Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Cầu nối liền Tòa Bạch Ốc với Trung Nam Hải Lý Anh

Cầu nối liền Tòa Bạch Ốc với Trung Nam Hải

Lý Anh
Inline images 1
Khi ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump từng “đao to búa lớn” đả kích nhà cầm quyền Trung Cộng. Sau khi đắc cử, ngoài việc tỏ thái độ vô cùng quyết liệt đối với Bắc Kinh, TT Donald Trump còn nhận lời chúc mừng qua điện thoại của bà Thái Anh Văn, nữ tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan, và tuyên bố không thừa nhận “một nước Trung Quốc”. Đó là điều từ năm 1972, sau khi Hoa Kỳ bang giao với Trung Quốc, các vị tổng thống đời trước chưa hề trải qua. Tuy nhiên, không bao lâu sau, thái độ của ông Trump và chính phủ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc hòa hoãn hơn, lại còn diễn ra cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia tại Hoa Kỳ sớm hơn, khác với các cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung trong những lần trước.
Dư luận cho rằng, quan hệ Mỹ – Trung hòa hoãn và cuộc hội đàm giữa Donald Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ ngày 06/04/2017 sớm hơn các vị tổng thống vài ba đời trước, do có một chiếc cầu vô hình nối liền Tòa Bạch Ốc với Trung Nam Hải. “Kiến trúc sư” tạo dựng nên chiếc cầu này chính là… Jared Kushner, phò mã, đồng thời là cố vấn cao cấp của Donald Trump. Chính vì vậy, trên trang mạng xã hội đã xuất hiện một số bài báo ví Kushner là… Lã Bất Vi, người nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa là kẻ liên kết với ngoại bang mưu cầu lợi ích cá nhân và buôn quan bán tước.
Bên cạnh Jared Kushner còn có Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, kẻ từng bán rẻ Việt Nam Cộng Hòa cho cộng sản Bắc Việt.
Diễn biến trong các cuộc
hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung
Trước cuộc hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Hoa Kỳ giữa Trump và Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, Hoa Kỳ, ngày 06/04, các cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung tại Hoa Kỳ thường diễn ra sau nhiều lần nguyên thủ 2 nước gặp nhau tại các cuộc hội nghị quốc tế hoặc khu vực.
Thời Giang Trạch Dân làm chủ tịch Trung Quốc, trước khi đến Hoa Kỳ hội kiến tổng thống thời đó là Bill Clinton, ông Giang đã gặp ông Clinton tại các cuộc hội nghị quốc tế và khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương năm 1994 và 1996. Tương tự như vậy, trước ngày công du Hoa Kỳ vào năm 2006, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã hội đàm với tổng thống George W. Bush tại hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi ông Barack Obama lên làm chủ Tòa Bạch Ốc vào năm 2009, Hồ Cẩm Đào gặp tổng thống Obama lần đầu tiên tại Hội nghị G20, gần 2 năm sau mới có cuộc hội đàm nguyên thủ 2 nước Trung – Mỹ tại Hoa Kỳ… Tuy nhiên, sau khi Trump nhậm chức chưa đầy 100 ngày, đã diễn ra cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Hoa Kỳ, quả thật là mau lẹ. Đó cũng là điều vài ba chục năm nay chưa hề xảy ra. Đặc biệt, Trump chính là người trước và sau khi đắc cử đã tỏ thái độ chống Trung Quốc kịch liệt, lên án Trung Quốc thực hiện chính sách thương mại không công bằng, thao túng tiền tệ, hạ thấp giá đồng Nhân dân tệ để khuyến khích xuất khẩu, khiến cho các doanh nghiệp và việc làm của người Mỹ bị tổn hại. Ông nhấn mạnh “Quyết không để Trung Quốc tiếp tục ức hiếp đất nước chúng ta”. Ông Trump còn cho rằng: Trung Quốc chính là “kẻ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới”…
Tập Cận Bình có thể đến Hoa Kỳ hội đàm với Trump trong thời gian mau lẹ là có người đã dựng lên chiếc cầu nối liền Tòa Bạch Ốc với Trung Nam Hài. Người đó là phò mã Jared Kushner với sự hợp tác của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger
Bóng dáng “Lã Bất Vi” trong quan hệ Mỹ Trung
Henry Kissinger 93 tuổi và Jared Kushner 36 tuổi đều là người Mỹ gốc Do Thái, vốn có quan hệ đặc biệt với nhau. Là “con cờ” của Bắc Kinh trong quan hệ Trung – Mỹ, Kissinger là người xúc tiến việc thành lập đường giây liên lạc nóng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do phò mã Kushner cầm đầu.
Đường dây liên lạc nóng này ra đời ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Trong nhiều cuộc gặp sau đó với các giới chức cấp cao Trung Quốc, Kushner cùng một số trợ lý của tổng thống Trump đã lên chương trình cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ quốc gia ngay trước khi quy trình ngoại giao chính thức khởi động.
Tờ Washington Post từng loan tin, giữa tháng 11/2016, Henry Kissinger từng gặp Jared Kushner và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn cùng Donald Trump tại Trump Tower. Trong cuộc gặp lần đó, tổng thống Trump yêu cầu Kissinger tới Bắc Kinh, chuyển thông điệp miệng tới Tập Cận Bình rằng mọi thứ liên quan đến hợp tác song phương đều có thể đàm phán.
Ngày 02/12, Kissinger gặp Tập Cận Bình, họ Tập nhờ Kissinger chuyển tới Trump lời mong muốn được tổ chức cuộc gặp sớm giữa hai nguyên thủ. Cùng ngày hôm đó, Trump nhận điện thoại chúc mừng của tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn và tuyên bố có thể xem xét lại chính sách “Một nước Trung Quốc”, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng quyết liệt. Biến cố này dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc căng thẳng như vậy, đường dây liên lạc nóng giữa phò mã Jared Kushner và Trung Quốc vẫn được duy trì. Kushner được cho là người từng đứng ra làm đầu mối cho cuộc điện đàm nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Tập Cận Bình và Donald Trump hồi đầu tháng 02/2017. Thông qua hoạt động này, quan hệ giữa Kushner và Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải càng gắn bó. Nhân dịp Tết Con Gà 2017, Thôi Thiên Khải đã mời vợ và con Jared Kushner đến Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn ăn Tết. Quan hệ giữa Kushner và Thôi càng mật thiết hơn.
Tờ New York Times loan tin, Trung Quốc muốn thông qua phò mã Kushner gây tác động tới TT Donald Trump hơn là làm việc qua con đường ngoại giao, bởi họ cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với “con rể một nhà lãnh đạo”. Không những thế, Jared Kushner còn là một cố vấn cao cấp, có ảnh hưởng rất lớn tại Tòa Bạch Ốc.
Ngày 06/12, Kissinger gặp Kushner và các trợ lý của tổng thống Trump, hối thúc họ gặp ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ngày 09 và 10/12/2016, Dương Khiết Trì và Thôi Thiên Khải hai lần tới Trump Tower để gặp các cố vấn cấp cao của Trump. Tất cả đều diễn ra trong văn phòng của Kushner.
Trong hai cuộc gặp mặt này, Dương Khiết Trì đưa ra một loạt yêu cầu từ phía Trung Quốc: Hy vọng Hoa Kỳ áp dụng khái niệm “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” để tránh xung đột, tập trung vào hợp tác. Bắc Kinh cũng muốn Trump ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (One Belt, One Road) của Tập Cận Bình, đồng thời không can thiệp vào những vấn đề được coi là “lợi ích cốt lõi” như Đài Loan, Tây Tạng… Đổi lại, các giới chức Trung Quốc ngỏ ý với Kushner rằng, họ sẵn sàng đưa ra các khoản đầu tư để thúc đẩy chương trình tạo công ăn việc làm cho người Mỹ như ông Trump đã cam kết khi ra tranh cử.
Sau các cuộc gặp, Jared Kushner thường xuyên liên lạc với Đại sứ Thôi Thiên Khải ở Hoa Thịnh Đốn. Chính phủ Bắc Kinh cũng dựa vào đường dây liên lạc nóng này trao đổi các vấn đề quan trọng với chính phủ Hoa Kỳ. Trong đó có việc sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Tập. Dư luận còn cho rằng, chính Đại sứ Thôi đã đưa cho Kushner bản tuyên bố chung hai chính phủ Hoa Kỳ – Trung Quốc công bố sau cuộc hội đàm Trump – Tập.
Tuy nhiên, việc chính phủ Donald Trump dựa vào đường dây nóng của Kushner để thảo luận những vấn đề quan trọng với Trung Quốc đã dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận Hoa Kỳ về xung đột lợi ích cũng như nguy cơ Hoa Thịnh Đốn quá nhún nhường trước Bắc Kinh.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cũng lo ngại rằng, Kushner quá nóng vội trong việc hâm nóng quan hệ với Trung Quốc. Không những thế, Jared Kushner còn liên minh với nhiều giới chức cấp cao như cố vấn kinh tế Gary Cohn, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thực hiện mục tiêu này. Trong khi đó, nhiều giới chức khác lại muốn Mỹ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn, quyết liệt hơn với Trung Quốc.
Nữ ký giả Olivia Beavers của The Hill, tờ nhật báo chính trị phát hành ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, từng nhận xét: “Dù một số người cho rằng, Kushner xử lý vấn đề Trung Quốc dưới con mắt của một doanh nhân, tìm giải pháp ‘đôi bên cùng có lợi’ cho mọi vấn đề, nhiều chính khách Hoa Kỳ vẫn nhận định: Chịu sự thuyết phục của phò mã Jared Kushner và các trợ lý cấp cao khác, tổng thống Donald Trump đã nhượng bộ Bắc Kinh quá mức”.
Giới quan sát cho rằng, mức độ “lay động” đối với Trump đã thể hiện rất rõ trong những lời lẽ được Tòa Bạch Ốc đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ – Trung Quốc về những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như các vấn đề Bắc Hàn, Biển Đông hay thương mại. Khi ra tranh cử và sau khi mới nhậm chức, ông Trump đã tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc về những vấn đề này.
Nữ ký giả Olivia Beavers lại nhấn mạnh: “Nếu tổng thống Donald Trump chấp thuận mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới của Trung Quốc cũng như mở rộng ảnh hưởng của nước này ở Châu Á – Thái Bình Dương, đó không chỉ là dấu hiệu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước, còn cho thấy Jared Kushner là người có địa vị quan trọng trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc”.
Bởi vậy, gọi phò mã Jared Kushner là Lã Bất Vi của thế kỷ 21 cũng không ngoa chút nào.
Lý Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét