông cũng cho rằng chiến lược cứng rắn của TT Trump về thương mại quốc tế đang đạt hiệu quả. Ông Hassett đặt ra 3 giải pháp để giải quyết tình trạng trên như sau:
·        Thông qua đàm phán song phương.
·        Cải cách WTO.
·        Loại Tàu Cộng ra khỏi WTO.
Lựa chọn cuối cùng được cho là lựa chọn ít được mong muốn nhất, bất đắc dĩ nhất của Tiến sĩ Hassett và ông nêu đề nghị này dưới dạng một câu hỏi: “Chúng ta có nên theo đuổi việc trục xuất TC ra khỏi WTO?”
Gần đây, do sự leo thang của cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và TC, một số hội viên đã đưa ra đề xuất cải cách WTO. TT Pháp Macron cho biết, EU sẽ làm việc với Mỹ, TC và Nhật Bản tại Hội nghị G20 vào cuối năm tổ chức ở Argentina để cùng nhau phác thảo một kế hoạch chi tiết cho cải cách WTO.
Rõ ràng tổ chức của WTO đã trở nên lỗi thời. Nhiều nhận định gia những bước đi gần đây của chính quyền TT Donald Trump đã biến WTO từ tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới về thương mại, trở thành một lựa chọn “để cho có” và các quốc gia có thể xé bỏ cam kết với WTO bất cứ lúc nào nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Các quan chức và nhà ngoại giao nước ngoài nay thừa nhận, kỳ vọng đưa Tàu Cộng hội nhập với nền kinh tế thế giới sẽ thúc đẩy nước này tôn trọng các giá trị tự do - dân chủ là một thất bại. Hậu quả của thất bại này khiến nhiều chuyên gia lo ngại trong tương lai của cả hệ thống WTO sẽ vô hiệu quả và tê liệt.
KẾT LUẬN:
Từ khi được kết nạp vào tổ chức WTO, Bắc Kinh tiếp tục lũng đoạn tổ chức WTO từ năm này qua năm khác. Bắc Kinh đã vi phạm những nguyên tắc căn bản của thị trường tự do như cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, không được dùng những thủ đoạn lừa đảo gian manh, mưu ma chước quỷ là yêu cầu tối thượng. Nhưng, Bắc Kinh đã phớt lờ những nguyên tắc này. Xin đơn cử vài thí dụ điển hình:
·        Rất nhiều ngành sản xuất tại Đại Lục với sự tiếp tay từ nguồn lực chính phủ Bắc Kinh, khiến cho giá thành của sản phẩm trở nên quá rẻ, nên khi xuất cảng ra thế giới khiến cho các nhà sản xuất ở các nước có nền kinh tế thị trường minh bạch phải điêu đứng. Có rất nhiều sản phẩm của Tàu Cộng như nhôm, thép, những tấm pin năng lượng mặt trời… với giá thành quá rẻ khi nó được sản xuất ra thị trường thế giới, chúng bóp nghẹt các nhà sản xuất của nhiều quốc gia của châu Âu và Hoa Kỳ.
·        Với sự tiếp tay của chính phủ Bắc Kinh vào kinh tế. Đó là mánh khoé của bọn gian thương Tàu Cộng được nhà nước âm thầm tài trợ cho từng ngành sản xuất để hạ giá thành. Sự hạ giá này sẽ làm phá sản các nhà sản xuất trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Thế nhưng, các nhà hoạch định chính sách cho WTO không tiên liệu những thủ đoạn lưu manh này của TC, nên không có luật lệ ràng buộc TC nên Bắc Kinh tha hồ tác oai, tác quái lũng đoạn WTO.
·        Theo The Washington Post, các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, TC tiếp tục ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại từ giới doanh nghiệp của Mỹ để phát triển nền kinh tế và quân sự của họ, là mối đe dọa nghiêm trọng cho giới doanh nghiệp của Mỹ. Họ còn dùng chiêu sử dụng các công ty bình phong để che giấu bàn tay của chính phủ Bắc Kinh trong việc thâu tóm công nghệ của Hoa Kỳ.
Các chuyên gia Mỹ đưa ra vài đề nghị căn bản với Tổng thống Donald Trump để chấm dứt tình trạng Bắc Kinh lủng đoạn Tổ chức WTO:
·        Mỹ rút khỏi tổ chức WTO.
·        Đề nghị cải cách WTO.
·        Loại Tàu Cộng ra khỏi WTO.
Trong 3 đề nghị này, tôi nhận thấy đề nghị của ông Kevin Hassett và Peter Morici: “Hoa Kỳ không nên rời khỏi tổ chức Thương mại Quốc tế WTO, mà nên đẩy Tàu Cộng ra khỏi Tổ chức WTO” là đề nghị khả thi.
      Tổng hợp & Nhận định
     Nguyễn Vĩnh Long Hồ
             25/11/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét