Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Phản ứng dây chuyền: công ty của Nhật, Anh lần lượt ‘cắt đứt’ kinh doanh với Huawei

Phản ứng dây chuyền: công ty của Nhật, Anh lần lượt ‘cắt đứt’ kinh doanh với Huawei

image.png
Hoa Kỳ đang thu hẹp sức ảnh hưởng của Huawei trên nhiều phương diện, sau khi Tổng thống Trump ký một sắc lệnh đã khiến Huawei "chao đảo".
Sắc lệnh kiểm soát xuất khẩu Huawei của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra phản ứng dây chuyền trên thế giới, bắt đầu là các nhà sản xuất chip của Hoa Kỳ, Google, và Infineon Technologies của Đức.
Gần đây nhất các công ty của Nhật và Anh cũng “đoạn tuyệt” kinh doanh với Huawei.
Tập đoàn Panasonic Nhật Bản hôm thứ Năm (23/5) cho biết, họ đã ngừng cung cấp một số linh kiện nhất định cho Huawei vì để tuân thủ các yêu cầu kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. Panasonic cho biết trong một tuyên bố: “Panasonic đã chỉ thị nhân viên ngừng giao dịch với Huawei và 68 công ty con của họ theo lệnh cấm của Hoa Kỳ”, Reuter trích dẫn. 
Công ty Panasonic trụ sở ở Osaka, không có cơ sở sản xuất linh kiện chính tại Mỹ, nhưng công ty cho biết lệnh cấm của Hoa Kỳ bao phủ từ 25% trở lên các sản phẩm công nghệ và vật liệu có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Panasonic chủ yếu sản xuất các loại thiết bị cho điện thoại thông minh, xe hơi và thiết bị tự động hóa nhà máy.
Panasonic từ chối bình luận về những linh kiện nào bị cấm và nơi các linh kiện này được sản xuất.
image.png
Logo Panasonic được trưng bày trước khai mạc Triển lãm Điện tử tiêu dùng Quốc tế 2010, ngày 6/1/2010 tại Las Vegas, Nevada. CES, hội chợ công nghệ tiêu dùng hàng năm lớn nhất thế giới, diễn ra từ ngày 7-10 tháng 1. (Ảnh: AFP / Robyn Beck).
Tờ Nikkei Asian Review đưa tin, các linh kiện của Panasonic chịu chế tài lệnh cấm có liên quan đến điện thoại thông minh. Panasonic cung cấp các linh kiện điện thoại cho Huawei, trong khi một số công ty Nhật Bản sử dụng công nghệ Mỹ. Panasonic cũng cho biết họ sẽ nghiên cứu thêm xem các sản phẩm khác có bị lệnh cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ảnh hưởng hay không.
Các nhà cung cấp vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với các mức tiền phạt hoặc các hình phạt khác. Năm ngoái, Huawei đã nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 700 tỷ yên (khoảng 6,3 tỷ USD) từ các công ty Nhật Bản, gồm thiết bị cảm biến hình ảnh của Sony, và chip bộ nhớ của Toshiba.
Công ty Kyocera Nhật Bản cũng cung cấp tụ điện cho Huawei, họ cho biết vẫn đang cân nhắc về lệnh cấm của Hoa Kỳ.
Đồng thời, 3 nhà khai thác truyền thông di động lớn của Nhật Bản: NTT Docomo, KDDI và Softbank tuyên bố, họ sẽ hoãn niêm yết và ngừng đặt mẫu điện thoại “P30” mới nhất của Huawei.
KDDI nói rằng sẽ hoãn lại thời gian giới thiệu điện thoại di động “UQ” của Huawei ra thị trường.
Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty muốn xuất khẩu công nghệ Hoa Kỳ cho Huawei phải xin giấy phép cuả Washington với lý do an ninh quốc gia, và tuyên bố rõ ràng, rất khó để xin được giấy phép.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nếu các chuyên gia xác định bất kỳ công ty nào sở hữu khoảng 25% công nghệ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, thì công ty đó sẽ chịu chế tài của lệnh cấm.
Nước Anh cũng đồng hành với Nhật Bản
Vào ngày 22/5, báo chí Anh đưa tin, công ty thiết kế sản xuất chip chính của Anh, ARM Holdings PLC đã đình chỉ giao dịch kinh doanh với Huawei.
ARM còn là nhà cung cấp quyền sở hữu trí tuệ của mình cho nhiều công ty bán dẫn hàng đầu thế giới gồm Intel, IBM, LG , NEC và SONY.
“ARM đang tuân thủ tất cả các quy định mới nhất của chính phủ Mỹ đề xuất”, một phát ngôn viên của ARM nói trong một tuyên bố, và: “Hiện tại (ARM) không có bình luận gì thêm”.
image.png
Giám đốc bộ phận vận chuyển của Huawei, Ryan Đinh, đang giới thiệu chip trạm gốc 5G cùng với một hình ảnh minh họa có liên quan đến “bộ xử lý dựa trên ARM hiệu suất cao”. (Ảnh: CAPACITYMEDIA.COM).
Reuters cho rằng động thái của ARM có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh Huawei trong việc tạo ra các con chip mới cho các thiết bị cầm tay trong tương lai.
BBC đưa tin, ARM cho biết trong một bản ghi nhớ nội bộ công ty, thiết kế của công ty có bao gồm “công nghệ của Hoa Kỳ”, do đó họ cũng chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.
image.png
Việc chia tay với ARM sẽ khiến Huawei gặp khó khăn trong việc phát triển các thế hệ bộ xử lý Kirin trong tương lai. (Ảnh: HUAWEI).
Trước đó, Bloomberg hôm 20/5 đưa tin, một số nhà cung cấp chip hạng nhất của Mỹ đã tiên phong cắt đứt kinh doanh với Huawei gồm: Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom.
Cùng ngày, Google cũng tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ kỹ thuật phần cứng và phần mềm cho Huawei, điện thoại thông minh Huawei không thể truy cập vào các phiên bản cập nhật các ứng dụng phổ biến như Gmail, Google Maps, Youtube và trình duyệt Chrome.
Sau đó, Nikkei Nhật Bản trích dẫn các nguồn tin, cho biết, nhà sản xuất chip của Đức, Infineon Technologies, đã ngừng cung cấp sản phẩm cho Huawei – ngay sau khi lệnh cấm của Hoa Kỳ được ban hành, dù doanh số giao dịch hàng năm với Huawei lên đến 100 triệu USD.
Tâm Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét