Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, tại Buenos Aires, Argentina - Từ ngày 30-11-2018 đến ngày 01-12-2018
“Những gì chúng ta thường dễ thấy nhất trong những tháng năm sắp tới sẽ là hai siêu cường đang tranh giành ưu quyền tối thượng trên sân khấu quốc tế. - What we will most likely see in the coming months and years ahead are the two superpowers vying for supremacy on the international stage." -James Floyd Downes
Trần Trung Tín
Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 của 19 quốc gia và Liên Minh Âu Châu (EU) được tổ chức tại Buenos Aires, Argentina sẽ diễn ra từ ngày 30-11-2018 đến ngày 01-12-2018.
Trong lần hội nghị này, trước viễn ảnh của cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ có thể lan rộng, gần như trọng tâm của sự chú ý đều đổ dồn vào hai vị lãnh đạo của hai quốc gia này. Tuy nhiên, cả Trung Hoa và Hoa Kỳ xem ra đều không ở trong trạng thái thực sự muốn hòa giải.
Dù vậy, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hoa này ở Buenos Aires trong hội nghị G20 này đã được nhiều nơi xem đó là cơ hội cuối cùng để Washington và Bắc Kinh giải quyết sự khác biệt về mậu dịch và bỏ đi phần thuế nhập cảng của Hoa Kỳ nhắm đánh vào các mặt hàng xuất cảng của Trung Hoa trong năm tới.
Dù vẫn có những bất đồng nặng nề và Hoa Kỳ càng ngày càng tỏ ra hoài nghi về sự hữu ích của các tổ chức đa quốc gia, nhưng các quốc gia thành viên của G20 vẫn nhấn mạnh rằng diễn đàn vẫn là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ và trao đổi quan điểm về các vấn đề khẩn thiết.
Tuy nhiên, trước những căng thẳng xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa ngay trong thời gian tiền hội nghị, thì hy vọng về kết quả khả quan có thể gặt hái được sau cuộc họp trong tuần này giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình tại G20 ở Argentina đang bị giảm dần.
Thời gian vừa qua, vào ngày 4-10, trong bài phát biểu tại Hudson Institute (1), Phó Tổng Tống Hoa Kỳ Mike Pence đã chỉ trích Bắc Kinh dữ dội. Tờ Guardian (2) đã đánh giá những chỉ trích của ông Pence cũng tương tự như điều mà Thủ Tướng Anh Winston Churchill đã đưa ra trong bài diễn văn Bức Màn Sắt (Iron Curtain speech) vào năm 1946, đã báo trước cuộc chiến tranh lạnh.
Tương tự, theo nhận xét của Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger tại Hoa Kỳ và Trung Hoa tại Trung tâm Wilson (Director of the Kissinger Institute on the United States and China at the Wilson Centre) thì bài phát biểu trên là một “tuyên ngôn của mối quan hệ hoàn toàn đối nghịch với Trung Hoa (a declaration of a comprehensively adversarial relationship with China)."
Theo Cary Huang viết trên tờ South China Morning Post, những gì ông Pence nói “báo hiệu một sự thay đổi tận gốc trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa: từ nửa thế kỷ tham gia (engagement) sau chuyến thăm Trung Hoa của ông Nixon vào năm 1972, nay quay trở lại chính sách ngăn chặn (containment) đã từng được đề cao bởi các thành phần diều hâu trong chiến tranh lạnh."
Tiếp đó, vào ngày 17-11, tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea, sự đối nghịch giữa hai bên càng được bày ra rõ rệt khi Chủ Tịch Tập và Phó Tổng Thống Pence đã trao đổi những chỉ trích nhắm vào nhau (3), dù rằng người này không lắng nghe phát biểu của người kia, nhưng cả hai đều nhắm tới cuộc chiến tranh mậu dịch. Ông Tập tấn công vào chủ nghĩa bảo hộ "American First" của Mỹ. Và ông Pence nhắm vào Bắc Kinh với “Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường.”
Vài ngày sau, theo tin CNN, vào ngày 20-11, Cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc, ông Larry Kudlow, dự đoán sẽ có một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Hoa về mậu dịch (4) tại G20.
Cũng trong ngày 20-11, từ Văn phòng Đại diện Mậu dịch Hoa Kỳ Mỹ, ông Robert Lighthizer đã phát hành một thông cáo báo chí (5)cho biết rằng "Trung Hoa đã không thay đổi tận gốc cách hành xử không công bằng, không hợp lý, và bóp méo thị trường" (China has not fundamentally altered its unfair, unreasonable, and market-distorting practices).
Đây là một phần của bản cập nhật điều tra "Mục 301" (6) của Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ liên quan đến các hành vi của Trung Hoa về chính sách sở hữu trí tuệ và chuyển giao kỹ thuật của họ. Chính quyền Mỹ tố cáo Trung Hoa tìm kiếm sự thống trị kỹ nghệ toàn cầu trong các khu vực kỹ thuật cao như robot và năng lượng tái tạo thông qua những phương cách bất hợp pháp. Những việc đó bao gồm đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bằng cách ép buộc hoặc gây áp lực lên các công ty Hoa Kỳ có mặt tại Trung Hoa để họ phải giao nộp hoặc bán lại các tài sản đó cho các công ty do nhà nước Trung Hoa tài trợ, xâm nhập và làm gián điệp kỹ nghệ cũng như cung cấp sự tài trợ lớn lao cho các công ty của họ và đem bán phá giá, dưới giá của thị trường.
Những chỉ trích mạnh më như trên rõ ràng là không thích hợp trước khi có hội nghị thượng đỉnh. Và đã có những chỉ trích là việc làm này không có lợi cho cuộc đối thoại xây dựng. Tuy vậy, từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ vẫn yêu cầu Trung Hoa cần phải sửa đổi cách hành xử. Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục bỏ ngoài tai mọi yêu cầu, và họ vẫn điềm nhiên tiếp tục đẩy mạnh những việc làm không công bằng, không hợp lý và chỉ làm lợi cho họ trước sự thiệt hại của các đối tác khác. Do vậy, cũng phải đến lúc Hoa Kỳ phải áp dụng một phương cách đối xử khác - mạnh tay hơn - với Trung Hoa.
Để bác bỏ lời cáo buộc của Hoa Kỳ, thứ Năm ngày 22-11, Phát ngôn viên Bộ Thương Mại Trung Hoa Gao Feng nói với phóng viên(7) rằng chính quyền Trump đã đưa ra những tố cáo mới "hoàn toàn vô căn cứ" và “không kể đến các sự kiện” nhằm chống lại Trung Hoa và “không thể chấp nhận được."
"Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ ngưng lại những lời nói và hành động của họ vốn làm tổn hại đến các mối quan hệ kinh tế và mậu dịch song phương và áp dụng một thái độ xây dựng để đưa các quan hệ đó trở lại đúng vị trí đúng đắn," Gao nói với các phóng viên.
Ngoài ra Bộ Thương Mại của Trung Hoa cũng đang lượng định các ảnh hưởng xuất phát từ một đề xuất (proposal) riêng của Hoa Kỳ nhằm thắt chặt việc kiểm soát các xuất cảng kỹ nghệ. Bộ này nói rằng họ sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Hoa.
Nhận định về sự căng thẳng này, Liu Zhiqin, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Toàn cầu của Đại học Renmin, cho biết, "Ngay bây giờ Mỹ không tin tưởng gì hết vào Trung Hoa và nhiều người ở Trung Hoa hiện nay cũng nghi ngờ sự nghiêm chỉnh của chính quyền Trump trong việc muốn đạt được một giải pháp thực sự. Liệu Trump có thực sự muốn cải thiện mối quan hệ mậu dịch của đôi bên hay Trung Hoa chỉ là một phần của màn trình diễn chính trị của ông ta?"
Trong những năm về trước, Trung Hoa khá thành công với các sách lược đàm phán với nhiều hứa hẹn suông của họ. Nhưng sách lược đó xem ra không còn hiệu nghiệm nữa. Như vị Chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Hoa, William Zarit, nói rằng Washington đã mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. "Qua nhiều năm thảo luận với chính quyền Trung Hoa" đã "chỉ mang lại tiến bộ cỏn con (marginal progress)", ông nói với tờ báo Al Jazeera (8) qua email.
Trong khi đó Trung Hoa vẫn tiếp tục đưa ra "Các luật pháp quy định vẫn đi theo hướng ngược lại với các giá trị của sự công bằng và minh bạch. Chúng tôi muốn thấy chính quyền Trung Hoa đưa ra cách cư xử tương ứng đối với các công ty Hoa Kỳ để họ cảm thấy họ được đón nhận ở Trung Hoa cũng giống như cách của các công ty Trung Hoa được đón nhận tại Hoa Kỳ," Zarit nói.
Các quan sát viên ngoại giao nói rằng sự đụng chạm mạnh trong thời gian qua đã nói lên thực tế về sự cạnh tranh về mặt địa lý chính trị giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ.
Liu Weidong, chuyên viên về các vấn đề Trung Hoa – Hoa Kỳ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Hoa, cho biết trong khi cuộc chiến tranh mậu dịch làm tổn hại cả Trung Hoa và Mỹ, thì Bắc Kinh có thể phải đối diện với nhiều áp lực hơn. Và theo ông, "Cuộc họp này sẽ mang nhiều ý nghĩa đối với Trung Hoa hơn là đối với Hoa Kỳ."
"Bắc Kinh cần phải chuẩn bị," Liu nói, các cường quốc Tây phương đó "có thể không đứng hẳn theo phía của Trung Hoa hay Hoa Kỳ, nhưng họ sẽ ngấm ngầm chấp thuận một số biện pháp của Hoa Kỳ khiến Trung Hoa có thể càng thêm bị áp lực." Liu nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ phải làm một cái gì đó về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hạ thấp thuế quan xuống để chấm dứt chiến tranh mậu dịch.
Mặc dù Chủ Tịch Tập Cận Bình đã cố gắng đưa Trung Hoa vào vị trí của một quán quân ủng hộ tự do mậu dịch, đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ “America First” của Trump, nhưng theo các nhà phân tích, ông Tập sẽ khó có thể thuyết phục được các nhà lãnh đạo của các cường quốc như Đức, Pháp và Liên Minh Âu Châu, vì chính họ cũng cùng chia sẻ với Washington trước sự lo ngại về Trung Hoa.
Mới đây, theo tin của tờ South China Morning Post, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu ngày 23-11, Lawrence J. Lau, một giáo sư kinh tế tại Đại học Trung Hoa của Hồng Kông (Chinese University of Hong Kong) và cựu thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Hoa, cho biết Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình có thể đồng ý về một thỏa thuận hưu chiến trong cuộc chiến tranh mậu dịch khi họ gặp nhau tại Buenos Aires. Thỏa thuận này có thể sẽ không đi vào chi tiết mà chỉ là một thỏa thuận chung về các nguyên tắc căn bản với các chi tiết sẽ được thực hiện trong tương lai.
Mặt khác, theo tin của Reuter, trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal (WSJ) hôm thứ Hai, ngày 26-11, chỉ 4 ngày trước khi có cuộc gặp gỡ với Chủ Tịch Tập, Tổng Thống Trump cho biết ông dự kiến sẽ tăng thuế trên 200 tỷ USD hàng nhập cảng từ Trung Hoa lên 25% từ mức 10% hiện tại và nhắc lại lời đe dọa của ông là sẽ đánh thuế lên tất cả các hàng nhập cảng còn lại từ Trung Hoa.
Trump nói rằng "rất khó" có việc ông sẽ chấp thuận lời yêu cầu của Trung Hoa là ngưng lại phần gia tăng đánh thuế, vốn sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01, 2019.
Ông Trump nói với tờ WSJ, "Chỉ có một thỏa thuận duy nhất và đó sẽ là Trung Hoa phải mở rộng đất nước của họ để đón nhận sự cạnh tranh từ Hoa Kỳ."
Cả hai cuộc "phỏng vấn" ghi trên chỉ là hình thức "nhắn tin" giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa. Và qua điều đã phát biểu với tờ WSJ, thì ông Trump đã bác bỏ đề nghị hưu chiến của phía Trung Hoa.
Cũng không phải là điều đáng phải ngạc nhiên khi Hoa Kỳ đã dùng thời gian trước ngày khai mạc hội nghị G20 để phát động những tấn công về mặt thông tin nhắm vào Trung Hoa vì đó là nhằm để tạo áp lực tối đa lên Bắc Kinh để buộc Bắc Kinh phải tuân theo đúng luật chơi của cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, đối với Tập Cận Bình, một Hoàng Đế không ngai của Trung Hoa, thì việc Bắc Kinh phải nhượng bộ dưới áp lực của Washington có thể sẽ là điều khó chấp nhận được. Bởi vì một sự nhượng bộ như vậy sẽ dễ bị các thành phần diều hâu và quá kiêu hãnh về hào quang của một Đại Hán đánh giá là họ Tập đã quá kém cỏi khi phải để Trung Hoa cúi đầu trước ngoại bang.
Ngoài ra, còn phải tính đến một khả năng khác nữa là chính Hoa Kỳ có thể thực sự không muốn nhượng bộ mà chỉ muốn nhân cơ hội này tìm mọi cách để kiềm chế Trung Hoa, và không để Trung Hoa trở thành một thế lực bá chủ vượt qua Hoa Kỳ.
Như James Floyd Downes, một giảng viên về chính trị so sánh (comparative politics) của Đại học Trung Hoa tại Hồng Kông, cũng đã đưa ra nhận xét là mối quan hệ Mỹ-Hoa đang chênh vênh trên vách núi và có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn, “Những gì chúng ta thường dễ thấy nhất trong những tháng năm sắp tới sẽ là hai siêu cường đang tranh giành ưu quyền tối thượng trên sân khấu quốc tế."
Phần khá chắc chắn là những tranh chấp quyền lực giữa hai đại cường khó có thể được giải quyết chỉ trong vài ngày tại hội nghị G20. Nhất là đối với Trung Hoa, kẻ đã từng có một thành tích sáng chói về mặt du kích chiến, trì hoãn chiến không chỉ riêng về phương diện xâm lăng quân sự mà còn cả về mậu dịch. Và ngược lại, Washington cũng đã thấu hiểu chiến lược này của Bắc Kinh.
Trần Trung Tín
Chú Thích:
1): https://www.hudson.org/events/
(2): https://www.theguardian.com/
(4): https://www.cnn.com/2018/11/
(5): https://ustr.gov/about-us/
(6): https://ustr.gov/sites/
(7): https://news.abs-cbn.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét