Không Quân VNCH, Tháng Tư, 1975: Đại bàng bị ‘buộc’ cánh
Trần Lý
Một phi cơ của Không Quân VNCH. (Hình: nationalinterest.org)
LTS: Bốn mươi ba năm qua từ khi “Bầy chim vỡ tổ” đem theo niềm đau viễn xứ, xin nhìn lại khoảng thời gian xưa để cùng suy nghĩ thân phận nhược tiểu.Sau ngày ngưng chiến 27 Tháng Giêng, 1973, Không Quân VNCH được xếp vào không lực đứng hàng thứ tư trên thế giới về số lượng phi cơ với 2,075 chiếc, gồm 25 loại khác nhau. Không Quân VNCH có đến 65 phi đoàn, quân số lên đến 61,147 người.
Bài viết xin góp nhặt một số dữ kiện được ghi nhận trong:
-Air War over South Vietnam 1968-1975 (Bernard C. Nalty).
-Flying Dragons: The SouthVietnamese Air Force (Robert C. Mikesh).
-Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa (Cao Văn Viên).
-Quân Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (Lý Tưởng Úc Châu).
-Vietnam from Cease-Fire to Capitulation (William Le Gro).
-The Fall of South Vietnam: Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders
(Rand Corporation).
Những vấn đề từ phi cơ
Không Quân VNCH, trước ngày “Ngưng bắn theo Hiệp Định Paris,” đã được nhận (đúng hơn là bắt buộc phải nhận) một số lượng phi cơ và quân dụng vượt quá khả năng tiếp nhận qua các chương trình chuyển giao quân cụ Enhance và Enhance plus.
Những phi cơ “ồ ạt” bàn giao gồm các phi cơ vận tải C-130, phi cơ tuần tra ven biển RC-119G, phi cơ phản lực F-5, A-37, và những trực thăng UH-1 và CH-47 tử Lục Quân Hoa Kỳ và vài loại khác như các phi cơ quan sát O-2, huấn luyện T-37..
Phi cơ thì nhiều nhưng nhân viên bảo trì và phi công lại chưa đủ để sử dụng. Tướng Jimmy L. Jumper, trưởng toán Cố Vấn Không Quân, cho rằng: “Cứ có quân dụng sẵn đi, rồi tính sau.”
Nhưng trên thực tế, việc bàn giao phi cơ và quân dụng khẩn cấp, “thiếu tính toán (?)” này đã đặt Không Quân VNCH vào một tình trạng bất ngờ và rối rắm.
-Các phi cơ C-130, đã cũ và hao mòn nhiều, đòi hỏi sự tu bổ và bảo trì của 199 nhân viên dân sự hoạt động theo hợp đồng giữa chánh phủ Hoa Kỳ và Công Ty Lear Sigler, ngoài ra còn phải trả thêm chi phí thuê bao cho hai nhân viên kỹ thuật đại diện của Công Ty Lockheed (mọi chi phi dĩ nhiên là tính hết vào ngân khoản viện trợ).
-Chương trình RC-119G là chương trình xài tiền viện trợ mà không hoạt động được, tuần thám ven biển không hiệu quả như ước tính trên giấy tờ! Trên nguyên tắc các phi công đã từng bay C-119 và C-47, sau khi xuyên huấn sẽ có thể điều khiển RC-119G dễ dàng, nhưng vấn đề là không có các nhân viên phi hành, và việc chuyển 13 chiếc AC-119G thành RC-119G lại quá tốn phí: mất hơn $4 triệu! Khi phi cơ được chuyển đổi xong, vấn đề hoạt động chiến thuật lại gặp trở ngại: các tàu, thuyền vận tải xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt trang bị súng phòng không và hỏa tiễn SA-7 gây khó khăn cho các phi cơ bay chậm và hơn nữa, do được hoạt động gần như tự do trên đường mòn Hồ Chí Minh, Cộng Sản Bắc Việt hầu như không cần đến việc tiếp tế bằng đường biển nữa!
-Phi cơ khu trục yểm trợ Bộ Binh A-1, theo dự kiến sẽ được dùng thả các loại bom cải tiến thay cho bom napalm (xăng đặc) thành bom “chứa khí đốt hóa lỏng = propane bomb” cũng đang ở vào thời gian cuối của “tuổi thọ.” Cấu trúc phi cơ đã vượt quá thời gian được phép sử dụng. Skyraider không thể chúi theo gốc độ hẹp hơn 30 độ, và không thể “kéo” được quá 4 Gs (gấp bốn lần sức hút của trái đất). Các giới hạn kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến khả năng oanh kích của phi cơ, giới hạn sự hữu hiệu của các phi vụ yểm trợ hỏa lực.
-C-47, loại phi cơ vận tải sản xuất từ thời 1930, tuy vẫn còn khá hữu hiệu trong các phi vụ thả hỏa châu soi sáng chiến trường và trợ giúp các tiền đồn khi bị Cộng Quân tấn công, lại được dự trù chuyển đổi thành các EC-47s để dùng trong các phi vụ không thám. Các trang thiết bị trên các EC-47 từ Hoa Kỳ chuyển giao sang cho VNCH đã bị hư hại và “hao mòn” nhiều qua thời gian sử dụng liên tục, không được tu bổ, sửa chữa kịp thời. Nhân viên khai thác tin tức và không ảnh thiếu kinh nghiệm, không ước đoán nổi tình hình và không ảnh sau khi chụp, phải mất đến năm ngày để đến tay nhân viên khai thác (?).
-Trực thăng UH-1, thành phần chính trong lực lượng trực thăng của Không Quân VNCH: Số lượng phi cơ tiếp nhận vượt quá khả năng bảo trì, chưa kể sự chậm trễ trong việc cung cấp các cơ phận thay thế.
-Phi cơ Caribou C-7 hầu như ngưng hoạt động vì không còn cơ phận sữa chữa, phải dùng phương thức tháo bộ phận còn tốt của phi cơ nằm ụ để thay cho phi cơ khác khi cần.
Từ dự kiến đến thực tế
Vào mùa Hè 1974, Các Bộ Chỉ Huy Không Quân Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương và Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận Không Quân Hoa Kỳ đã xem xét lại cơ cấu tổ chức của Không Quân VNCH để đưa ra những khuyến cáo trong mục đích giúp VNCH tự chống trả những cuộc tổng tấn công kiểu mùa Hè đỏ lửa (1972) của Cộng Sản Bắc Việt. Tuy đứng trước tình hình Quốc Hội Hoa Kỳ và áp lực của công luận Mỹ đang dự trù cắt giảm viện trợ, bản khuyến cáo này vẫn dựa trên “giả thuyết Không Lực Hoa Kỳ sẽ can thiệp khi VNCH bị tấn công!”
Một số điểm được nêu ra:
-Vấn đề thu thập tin tình báo: Nhóm nghiên cứu cho rằng với lực lượng không thám cơ hữu gồm 12 chiếc RC-47, 32 chiếc EC-47 và 7 chiếc RF-5, có thể tạm đủ nhưng đề nghị chia RF-5 thành hai nhóm, đồn trú tại Đà Nẵng và Biên Hòa (thay vì tập trung hết tại Biên Hòa) để RF-5, vì tầm hoạt động tương đối hẹp, có thể bao vùng dễ dàng hơn và Không Quân VNCH cần áp dụng thêm kỹ thuật chiến lược, hỗ trợ cho RF-5 bằng cách dùng RC-47 hay EC-47 thả hỏa châu trên khu vực cần chụp không ảnh, để giúp RF-5 tránh hỏa tiễn SA-7.
-Bản nghiên cứu cho rằng với 200 phi cơ quan sát hướng dẫn mục tiêu oanh kích, Không Quân VNCH có đủ lực lượng để hoạt động hữu hiệu. Phi cơ U-17 tuy được đánh giá là loại thích hợp nhất cho các phi vụ vận tải nhẹ và liên lạc, nhưng không thích hợp cho các quan sát viên. Sự đe dọa của SA-7 đưa đến đề nghị nên sử dụng các nhân viên điều khiển yểm trợ ở ngay tại chiến trường dưới đất và dùng F-5 như một phi cơ hướng dẫn mục tiêu ở những khu vực Cộng Sản Bắc Việt đặt hệ thống phòng không dày đặc.
-Sự thay đổi từ các F-5 A, B sang F-5E được xem là rất thích ứng để Không Quân VNCH có thể bảo vệ không phận chống trả các MiG-21 và một phi đoàn F-5E đặt tại Đà Nẵng là tốt nhất, để khi cần có thể “tung” ra được 20 phi xuất trong vòng 2 giờ.
-Về phương diện vận chuyển, bản nghiên cứu ghi nhận số lượng phi cơ vận tải, dù hoạt động hết năng suất, cũng sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu vận chuyển của Quân Lực VNCH. Quản trị thật tốt cũng không thể tăng nổi năng suất.
-Lực lượng trực thăng, có vẻ như tạm đủ (?). Số lượng trực thăng UH-1 sử dụng trong các cuộc hành quân không vận của Quân Lực Hoa Kỳ vào khoảng 842 chiếc, nhưng với Quân Lực VNCH con số 640 có thể vừa đủ vì VNCH không có đủ khả năng “hành quân không vận” trên các chiến trường rộng lớn, con số CH-47 được xem là thích hợp để dùng trong các nhu cầu vận chuyển nặng và gần.
-Con số phi cư khu trục và tấn kích, theo bản nghiên cứu, được xem là thiếu 127 chiếc, tuy nhiên có thể dùng các AC-47 và AC-119K để giúp tăng hỏa lực khi cần. Chỉ cần tu bổ và bảo trì tốt, các F-5s, A-37 và A-1s có thể giúp chống đỡ đuợc các đợt tấn công của Cộng Sản Bắc Việt.
Một phi cơ tại Phan Rang năm 1971. (Hình: wikipedia.org)Dự kiến trên có vẻ như Không Quân VNCH sẽ có thể yểm trợ hữu hiệu cho Bộ Binh trên chiến trường nhưng ngay từ khi bản nghiên cứu được công bố, Tướng John Murray (Tháng Mười, 1974) đã cảnh cáo là “có rất nhiều điểm thiếu sót và khiếm khuyết , để giới hạn sự hữu hiệu (được bản nghiên cứu cho là) của Không Quân VNCH” (Tuớng John Murray là trưởng toán Cố Vấn DAO gồm 50 nguời, hoạt động phối hợp cạnh Quân Lực VNCH, kiểm soát các nhà thầu dân sự trong các hoạt động yểm trợ về bảo trì và tiếp liệu. DAO không trợ giúp VNCH về các vấn đề quân sự. DAO được đặt dưới quyền chỉ huy tổng quát của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin).
Theo nhận xét của Murray:
-Các phi công VNCH rất can đảm và liều lĩnh nhiều khi vượt quá mức cần thiết. Để tránh nguy cơ bị bắn hạ do SA-7 và các hệ thống phòng không điều khiển bằng radar của Cộng Sản Bắc Việt, họ ít khi liều lĩnh tấn công các mục tiêu dưới đát, từ cao độ dưới 10,000 feet. Các tai nạn do liều mạng và bất tuân luật lệ an phi, chở “thêm” người trái phép (joyriding), đậu phi cơ bất kể nơi quy định, có khi “say xỉn” đã làm Không Quân VNCH mất số lượng phi cơ tương đương với một phi đoàn?
-Trong khi các phi công tự làm hao hụt phi cơ thì phòng không Cộng Sản Bắc Việt gây thêm những tổn thất. Cho đến Tháng Sáu, 1964, Cộng Quân đã bắn 136 quả SA-7, trị giá khoảng $680,000 để bắn hạ 23 phi cơ VNCH trị giá đến $12 triệu. Vũ khí phòng không của Cộng Quân đã tỏ ra nguy hiểm đến mức VNCH không còn kiểm soát nổi những vùng không phận dọc biên giới Miên, Lào và như tại Vùng I, phi cơ của Không Quân VNCH hầu như chỉ hoạt động trên vùng ven biển. Tai nạn và hỏa lực của Cộng Quân đã làm Không Quân VNCH mất 237 phi cơ (trong khoảng thời gian 23 tháng sau ngày đình chiến).
-Chi phí cho Không Quân VNCH trong Tài khóa 1974 lên đến $382 triệu, chưa kể chi phí về bom đạn.
Tốn kém hơn cả chi phí cộng chung của Lục Quân và Hải Quân! Không Quân còn đòi hỏi thêm sự cộng tác của 1,540 chuyên viên yểm trợ từ Nhà Thầu Quốc Phòng Mỹ như Lear Sigler, trong khi dó Lục Quân chỉ cần 723 nhân viên và Hải Quân cần 61 người. Trong số 466 nhân viên dân sự do chính phủ Hoa Kỳ gửi giúp Quân Lực VNCH thì 202 người làm việc cho Không Quân. Tướng Murray đã cho rằng Không Quân VNCH quá tốn kém để hoạt động trong một không phận bị thu hẹp.
Cơ cấu tổ chức
Bernard Nalty ghi: Tuy các cố vấn Hoa Kỳ đã cố gắng, qua trên 10 năm để tổ chức Không Quân VNCH theo kiểu Không Quân Hoa Kỳ nhưng không thành công. Mục tiêu để có một sĩ quan Không Quân chỉ huy lực lượng Không Quân biệt lập trong Quân Lực VNCH đã không đạt được trong suốt thời gian cuộc chiến.
Cách hoạt động của Quân Lực VNCH là các Tướng Vùng, toàn là Bộ Binh, có toàn quyền trên các đơn vị, kể cả Không Quân, trong Vùng của họ. Người sĩ quan Không Quân, chỉ huy Trung Tâm Hành Quân Chiến Cuộc Không Quân điều hành các phi vụ hành quân yểm trợ trong Vùng trách nhiệm, thường là một đại tá hay trung tá Không Quân phải báo cáo với sĩ quan chỉ huy hành quân của Vùng (là sĩ quan Bộ Binh), đồng thời liên lạc với các Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn trực thuộc Quân Đoàn. Không Quân VNCH không có những Bộ Chỉ Huy theo kiểu Hoa Kỳ và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH hầu như gồm toàn sĩ quan Bộ Binh.
Không Quân VNCH thiếu khả năng hành quân “mềm dẻo” kiểu Hoa Kỳ. Đa số các phi vụ đều đã được “dự trù” theo kế hoạch định trước; rất ít khi trung tâm điều hành hành quân có thể thay đổi mục tiêu oanh kích phù hợp với nhu cầu chiến trường! Các quyết định “cứng ngắc” trong các phi vụ oanh kính hoàn toàn tùy thuộc vào sĩ quan liên lạc không trợ, chỉ định đi theo đơn vị hành quân và quan sát viên chỉ điểm mục tiêu trên phi cơ quan sát. Sĩ quan liên lạc không trợ bên cạnh các Bộ Tư Lệnh cao hơn cấp tiểu đoàn thường là những sĩ quan Không Quân trung cấp, được huấn luyện cấp tốc và có nhiều khi không phải là phi công, và dù cho họ từng là phi công, họ cũng chỉ đóng những vai trò phụ thuộc trong các kế hoạch hành quân do các sĩ quan Bộ Binh vạch ra. Các sĩ quan Bộ Binh sau khi được học một khóa cấp tốc 30 ngày về Không Quân, được đưa vế cấp Tiểu Đoàn để phụ trách liên lạc không trợ.
Khả năng yếu kém của Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận Không Quân trong việc theo dõi chiến cụ tồn kho cũng gây thêm trở ngại cho vấn đề thiếu cơ phận bảo trì. Tính đến cuối Tháng Mười, 1973, Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận Không Quân có nhận số đáp ứng 92% cấp số dự trù nhưng thiếu kinh nghiệm và chỉ được huấn luyện cấp tốc về tiếp vận. Máy điện toán tại các Bộ Chỉ Huy giữ các dữ kiện về hàng tiếp liệu tại các kho Vùng thường bị trở ngại trong các mùa Xuân và Hè (?). (Năm 1973, trong thờì gian kéo dài đến 30 ngày, hệ thống điện toán tiếp vận Không Quân tại căn cứ Tân Sơn Nhất hầu như ngưng hoạt động đến 65%, một hệ thống điện toán lưu động đặt tại căn cứ Clark, ở Philippines đã phải can thiệp và trong khoảng thời gian từ Tháng Bảy đến Tháng Chín đã giúp chuyển vận, giải quyết đến 400,000 trường hợp).
Những con số viện trợ và tiếp liệu
Vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ được Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân Lực VNCH, ghi nhận riêng về phần ngân khoản dành cho Không Quân như sau: “Sau khi ngân khoản bổ túc $300 triệu bị Quốc Hội Hoa Kỳ bác bỏ, ngân khoản được cấp cho Quân Lực VNCH chỉ còn $700 triệu (nghĩa là chỉ đủ cho phân nửa nhu cầu tối thiểu của quân đội VNCH).”
Không Quân: cần $414 triệu, được nhận $183 triệu (44% ngân khoản yêu cầu).
Với số ngân khoản ít hơn, Không Quân VNCH phải:
-Linh động 200 phi cơ các loại gồm A-1, C-47, C-119 và O-2.
-Hủy bỏ chương trình thay thế phi cơ F-5A bằng F-5E. Tiền dự chi cho 36 chiếc F-5E được hoàn trả cho Hoa Kỳ để chuyển sang các chương trình khác cần thiết hơn.
-Hồi hương 400 sinh viên sĩ quan đang theo học bay phản lực và trực thăng tại Hoa Kỳ.
-Trên 1,000 chuyên viên Không Quân đang theo học Anh Ngữ để chuẩn bị theo học các ngành về bảo trì hay các ngành không phi hành ở ngoại quốc bị đình chỉ và chuyển sang các đơn vị tác chiến.
-Các cắt giảm và thuyên chuyển này gây một tác động tâm lý tiêu cực chung cho Quân Chủng Không Quân.
-Giảm giờ bay thực tập và giảm số phi suất yểm trợ: Không Quân VNCH chỉ cung ứng nổi 50% nhu cầu yểm trợ hỏa lực và 58% nhu cầu không thám, làm giảm rất nhiều khả năng theo dõi sự xâm nhập, tập trung quân và di chuyển của Cộng Sản Bắc Việt.
-Sự vận chuyển bằng trực thăng bị giảm đến 70%, gây trở ngại nhiều cho các nhu cầu tản thương, tăng viện quân và tiếp tế.
-Không vận bằng phi cơ vận tải bị cắt giảm đến 50%: Các C-130, phương tiện chuyển vận chính của Không Quân VNCH bị trưng dụng vào các phi vụ thả bom, do trở ngại về cơ khí, hư hỏng do thiếu cơ phận bảo trì đa số trở thành bất khiển dụng: mỗi ngày chỉ có 4 đến 8 chiếc khả dụng (trong tổng số 32 chiếc đang có).
Quân Sử Không Quân (trang 190) ghi rõ hơn:
-Số phi cơ bị đinh động là 224 chiếc gồm:
+Toàn bộ các A-1 Skyraider: 61 chiếc, tồn trữ trong bọc, rải rác tại nhiều căn cứ (ghi chú của tác giả Trần Lý: Các A-1 của Phi Đoàn 530 Thái Dương tại Pleiku bị đinh động và “đóng gói” để trở thành “chiến lợi phẩm” cho Cộng Sản Bắc Việt khi VNCH rút khỏi Vùng 2).
+Vận tải Caribou C-7: 52 chiếc (tại Pleiku, Phù Cát).
+Phi cơ quan sát O-2 Skymaster: 31 chiếc.
-Vận tải võ trang AC-47, AC-119: 34 chiếc.
-Một số trực thăng UH-1: 31 chiếc.. (Theo The Flying Dragon: trong số phi cơ bị đinh động còn có cả các T-37 và T-41 của Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang).
Đại Tá Le Gro: Số phi đoàn bị cắt giảm từ 66 xuống 56; không có phi cơ để thay thế cho 162 chiếc bị thiệt hại, giờ bay cắt giảm, bớt nhân viên dân sự Hoa Kỳ yểm trợ.
Quân Sử Không Quân cho biết thêm: “Vì bom đạn và nhiên liệu dự trữ chỉ đủ dùng trong hai tháng, các phi vụ bị hạn chế tối đa. Các phi cơ khu trục chỉ được trang bị phân nửa bom đạn và mỗi trái bom thả phải báo cáo về Bộ Tư lệnh QK! Đây là khoảng thời gian duy nhất trong cuộc chiến KQVN thặng dư phi công! Hơn nữa cũng vì lý do ngân sách, Không Quân VNCH đã phải cho đóng cửa các căn cứ phụ thuộc ở Cam Ranh, Tuy Hòa và Chu Lai. Các phi trường Phú Bài và Ban Mê Thuột cũng không còn các biệt đội thường xuyên trú đóng.
Phi cơ khu trục yểm trợ Bộ Binh A-1 Skyraider tại Đà Nẵng năm 1973. (Hình: wikipedia.org)Tình hình tiếp liệu
Những ghi nhận từ Tổng Cục Tiếp Vận còn có phần “bi đát” hơn:
-Đại Tá Phạm Kỳ Loan, tổng cục phó Tổng Cục Tiếp Vận, cho biết (về phần liên hệ đến Không Quân): “Trở ngại quan trọng nhất cho chúng tôi là ‘cơ phận thay thế’ nhất là của phi cơ. Một ví dụ là trường hợp của phi cơ vận tài: lực lượng chính là các C-130 A.. Đây là loại phi cơ cũ, không còn dùng trong Không Lực Hoa Kỳ, do đó rất khó tìm được cơ phận thay thế, chúng tôi có 30 chiếc nhưng chỉ dùng được năm chiếc mỗi ngày (tôi biết rất rõ, vì tôi là người cung cấp phương tiện chuyển vận này), cơ phận tuy rồi cũng được gửi đến, nhưng phải chờ sản xuất mỗi khi yêu cầu, đặt hàng vì không có sẵn, và phải chờ khá lâu. Do đó đa số các C-130 phải nằm ụ. Các yêu cầu phải chờ DAO duyệt xét, rồi chuyển sang Okinawa hay đâu đó để thực hiện. Nhu cầu tiếp liệu thường không được cung cấp kịp thời.
Vấn đề đạn dược và xăng dầu là những trở ngại không kém quan trọng: Để tiết kiệm chúng tôi phải giới hạn nhu cầu về hỏa châu (!) và nhiều loại bom, đạn khác. Nhiên liệu quan trọng nhất là GP4 dùng cho trực thăng và phi cơ chiến đấu: Các trực thăng như UH-1 và Chinook đã phải cắt giảm giờ bay. Việc yểm trợ chiến trường do giới hạn của Không Quân đành phải chuyển sang Pháo Binh, và Pháo Binh cũng không cón đạn!
Ghi nhận của các vị chỉ huy Không Quân
Nếu chỉ nhìn qua con số hơn 2,000 phi cơ các loại vào ngày Ngưng Bắn thì Không Quân VNCH sẽ là một lực lượng quan trọng để giữ cân bằng cán cân quân sự đối đầu với Cộng Sản Bắc Việt, nhưng trên thực tế lại không xảy ra như dự kiến. Đối với Quân Lực VNCH khi nói đến không yểm của Không Quân, các cấp chỉ huy (ngay cả Tổng Thống Thiệu) đều nghĩ ngay đến B-52 cùng các phi cơ phản lực tân tiến nhu F-4 kèm theo sự tin tưởng là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục can thiệp bằng B-52 (như năm 1972) khi Cộng Sản Bắc Việt vi phạm Hiệp Ước Paris.
Tuy nhiên sự mất hữu hiệu của Không Quân VNCH còn do một số yếu tố chiến thuật. Một sĩ quan cao cấp Không Quân VNCH (sau khi được huấn luyện như một sĩ quan pháo binh, rồi chuyển sang Không Quân) cho biết: “Không Quân bị giới hạn do việc chỉ huy các phi cơ được đặt dưới quyền các Tư Lệnh Vùng và nhiệm vụ duy nhất của Không Quân là yểm trợ Bộ Binh, điều đó trên căn bản có nghĩa là khi Bộ Binh không ngăn chặn được địch quân thì sẽ phải dùng đến Không Quân. Tuy nhiên, trên chiến trường, việc tập trung hỏa lực không phải do Không Quân quyết định mà do Bộ Tổng Tham Mưu, vì Bộ Tổng Tham Mưu là nơi phân phối các phi vụ, bao gồm cả số phi xuất và loại bom cho phép thả. Bộ Tổng Tham Mưu làm điều này bằng quyết định con số phi cơ cấp cho mỗi Vùng; và Không Quân không có quyền chỉ định số phi xuất và loại bom đạn sử dụng mà phải do Tư Lệnh Vùng quyết định và cho phép.”
Về khả năng của phi cơ, ông cho biết thêm: “F-5 là một loại phi cơ rất tốt, các phi công rất thích bay loại này, nhưng F-5 không thích hợp cho chiến trường Việt Nam. Phi cơ tốt nhưng không đủ trọng tải và tầm hoạt động giới hạn, chỉ bay được trong 1 giờ 15 phút. Chúng tôi cần những phi cơ có thể thả bom trên những cao độ ngoài tầm sát hại của SA-7. Với sự cố vấn của Không Quân Hoa Kỳ, chúng tôi tìm ra phương pháp thả bom từ cao độ trên 10,000 feet. Nhưng trên thực tế cách thả bom này đã làm đi mất sự chính xác khi oanh kích.” (Anthony Tambini, một chuyên viên bảo trì F-5, cạnh Không Quân VNCH, cho biết [trong F-5, Tigers over Vietnam]: F5-A và B mang được tối đa 6,200 lb bom đạn, khi mang trọng lượng tối đa này, kể cả 500 viên đạn đại bác 20 mm, tầm hoạt động là 220 mile; F-5E, tuy mang lượng bom đạn cao hơn 8,000 lb và 560 viên 20 mm nhưng tầm hoạt động chỉ còn 200 mile. Trong khi đó A-37 mang tối đa 5,400 lb trong tầm 460 mile).
Đại Tá Vũ Văn Uớc, chỉ huy Hành Quân của Không Quân VNCH, cho biết: “Đa số các phi cơ của Không Quân VNCH được chế tạo từ 10, 15 và thậm chí từ 30 năm trước, ngoại trừ các A-37 (chế tạo mới dựa theo T-37) và các F-5E. Các phi cơ cũ rất chậm so với khả năng của phòng không Cộng Sản Bắc Việt, nhất là SA-7 và các đại bác cỡ lớn có thể bắn hạ phi cơ ở cao độ 18,000 feet.. Nói cách khác, phi cơ của Không Quân VNCH là mục tiêu khá dễ bắn hạ của Cộng Sản Bắc Việt trong những năm 1973-75 khi họ tập trung các lực luợng phòng không dày đặc tại các chiến trường mà họ đã chọn lựa sẵn. Cộng Sản Bắc Việt thay đổi chiến thuật, di chuyển rất nhanh khi tấn công vào các thị trấn chọn sẵn tại những nơi Không Quân VNCH gặp nhiều trở ngại khi yểm trợ quân trú phòng.
Sự liên lạc giữa lực lượng dưới đất và không quân trên cao rất yếu kém, nên việc yểm trợ từ trên không mất đi sự hữu hiệu. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Bộ Binh VNCH không bảo vệ an toàn được cho các phi trường nên Không Quân không thể hoạt động. Nếu các căn cứ Không Quân có được sự bảo vệ cần thiết thì Không Quân có thể hữu hiệu hơn. Chúng tôi mất khả năng tấn công địch quân vì các căn cứ bị pháo kích liên tục. Trực thăng không phải là một phương tiện chuyển vận tốt trong chiến tranh du kích, và khi sử dụng C-130, mỗi khi đáp và cất cánh phi trường đều bị pháo kích. Muốn được an toàn, Bộ Binh cần giúp bảo vệ một khu vực ít nhất 20 mile quanh căn cứ Không Quân. Bộ Binh không đủ sức bảo vệ căn cứ nên Không Quân không thể hoạt động!
Vài con số trong những ngày sau cùng
Vào thời điểm đầu Tháng Giêng, 1975: Lực lượng khu trục của Không Quân VNCH được ước lượng là còn khoảng 390 phi cơ gồm các loại A-37 và F-5, trong số này 90% ở tình trạng hoạt động được, được ước tính thì là 273 phi cơ.
-Sau khi “mất” Vùng 1 và Vùng 2, Bộ Tổng Tham Mưu bắt đầu cung cấp các phi vụ yểm trợ cho các Vùng 3 và 4 theo kế hoạch từng ngày, và lầu đầu tiên trong cuộc chiến, Bộ Tư Lệnh Không Quân Chiến Thuật tại Tân Sơn Nhất được “chia” cho 20 phi suất mỗi ngày và được tự chọn mục tiêu oanh kích!
-Trong khoảng thời gian từ 1 đến 19 Tháng Tư, 1975, KQVN thực hiện được trung bình mỗi ngày 180 phi vụ chiến đấu trong đó Bộ Tổng Tham Mưu dành 100 cho Vùng 3 và 60 cho Vùng 4. Riêng trong trận Xuân lộc (Long Khánh), Không Quân VNCH đã yểm trợ trên 600 phi suất.
-Vào thời điểm Xuân Lộc, Không Quân VNCH còn 1,492 phi cơ, trong đó 976 chiếc hoạt động được, 135 chiếc hư hỏng và 381 chiếc bị bắn hạ và vứt bỏ. Lực lượng khu trục còn đuợc 169 chiếc A-37 và 109 chiếc F-5 các loại A, B và E/ trong đó 92 A-37 và 93 F-5 bay được (có thể kể thêm khoảng 10 chiếc A-1 đem ra dùng lại). Ngoài ra còn một số AC-119 góp phần, chung sức với A-1 Skyraider trong những phi vụ cuối cùng trên không phận Sài Gòn. (Trần Lý, nguồn: Trang Web Bạn Văn Nghệ của Trần Yên Hòa)
Best content & valuable as well. Thanks for sharing this content.
Trả lờiXóaApproved Auditor in DAFZA
Approved Auditor in RAKEZ
Approved Auditor in JAFZA
i heard about this blog & get actually whatever i was finding. Nice post love to read this blog
Approved Auditor in DMCC
Good luck & keep writing such awesome content.
Trả lờiXóaVirgin Linseed Oil BP
flaxseed oil