Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

ÐỐI LẬP CHÍNH TRỊ THỜI ĐỆ NHẤT CỌNG HÒA: VỤ THỦ TIÊU ÔNG TẠ CHÍ DIỆP Tác Giả TRẦN ÐÔNG PHONG Tập 2

-         Kỳ 5 -


Một nhân vật thứ hai cũng là người biết rất rõ về Tạ Chí Diệp, có thể nói còn thân thiết với Tạ Chí Diệp hơn là cụ Ðoàn Văn Thái vì hai ông cùng làm nghề dạy học với nhau, đó là ông Bùi Diễm, cựu Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Trong cuốn hồi ký “Gọng Kìm Lịch Sử,” ông Bùi Diễm cho biết về nhân vật Tạ Chí Diệp như sau:

“Vào cuối thập niên 1950, chính quyền Ngô Ðình Diệm càng ngày càng độc đoán, tình hình chính trị ở miền Nam càng ngày càng căng thẳng. Tại trường trung học tư thục Phan Sào Nam, nơi tôi dạy học, từ hiệu trưởng đến giáo sư, hầu như không có người nào là không chống chính phủ. Tôi như ngẫu nhiên gia nhập một tổ chức đối lập. Thực sự thì hiệu trưởng là một người có thành tích hoạt động thuộc đảng Duy Dân nên quy tụ một số bạn bè cùng khuynh hướng. Hàng ngày đến trường, vào giờ giải lao, xung quanh chén trà và những tiếng rít thuốc lào, chỉ toàn là những chuyện chỉ trích hay chế riễu chính phủ.


Trong số đồng nghiệp lúc đó, có anh Vũ Khắc Khoan, anh Phạm Văn Tâm (về sau làm nghị sĩ dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa với tên hiệu là Thái Lăng Nghiêm) và anh Nguyễn Phan Châu (cả ba đã là người thiên cổ.)
“Anh Nguyễn Phan Châu là một mẫu người thật đặc biệt. Kỷ niệm sâu sắc anh để lại quả thực khó quên. Anh có dáng dấp hiền hòa, nói năng nhẹ nhàng nhưng bên trong là một ngọn núi lửa cách mạng. Anh là cháu cụ Cử Tạ Chương Phùng, một vị lão thành cách mạng ở miền Trung. Nguyên anh và cụ Cử Phùng là những người đầu tiên ủng hộ ông Diệm lúc ông mới về nước và tổ chức mang quân từ Phan Rang về giúp ông Diệm khi ông gặp khó khăn trong những năm đầu. Lúc trước anh hăng hái ủng hộ bao nhiêu, thì về sau anh kịch liệt chống đối bấy nhiêu. Anh dạy Việt văn nhưng chỉ để che đậy những hoạt động đối lập của anh, tuy rằng chẳng giấu được ai. Anh đứng đầu một tổ chức chống đối bí mật có căn cứ tại Nha Trang và Phan Rang. Trong những câu chuyện với tôi, tuy không bao giờ tôi hỏi, anh vẫn thường chia xẻ những tư tưởng chính trị của anh. Tôi hiểu anh, nhưng về phương diện hành động thì đối với anh, chỉ có một danh từ. Danh từ đó là cách mạng.

Nhiều buổi sau khi dạy học, tôi rủ anh về nhà và một đôi khi anh ngủ lại nhà tôi. Rồi cũng có những lúc anh bất thần ghé qua, mang theo từng bó truyền đơn, có lần cả bọc thuốc nổ làm cho nhà tôi lo lắng không ít mỗi khi anh ghé lại với một bọc gì. Nếu không đến trường được, thì thường khi anh báo trước, nhưng một hôm anh không đến mà cũng không báo. Chúng tôi hiểu ngay là đã có sự gì không may cho anh. Từ đó, chúng tôi không bao giờ nghe nói về anh nữa và chỉ biết được rằng ít lâu sau, người ta tìm thấy chiếc xe cũ của anh ở một vùng sình lầy phía nam Sài Gòn và mọi người coi đó như một cảnh cáo gián tiếp của cơ quan mật vụ.


Ðối với những người chưa từng sống ở Việt Nam thời đó thì mẫu người như anh Châu có thể được coi là kỳ dị. Thực ra, trường hợp của anh chỉ là một trường hợp điển hình của một lớp người trong xã hội Việt Nam lúc đó. Anh có học, có tâm huyết, có tinh thần cách mạng. Tuy coi thường luật pháp, nhưng anh thiết tha yêu nước, muốn dồn hết cả tâm trí để phục vụ quê hương. Nếu đất nước thanh bình thì có lẽ anh cũng sống đời giản dị, bình thản của một nhà giáo, nhưng thời cuộc, hoàn cảnh đã không cho phép. Anh vẫn làm công việc bình thường, hàng ngày dạy dỗ nhưng phẫn nộ trước những bất công và áp bức của chế độ lúc đó, đã biến anh thành một con người bất chấp nguy hiểm, làm bất kỳ việc gì để đạt mục tiêu cách mạng của mình. Anh tin vào lý tưởng cao cả của anh và người ta có thể ví anh với một nhân vật trong truyện của văn hào Nga, Dostoevski. Tuy người ta biết đến anh vì những hành động đặc biệt, trường hợp anh cũng
 không phải là duy nhất. Trong thời buổi nhiễu nhương tao loạn, nhiều nhân vật như anh, lắm khi sống ngay trước mắt chúng ta...” 7

Ông Bùi Diễm đã viết lại một vài chi tiết về người bạn của ông và nhờ đó mà người đời sau được có cơ hội biết rõ hơn phần nào về nhân vật Tạ Chí Diệp này. Tuy nhiên, cái chết của Tạ Chí Diệp lại ám ảnh ông Bùi Diễm khi vào khoảng tháng 10 năm 1963, một tháng trước ngày các tướng lãnh đảo chánh chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, ông được tin mật nói rằng những người thay thế Bác Sĩ Trần Kim Tuyến tại Sở Mật Vụ đang soạn một cuốn sổ đen gồm có tên những người cần phải được diệt trừ và tên của ông Bùi Diễm lại được đứng gần đầu sổ, thì ông phải bỏ nhà trốn sang ẩn náu tại nhà của một người bạn Hoa Kỳ: “Lúc này hình ảnh của anh Nguyễn Phan Châu, người bạn của tôi bị thủ tiêu năm trước lảng vảng trong đầu óc tôi. Tôi nhớ lại những buổi tối anh ngủ lại nhà tôi và suy nghĩ đến số phận không may của anh...” 8


Như vậy thì qua những tài liệu nói trên, Tạ Chí Diệp đã từng là hội viên trong Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình của ông Ngô Ðình Nhu nhằm vận động đưa ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh vào đầu năm 1954, là ủy viên chính trị trong phong trào ly khai “Chiến Khu Ðông” nhằm ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm chống lại Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh hồi cuối năm 1954, đã bị chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ghép vào tội “phản nghịch, có hành động phá rối trị an” và bị bắt giam vào tháng 6 năm 1956 tức là hơn nửa năm sau ngày ông Ngô Ðình Diệm trở thành tổng thống sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955. Tuy dù có bị tù, dù có bị nhốt chung với cán bộ Cộng sản nhưng Tạ Chí Diệp vẫn kiên cường không vì bất mãn với chính quyền Ngô Ðình Diệm mà nghe theo lời khuyến dụ của Cộng sản. Trong suốt thời gian bị tù trên năm năm, tính mạng của ông Tạ Chí Diệp vẫn được an toàn cho đến ngày được trả tự do vào năm 1961 và sau đó thì ông lại bị thủ tiêu chỉ vì ông đã tham dự vào một hội nghị do chính những người thân tín của ông Ngô Ðình Nhu tổ chức gọi là Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết Toàn Dân Chống Cộng, một tổ chức có lẽ bắt nguồn từ một lá thư của Tướng Lansdale gửi cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vào cuối tháng 1 năm 1961.

Bức Thư Của Tướng Lansdale Gửi Cho TT Ngô Ðình Diệm

Vào cuối thập niên 1950, không những người Việt Nam mà cả người Mỹ, ngay cả một người bạn Mỹ thân thiết nhất của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là ông Lansdale cũng phải công nhận là đã có sự đàn áp những người đối lập chính trị tại Việt Nam.
Ông Edward Lansdale, vào năm 1954 là Ðại Tá Không Quân Hoa Kỳ, tuy nhiên ông ta được nhiều người biết đến không phải vì là một sĩ quan trong quân chủng Không Quân,mà lại được nổi tiếng nhờ làm cố vấn cho Tổng Thống Phi Luật Tân Ramon Magsaysay và đã giúp cho chính phủ Phi Luật Tân thành công trong công cuộc diệt trừ nhóm Cộng Sản Huk tại Phi vào đầu thập niên 1950.

Ngay cả trước khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, Hoa Kỳ đã gửi một nhóm chuyên viên tình báo sang hoạt động tại Sài Gòn dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Lansdale. Nhóm này mang tên là “Saigon Military Mission” gọi tắt là “SMM” hoạt động trong khuôn khổ của Bộ Chỉ Huy Huấn Luyện Quân Sự Hoa Kỳ gọi tắt là “TRIM” (sau này trở thành MAAG, rồi cuối cùng trở thành MAC-V,) tuy nhiên nhóm này chuyên hoạt động về tình báo, đặc biệt là tại Bắc Việt trước ngày di cư. Tại miền Nam, Ðại Tá Lansdale nổi tiếng vì đã giúp cho Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm loại được Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh, đã thuyết phục được Ðại Tá Cao Ðài Liên Minh Trình Minh Thế mang quân đội về hợp tác với chính phủ Ngô Ðình Diệm và nhất là đã cứu chế độ của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm không bị sụp đổ hồi tháng 4 năm 1955. Ông Lansdale cũng là người có công rất lớn trong việc đưa ông Ngô Ðình Diệm lên ngôi vị tổng thống Việt Nam Cộng Hoà và sau đó ông ta trở thành một trong những người bạn Hoa Kỳ thân thiết nhất của ông Ngô Ðình Diệm.

Vào năm 1960, ông Lansdale đã được thăng lên thiếu tướng và đang phục vụ với chức vụ Phụ Tá Ðặc Biệt cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về Hành Quân Ðặc Biệt (Secretary of Defense’s Deputy Assistant for Special Operations) tại Hoa Thịnh Ðốn. Sau khi Tổng Thống John F. Kennedy lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 1961, Thiếu Tướng Lansdale được lệnh sang viếng thăm Việt Nam và khi trở về Hoa Kỳ, sau khi đã phúc trình về tình hình tại Việt Nam lên tân Tổng Thống Kennedy, tân Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và tân Thứ Trưởng Quốc Phòng Gilpatric v.v. Vào ngày 30 tháng 1 năm 1961, Thiếu Tướng Lansdale đã gửi một lá thư riêng cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.


Tài liệu này mới được giải mật gần đây cho thấy ông Lansdale đã gửi bức thư này cho ông Ngô Ðình Diệm với tư cách là một người bạn gửi cho một người bạn chứ không phải là một tướng lãnh Hoa Kỳ gửi cho tổng thống nước Việt Nam Cộng Hoà vì ông ta có nói rõ trong bức thư: “xin ông hãy lắng nghe những lời lẽ của một người bạn muốn nói với một người bạn” và ông đã mở đầu bức thư bằng hai chữ “Dear Friend” chứ không phải là “Mr.. President” theo nghi thức ngoại giao thường lệ.


Sau phần mở đầu với những lời cám ơn ông Diệm đã giúp đỡ cho ông trong cuộc viếng thăm Việt Nam, nhất là viếng thăm Quân Khu 5 (sau này là Vùng 4 Chiến Thuật,) Tướng Lansdale cho biết ông đã phúc trình với Tổng Thống Kennedy và các tân bộ trưởng về tình hình Việt Nam. Tướng Lansdale cho Tổng Thống Diệm biết rằng Tổng Thống Kennedy rất chú trọng đến Việt Nam và ông nói rằng “Tôi chắc chắn rằng Tổng Thống (Diệm) có thể tin tưởng và trông cậy ở Tổng Thống Kennedy như là một người bạn đầy thông cảm... Vậy thì ông có thể thấy đó, ông quả thật có vài người bạn chân thành ở Washington...” (I’m sure that you can count upon him (President Kennedy) as an understanding friend... So, you see, you do have some sincere friends in Washington...)

Trong đoạn kế của bức thư, Tướng Lansdale viết rằng: “Tuy nhiên, sẽ có một số người ở đây nhấn mạnh đến điểm là phần lớn những mối nguy cơ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam là do hậu quả của những việc làm của chính ông. Họ nói rằng ông đã cố tự tay một mình làm quá nhiều việc, họ nói rằng ông từ chối không cho người khác thực sự nhận lãnh trách nhiệm và cứ tiếp tục can thiệp vào những công việc họ đang làm, họ nói rằng ông tự cảm thấy ông là người ‘không bao giờ có thể sai lầm’ và quá nhiều tổ chức chính trị của ông như Thanh Niên Cộng Hoà và Ðảng Cần Lao thực ra là đã được thành lập trên sự cưỡng bách, điều đó có nghĩa là người ta đã phải gia nhập vào những tổ chức này là tại vì họ sợ hãi nếu không gia nhập chứ những tổ chức này không phải phát xuất từ trong lòng người dân Việt Nam...


“Bây giờ, tôi rất lo ngại về sự chống đối ông về mặt chính trị. Tôi đã suy nghĩ đến việc đó trong nhiều giờ, trong nhiều ngày từ khi tôi rời Việt Nam. Tại Sài Gòn, có nhiều người nói xấu cũng như không có cảm tình với chế độ của ông. Có những điều tồi tệ cho đến nỗi đã khiến cho tôi phải e ngại rằng những chuyện đó sẽ thúc đẩy một số ‘phần tử không biết suy nghĩ’ (thoughtless persons) âm mưu nghĩ đến chuyện đảo chánh một lần nữa. Ông là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của Thế Giới Tự Do và cũng là một người bạn mà tôi vô cùng mến mộ, bởi vậy xin ông hãy lắng nghe những lời lẽ của một người bạn muốn nói với một người bạn.
“Nếu muốn dẹp tan những sự chống đối chính trị bằng cách bắt bớ họ hay đóng cửa những tờ báo của họ, thì chỉ làm cho dư luận càng đi sâu vào sự chống đối thêm, sẽ làm nẩy mầm cho sự tổ chức và thành lập nhiều tổ chức chống đối khác cũng như là những âm mưu khác chống lại ông. Cho đến bây giờ thì với bản chất và thiên tài lãnh đạo sẵn có của ông, tôi tin rằng ông đang tìm kiếm một giải pháp tốt đẹp hơn để giải quyết vấn đề này.

“Có một ý kiến mà tôi nghĩ rằng tự nó cũng đủ khiến cho ông nên cứu xét để giải quyết vấn đề đối lập chính trị này: nếu ông có thể vận động với đa số những người đối lập cùng hợp tác với nhau trong việc hoạch định một chương trình với những ý kiến đặc biệt nào đó nhằm cứu đất nước và cùng làm việc với nhau một cách tự do ở bên ngoài chính phủ, thì ông sẽ có thể giúp cho họ hướng những nỗ lực lớn lao về chính trị của họ vào những mục tiêu có tính cách xây dựng hơn cho đất nước. Họ sẽ bàn cãi tranh luận với nhau về những ý tưởng này và như vậy thì họ sẽ dành thì giờ để vận động những người khác chấp nhận những ý kiến của họ thay vì sử dụng những nguồn năng lực chính trị của họ để chỉ trích và chống lại chính cá nhân ông.
“Làm thế nào để thực hiện việc này? Có lẽ một mình ông thì sẽ không làm được, nhưng mà chỉ có cá nhân ông là người duy nhất có thể tạo ra một bầu không khí chính trị thuận lợi cho một việc như vậy. Muốn làm được việc đó, ông cần phải thông báo cho tất cả mọi người dân, kể cả những người đối lập chính trị, biết rằng nước Việt Nam Cộng Hoà đang gặp phải một mối lâm nguy vô cùng nghiêm trọng. Ông cần phải xoá bỏ mối lo sợ thầm kín của mọi người về việc họ có thể bị bắt bớ một cách bí mật giữa đêm khuya vì bị trừng phạt về những hoạt động chính trị của họ; những mối lo sợ này có dựa trên những căn bản đúng hay là sai thì không có gì quan trọng, điều quan trọng là có nhiều người tin rằng cảnh sát mật vụ dưới quyền Bác Sĩ Trần Kim Tuyến đã bắt bớ giam cầm nhiều người vào ban đêm và những sự bắt bớ này đã được chính bào đệ của ông là ông Ngô Ðình Nhu biết đến.” 9


7. Bùi Diễm: “Gọng Kìm Lịch Sử” Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Paris 2000, trang 158-160.
8. Bùi Diễm: Sđd., trang 175.
9. US Department of State: Foreign Relations of the United State, 1961-1963, Volume 1: “Letter from the Secretary of Defense’s Deputy Assistant for Special Operations (Lansdale) to President Diem, 30 January 1961.”



-         Kỳ 6 -

Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết Toàn Dân Chống Cộng

Bức thư của Tướng Lansdale gửi cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đề ngày 30 tháng 1 năm 1961 tức là chỉ có 10 ngày sau khi Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy tuyên thệ nhậm chức tân Tổng Thống Hoa Kỳ thay thế cho Tổng Thống Eisenhower.


Tại Việt Nam, trong khoảng thời gian cuối năm 1960, đã có những biến cố quan trọng xảy ra tại miền Nam Việt Nam báo hiệu những điềm xấu cho chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm:
- lần đầu tiên bộ đội Cộng sản tấn công và gây thiệt hại nặng nề cho một trung đoàn của Sư Ðoàn 21 đồn trú tại Trảng Sụp thuộc tỉnh Tây Ninh. Ðây là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh du kích của Cộng Sản đã chuyển sang một giai đoạn khác với những đơn vị võ trang mạnh hơn cấp tiểu đoàn, và lần đầu tiên Việt Cộng mở một cuộc tấn công vào một đơn vị cấp trung đoàn của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa ở một tỉnh chỉ cách thủ đô Sài Gòn chừng trên 100 cây số.

- vào ngày 11 tháng 11 năm đó, một số sĩ quan chỉ huy các đơn vị Nhảy Dù âm mưu đảo chánh chính phủ Ngô Ðình Diệm, tuy nhiên cuộc đảo chánh bất thành và những người cầm đầu cuộc đảo chánh phải chạy sang tỵ nạn tại Nam Vang. Ðiều đáng chú ý là một trong những người cầm đầu cuộc đảo chánh lại là Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Lữ Ðoàn Nhảy Dù, một người gốc xứ Huế và được xem như là “con cưng” của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
- vào ngày 30 tháng 4 năm 1960, một số 18 vị nhân sĩ họp báo tại Khách sạn Caravelle công khai lên tiếng khuyến cáo chính phủ Ngô Ðình Diệm phải thay đổi chính sách để giữ nước và cứu nước.

- tháng 10 năm 1960, các vị giám mục Thiên Chúa giáo trong đó có Ðức Giám Mục Lê Hữu Từ và Ðức Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã đến Dinh Ðộc Lập để nói thẳng với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là ông nên thay đổi chính sách để đối phó với tình thế và đặc biệt là Ðức Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã “yêu cầu Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nên đứng trên thăng trầm của chính trị, bằng cách giao nhiệm vụ điều hành cho một thủ tướng chịu trách nhiệm trước tổng thống và quốc hội. Ngoài ra Ðức Cha Phạm Ngọc Chi cũng lên tiếng yêu cầu Tổng Thống Diệm cho bà Ngô Ðình Nhu đi ra khỏi nước vì bà ăn nói lỗ mãng, hỗn hào, khinh thị người ta, không ai chấp nhận được.” 10

- quan trọng hơn cả là việc Cộng sản Hà Nội cho thành lập một tổ chức để lãnh đạo cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam, đó là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra mắt ngày 19 tháng 12 năm 1960.

Trước những biến chuyển không lấy gì làm tốt đẹp như vậy, người ta không rõ bức thư của Tướng Lansdale có gây ra một ảnh hưởng nào đối với “người bạn thân mến” Ngô Ðình Diệm hay không, tuy nhiên vào khoảng đầu năm 1961 thì một số cộng sự viên thân tín của ông Cố Vấn Chính Trị Ngô Ðình Nhu đã vận động để thành lập một hội nghị nhằm quy tụ những người có khuynh hướng đối lập ôn hòa để cải thiện chế độ. Sự vận động này được khởi sự từ đầu năm nhưng mãi cho đến tháng 7 năm 1961 thì mới thành hình.

Ðại Tá Ðỗ Mậu lúc bấy giờ là người đang giữ chức vụ Giám Ðốc Nha An Ninh Quân Ðội cho nên đã biết rất rõ về những sự vận động chính trị này. Ông Ðỗ Mậu cho biết như sau:
“Tình trạng mất an ninh của miền Nam cũng như viễn tượng hủy diệt của chính chế độ rõ ràng và khẩn cấp đến nỗi thành phần rường cột trung kiên nhất của chế độ lúc bấy giờ cũng phải hốt hoảng lo lắng. Nguyễn Văn Châu, Giám Ðốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Chủ Tịch Quân Ủy Ðảng Cần Lao, Lê Văn Thái (hiện ở Mỹ,) phụ tá Giám Ðốc Nha Nghiên Cứu Chính Trị của Trần Kim Tuyến và Bác Sĩ Lý Trung Dung, ủy viên Trung Ương Ðảng Cần Lao bèn vận động với ông Ngô Ðình Nhu và một số chính khách nhân sĩ đối lập ôn hòa để thành lập Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết Toàn Dân Chống Cộng Sản trong mục đích cải thiện chế độ và làm giảm bớt nỗi căm thù của quần chúng đối với chế độ ông Diệm. Ðến mồng 2 tháng 7 năm 1961 thì mới thành hình và triệu tập được một buổi họp chính thức tại tư gia của Bác Sĩ Phan Huy Quát với sự tham dự của một số chính khách, có cả Bác Sĩ Ðặng Văn Sung (hiện ở Mỹ) và dưới sự chủ tọa của ông Ngô Ðình Nhu.
“Người bạn trẻ của tôi, anh Tạ Chí Diệp (con của cụ Tạ Chương Phùng, một cựu đồng chí của ông Diệm,) vừa mãn tù ra và được đại hội cử làm thuyết trình viên. Sau khi trình bày thực trạng nguy ngập của đất nước, những hiểm họa rõ ràng của Cộng Sản, Ðại Hội đưa ra quyết nghị gồm các điểm: “công khai hóa hoạt động của các chính đảng, lập một diễn đàn chính trị, xét lại vấn đề chính trị phạm (vì người quốc gia chống Cộng bị bắt bớ giam cầm quá nhiều, nhất là ở thôn quê,) lập một hội đồng chính trị có nhiệm vụ phê bình và chất vấn chính quyền và cử một ủy ban vận động Ðại Ðoàn Kết gồm 11 người để thực hiện nghị quyết.”

“Rõ ràng nghị quyết đó là một giải pháp chính trị ôn hòa và thực tế để cứu nước, một phương thức dân chủ gây lại tinh thần đoàn kết, xóa bỏ hận thù. Nhưng ông Nhu không những bác bỏ ngay hết mọi đề nghị của Ðại Hội, mà còn nặng lời chỉ trích các chính khách, đảng phái và lên án họ đã phá hoại chế độ, không để cho chính quyền của ông ta rảnh tay lo đối phó với Cộng sản. Sau lần gặp gỡ duy nhất đó, ông Nhu không bao giờ đi họp nữa và đại hội cũng tan luôn. Tội nghiệp cho mấy vị chính khách nhiệt thành và mấy ông Cần Lao ngây thơ, họ không biết kinh nghiệm đã cho thấy rằng đối với anh em nhà Ngô thì cả nước chỉ biết cúi đầu tuân phục. Những thiện chí, những sáng kiến dù có giá trị và xuất xướng từ người thân tín mà hễ đả động đến tự ái của anh em nhà Ngô thì chỉ là những giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Nhiều khi kẻ đưa ra thiện chí, đưa ra sáng kiến còn mua lấy tai họa như trường hợp Tạ Chí Diệp, vì quá hăng say trong việc cứu nước mà mua lấy cái chết sau này.

“Sau Ðại Hội Ðoàn Kết bất thành, Tạ Chí Diệp bị bắt và bị thủ tiêu luôn. Ðược tin Diệp bị công an sát hại, Bác Sĩ Tuyến và tôi vô cùng bàng hoàng kinh khiếp. Chúng tôi gặp nhau than thở, không ngờ nhóm Nguyễn Văn Y, Dương Văn Hiếu tàn ác đến thế, không ngờ chế độ mà mình đang phục vụ lại bất nhân ghê tởm đến thế.

“Không ai có thể chối cãi được thái độ chính trị của Tạ Chí Diệp cũng như những đề nghị của anh ta trong Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết là những đề nghị xây dựng để mong cứu lấy miền Nam, thế mà Diệp đã chết vì cái chủ trương đối lập xây dựng đó. Huống chi Diệp lại là con trai độc nhất của cụ Cử Tạ Chương Phùng, một đồng chí son sắt của ông Diệm trong Phong trào Cường Ðể từng hy sinh thân thế, sự nghiệp, tiền của cho ông Diệm, từng bị mật thám Pháp tra tấn đến nỗi gẫy cả răng và điếc cả tai...


“Cái chết của Tạ Chí Diệp, cũng như cái chết của Nguyễn Tấn Quê, Vũ Tam Anh, Nguyễn Bảo Toàn v.v... và hàng trăm ngàn người dân vô tội ở thôn quê nằm trong chánh sách tiêu diệt người quốc gia đối lập của chế độ Diệm. Ai cũng biết rằng cái chết của hàng trăm ngàn dân quê nhiều khi là do hành động lạm quyền của các cán bộ Cần Lao, còn việc sát hại những nhân vật chính trị tên tuổi tại Sài Gòn là phải có lệnh của các ông Diệm, Nhu, Cẩn. Thế mà sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, trước Tòa Án Cách Mạng, Ðại Tá Nguyễn Văn Y dám khai rằng ông ta đã ra lệnh giết những nhân vật quốc gia kia chỉ vì ‘nghe không rõ lệnh Tổng Thống.’ Ðó là một lời khai gian xảo, tuy có ý bênh vực Tổng Thống Diệm nhưng đồng thời cũng tố cáo Tổng Thống Diệm đã liên hệ vào các vụ giết người... Một chế độ mà ông Tổng Giám Ðốc cầm đầu ngành Công An, Cảnh Sát vì ‘nghe không rõ lệnh của ông Tổng Thống’ mà đem những nhân vật quốc gia chân chính đi trấn nước cho đến chết như trấn nước một con chó dại, thì chế độ đó là chế độ gì? Ðừng trách những nhà văn Hiếu Chân, Chu Tử, Từ Chung buộc tội chế độ Diệm là thứ ‘chế độ phi cầm phi thú’...” 11

Như vậy, theo ông Ðỗ Mậu thì Tạ Chí Diệp đã bị chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt nhốt vào “trung tâm cải huấn” tức là nhà tù trong 5 năm trời mà không hề bị đưa ra tòa, tuy nhiên sau khi được trả tự do thì ông Tạ Chí Diệp đã không ngần ngại tham gia vào Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết để cải thiện chế độ dù rằng những người đứng ra tổ chức hội nghị này lại là những người rất thân tín của ông Ngô Ðình Nhu, nhân vật được xem như là người cầm đầu hệ thống công an, cảnh sát và mật vụ của chế độ Ðệ I Cộng Hòa.


Ông Nguyễn Văn Châu, tuy chỉ mang cấp bậc trung tá với chức vụ Giám Ðốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, nhưng hồi cuối thập niên 1950 ông được xem như là một trong những người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quân đội, vì lúc đó ông Châu phụ trách Quân Ủy của Ðảng Cần Lao kiêm luôn Trưởng Phòng 2 phụ trách về an ninh tình báo của Ðảng và sau khi ông đi làm tùy viên quân sự tại Washington, thì chức vụ này được Ðại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt thay thế. Ông Lê Văn Thái còn được gọi là “Thái Trắng” là người Bắc thuộc Quốc Ðân Ðảng nhưng về sau trở thành là Thiếu Tá của Quân Ðội Cao Ðài, có quen biết với ông Ngô Ðình Nhu trong thời gian ông Nhu lên Tây Ninh liên lạc với Ðại tá Trình Minh Thế hồi năm 1954, do đó đã được ông Nhu nói với Bác sĩ Trần Kim Tuyến đưa về làm phụ tá tại Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng Thống chuyên lo về việc liên lạc với các nhân vật trong giới chính trị. Người sau cùng là Bác Sĩ Lý Trung Dung, một nhân vật được xem là “lý thuyết gia” đứng đầu Phòng 5 phụ trách về tuyên-nghiên-huấn tức là tuyên truyền, nghiên cứu và huấn luyện của Ðảng Cần Lao.

Như vậy thì ba nhân vật đứng ra tổ chức Ðại Hội Ðoàn Kết là những người giữ những chức vụ cao cấp và then chốt của Ðảng Cần Lao đang cầm quyền, họ cũng là những người thân tín của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, ông Cố Vấn Chính trị Ngô Ðình Nhu và riêng ông Nguyễn Văn Châu thì lại còn là người rất thân tín của ông Ngô Ðình Cẩn đang giữ chức vụ “Cố Vấn Chỉ Ðạo Các Ðoàn Thể Chính Trị Trung và Cao Nguyên Trung Phần,” tức là những người đang nắm vận mệnh của miền Nam từ Bến Hải đến Cà Mâu. Do đó ai cũng phải hiểu ngầm rằng đằng sau ba nhân vật này là những người lãnh đạo đất nước, vì vậy mà có một số nhân vật chính trị đã nhận lời tham dự đại hội, trong đó có một số người đã ký vào bản Tuyên Ngôn Caravelle và Tạ Chí Diệp.

10. Nguyễn Trân: Sđd., trang 325.
11. Đỗ Mậu: Sđd, trang 454-457. Ghi chú: Câu này trích trong một bản tuyên cáo sau khi được trả tự do của ba nhà báo Chu Tử, Hiếu Chân và Từ Chung đăng trên nhật báo Ngôn Luận xuất bản tại Sài Gòn ngày 4 tháng 11 năm 1963, hai ngày sau khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ.



-         Kỳ 7 -


Ông Ngô Ðình Nhu Bác Bỏ Mọi Ðề Nghị

Bác Sĩ Trần Kim Tuyến có nói rằng trong 18 vị nhân sĩ ký tên vào bản Tuyên Ngôn Caravelle, ông được quen biết đến 15 vị, có lẽ vì lý do đó mà buổi họp của Ðại Hội Ðoàn Kết đã diễn ra tại tư gia của Bác Sĩ Phan Huy Quát, một trong 18 vị nhân sĩ ký tên vào bản Tuyên Ngôn Caravelle.

Người viết có cơ hội hỏi ba vị đã có tham dự phiên họp này là Bác Sĩ Phạm Hữu Chương, Bác Sĩ TrầnVăn Ðỗ và Bác Sĩ Phan Huy Quát và được Bác Sĩ Quát cho biết rằng người mà Bác Sĩ Trần Kim Tuyến liên lạc để xúc tiến một buổi họp với ông Ngô Ðình Nhu là Bác Sĩ Trần Văn Ðỗ. Bác Sĩ Trần Văn Ðỗ là em ruột của Luật Sư Trần Văn Chương, thân phụ của bà Ngô Ðình Nhu, do đó mà tuy đã từ chức Ngoại Trưởng từ năm 1955, nhưng ông Ðỗ vẫn còn giữ liên lạc trong tình bà con với gia đình ông bà Nhu.


Bác Sĩ Trần Văn Ðỗ nói với người viết rằng ông thấy đây là một cơ hội để nhóm Caravelle có thể đối thoại trực tiếp với ông Ngô Ðình Nhu, cho nên đã đích thân đi mời gọi một số bạn bè của ông tham dự hội nghị này. Bác Sĩ Trần Văn Ðỗ xác nhận chính ông là người đi thuyết phục “một số anh em” đi dự cuộc họp để nghe ông Ngô Ðình Nhu nói gì về các đề nghị của họ trong bản Tuyên Ngôn Caravelle mà từ tháng 4 năm 1960 cho đến tháng 7 năm 1961 họ không hề thấy hay không hề nghe một phản ứng nào từ phía Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cả. Bác Sĩ Phan Huy Quát cho biết vì có một số người không đồng ý việc nói chuyện với ông Nhu tại một địa điểm do người của chính quyền chọn lựa, do đó ông đã đề nghị buổi họp sơ khởi có thể được tổ chức tại tư gia của ông. Bác Sĩ Quát nói với người viết rằng đó chỉ là một buổi hội, nói đúng ra thì chỉ là một buổi họp mặt của một nhóm chừng vài chục người mà thôi, vì tư gia của ông ở đường Hiền Vương không thể chứa được số người đông hơn.


Bác Sĩ Phan Huy Quát nói rằng ông không nhớ hết tất cả những người tham dự buổi họp nói trên, tuy nhiên ông nhớ là có Bác sS Trần Văn Ðỗ, Bác Sĩ Phạm Hữu Chương, Bác Sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, Bác Sĩ Ðặng Văn Sung, Luật Sư Trần Văn Tuyên v.v.., là những người trong nhóm Caravelle và một người trẻ tuổi cháu của cụ Tạ Chương Phùng là ông Tạ Chí Diệp. Bác Sĩ Phan Huy Quát nói rằng vào năm 1961, Tạ Chí Diệp còn rất trẻ, dường như chỉ mới trên 30 tuổi, tuy nhiên ông là người hòa nhã, có tài ăn nói, có tinh thần cách mạng chống Pháp và chống Cộng Sản mãnh liệt, có thành tích đã từng bị Việt Minh cầm tù ở Liên Khu 5, đã từng theo phe ly khai lập chiến khu ở Phan Rang để chống lại Nguyễn Văn Hinh và ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm và cả thành tích bị chế độ Ngô Ðình Diệm bỏ tù trong thời gian hơn năm năm, do đó ông ta đã thu hút được sự mến phục của những người thuộc lớp đàn anh và gần như hầu hết mọi người nhận lời tham dự hội nghị đoàn kết do các nhân vật thuộc đảng Cần Lao tổ chức đều đồng ý cử Tạ Chí Diệp làm thuyết trình viên (rapporteur). Bác Sĩ Quát nói rằng các vị trong nhóm Caravelle chủ trương lấy những điểm chính trong bản tuyên ngôn của họ hồi tháng 4 năm 1960 để đối thoại với chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, tuy nhiên những điểm này lại bị Tạ Chí Diệp xem như là quá ôn hòa và do đó ông ta đưa ra thêm những đề nghị đòi hỏi chính quyền phải thực thi những điều mà ông ta đã từng kêu gọi hồi tháng 3 năm 1955.

Bác Sĩ Phan Huy Quát cho biết rằng sau một vài phiên họp, nhóm này đồng ý đưa cho ông Ngô Ðình Nhu một đề nghị gồm năm điểm và đề cử ông Tạ Chí Diệp làm thuyết trình viên để nói chuyện với ông Nhu. Bác Sĩ Phan Huy Quát nói rằng ông Nhu nhận lời đến tham dự một buổi họp tại tư gia của ông cùng với một số người trong đảng Cần Lao, tuy nhiên sau khi nghe đề nghị năm điểm này thì ông Nhu bác bỏ ngay lập tức từng điểm một. Chẳng hạn như đề nghị chính quyền cho phép các đảng phái chính trị được hoạt động công khai, ông Nhu nói rằng chính phủ Ngô Ðình Diệm có bao giờ ngăn cấm các đảng phái hoạt động chính trị đâu; về vấn đề chính trị phạm thì ông Nhu nói rằng chính quyền chỉ có bắt bớ giam cầm một số cán bộ Cộng Sản nằm vùng theo Ðạo Luật Số 10 chứ không có bắt giam những người dân vô tội hay là những “người quốc gia đối lập”..., còn chuyện lập một hội đồng chính trị có nhiệm vụ phê bình và chất vấn chính quyền thì không cần thiết vì đó là nhiệm vụ của quốc hội và tổng thống vì theo hiến pháp thì “Tổng Thống lãnh đạo quốc dân”...


Bác Sĩ Phạm Hữu Chương, cựu Tổng Trưởng Xã Hội trong chính phủ Ngô Ðình Diệm đầu tiên và cũng quen biết với ông Nhu từ thời ở Pháp và ở Hà Nội, cũng có mặt trong buổi họp đó và đã kể lại với người viết rằng ông ta vốn là một người nóng tính, khi nghe ông Nhu nói là chính quyền chỉ có bắt giam cán bộ Cộng sản mà thôi, thì ông đã hỏi ông Nhu: “Vậy thì Tạ Chí Diệp cũng là cán bộ Cộng sản hay sao? Nếu Tạ Chí Diệp là Cộng sản thì tại sao bây giờ lại được trả tự do, còn nếu Tạ Chí Diệp không phải là Cộng sản thì tại sao lại giam giữ Tạ Chí Diệp chung với cán bộ Cộng sản trong 5 năm trời mà không hề đưa ra tòa xét xử? Còn ông Cố Vấn nói chính quyền không hề có bắt giam những người quốc gia đối lập, vậy thì tại sao cụ Phan Khắc Sửu, Tổng Trưởng Canh Nông trong chính phủ Ngô Ðình Diệm đầu tiên vào năm 1954 bây giờ lại đang bị tù ở Côn Sơn, nơi mà thực dân Pháp cũng đã giam cụ vì tội chống Pháp dưới thời Pháp thuộc? Còn Giáo Sư Trần Văn Hương, người được Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm mời làm Ðô Trưởng Sài Gòn khi ông mới về nước chấp chánh, cũng đang bị chính quyền giam giữ mà không hề bị đưa ra tòa xét xử? Còn Bác Sĩ Phan Quang Ðán cũng là cán bộ Cộng Sản hay sao mà lại đang bị tù ở Côn Ðảo? Còn ông Hà Thúc Ký có phải là đảng viên Cộng sản hay không mà không những ông ta, cả bà vợ và cô con gái mới sinh cũng bị tù?....” Bác Sĩ Chương nói rằng ông Ngô Ðình Nhu đỏ mặt, nhưng chống chế rằng đó chỉ là một sự hiểu lầm, tuy nhiên ông không giải thích được một cách rõ rệt lý do tại sao những người như cụ Phan Khắc Sửu, Bác Sĩ Phan Quang Ðán, Giáo Sư Trần Văn Hương, ông bà Hà Thúc Ký và nhất là Tạ Chí Diệp, một cựu đồng chí của chính ông Nhu trong bao nhiêu năm, lại bị cầm tù đến năm năm trời.


Người viết xin mở một dấu ngoặc ở đây về việc cụ Phan Khắc Sửu bị tù vào cuối năm 1960. Ông Phan Khắc Sửu, Kỹ Sư Canh Nông, là một nhà cách mạng đã từng bị thực dân Pháp cầm tù, khi ông Ngô Ðình Diệm về nước thành lập chính phủ đầu tiên vào năm 1954, ông Sửu nhận lời đảm nhận chức vụ Tổng Trưởng Bộ Canh Nông, nhưng chỉ mấy tháng sau thì từ chức. Hồi đó, có dư luận tại Sài Gòn nói rằng sau vụ từ chức này, thì uy tín của Kỹ Sư Phan Khắc Sửu ngày càng lên cao trong quần chúng miền Nam và nếu ông Sửu ra ứng cử tổng thống chống lại Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trong nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1961 thì cũng sẽ gây khó khăn cho ông Ngô Ðình Diệm. Dư luận cũng đồn rằng người có thể đứng chung liên danh với Kỹ Sư Phan Khắc Sửu để ra tranh cử tổng thống là Bác Sĩ Phan Quang Ðán, người Bắc, đậu y khoa bác sĩ tại Pháp rồi sau đó theo học trường Ðại học Harvard của Hoa Kỳ, do đó đã được một số người Mỹ ủng hộ. Dư luận hồi đó cho rằng việc hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Ðán bị bắt nguyên nhân cũng là vì ông Ngô Ðình Diệm muốn ngăn cản hai ông này ra tranh cử tổng thống vào năm 1961. Cả hai vị này bị tù cho đến sau ngày chế độ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ mới được trả lại tự do. Kỹ Sư Phan Khắc Sửu trở thành Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1964-1965 và Bác Sĩ Phan Quang Ðán sau này trở thành Phó Thủ Tướng đặc trách về Xã Hội dưới chế độ Ðệ Nhị Cộng Hòa.


Về đề nghị lập một hội đồng chính trị có nhiệm vụ phê bình và chất vấn chính quyền, thì ông Ngô Ðình Nhu nói rằng không ai có cái quyền đó vì chỉ có Quốc Hội mới có quyền chất vấn chính phủ, tuy nhiên theo Hiến Pháp của Việt Nam Cộng Hòa thì “Tổng Thống lãnh đạo quốc dân,” do đó không ai có quyền phê bình hay chất vấn chính phủ và tổng thống cả vì tổng thống là người lãnh đạo đứng trên tất cả mọi cơ chế.


Ðây là một điều đáng lưu ý vì người đã ghi thêm câu này vào bản Hiến Pháp 1956 không ai khác hơn là... chính ông Ngô Ðình Diệm. Luật Sư Hoàng Cơ Thụy là một trong số 11 người trong Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp 1956 cho biết rằng: “Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cử một Ủy Ban Thảo Hiến gồm 11 người họp tại Dinh Ðộc Lập trong hai tháng. Bản dự án Hiến Pháp sơ thảo ấy đề nghị một tổng thống chế na ná như hiến pháp Hoa Kỳ, sau được ông Diệm đưa ra hỏi ý kiến một số chuyên viên Mỹ và Phi Luật Tân, trong số đó có giáo sư Mỹ J.A.C. Grant và luật sư Phi Luật Tân Orendain. Ông Grant kể lại rằng chính ông Ngô Ðình Diệm đã đòi ghi thêm câu: “Tổng Thống lãnh đạo quốc dân.”(Bernard Fall: “Les Deux Vietnam,” bản Anh ngữ 1964, bản dịch tiếng Pháp ở Paris, Payot, trang 272: “Le président est chargé de diriger la nation.”) 1

Ông Ngô Ðình Nhu nói với những người tham dự Hội Nghị rằng mục đích của ông cũng như là của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là chống Cộng Sản. Hiện nay Cộng Sản đã len lỏi, xâm nhập nhiều vào trong hàng ngũ quần chúng cũng như các giới sinh viên học sinh, trong hàng ngũ trí thức và ngay cả trong quân đội, do đó nhiều khi chính phủ phải có một số biện pháp mạnh để ngăn chận sự phá hoại của Cộng Sản. Sau đó ông lại lên tiếng trách móc các chính khách, các đảng phái chính trị đã có những hoạt động phá hoại chế độ và đã không để cho chính phủ được rảnh tay để lo đối phó với Cộng Sản...
 Trong số những người tham dự buổi họp này, có một số đã từng ký vào bản Tuyên Ngôn Caravelle hồi năm 1960 và họ đã nói với ông Ngô Ðình Nhu rằng sở dĩ mà họ phải công bố bản tuyên cáo tại khách sạn Caravelle vì trước đó, cụ Phan Khắc Sửu và ông Trần Văn Văn, đại diện cho cả nhóm gồm 18 người, đã mấy lần đến Dinh Ðộc Lập xin yết kiến Tổng Thống Ngô Ðình Diệm để đưa tận tay bản quyết nghị cho Tổng Thống nhưng không được tiếp, do đó mà họ phải họp báo công khai ở khách sạn Caravelle trước sự hiện diện của báo chí trong nước và ngoại quốc. Họ nói rằng những điều họ lên tiếng trong bản Tuyên Ngôn là nhắm vào mục đích kêu gọi Tổng Thống sửa đổi chánh sách ngõ hầu đối phó một cách hữu hiệu hơn với những âm mưu của Cộng Sản, họ cảm thấy có trách nhiệm phải nói lên ý kiến của họ để chính quyền có cơ hội được nghe tiếng nói của những người cũng yêu nước, cũng chống Cộng Sản, nhưng không hoàn toàn đồng ý với những chính sách hiện tại của chính quyền. Họ nói với ông Ngô Ðình Nhu rằng nhóm của họ không hề có một tham vọng chính trị nào và không hề tham gia vào một tổ chức chính trị nào nhằm chống lại hay lật đổ chính phủ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, họ chỉ làm bổn phận của người dân theo tinh thần của câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” mà thôi. Bác Sĩ Trần Văn Ðỗ lưu ý với người viết một điểm nhỏ là ngay sau khi chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị các tướng lãnh lật đổ, thì trong chính phủ do các tướng lãnh lập ra để thay thế cho chính phủ Ngô Ðình Diệm, không hề có sự tham dự của bất cứ người nào trong số 18 người ký kết vào bản Tuyên Ngôn Caravelle cả.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiMHjb_9GwOoK3Zs2md0nEZgeIUqELrYiLlw2H9rN8YRzWffWO9vmig-00dSKwmunG3szZEzzLAHs_OIRG57O3oHqPGNMKPd7mxNI9Bz6rXjcK_qh3CCVHePBeDGgDrqdvCDHVnIE2mM8x3/s320/nhu.jpg


Các vị tham dự phiên họp này đều có quen biết với ông Ngô Ðình Nhu, tuy họ thuộc thế hệ lớn tuổi hơn ông Nhu nhưng thái độ của ông Nhu đối với mọi người vô cùng trịch thượng, chính ông ra lệnh cho những người dưới quyền ông đứng ra mời một số người tham dự một hội nghị “đại đoàn kết”, nhưng trong buổi họp thì ông ta nói chuyện với mọi người như là với thuộc cấp của ông, như là ông ta đang ban huấn từ cho các hội thảo viên trong một cuộc hội thảo về Ấp Chiến Lược mà ông là người chủ tọa... Cả hai Bác Sĩ Phan Huy Quát và Phạm Hữu Chương cho biết rằng trước đó họ cũng đã biết rằng tham dự hội nghị “đại đoàn kết” với ông Nhu cũng sẽ chẳng đi đến đâu vì họ biết rõ ông Ngô Ðình Nhu vốn không phải là một con người chấp nhận sự “thỏa hiệp” (compromise), tuy nhiên họ vẫn tham dự vì thiện chí và hy vọng rằng trước mối nguy cơ miền Nam đang trên đà suy sụp trầm trọng, chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm có thể sẽ chấp nhận một vài sự thay đổi, một vài cải thiện để đương đầu với sự gia tăng các hoạt động khủng bố của Cộng Sản. Những người tham dự hội nghị đã khẳng định với ông Ngô Ðình Nhu rằng họ chỉ muốn đưa ra những đề nghị để xây dựng, chứ không phải để “phá hoại” chính quyền, tuy nhiên những đề nghị đó đã không được ông Ngô Ðình Nhu chấp nhận và ông ta đã bỏ ra về.

Cái gọi là “Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết Toàn Dân Chống Cộng Sản” do người của Ðảng Cần Lao triệu tập đã được diễn ra vào tháng 7 năm 1961 tại tư gia của Bác Sĩ Phan Huy Quát chỉ có một buổi họp duy nhất mà chẳng đi đến đâu, tuy nhiên hậu quả là chỉ ít lâu sau thì Bác Sĩ Phan Huy Quát, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục, cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng lại bị chính phủ Ngô Ðình Diệm ra lệnh “trưng dụng” rồi đưa đi phục vụ như một bác sĩ không chuyên khoa tại bệnh viện Cần Thơ và Tạ Chí Diệp lại bị bắt giam một lần nữa, bất hạnh thay lần này Tạ Chí Diệp không còn có ngày về vì ông đã bị thủ tiêu chỉ vài tháng trước ngày chế độ Ngô Ðình Diệm bị đảo chánh vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Bà quả phụ Tạ Chí Diệp cùng bốn người con hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ.



-         Kỳ 8 -


Tạ Chí Diệp Bị Ðâm Chết Rồi Thả Xác Xuống Sông

Ông Cửu Long Lê Trọng Văn là một dược sĩ có liên hệ gia đình với ông Ngô Ðình Nhu và được ông Nhu giao cho nhiệm vụ phụ trách về tình báo cả quốc nội lẫn quốc ngoại cho Văn phòng Cố Vấn Chính Trị của ông Nhu cho đến năm 1963. Ông đã cho xuất bản cuốn “Những Bí Ẩn Lịch Sử Dưới Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm” vào năm 1989, trong đó ông có kể lại vụ thủ tiêu ông Nguyễn Phan Châu tức là Tạ Chí Diệp như sau:

“Vào khoảng tháng 10 năm 1961, tôi được lệnh ông Nhu phải theo dõi bọn Công An cuả Nguyễn Văn Y có thi hành lệnh thủ tiêu Tạ Chí Diệp cuả ông Nhu không và sau đó phải báo cáo sự tình
 với ông Nhu vì ông Nhu cho Tạ Chí Diệp là một phần tử nguy hiểm. Theo dõi nội vụ, tôi được biết cái chết cuả Tạ Chí Diệp như sau:
“Số là hồi đó ông Nhu có treo giải thưởng cho toán công an nào bắt được Tạ Chí Diệp thì sẽ được thưởng một triệu đồng. Một hôm một tên Công An theo dõi và biết được ông Diệp vào nhà một người tại Khánh Hội, y liền vội vàng báo cho Ban Hoạt Vụ gần đó. Sau khi được tăng cường, bọn chúng bao vây căn nhà này rồi xông vào và bắt được ông Diệp cùng với người bạn cuả ông là Mai Văn Thành.

“Bọn Hoạt Vụ báo cáo lên cấp trên là đã bắt được Tạ Chí Diệp. Ở trên ra lệnh khai thác tối đa và sau khi khai thác xong thì phải thủ tiêu nạn nhân. Ðược lệnh, bọn Hoạt Vụ tra tấn, đánh đập ông Diệp liên tiếp hơn một tuần lễ nhưng không khai thác được gì. Ông Diệp chẳng những không khai, mà còn chửi bới anh em nhà Ngô dữ dội.


Sau đó, vào một đêm gần sáng, dưới sự chứng kiến cuả tên Trưởng Ban Hoạt Vụ ở Khánh Hội, hai tên đàn em thân tín cuả hắn trói gô ông Diệp rồi hỏi ông như ban cho ông ân huệ lần cuối: “trước khi chết mày có sợ không? Nếu sợ thì nhắm mắt lại!” Nhưng với giòng máu bất khuất, với ý chí hào hùng, ông thản nhiên đáp gọn: “không cần!” Thế là sau đó, một tên có máu sát nhân đang ngà ngà say, hắn nghe ông Diệp trả lời với lời khinh mạn như vậy, bèn lấy con dao găm và hùng hổ sấn đến đâm ông Diệp nhiều nhát vào ngực, vào bụng. Trước khi chết ông Diệp còn chửi Diệm-Nhu thậm tệ.


“Xác Tạ Chí Diệp được bỏ vào bao bố và đem lên xe. Tên Trưởng Ban lái chiếc xe Jeep, một tên đàn em ngồi kế bên, đằng sau là bao bố đựng xác ông Diệp với một tên đàn em khác. Xe Jeep mang số xe cuả Công An chạy qua vùng Thủ Thiêm, xe chạy ngoặt ngoẹo vào con đường đất nhỏ. Hình như chúng đã chuẩn bị từ trước nên vất cái bao bố đựng xác ông Diệp xuống một cái đầm rồi bọn chúng ung dung ra về.”

“Ngày hôm sau tôi báo cáo mọi chi tiết việc thủ tiêu ông Tạ Chí Diệp cuả Công An cho ông Nhu biết. Có lẽ ông cũng đã được báo cáo cuả Công An ngày hôm đó.” 2

Giáo Sư Tạ Chí Ðại Trường nói với người viết rằng ông không đồng ý với một vài điều do tác giả Cửu Long Lê Trọng Văn nêu ra trong phần nói về thân phụ của ông và Tạ Chí Diệp, tuy nhiên người viết vẫn xin mạn phép trích dẫn những đoạn này vì theo quan niệm của người viết thì dù sao đó cũng là một tài liệu đã được xuất bản thành sách, tác giả những cuốn sách đó phải chịu trách nhiệm về những điều họ đã viết, còn chuyện có tin vào những điều đó hay không là do sự phán đoán của người đọc.

Nguyệt Ðạm và Thần Phong, tác giả cuốn sách “Chín Năm Máu Lửa Dưới Chế Ðộ Gia Ðình Trị Ngô Ðình Diệm” tuy có kể lại rất nhiều chi tiết về những vụ thủ tiêu các nhân vật như Nguyễn Bảo Toàn, Phạm Xuân Gia, Vũ Tam Anh, một số năm vị tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo v.v... tại Sài Gòn và những vụ thủ tiêu cũng như là bắt giam người trái phép của ông Ngô Ðình Cẩn tại miền Trung, nhưng lại chỉ nói đến vụ thủ tiêu Tạ Chí Diệp một cách vắn tắt như sau: “Ông Nguyễn Phan Châu tự Tạ Chí Diệp bị bọn Công An, Mật Vụ Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hay, Khưu Văn Hai, Trần Bửu Liêm v.v. tay sai của Diệm Nhu bắt giam và đưa đi thủ tiêu, vất xác xuống sông...” 3

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh6ssFBpCs75jkL7UUaM9gDeuEmWeTK5TCubIb5q1t-hrxEYlj5pFrjf4MTJkL0R4ehG8KbY3gLMcFeDMe0EXFtf76AH3hgK0dtqJWTXlsYHCqbrbhHuKjogvv3VxYBfNJb6OCywPpbvQKG/s1600/9nammaulua.jpg

Ông Vĩnh Phúc, tác giả cuốn sách “Những Huyền Thoại và Sự Thật Về Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm,” là một người có rất nhiều liên hệ mật thiết với ông Hoàng Bá Vinh và Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, hai người cộng sự rất gần gũi bên cạnh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, có cho biết một vài chi tiết về Tạ Chí Diệp như sau:

“Các ông Hoàng Bá Vinh, Trần Kim Tuyến và Cao Xuân Vỹ đều nói rằng Tạ Chí Diệp (về sau đổi tên thành Nguyễn Phan Châu,) cháu kêu cụ Tạ Chương Phùng bằng bác là bạn của họ. Ông Tạ Chí Diệp bị bắt khoảng đầu năm 1963 rồi bị thủ tiêu trong thời gian có cuộc khủng hoảng Phật Giáo. Theo ông Hoàng Bá Vinh, hồi ông Diệm mới về cầm quyền, rất thân với cụ Tạ Chương Phùng. Ông Diệm đi đâu cũng mời cụ Tạ Chương Phùng đi theo. Nhưng rồi sau không biết có bất đồng gì đó mà hai bên xa cách, rồi trở thành đối nghịch nhau và có lần Tạ Chí Diệp tâm sự với ông Hoàng Bá Vinh rằng sẽ “ra khu.” 4

“Trước khi rời Việt Nam đi Ai Cập, ông Trần Kim Tuyến nhờ ông Cao Xuân Vỹ hỏi ông Nhu xem có biết cơ quan nào bắt Tạ Chí Diệp không vì lúc đó ông Tuyến đã mất chức Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị và hết còn liên lạc được với ông Nhu. Mỗi lần ông Vỹ đề cập đến tên ông Diệp thì ông Nhu cứ gạt đi, như thể không muốn nghe nhắc tới. Có lần khác, ông Nhu bảo “accident!” (tai nạn) nên ông Vỹ không dám hỏi nữa.

“Về sau Nguyễn Văn Hay cho ông Vỹ biết là “lầm”: Ðại Tá Hay (hay ai?) vào trình hồ sơ cho ông Diệm. Ông Diệm phê “giải quyết cho xong!” Tụi bộ hạ tưởng “giải quyết” là đem giết. Thế là những người như Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp chết oan. Bọn ra tay sát nhân là Khưu Văn Hai và đàn em...” 5

Giáo Sư Tạ Chí Ðại Trường cho người viết biết rằng ông có đi dự một vài phiên xử của Tòa Án Cách Mạng vào năm 1964 tại Sài Gòn để xử tội những người có trách nhiệm trong vụ thủ tiêu ông Tạ Chí Diệp, đó là các ông Nguyễn Văn Y, Tổng Giám Ðốc Cảnh sát và Công An, Nguyễn Văn Hay, Phó Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát và Công An, ông Dương Văn Hiếu, Phụ Tá Tổng Giám Ðốc Công An, Ðào Quang Hiển, Khưu Văn Hai v.v. Ông kể lại những bị can này khai trước tòa án rằng họ chỉ thi hành lệnh của thượng cấp, tuy nhiên trong trường hợp ông Tạ Chí Diệp bị thủ tiêu thì bị can Nguyễn Văn Y khai rằng đó là một sự hiểu lầm vì thượng cấp ra lệnh là phải “liquider”vụ này. Trong tiếng Pháp, liquider có nghĩa là giải quyết, thanh toán, cũng còn có nghĩa là thủ tiêu, do đó mà những nhân viên trong Tổng Nha Cảnh sát tưởng là thượng cấp ra lệnh thủ tiêu cho nên ông Tạ Chí Diệp bị giết. Lời khai này cũng giống như là sự giải thích của tác giả Vĩnh Phúc trong đoạn trên, tuy nhiên về phương diện trách nhiệm thì công bằng mà nói, người ra lệnh không rõ ràng, ra lệnh một cách không chính xác là người phải chịu trách nhiệm và nếu đó không phải là lệnh của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thì thượng cấp ở đây không ai khác hơn là ông Ngô Ðình Nhu, nhân vật số 2 của chế độ, và cũng là người chỉ huy trực tiếp của các cơ quan công an, cảnh sát và tình báo hồi đó.

Giáo Sư Tạ Chí Ðại Trường cho biết thêm một chi tiết do một bị can tiết lộ: hôm trước khi bị thủ tiêu, ông Tạ Chí Diệp có hỏi nhân viên công an rằng “có phải ngày hôm nay tôi sẽ bị các anh giết hay không? Tôi là người Công Giáo, nếu các anh dự định giết tôi thì phải cho tôi biết để đọc kinh dọn mình và nếu có thể được thì cho một vị linh mục vào làm phép bí tích...” Giáo Sư Trường cho biết rằng có lẽ đó là một cách mà ông Tạ Chí Diệp muốn hỏi để được biết là ông sẽ bị giết hay chưa vì ông Tạ Chí Diệp không hề theo đạo Thiên Chúa.

Cựu Thiếu Tướng Ðỗ Mậu đã nhận xét như sau về lời khai của Ðại Tá Nguyễn Văn Y: “Việc sát hại những nhân vật chính trị tên tuổi tại Sài Gòn là phải có lệnh của các ông Diệm, Nhu, Cẩn. Thế mà sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, trước Tòa Án Cách Mạng, Ðại Tá Nguyễn Văn Y dám khai rằng ông ta đã ra lệnh giết những nhân vật quốc gia kia chỉ vì “nghe không rõ lệnh Tổng Thống.” Ðó là một lời khai gian xảo, tuy có ý bênh vực Tổng Thống Diệm nhưng đồng thời cũng tố cáo Tổng Thống Diệm đã liên hệ vào các vụ giết người.”

Cụ Ðoàn Văn Thái cho biết rằng khi vào họp với ông Ngô Ðình Nhu tại trụ sở của Báo Xã Hội vào tháng Giêng năm 1954, cụ đã gặp những thành viên do ông Nhu kết nạp trong đó có Tạ Chí Diệp. Tạ Chí Diệp là cháu của cụ Tạ Chương Phùng, một đồng chí và cũng là bạn của ông Ngô Ðình Diệm, như vậy thì ông Nhu cũng phải quen biết rất nhiều với Tạ Chí Diệp. Khi đang nắm giữ chức vụ quan trọng đứng hàng thứ hai trong nước, nếu như ông Nhu phải ra lệnh bắt giữ Tạ Chí Diệp thì ít ra cũng nên nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa mà ra lệnh cho Công An đối xử một cách nhân đạo hơn đối với người cựu đồng chí là Tạ Chí Diệp như là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã ra lệnh cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến phải đối xử với ông Hà Thúc Ký ở trong tù: “Thôi, liệu giúp cho gia đình nó. Nói bên Công An đối xử tử tế với nó.” 6

Người viết cũng có nghe được sự quan tâm của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đối với Trung Úy Phạm Phú Quốc khi ông sĩ quan này bị bắt giam ở An Ninh Quân Ðội sau vụ thả bom Dinh Ðộc Lập. Cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc, trước năm 1963 là đại úy, sĩ quan tùy viên của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, có kể cho người viết rằng trong một buổi quan sát cuộc thực tập phi pháo của Không Quân Việt Nam, Tổng Thống Diệm rất hài lòng khi chứng kiến kết quả rất tốt đẹp của các phi cơ tham dự cuộc biểu diễn và ông đã ra lệnh cho Ðại Tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân mời viên phi công lái một phi cơ khu trục đã oanh kích mục tiêu vô cùng chính xác đến trình diện ông. Viên phi công đó là Trung Úy Phạm Phú Quốc. Tổng Thống Diệm đã bắt tay, khen ngợi và ân cần thăm hỏi về gia thế của Trung Úy Phạm Phú Quốc. Sau khi ông Phạm Phú Quốc cùng Trung Úy Nguyễn Văn Cử lái phi cơ oanh tạc Dinh Ðộc Lập, ông Cử bay thẳng sang Nam Vang xin tỵ nạn chính trị, còn phi cơ của ông Phạm Phú Quốc thì bị Hải Quân bắn rơi và ông bị bắt. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nghe nói rằng Trung Úy Phạm Phú Quốc bị nhân viên An Ninh Quân Ðội dưới quyền Ðại Tá Ðỗ Mậu tra tấn dã man bằng cách dùng kềm kẹp rút ngón tay, cho nên ông đã ra lệnh cho Ðại Úy Lê Châu Lộc sang tận Nha An Ninh Quân Ðội để thăm và quan sát tận mắt xem ông Quốc có bị “rút ngón tay” thật hay không. Sau khi gặp ông Phạm Phú Quốc, Ðại Úy Lộc phúc trình với Tổng Thống Diệm rằng những móng tay của ông này vẫn còn nguyên,
 không hề bị thương tổn như lời đồn đại, Tổng Thống Diệm hài lòng và ra lệnh cho An Ninh Quân Ðội phải đối xử tử tế với ông Quốc. Sau khi ông Diệm bị đảo chánh, Trung Úy Phạm Phú Quốc được tự do, rồi trở thành Ðại Tá Phạm Phú Quốc và phi cơ của ông đã bị bắn rơi trong một cuộc oanh tạc Bắc Việt vào khoảng năm 1965. 7

Có điều rất ít người biết là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm biết rõ Trung Úy Phạm Phú Quốc là con cháu giòng dõi của cụ Phạm Phú Thứ, dưới triều vua Tự Ðức là Phó Sứ trong Sứ Bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để thương thuyết chuộc lại ba Tỉnh Miền Ðông Nam Kỳ. Về sau, cụ Phạm Phú Thứ có kể lại về cuộc Pháp du này trong một cuốn sách bằng chữ Hán nhan đề “Tây Hành Nhật Ký” và đã được ông Ngô Ðình Diệm dịch ra tiếng Pháp khi ông còn theo học trường Hậu Bổ. Bài dịch này đã được đăng trên tam cá nguyệt san “Bulletin des Amis du Vieux Huế” vào năm 1919, lúc đó ông Diệm mới có 19 tuổi.

Ra lệnh phải đối xử tử tế với Trung Úy Phạm Phú Quốc chỉ vì ông ta là hậu duệ của một người nổi tiếng hồi thế kỷ thứ 19 mà ông Ngô Ðình Diệm đã dịch một trong những tác phẩm của cụ sang tiếng Pháp khi ông còn trẻ, điều đó cho thấy ông Diệm cũng là người có tình. Ðằng này ông Ngô Ðình Nhu đã không làm được như vậy, ông để cho một cựu đồng chí, một người bạn cũ là Tạ Chí Diệp bị giết chết rồi mới bảo cho ông Cao Xuân Vỹ biết rằng đó là một “accident” (tai nạn.) Ðó chỉ là nói một cách chống chế vì giết chết một người tù rồi bỏ vào bao bố liệng xác xuống sông Nhà Bè thì không thể nào xem như là một “tai nạn” được.

Một trong những người có tham dự vào việc tổ chức Hội Nghị Ðại Ðoàn Kết là ông Lê Văn Thái vừa mới qua đời vào năm 2005 tại San Diego. Người viết rất tiếc là khi ông Thái còn sinh tiền, tuy có dịp tiếp xúc với ông, nhưng vì lúc đó chưa có ý định viết bài này cho nên đã không hỏi ông về nhân vật Tạ Chí Diệp. Gần đây, người viết có hỏi một người bạn rất thân và rất gần gũi với ông Lê Văn Thái là Luật Sư Ðinh Thạch Bích về nhân vật Tạ Chí Diệp thì Luật Sư Bích cho biết ông có gặp gỡ Tạ Chí Diệp một vài lần hồi năm 1954-1955. Ông Bích nói rằng ông không quen thân với Tạ Chí Diệp nhưng ông nhận thấy Tạ Chí Diệp là người có tài, có tinh thần cách mạng tuy nhiên dường như có khuynh hướng “khuynh tả,” khuynh tả chứ không phải là thân Cộng. Khi người viết hỏi Luật Sư Bích về việc ông Tạ Chí Diệp bị thủ tiêu thì ông Bích nói rằng: “Tôi cũng có hỏi anh Lê Văn Thái về chuyện này nhưng anh ấy nói rằng anh không biết gì về chuyện ấy.” Ông Bích nói thêm rằng: “Tôi cũng hơi ngạc nhiên một điều là không hiểu tại sao anh Thái cứ nói đi nói lại nhiều lần là ‘tôi không có dính dáng gì đến vụ đó...’ như là để thanh minh rằng tuy anh ấy làm việc dưới quyền ông Ngô Ðình Nhu nhưng chỉ phụ trách về liên lạc chính trị chứ không có liên hệ đến mật vụ hay công an cảnh sát.” Ông Bích kết luận “Tôi không muốn hỏi đến nơi đến chốn vụ này vì nếu hỏi rõ ra thì nếu ‘người bạn thân của chúng ta’ không dính dáng, ít ra cũng phải biết về chuyện những nhân vật như Nguyễn Bảo Toàn, Vũ Tam Anh, Tạ Chí Diệp bị thủ tiêu...” 8

Ông Nguyễn Văn Hay này lúc bấy giờ đang giữ chức Phó Tổng Giám Ðốc Công An dưới quyền Ðại Tá Nguyễn Văn Y và cũng là người đã cùng tham dự vào vụ ly khai ra Chiến Khu Ðông cùng với Tạ Chí Diệp để ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm vào năm 1954. Như vậy thì không ít thì nhiều, ông Nguyễn Văn Hay cũng đã có quen biết với Tạ Chí Diệp và đáng lý ra trong cương vị Phó Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát và Công An, ông Hay cũng phải có những hành động tích cực và cẩn trọng hơn để cho một người đã từng quen biết với ông, đã từng hợp tác với ông trong Phong trào Chiến Khu Ðông ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm hồi năm 1954 khỏi bị chết trong tù.
 Thế nhưng ông Nguyễn Văn Hay đã không làm được điều gì và cuối cùng đã thú nhận với ông Cao Xuân Vỹ là... “lầm!

Tạ Chí Diệp thật là một người thiếu may mắn vì ông cũng đã... lầm, đã lỡ kết bạn, đã lỡ làm đồng chí với những người như là các ông Ngô Ðình Nhu, Nguyễn Văn Hay để sau này mang lấy họa vào thân...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét