Khi tranh cử, tỉ phú Donald Trump tố cáo Trung Quốc ăn cắp công việc của người Mỹ, hạ giá đồng Nhân dân Tệ để cạnh tranh kinh tế bất chính nên sẽ đánh thuế nhập cảng 45% hàng hoá của Trung Quốc.
Sau khi đắc cử, Trump phá lệ có từ năm 1979, đã tiếp điện thoại của Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn như muốn xét lại chính sách “một nước Trung Hoa” mà các đời tổng thống tiền nhiệm đã cam kết.
Bắc Kinh ngày càng ồn ào trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) bằng cách cảnh cáo bất cứ quốc gia nào, kể cả siêu cường Hoa Kỳ, dám thách đố tham vọng viết lại luật lệ hàng hải trong khu vực có các hải lộ thương mại nhộn nhịp nhất thế giới.
Nhóm Tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua eo biển Miyako của Nhật Bản để tới Tây Thái Bình Dương và qua eo Biển Bashi giữa Phi Luật Tân và Đài Loan, rồi đi vòng quanh Đài Loan với thông điệp: Trung Quốc có khả năng chọc thủng “chuỗi đảo số một”, tức vành đai Nhật Bản-Đài Loan-Phi Luật Tân-Mã Lai Á-Eo biển Malacca, và đủ sức thanh toán Đài Loan không cần sử dụng vũ khí nguyên tử.
Bắc Kinh phái 3 chiến hạm thực tập bằng đạn thật trên Biển Đông như một lời cảnh cáo khi được tin Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm Carl Winson tăng phái cho Đệ thất Hạm đội Mỹ và có lịch trình tuần tiễu Biển Đông.
Bắc Kinh thông báo đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống vũ khí tại Trường Sa mà giới phân tích quốc tế xác định có khả năng phòng thủ lẫn tấn công.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á họp hôm 21-02-2017 đã đồng lòng bày tỏ mối quan ngại về tình trạng quân-sự-hoá trên Biển Đông, điều mà Tập Cận Bình đã cam kết với Tổng thống Barack Obama sẽ không xảy ra.
Đồng Chủ tịch Hội nghị, Bộ trưởng ngoại giao Phi Luật Tân, Perfecto Yasay hy vọng chính sách Biển Đông của Tổng thống Donald Trump sẽ sáng tỏ trong vài tháng tới.
Tiến sĩ Bonnie Glasser của CSIS nhận xét: “Chẳng ai đứng lên chống Trung Quốc nếu Chính quyền Trump không có chính sách rõ ràng tại Biển Đông”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nắm trọn quyền lực quốc gia từ năm 2013 đã hiện-thực-hoá chủ trương bành trướng, bá quyền bằng “Giấc Mộng Trung Hoa” qua các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, pháp lý, ngoại giao trong vùng Đông Á.
Mặc dù đã ký và phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, UNCLOS, nhưng, Bắc Kinh nhất quyết phủ nhận Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển, PCA hồi tháng 7-2016 về quyền chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa. Toà án này do UNCLOS lập ra để giải thích việc thi hành Luật Biển trên thế giới.
UNCLOS đã được 167 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu tham gia.
Hải quân Trung Quốc tập trận trong vùng biển quốc tế của Biển Đông chẳng bị bất cứ nước nào phản đối. Nhưng, khi Carl Winson tuần tiễu thường lệ trên Biển Đông lại bị Bắc Kinh đòi Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa đúng như Phán quyết của PCA.
Trung Quốc thuộc số 5 quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết mà lại thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để đe doạ, chèn ép, cưỡng đoạt biển, đảo của các nước láng giềng.
Chính sách bành trướng, bá quyền, coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh đã tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt và chưa có điểm dừng trên Biển Nam Trung Hoa.
Bắc Kinh đóng thêm 2 hàng không mẫu hạm, nhiều chiến hạm các loại, kể cả tuần duyên hạm lớn nhất thế giới, xây dựng các cứ điểm quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa đe doạ trực tiếp tới các quốc gia duyên hải Đông Nam Á và hải lộ huyết mạch của quốc tế thông qua Biển Đông.
Tuần báo Quốc phòng Jane cho biết Trung Quốc đang trưng bày mẫu thiết kế loại hộ tống hạm 3 thân rất giống kiểu Cận duyên hạm Tác chiến Independent của Mỹ, nhưng, lớn hơn, súng to hơn mà tốc độ chậm hơn.
Tiêm kích cơ J-20 chỉ bay khoảng 1 phút trong cuộc triển lãm hàng không Chu Hải tại Trung Quốc nên chưa đủ dữ kiện đánh giá có tương đương với F-35 của Mỹ hay không dù dáng dấp rất giống nhau.
Tập Cận Bình đồng hoá như một nhân vật đấu tranh cho toàn cầu hoá và tự do thương mại. Lập tức, giới phân tích trên thế giới cho rằng Tập Cận Bình chỉ lo cho quyền lợi ích kỷ của Trung Quốc. Bắc Kinh áp dụng kiểu kinh doanh chụp giựt, lươn lẹo, cá lớn nuốt cá bé, đầu độc nhân loại bằng mọi thứ sản phẩm độc hại. Báo chí Hoa Lục còn tung tin: “Trung Quốc sẵn sàng điều hành nền kinh tế thế giới!”.
Bắc Kinh đã duy trì một chế độ chính trị mà chỉ có 3 quốc gia như Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên noi theo. Chắc chắn đa số quốc gia trong cộng đồng nhân loại sẽ không muốn xây dựng một thể chế theo mô hình Trung Quốc.
Trên phương diện ngoại giao, Bắc Kinh thường hứa mà chẳng thi hành, nếu thấy bất lợi dù cho có gây thiệt hại nặng nề tới các quốc gia khác.
Bắc Kinh kêu gọi các quốc gia duyên hải tham vấn về mối tranh chấp trên Biển Đông, nhưng, với điều kiện phải công nhận chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc. Vì thế, bế tắt vẫn còn dù chỉ liên quan đến hợp tác khai thác chung trên biển Nam Trung Hoa.
Khi ra điều trần trước Quốc hội, Rex Tillerson từng tuyên bố sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Nhưng, tân Ngoại trưởng Tillerson đã gặp người đồng nhiệm Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì để bàn về quan hệ Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, bàn đàm phán có thể đang hình thành mà chưa ai biết kết quả về mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ ra sao. Bắc Kinh cần đến thiện ý, thị trường và công nghệ của Mỹ để xây dựng sức mạnh toàn diện nên sẽ bị lép vế trên bàn đàm phán.
Liệu Trung Quốc có thể gây chiến với Hoa Kỳ như những lời đe doạ thường xuyên hay không?
Nền kinh tế Trung Quốc đang hạ cánh cứng, hàng tồn kho quá đồ sộ, vốn tư bản tiếp tục bay khỏi Hoa Lục do các hãng xưởng ngoại quốc rút khỏi thị trường Trung Quốc, và giới giàu ở Hoa Lục đang chuyển tiền đầu tư ở ngoại quốc.
Chiến cụ tối tân của Trung Quốc đều do sao chép của Hoa Kỳ và mua từ Nga nên sẽ gặp khó khăn khi giao chiến.
Kinh nghiệm thực tiễn chiến trường vô cùng hạn chế nên binh sĩ Trung Quốc sẽ khó giữ vững tinh thần khi chạm địch.
Nhìn quanh quẩn, Bắc Kinh không tìm được đồng minh mà chỉ thấy kẻ thù khi nổ ra đại chiến.
Vì thế, Tập Cận Bình chỉ có thể đấu võ mồm với Donald Trump mà không dám làm một cuộc phiêu lưu quân sự.
Đại-Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét