Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

ÐỐI LẬP CHÍNH TRỊ THỜI ĐỆ NHẤT CỌNG HÒA: VỤ THỦ TIÊU ÔNG TẠ CHÍ DIỆP Tác Giả TRẦN ÐÔNG PHONG Tập 1

ÐỐI LẬP CHÍNH TRỊ THỜI ĐỆ NHẤT CỌNG HÒAVỤ THỦ TIÊU ÔNG TẠ CHÍ DIỆP
 Tác Giả TRẦN ÐÔNG PHONG
LGT/NamGiao  - Trong di chúc chính trị ngày 7-7-1963 của ông Nhất Linh, có một câu 28 chữ mô tả và đánh giá đầy đủ một trong những chính sách độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm: “… Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản …”. Thật vậy, vì thừa kế bản chất phong kiến quan lại của dòng họ Ngô Đình và vì tâm địa cuồng tín của một con chiên Thiên Chúa giáo, ông Diệm và các anh em ông ta không bao giờ thừa nhận ai khác mình, lại càng không chấp nhận ai chống lại mình.

Do đó mà trong chính trị, nhất là chính trị quyền bính, gia đình họ Ngô không chấp nhận đối lập và không ngần ngại “bắt bớ và xử tội” đối lập. Nhưng độc ác hơn cả là đã thủ tiêu những người khác chính kiến dù họ là những chiến sĩ quốc gia đã từng là những ân nhân, đồng chí, bạn bè của anh em ông Diệm. Ngoài hung thần miền Trung là Ngô Đình Cẩn đã sát hại các đảng viên Đại Việt và Quốc Dân Đảng, các nhà thầu ở Huế trong vụ án “Gián điệp miền Trung”, … ở trong Nam, Ngô Đình Nhu (với sự đồng lõa của ông Diệm) cũng đã bất chấp luật pháp quốc gia, dùng lực lượng mật vụ riêng và nhà tù kín, để hạ thủ không biết bao nhiêu chiến sĩ quốc gia yêu nước. Trương Tử An, Vũ Tam Anh, Trịnh Phong Cương, Phạm Xuân Gia, Nguyễn Ngọc Nhẫn, Phạm Duy Nhung, Phan Hữu Phước, Nguyễn Tấn Quê, Hồ Hán Sơn, Thương Cao Thanh (Mã Tăng Cao), Ung Bảo Toàn, …
Riêng Tạ Chí Diệp là một trường hợp đặc biệt. “Đặc biệt” vì nhiệt tình yêu nước và khả  năng đóng góp cho quốc gia của một thanh niên tài cao chí lớn, “đặc biệt” về sự lạnh lùng tàn bạo của một Ngô Đình Nhu không còn lương tri, và “đặc biệt” vì cái hệ thống sát nhân trong một chế độ Cọng hòa tự hào về cái nội dung gọi là “nhân vị duy linh” 
Bài viết dài 25,000 chữ dưới đây của tác giả Trần Đông Phong là một điều tra chính trị công phu với nhiều tài liệu và nhân chứng quý giá từ nhiều nguồn khác nhau (Bùi Diễm, Cao Xuân Dục, Nguyệt Đạm, Trần Văn Hương, Cao văn Luận, Đỗ Mậu, Thần Phong, Vĩnh Phúc, Đào Văn Thái, Nguyễn Trân, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Lý Tưởng, Lê Trọng Văn, …), để đi tìm nguyên nhân sâu xa của một cái chết oan khiên tức tưởi. Một cái chết sau 5 năm bị giam cầm không xét xử, rồi sau đó bị dao đâm nhiều lát và xác bị thả trôi sông Nhà Bè vào một đêm của năm 1963 đó, bây giờ, khi “nước mất vào tay Cọng sản”, đã trở thành một bản án lịch sử về tội ác và sự sụp đổ tất yếu của chế độ Ngô Đình Diệm.  
Bài được đăng thành 8 kỳ (từ 30-11 đến 5-12-2010) trên Webpage “Diễn Đàn Thế Kỷ” (www.diendantheky.net  do Nguyễn Minh Cần, Song Chi, Đinh Xuân Quân, Phạm Phú Minh, Vũ Quí Hạo Nhiên, Đỗ Quý Toàn, Trần Mộng Tú chủ trương).
     
- Kỳ 1 -
Trong chín năm ông Ngô Ðình Diệm cầm quyền, về phương diện chính trị, chỉ có một chính đảng và một phong trào được chính thức cho phép hoạt động tại miền Nam, đó là Ðảng Cần Lao Nhân Vị và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, hai đoàn thể này được chính quyền từ trung ương đến địa phương yểm trợ tối đa và gần như đại đa số dân biểu trong quốc hội cũng như hầu hết các vị tỉnh thị trưởng, các vị tư lệnh sư đoàn đều thuộc hai tổ chức chính trị này.
Theo một bản phúc trình của Bác sĩ Trần Kim Tuyến gửi cho ông Ngô Ðình Nhu, người được xem như là nhân vật lãnh đạo Ðảng Cần Lao Nhân Vị thì “Ðảng Cần Lao không sinh ra chính quyền mà chính quyền sinh ra đảng. Ðảng Cần Lao không lãnh đạo Tổng Thống Ngô Ðình Diệm được. Ðể hậu thuẫn cho chính quyền, đã có các công chức thuộc Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia là những người ăn lương của chính phủ, còn người của đảng Cần Lao sống như thế nào? Họ không có lương do đó họ phải tìm cách để sống, để tồn tại. Từ chỗ này đưa đến tham nhũng. Tình trạng tham nhũng trước còn nhỏ, sau lan rộng, gần như trở thành một bệnh dịch. Như vậy có thể kết luận rằng tổ chức Ðảng mà ăn bám vào chính quyền là điều tai hại...” 1
Ông Nguyễn Trân, một người từng theo ông Ngô Ðình Diệm từ trước năm 1954 cũng có nhận xét về hai đoàn thể này như sau:
“Cả hai đảng Cần Lao và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tuyệt nhiên không có một lý thuyết gì xây dựng để cải tiến con người và xã hội. Một người giữ một chức vụ chỉ huy hành chánh hay quân sự thì được giao cho một chức vụ trong Ðảng hay Phong Trào: Tư Lệnh Vùng hay Sư Ðoàn trưởng kiêm chức quân ủy, tỉnh trưởng kiêm chức Bí Thư Tỉnh, quận trưởng kiêm chức Bí thư Quận v.v.” 
Về sau, chính quyền Ngô Ðình Diệm còn tổ chức thêm Phong Trào Thanh Niên Cộng Hoà dưới quyền lãnh đạo của Ngô Ðình Nhu và Thanh Nữ Cộng Hoà cùng với Phong Trào Phụ Nữ Liên Ðới dưới sự chỉ đạo của bà Ngô Ðình Nhu. Chính quyền Ngô Ðình Diệm nghĩ rằng hai tổ chức Thanh Niên và Thanh Nữ Cộng Hòa, riêng con số đoàn viên Thanh Niên Cộng Hòa trên toàn quốc cũng đã lên đến trên một triệu người, là nòng cốt của chế độ, tuy nhiên đến khi quân đội làm đảo chánh vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 thì không hề thấy một anh Thanh Niên hay một chị Thanh Nữ Cộng Hòa nào đứng ra ủng hộ hai vị lãnh tụ là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố vấn Ngô Ðình Nhu cả. Ông Nguyễn Trân cho biết rằng trong số những tướng tá tham gia vào cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 thì chỉ có “Trung Tướng Dương Văn Minh là người không theo đảng Cần Lao, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân thì có xin gia nhập đảng Cần Lao nhưng không được chấp nhận, còn tất cả là đảng viên Ðảng Cần Lao cầm quân đánh Ðảng Trưởng và Lãnh Tụ Ðảng...” 2
Ông Nguyễn Trân nhận xét rất đúng, tuy nhiên ông còn thiếu một điểm: đó là trước khi đám sĩ quan này gia nhập vào Ðảng Cần Lao, thì vào năm 1954, khi ông Ngô Ðình Diệm mới về nước, họ đều là đảng viên của “Ðảng Con Ó” do Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh thành lập trong quân đội để chống lại Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm.
Trong khi các đoàn thể chính trị của chính quyền được hoạt động và được yểm trợ một cách công khai như vậy, thì tuy không chính thức bị cấm đoán, nhưng các chính đảng và đoàn thể chính trị khác đã từng hoạt động trước khi ông Ngô Ðình Diệm lên nắm chính quyền như Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Duy Dân, Dân Xã Ðảng (Hoà Hảo), Việt Nam Phục Quốc Hội (Cao Ðài), Nhóm Tinh Thần, Phong Trào Tranh Thủ Tự Do v.v... lại vẫn thường bị chính quyền gây khó dễ, bị theo dõi bởi các cơ quan như Sở Nghiên Cứu Chính Trị của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Tổng Nha Cảnh Sát và Công An, Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung v.v., do đó những người nào muốn tham gia vào các hoạt động chính trị, thì cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, bị mất việc, bị vào tù ra khám và đôi khi cũng có thể nói là nguy hiểm đến tính mạng.
Nhà báo Ðỗ Tiến Ðức hiện nay là chủ nhiệm Báo Thời Luận tại California có kể cho người viết bài này về kinh nghiệm bản thân của ông hồi năm 1955: khi đó ông mới di cư vào Nam và đang trú ngụ tại Trại Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Di Cư dành cho những thanh niên di cư không có gia đình gần trường đua Phú Thọ. Vì cần có tiền để tạm sinh sống, ông và nhà thơ Hà Huyền Chi đã nhận báo mang đi bán. Ông Ðức nói rằng cả hai ông cũng chẳng cần biết đó là báo gì và cùa ai, miễn là kiếm được chút tiền còm để sống tạm qua những ngày mới chân ướt chân ráo ở miền Nam. Chẳng may cho ông là tờ báo mà hai ông nhận mang đi bán là báo của Ðảng Ðại Việt, do đó mà chẳng ít lâu sau cả ông lẫn Hà Huyền Chi đều bị bắt. Ông Ðức nói rằng cả hai ông bị Công an của chính phủ Ngô Ðình Diệm tra khảo để truy tầm cho ra những người đảng viên Ðại Việt chủ trương tờ báo mà ông chỉ là một anh bán báo thì làm sao biết được họ là những người nào. Thế là cả hai ông bị tra tấn, đánh đập vô cùng dã man dù lúc đó cả hai người còn ở tuổi học sinh chưa tới 18 tuổi. Về sau nhờ có những người tù lớn tuổi chỉ bảo, khuyên Ðỗ Tiến Ðức và Hà Huyền Chi nên khai là họ “theo bọn Bình Xuyên chứ không phải theo đảng Ðại Việt,” nhờ đó mà ít lâu sau cả hai ông đều được trả tự do. Ông Ðỗ Tiến Ðức về sau theo học tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và từng giữ nhiều chức vụ điều khiển tại Bộ Thông Tin, còn Hà Huyền Chi thì về sau trở thành một sĩ quan cao cấp trong quân đội và một nhà thơ rất nổi tiếng tại miền Nam.
Cụ Ðoàn Văn Thái, cựu Phó Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh, có quen biết cả ông Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Cẩn khi cùng tham gia vào Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hòa Bình để vận động đưa ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh vào đầu năm 1954, cũng có kể lại cho người viết nghe về những đòn tra tấn tại Công an khi ông cùng với một số đồng chí trong đảng Ðại Việt bị bắt giam vào năm 1956: “Tôi bị Ðặc Cảnh Miền Ðông của Tống Ðình Bắc giăng lưới bắt với gần 40 đồng chí giữa năm 1956 cho đến 1962. Trong tù, tôi bị công an đánh đập gãy cả xương sườn. Tôi có cởi áo chỉ cho Tống Ðình Bắc thấy chỗ tôi bị nhân viên công an tra tấn, ngực bị nám đen và Tống Ðình Bắc sau đó cho kết thúc hồ sơ rồi tôi bị đưa vào giam tại trung tâm cải huấn Tam Hiệp...” 
Trường hợp cụ Ðoàn Văn Thái, dù là người có quen biết rất thân thiết với các ông Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Cẩn, và 40 đồng chí của cụ bị tù trên sáu năm trời chỉ vì họ là đảng viên của Ðảng Ðại Việt, đã cho thấy chính sách của chính quyền Ngô Ðình Diệm đối với đảng Ðại Việt nói riêng và các đảng chính trị khác vào thời đó “cởi mở” như thế nào.

L.M. Cao Văn Luận: Ông Diệm là người có óc độc tôn
Linh Mục Cao Văn Luận được xem như là một trong những người ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm gần như tuyệt đối khi ông mới về chấp chánh và cũng là người được xem như là cố vấn thân tín của ông Diệm trong gần chín năm trời, tuy nhiên Linh Mục Luận cũng đã phải có vài nhận xét không lấy gì làm tích cực về cái nhìn của ông Diệm đối với các đảng phái chính trị như sau:
“Tôi phải công nhận rằng ông Diệm là một người có óc độc tôn, nếu chưa phải là độc tài. Ngay từ đầu ông đã cho rằng chỉ nên có một đảng duy nhất, có lẽ ông cho rằng để chống lại cộng sản thì phe quốc gia không thể rơi vào những hỗn loạn chính trị do chế độ đa đảng gây ra, cho nên ông không muốn tại miền Nam có trên hai đảng. Về mặt nổi, ông thành lập Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và trong bề sâu của sinh hoạt chính trị, ông dựng Ðảng Cần Lao Nhân Vị.
“Cái tinh thần độc tôn này được biểu lộ trong cách đối phó với các đảng phái quốc gia, tuy không hoàn toàn ủng hộ ông Diệm nhưng lại không chịu sát nhập vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của ông Diệm. Tôi còn nhớ một hôm tôi đang ngồi trong Dinh Ðộc Lập, hình như khoảng đầu năm 1955, thì có một đoàn biểu tình kéo đến trước dinh. Ðoàn biểu tình này do các cán bộ của một đảng khá quan trọng lúc bấy giờ tổ chức, đó là Phong Trào Tranh Thủ Tự Do của các ông Giáo sư Vũ Quốc Thúc (Thống Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia), Bùi văn Thinh (Bộ Trưởng Nội Vụ.) Tôi tưởng rằng thế nào ông Diệm cũng ra trước Dinh tiếp đại diện đoàn biểu tình, nhưng chuyện xẩy ra trái với ý nghĩ của tôi: Ông Diệm đã ra lệnh cho đơn vị phòng vệ Phủ Thủ Tướng canh gác nghiêm mật, rồi ông vẫn bình tĩnh ở trong dinh cho đến lúc đoàn biểu tình chán nản rồi tự giải tán. Sau đó ít lâu, Bùi Văn Thinh đang làm Bộ Trưởng Nội Vụ bị mất chức và cho đi làm đại sứ tại Nhật Bản. (Linh Mục Cao Văn Luận không nhắc đến trường hợp Giáo sư Vũ Quốc Thúc sau đó cũng mất chức Thống Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam)...
“Cũng trong thời gian này, phiá bên Thiên Chúa giáo có một lực lượng chính trị khá quan trọng là “Tập Ðoàn Công Dân Tôn Giáo.” Ông Diệm và ông Nhu không bằng lòng cho lực lượng này hoạt động nhưng cũng hơi kẹt. Ông không muốn dùng các phương thức áp lực hay đàn áp.
“Một hôm ông Diệm nói chuyện với tôi: ‘nước mình đang có quá nhiều mầm giống hỗn loạn. Theo ý tôi, chỉ nên có một Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và một đảng chính trị duy nhất là Cần Lao. Bây giờ có phong trào Tập Ðoàn Công Dân do Ðức Cha Phạm Ngọc Chi lãnh đạo, tôi sợ rằng như thế không có ích lợi gì. Tôi muốn nhờ cha nói với Ðức Cha Phạm Ngọc Chi cho Tập Ðoàn Công Dân sát nhập vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Cha nghĩ sao?’

“Tôi ngần ngại thưa ông: ‘Tôi không biết chắc Tập Ðoàn Công Dân có thực sự do Ðức Cha Chi lãnh đạo hay không, bởi vì về mặt công khai chúng ta không thể nói chắc chắn Ðức Cha Chi lãnh đạo Tập Ðoàn Công Dân. Trên danh nghiã, Ðức Cha Chi không có chức vụ quan trọng gì trong tổ chức này cả. Hơn nữa, tôi là một linh mục mà lãnh nhiệm vụ đi thu xếp chuyện đảng phái cho Cụ thì e không tiện. Chi bằng nhân dịp nào đó, Cụ gặp thẳng Ðức Cha Phạm Ngọc Chi thử nói chuyện này với Ngài xem sao? Tôi nghĩ rằng nếu Ðức Cha Chi nhận thấy tình hình chính trị nước ta không nên có nhiều đảng phái thì Ngài có thể bằng lòng.’
“Tôi được biết ít lâu sau, ông Ngô Ðình Nhu mời Ðức Cha Chi vào trong Dinh Ðộc Lập nói chuyện nhân dịp Ðức Cha Chi vào Sài Gòn. Phong Trào Tập Ðoàn Công Dân bị giải tán và người ta thấy một số cán bộ cao cấp và các tổ chức hạ tầng cuả phong trào này đã gia nhập vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và đảng Cần Lao.
“Vì các đảng phái có thể trở thành đối lập bị thanh toán ngay từ đầu, và lại bị thanh toán bằng sức mạnh của chính quyền chứ không bằng một cuộc tranh đấu chính trị nào, cho nên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và Ðảng Cần Lao của ông Diệm không có cơ hội thử thách để trưởng thành và trở thành một đảng chính trị đúng ý nghiã của nó... Theo lề lối tổ chức và sinh hoạt của hai nhóm chính trị này, thì khi nào ông Diệm còn nắm chính quyền, thì đảng của ông có vẻ mạnh, nhưng đó chỉ là sức mạnh bề ngoài, sức mạnh loè được kẻ non dạ, mù quáng, mà không bịp ai được...
“Tôi nói chuyện với ông Ngô Ðình Cẩn thì ông Cẩn cho tôi biết rằng về vấn đề đảng phái, ông Diệm và ông Nhu đã ra chỉ thị rõ ràng là không cho phép bất cứ ai lập thêm đảng phái chính trị
.
“Ông Cẩn giải thích là chẳng phải gia đình nhà Ngô chủ trương độc tài chuyên chế, nhưng vì nhận thấy quan niệm đối lập của người Việt Nam mình thật là thô sơ và sai lạc. Khi nói đến đối lập là họ chỉ nghĩ đến việc cướp chính quyền bằng mọi cách, bất chấp hiến pháp, luật lệ và những thủ tục dân chủ hợp pháp. Ông Cẩn đơn cử những trường hợp đối lập của Ðại Việt và Quốc Dân Ðảng. Hai tổ chức này đã có lúc chống đối bằng võ lực, gây khó khăn cho chính quyền, chẳng có ích lợi gì cho quốc gia dân tộc.”4
Ðể có một khái niệm về vai trò của các đảng phái chính trị từ khi ông Diệm lên làm tổng thống cho đến khi ông bị đảo chánh, xin hãy nhìn vào thành phần của Quốc Hội Lập Hiến về sau trở thành quốc hội lập pháp Khoá Một vào năm 1955: 82 dân biểu thuộc Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của ông Ngô Ðình Diệm, 18 dân biểu thuộc Tập Ðoàn Công Dân Công Giáo của ông Trần Văn Lắm, lúc đó đang giữ chức Ðại Biểu Chính Phủ tại Nam Việt (ủng hộ ông Diệm,) 7 dân biểu thuộc Phong Trào Tranh Thủ Tự Do cuả ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn Thinh (ủng hộ ông Diệm,) chỉ có 10 dân biểu thuộc Tổng Liên Ðoàn Lao Công Việt Nam của ông Trần Quốc Bửu (là bạn của ông Ngô Ðình Nhu và lúc đó đang ủng hộ ông Diệm) và 6 dân biểu độc lập không theo đảng nào. Như vậy thì trong tổng số 123 vị dân biểu tại Quốc Hội, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã nắm hết 117 người, chỉ còn có 6 người không phải là đảng viên hay đoàn viên trong những phong trào hay đoàn thể do ông Diệm kiểm soát, tuy nhiên những người này chưa chắc đã hoàn toàn độc lập.
Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, tác giả cuốn “Thuyền Ai Ðợi Bến Văn Lâu” đã có kể lại việc những người hợp tác với ông Ngô Ðình Nhu trong Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình vào hồi năm 1953, phong trào đã tranh đấu, làm hậu thuẫn và chuẩn bị cho việc ông Ngô Ðình Diệm trở về nước nắm chính quyền vào năm 1954, tuy nhiên sau khi ông Diệm trở thành Tổng Thống VNCH vào năm 1956 thì đa số những người này đều bị... ở tù
Ông Nguyễn Lý Tưởng nói rằng:
“Ông Ngô Ðình Diệm, ông Ngô Ðình Nhu đã nhân danh lòng yêu nước để hành động, đã nhân danh quyền lợi quốc gia dân tộc để bỏ tù những người đối lập vì họ đã chống đối chế độ bằng hành động bạo động? Nhưng tại sao từ chỗ hợp tác, họ lại trở thành đối lập? Tại sao từ chỗ bạn, họ lại trở thành thù?
“Ðiều đáng tiếc trong chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là để cho những người bạn đã từng ủng hộ ông, những người đã hy sinh xương máu và là nạn nhân của Cộng sản, những người đã từng phục vụ quốc gia chống lại Cộng sản, những người đã đứng trong Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình bên cạnh ông Ngô Ðình Nhu năm 1953 phải vào tù hoặc phải sống lưu vong như các ông Trần Văn Lý, Vũ Hồng Khanh, Hà Thúc Ký, Ðoàn Thái, Nguyễn Văn Mân, Trần Văn Ân, Nguyễn Phan Châu (tức Tạ Chí Diệp,) Nguyễn Tôn Hoàn, Lê Phùng Thời, Giáo Chủ Phạm Công Tắc v.v.” 5
Trong số những người nêu tên ở trên, chỉ trừ có Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trốn được sang Nam Vang và Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn trốn được sang Pháp, còn tất cả những người còn lại đều bị tù. Riêng ông Trần Văn Ân, chủ nhiệm tuần báo Ðời Mới thì bị tù khổ sai chung thân và đày đi Côn Ðảo từ năm 1955 cho đến sau khi chế độ Ngô Ðnh Diệm bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963 mới được trả lại tự do.
1. Vĩnh Phúc: “Những Huyền Thoại và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm,” Văn Nghệ, 1998, trang 67.
2. Nguyễn Trân: “Công và Tội,” Xuân Thu, California, 1992, trang 344.
3. Nguyễn Trân: “Công và Tội,” Xuân Thu, 1992. Trang 344.
4. L.M. Cao Văn Luận: “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965,” Đại Nam tái bản, trang 281-287.
5. G.S Nguyễn Lý Tưởng: “Thuyền Ai Đợi Bến Vân Lâu,” tác giả xuất bản, Westminster, California, 2001. Trang 450-451.

                   -       Kỳ 2  -
Tạ Chương Phùng: Ðồng chí của ông Diệm từ trước năm 1940

Người miền Bắc và miền Nam có lẽ ít có người biết đến Tạ Chương Phùng, tuy nhiên những người sống trong vùng Nam-Ngãi-Bình Phú thì ít có ai mà không biết đến tên tuổi của nhân vật này.
Cụ Tạ Chương Phùng ra đời vào khoảng cuối thập niên 1890 tại Bình Ðịnh, cụ là người theo nho học và đã đậu cử nhân vào năm Mậu Ngọ, năm Khải Ðịnh thứ Ba tức là năm 1918. Theo Cụ Cao Xuân Dục trong cuốn “Quốc Triều Ðăng Khoa Lục” thì đây là khoa thi Hương cuối cùng đời nhà Nguyễn. Ðiểm đặc biệt trong kỳ thi này là có thêm môn toán pháp, quốc ngữ và cả bài dịch từ chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp, cũng như là thêm cả ba bài luận văn bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Như vậy thì những thí sinh khoa thi này ngoài chữ Hán còn phải thông thạo chữ quốc ngữ và chữ Pháp nữa. Tại trường thi Bình Ðịnh có 12 người được trúng tuyển cử nhân, cụ Tạ Chương Phùng đậu thứ sáu và năm đó mới có 20 tuổi. Nếu cụ khai đúng tuổi thật thì như vậy cụ phải ra đời vào khoảng năm 1898. 6

Vì đã đậu cử nhân cho nên người ta thường gọi cụ là Cụ Cử Phùng hay là cụ Cử Tạ. Cụ có làm thừa phái cho chính phủ Nam Triều qua các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Khánh Hòa nhưng đã về “hưu non” vào khoảng đầu thập niên 1940. Cụ cũng là bạn với các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và đã tham gia vào Phong trào Cần Vương, Phong Trào Ðông Du hồi đầu thế kỷ thứ 20, rồi Phong trào Cường Ðể hồi thập niên 1940, cho nên rất có uy tín đối với dân chúng trong vùng Bình Ðịnh-Phú Yên. Riêng đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng thì cụ có liên hệ rất mật thiết vì cụ là người cộng tác với báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng cho đến khi tờ báo này đình bản.
Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường, con trai của cụ, cho người viết biết rằng cụ Tạ Chương Phùng bị thực dân Pháp bắt, rồi bị tòa án của Pháp xử phạt 20 năm tù khổ sai vào năm 1945, tuy nhiên khi cụ sắp bị đưa lên tàu đày ra Côn Ðảo thì Pháp bị người Nhật đảo chánh vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 và sau đó cụ được người Nhật trả lại tự do. Vì cụ bị mật thám Pháp tra khảo đánh đập một
 cách dã man nên tai bị điếc, do đó phải ở lại Sài Gòn để cho Bác sĩ Bùi Kiện Tín chữa trị. Bác sĩ Bùi Kiện Tín là người rất thân tín của ông Ngô Ðình Diệm, đã từng ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm một cách tích cực về mọi mặt tinh thần, vật chất và tài chánh từ thập niên 1940 và sau này làm bác sĩ riêng cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðến tháng 8 năm 1945, cụ cùng một người bạn tù cũng làm cách mạng chống Pháp rời Sài Gòn ra miền Trung bằng xe lửa. Người bạn của cụ quê ở Nghệ An rủ cụ đi thẳng ra Hà Nội để xem chính phủ của Hồ Chí Minh như thế nào. Cụ cũng muốn đi nhưng nói với bạn rằng cụ bị tù, xa nhà đã lâu cho nên muốn ghé Quy Nhơn để thăm gia đình trước đã vì quê của cụ ở ngay bên đường xe lửa, kế ga Diêu Trì. Người bạn của cụ tiếp tục cuộc hành trình, nhưng khi ra đến Quảng Ngãi thì ông này lại bị Việt Minh giết chết vì tội làm... Việt gian.
Vào khoảng cuối thập niên 1940, cụ Tạ Chương Phùng tham gia vào một tổ chức chính trị chống lại Việt Minh trong vùng Liên Khu 5 mang tên là “Mặt Trận Quốc Dân Bài Cộng” mà ngoài cụ và ông Nguyễn Hữu Lộc là hai nhân vật lãnh đạo, còn có một số đoàn viên khác như các ông Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh, Ðoàn Thế Khuyến, Trần Ðông Á và Tạ Chí Diệp v.v. Về sau mặt trận này bị Việt Minh bắt và những người tham gia mặt trận đều bị Việt Minh đưa ra xử trước Tòa án Nhân Dân về tội làm gián điệp. Cụ Tạ Chương Phùng và ông Nguyễn Hữu Lộc bị kết án tử hình, còn những người khác đều bị tù. Tuy nhiên chỉ có ông Nguyễn Hữu Lộc bị xử tử, còn cụ Tạ Chương Phùng thì may mắn trốn được ra khỏi vùng Liên Khu 5 về sống trong vùng Quốc gia tại Nha Trang.
Theo ông Cửu Long Lê Trọng Văn thì “Cụ Tạ Chương Phùng thuộc một gia đình nho phong cách mạng trong Phong trào Cần Vương, riêng cụ thì hoạt động với ông Ngô Ðình Diệm trong Phong trào Cường Ðể. Vào thời đồng tiền còn giá trị vào năm 1943-1944, cụ Tạ Chương Phùng đã bán một phần nhà cửa sản nghiệp và giúp cho ông Ngô Ðình Diệm hai vạn đồng, mà hai vạn đồng thời đó có thể bằng hai chục triệu thời Ngô Ðình Diệm cầm quyền. Vào năm 1944, Mật Thám Pháp tại Trung Kỳ dự định bắt giam ông Diệm, nhưng nhờ có Hiến Binh Nhật giúp, nên trốn được vào Sài Gòn, tuy nhiên một số đồng chí của ông trong đó có Cụ Tạ Chương Phùng đã bị mật thám Pháp bắt. Cụ Phùng bị Mật thám tra tấn dã man, bị đánh gãy răng hàm về sau phải nói ngọng, bị lấy đinh đâm vào tai về sau bị điếc hẳn một bên. Trong thời gian hoạt động bí mật cho ông Diệm, cụ thường ra vào Sài Gòn và thường hội họp với ông Ngô Ðình Nhu tại nhà ở số 8 đường Ypres nơi ông Nhu cư ngụ…”
Cụ Tạ Chương Phùng là một người trực tính, thấy anh em ông Diệm làm thất nhân tâm nên Cụ táo bạo đưa ra nhiều đề nghị xây dựng để lôi cuốn nhân dân rất là hấp dẫn. Nhưng anh em ông Diệm chẳng những đã không nghe lời cụ, trái lại còn khinh khi và bạc đãi cụ ra mặt. Sau khi Tạ Chí Diệp bị bắt, nhà Ngô bắt giam luôn cụ Tạ Chương Phùng.” 7
Cựu Thiếu Tướng Ðỗ Mậu là người đã từng theo phò tá ông Ngô Ðình Diệm từ thời trước năm 1945 có cho biết rằng khi ông Diệm mới trở về Việt Nam, trước khi thành lập nội các đầu tiên vào ngày 7 tháng 7 năm 1954, vào khoảng cuối tháng Sáu ông có ra thăm Bắc Việt và cụ Tạ Chương Phùng có được mời tháp tùng phái đoàn của thủ tướng:
“Ông Diệm cũng cho tôi biết là mới về, công việc còn đa đoan và nhiều khó khăn. Sau những phút nồng nhiệt ban đầu của cuộc gặp gỡ, ông trở lại với trạng thái đăm chiêu, nét lo âu mệt mỏi hiện rõ trên cặp mắt kém linh động; ghế bên kia, ông Nhu ngồi với vẻ mặt khổ não, lầm lì. Ðược gần một tiếng đồng hồ thì tôi đứng dậy chào ra về vì bên ngoài đã có người chờ vào gặp.
“Ra ngoài hành lang Dinh Thủ Hiến, tôi gặp cụ Tạ Chương Phùng và Võ Văn Hải, bèn thắc mắc với họ về nét mặt ưu tư của ông Diệm và ông Nhu. Hải chưa kịp trả lời thì cụ Phùng đã nói: ‘Hôm qua ông Nhu mới bị ông cụ la cho một trận nên thân đó.’ Cụ Phùng nhắc lại gần nguyên văn lời ông Diệm gay gắt với ông Nhu: ‘Chú đánh điện qua Pháp bảo tôi mọi việc ở nhà đều xong xuôi sẵn sàng cả rồi, bây giờ tôi về lại gặp không biết bao nhiêu là khó khăn. Không ai thèm hợp tác với tôi, ngay cả ông Chữ và ông Toàn cũng từ chối (tức là Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và Bác sĩ Lê Toàn, hai đồng chí của ông Diệm đứng hàng thứ hai và số ba trong phong trào Cường Ðể hoạt động ở Bắc Việt dưới thời Nhật chiếm đóng.) Tôi không làm việc được trong tình cảnh này. Về Sài Gòn rồi tôi sẽ ra đi...”8

Sự tiết lộ của ông Ðỗ Mậu về việc ông Diệm “la ông Nhu một trận nên thân” trước mặt cụ Tạ Chương Phùng và ông Võ Văn Hải cho thấy rằng hai người này đã được ông Diệm xem như người rất thân tình vì ông Võ Văn Hải là người đã từng phục vụ ông Ngô Ðình Diệm từ trước năm 1945 cho đến ngày ông Diệm bị giết vào năm 1963 và cụ Tạ Chương Phùng cũng là đồng chí từ thời trước đó.
Ông Hoàng Bá Vinh là một đồng chí của ông Ngô Ðình Diệm “từ thưở còn long đong (trước năm 1940) cho nên hai bên có một tình thân thiết gắn bó; nhưng phần lớn hình như ông Diệm mang một mặc cảm ‘mắc một món nợ về tinh thần với ông Vinh. Ðó là cái chết của người đỡ đầu của ông Hoàng Bá Vinh là Linh Mục Lê Sương Huệ tại Cái Bè vào năm 1947 mà nguyên nhân là vì ông Diệm nhờ linh mục Huệ đi xuống Vĩnh Long gặp Ðức Cha Thục. Trên đường đi Vĩnh Long, thì chiếc xe của ông Trương Vĩnh Tống, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục, trên đó có cha Huệ, đã bị Việt Minh giật mìn và tất cả mọi người đều bị tử nạn. Có lẽ ông Diệm vẫn ân hận về tai nạn bi thảm này mà bỏ qua không giận ông Vinh khi ông Vinh ăn nói thiếu dè dặt’.”
Về mối liên hệ giữa cụ Tạ Chương Phùng với ông Ngô Ðình Diệm, ông Hoàng Bá Vinh cho biết: “hồi ông Diệm mới về cầm quyền, rất thân với cụ Tạ Chương Phùng. Ông Diệm đi đâu cũng mời cụ Tạ Chương Phùng đi theo. Nhưng rồi sau, không biết có bất đồng gì đó mà hai bên xa cách, rồi trở thành đối nghịch nhau và có lần Tạ Chí Diệp tâm sự với ông Hoàng Bá Vinh rằng Tạ Chí Diệp sẽ ‘ra khu’ (?)” 10

Không ai biết được một cách rõ ràng lý do tại sao mà chẳng bao lâu sau khi ông Diệm lên làm tổng thống, cụ Tạ Chương Phùng không còn lui tới thăm viếng ông Diệm nữa. Có nguồn dư luận nói rằng có nhiều lần Cụ Tạ Chương Phùng đã can ngăn, khuyên nhủ TT Ngô Ðình Diệm và yêu cầu sửa đổi những sai lầm khuyết điểm để toàn dân cùng cộng tác với chính phủ trong công cuộc chống Cộng sản, nhưng TT Diệm không thèm nghe, cho nên cụ đã tuyệt giao với ông Diệm. Ðến tháng 4 năm 1960, Cụ đã ký tên vào bản tuyên ngôn Caravelle và sau đó bị chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt giam sau vụ đảo chánh hụt 11-11-1960 do một nhóm sĩ quan Nhảy Dù lãnh đạo mặc dù cụ không hề có dính líu gì đến cuộc đảo chánh bất thành này.
Theo ông Cửu Long Lê Trọng Văn thì khi cụ Tạ Chương Phùng bị bắt, “tại Trung Tâm Thẩm Vấn của Tổng Nha Cảnh Sát Công An, nhân viên công an thẩm vấn thấy hồ sơ của cụ bèn hỏi ‘Thì ra cụ cũng đã từng theo Ngô Tổng Thống?’ Cụ bèn đáp: ‘Tôi chỉ ủng hộ Ngô Ðình Diệm khi ông còn bôn đào như củi mục giữa giòng chứ tôi đâu có được hân hạnh theo Ngô Tổng Thống. Nếu tôi được theo Ngô Tổng Thống thì cha các ông cũng không dám bắt tôi vào đây!” 11
Cụ Ðoàn Văn Thái, người được cử làm Phó Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh dưới quyền Cụ Tạ Chương Phùng vào đầu năm 1954, có cho người viết biết rằng lúc đó Cụ đã ngoài 60 tuổi nhưng tinh thần vẫn còn rất tráng kiện và rất được dân chúng trong vùng Bình Ðịnh quý mến và kính trọng. Cụ Thái nói rằng cụ Tạ Chương Phùng không có gia nhập một đảng phái chính trị nào, không hề có quen biết gì với Thủ Hiến Phan Văn Giá, nhưng Cụ được cử vào chức vụ này qua sự đề cử của ông Nguyễn Văn An, lúc bấy giờ đang giữ chức Phụ Tá Chính Trị của ông Phan Văn Giáo trong chức vụ Trung-Nam-Trấn Sứ.
Ðầu năm 1954, khi người Pháp mở chiến dịch Atlante nhằm tái chiếm bốn tỉnh Nam-Ngãi-Bình Phú tức là Liên Khu 5 do Việt Minh hoàn toàn kiểm soát từ năm 1946, Thủ Hiến Trung Việt lúc đó là ông Phan Văn Giáo đã cử cụ Tạ Chương Phùng làm tỉnh Trưởng Bình Ðịnh vào khoảng cuối tháng 1 năm 1954 theo đề nghị của ông Nguyễn Văn An, tuy nhiên đến ngày 8 tháng 3 năm 1954 thì quân đội mới thực sự đổ bộ vào Quy Nhơn. Vào đầu tháng 5 năm 1954, sau khi người Pháp thất trận tại Ðiện Biên Phủ, Cụ Tạ Chương Phùng từ chức tỉnh trưởng Bình Ðịnh và hoạt động tích cực trong việc vận động đưa ông Ngô Ðình Diệm trở về nước chấp chánh. Vì lý do này mà sau khi ông Diệm trở về, trong những ngày tháng đầu tiên, đi đâu Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm cũng đều mời cụ Tạ Chương Phùng tháp tùng.
Cụ Ðoàn Văn Thái cho biết rằng trước năm 1945, ông Nguyễn Văn An, tên thật là Nguyễn Tấn Quê, là một đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Ðảng tại Trung Kỳ với chức vụ Chủ Nhiệm Ðệ Thập Tứ Khu Bộ ở vùng Nam-Ngãi, tuy nhiên ông lại được người Pháp tin cậy vì là người có tài và do đó họ đã cho ông làm việc tại Sở Liêm Phóng tức là Mật thám của Pháp. Chính nhờ ở chức vụ này mà ông Nguyễn Tấn Quê đã nắm được hầu hết những tin tức quan trọng của Mật Thám Pháp về những hoạt động của các nhà cách mạng chống Pháp và ông đã báo động cho họ biết trước mà trốn tránh thực dân Pháp. Khi biết được việc người Pháp dự định bắt giam ông Ngô Ðình Diện vào năm 1944, chính ông Nguyễn Tấn Quê đã mật báo cho ông Diệm biết việc này và nhờ đó mà người Nhật đã tổ chức “bắt cóc” ông Diệm đưa vào Sài Gòn để tránh khỏi bị người Pháp bắt giữ. Ông Nguyễn Tấn Quê là người ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm không những từ hồi đó mà cả về sau này, ông đã đóng một vai trò rất tích cực trong việc vận động đưa ông Ngô Ðình Diệm trở về nước nắm chính quyền.
Vào năm 1946, ông Nguyễn Tấn Quê bị Việt Minh bắt giam tại đồn điền trà của ông Ưng Dự tại Truồi, phía bắc đèo Hải Vân vì Việt Minh biết được ông là một đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Một hôm, ông Nguyễn Tấn Quê bị đau nặng đứng dậy không nổi, khi lính tự vệ của Việt Minh cho gọi tên ông để đi trình diện, thì có một người tù tên là Nguyễn Văn An tình nguyện đứng ra nhận ông ta là Nguyễn Tấn Quê để đi thay cho bạn. Ông Nguyễn Văn An này sau đó bị Việt Minh mang đi thủ tiêu vì họ tưởng nhầm đó là ông Nguyễn Tấn Quê. Sau khi ông Nguyễn Tấn Quê thoát được lao tù của Việt Minh, ông bèn đổi tên thành Nguyễn Văn An để ghi nhớ ân đức của người bạn đã chết thay cho mình.
Vào khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khi ông Nguyễn Văn An giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Phan Thiết thì khoảng cuối năm 1953, người Pháp dự định mở một chiến dịch nhằm giải phóng vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú, tức là Liên Khu 5 của Việt Minh, nhằm mục đích giải tỏa áp lực của Việt Minh tại miền Bắc. Người Pháp mở một chiến dịch lấy tên là “Atlante” với sự cộng tác của giới chính trị cũng như là một số đơn vị của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Lúc bấy giờ Thủ Hiến Trung Việt là ông Phan Văn Giáo dự định trao quyền chỉ huy chiến dịch này cho ông Nguyễn Văn An cho nên đã đưa ông An về làm Tỉnh Trưởng Khánh Hòa, tỉnh giáp giới phía nam tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên vì gặp phải sự chống đối của phe quân đội, họ không muốn bị đặt dưới quyền chỉ huy của một người dân sự như ông An cho nên ông Thủ Hiến Phan Văn Gíao, còn có quân hàm Trung Tướng, đứng ra làm Chỉ Huy Sứ Trung Nam Trấn gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên và ông cử Ðại Tá Nguyễn Văn Vỹ làm Phó Tổng Trấn phụ tá Quân sư, (về sau ông Nguyễn Văn Vỹ được thăng thiếu tướng và được Quốc Trưởng Bảo Ðại cử làm Tổng Tham Mưu Trưởng thay thế cho Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh, nhưng lại bị Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm đuổi sang Pháp.. Ông được trở về nước dưới thời Dương Văn Minh và dưới thời Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Trưởng Quốc Phòng. Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ bị mất chức dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vì bị Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên án là nhũng lạm trong vụ Quỹ Tiết Kiệm Quân Ðội vào năm 1972.) Ông Nguyễn Văn An là người dân sự được Thủ Hiến Phan Văn Giáo cử làm Phó Tổng Trấn phụ tá về Hành Chánh và Chính Trị cho chiến dịch này.
Là một người có kinh nghiệm về chính trị cho nên ông Nguyễn Văn An đã đề nghị với Thủ Hiến Phan Văn Giáo nên cử một người có thành tích cách mạng chống thực dân Pháp và chống cả Việt Minh Cộng Sản làm tỉnh trưởng để thu phục nhân tâm trong vùng Bình Ðịnh, nơi đã bị Việt Minh liên tục kiểm soát từ năm 1946 và người được ông An đề cử là cụ Cử Tạ Chương Phùng.. Ðiều này cho thấy ông Nguyễn Văn An là người tài giỏi biết dùng người có tài, tuy nhiên bất hạnh thay chỉ có mấy tháng sau ngày ông Ngô Ðình Diệm về nước làm thủ tướng, thì chính ông Nguyễn Văn An lại bị giết. Phó tỉnh trưởng dưới quyền ông Nguyễn Văn An là Cụ Ðoàn Văn Thái cho người viết biết rằng ông Nguyễn Văn An bị đẩy từ trên lầu xuống đất mà chết và hồi
 đó có nhiều dư luận nói rằng lệnh giết ông An “phát xuất từ Huế” tức là từ ông Ngô Ðình Cẩn và người chuyển lệnh giết ông An là ông Lương Duy Ủy
Cựu Thiếu Tướng Ðỗ Mậu tuy không nói rõ ai đã ra lệnh giết ông Nguyễn Văn An, tuy nhiên ông đã nói rằng “cái chết của Tạ Chí Diệp, cũng như cái chết của Nguyễn Tấn Quê, Vũ Tam Anh, Nguyễn Bảo Toàn v.v. và hàng trăm ngàn người dân vô tội ở thôn quê nằm trong chánh sách tiêu diệt người quốc gia đối lập của chế độ Diệm. Ai cũng biết rằng cái chết của hàng trăm ngàn dân quê nhiều khi là do hành động lạm quyền của các cán bộ Cần Lao, còn việc sát hại những nhân vật chính trị tên tuổi tại Sài Gòn là phải có lệnh của các ông Diệm, Nhu, Cẩn...” 
Trong một đoạn khác, ông Ðỗ Mậu nói thêm: “Năm 1954, khi Tướng Navarre mở cuộc hành quân Atlante, do sự giới thiệu của người bạn là ông Nguyễn Văn An đang giữ chức Chỉ Huy Trung Nam Trấn, ông Nguyễn Văn Ðạt được Thủ Hiến Phan Văn Giáo cử làm tỉnh trưởng Phú Yên. Nhưng khi ông Ngô Ðình Diệm về làm Thủ Tướng được ba, bốn tháng thì ông Nguyễn Văn An bị anh em ông Diệm ra lệnh sát hại tại Quy Nhơn...” 12

Như vậy thì ông cựu Giám Ðốc An Ninh Quân Ðội của chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa đã gián tiếp xác nhận rằng ông Nguyễn Tấn Quê tức là Nguyễn Văn An đã bị giết là do lệnh của các ông Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu hay Ngô Ðình Cẩn chứ không phải là hành động lạm quyền của các cán bộ đảng Cần Lao tại địa phương.
Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng có nói với người viết rằng trong thời gian ông bị tù cải tạo tại miền Bắc, một số cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Ðại Việt có đề cập đến việc ông
 Nguyễn Văn An bị giết và nhiều người đã cho rằng chính ông Ngô Ðình Cẩn đã ra lệnh giết ông An vì tuy ông An ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm nhưng lại rất coi thường ông Ngô Ðình Cẩn. Họ cũng cùng có một ý kiến như cụ Ðoàn Văn Thái cho rằng chính ông Lương Duy Ủy là người nhận được lệnh của ông Ngô Ðình Cẩn giết ông Nguyễn Văn An và đã chuyển lệnh này cho người thi hành -theo Cụ Ðoàn Văn Thái thì người này tên là Bùi Ðức Mỹ- vì lúc đó ông Lương Duy Ủy là người thân tín nhất của ông Cẩn tại vùng Khánh Hòa-Phú Yên.
Cụ Trần Quốc Anh, một người có nhiều tiếp xúc với các giới chính trị tại Huế hồi 1943-1945 cho biết về những người ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm hồi đó như sau: “Nên biết các tay bộ hạ được ông Ngô Ðình Diệm tín nhiệm gồm có: Hồ Viết Tấn, Trần Văn Dĩnh, Bửu Ðà, Tôn Thất Ðạt, Nguyễn Văn Ðạt, riêng anh này lúc đó mới 16 hay 17 tuổi nên không có gì đáng nói đến. Và cuối cùng là Lương Duy Ủy, sau này được ông Diệm cho làm Tổng Thanh Tra Hành Chính. Lương Duy Ủy nguyên là một viên thư ký của hãng Dainan Koshi ở Ðà Nẵng. Học hành chưa có đến bằng cơ thủy (bằng tiểu học thời Pháp thuộc) mà giữ trọng trách kiểm soát tất cả các vị tỉnh trưởng thường là những người xuất thân đại học...” 13
6. Cao Xuân Dục: “Quốc Triều Đăng Khoa Lục”, trang 659.
7. Cửu Long Lê Trọng Văn: “Những Bí Ẩn Lịch Sử Dưới Thời Ngô Đình Diệm,” Mẹ Việt Nam, San Diego 1989. Trang 247-249.
8. Đỗ Mậu: “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi,” trang 114.
9. Vĩnh Phúc: Sđd. trang 33.
10. Vĩnh Phúc: Sđd. trang 226.
11. Cửu Long Lê Trọng Văn: Sđd. trang 249.
12. Vĩnh Phúc: Sđd. trang 226.
13. Cửu Long Lê Trọng Văn: Sđd. trang 249.
 
                                                    - Kỳ 3 -

Hồi năm 1954, sau chiến dịch Atlante, ông Lương Duy Ủy được Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm cử làm Tỉnh Trưởng Phú Yên, rồi vài năm sau đó được cử làm Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình tức là tỉnh Trà Vinh ở miền Tây. Chẳng được bao lâu thì Lương Duy Ủy bị dân chúng Vĩnh Bình tố cáo về tội tham những và bị mất chức , tuy nhiên ông lại được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cử làm Tổng Thanh Tra Hành Chánh như cụ Trần Quốc Anh đã nói ở trên. 
Vào tháng 11 năm 2005, người viết có hỏi cụ Võ Như Nguyện, một người bạn của ông Nguyễn Văn An từ thời trước năm 1945, một người đã từng ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm, đã từng giữ chức tỉnh trưởng Bình Ðịnh vào năm 1955 về chuyện ông Nguyễn Văn An bị giết thì Cụ Võ Như Nguyện, năm nay đã trên 90 tuổi, đã khóc khi nghe nhắc đến người bạn cũ vắn số của cụ. Cụ cho biết là ông Nguyễn Văn An coi ông Ngô Ðình Cẩn chẳng ra gì, khinh thường ông Cẩn ra mặt, tuy nhiên cụ nói rằng cụ cũng chỉ có nghe đồn là ông An bị ông Cẩn ra lệnh giết như vậy mà thôi. Cụ Võ Như Nguyện cũng bày tỏ cảm tình và sự kính phục đối với cụ Tạ Chương Phùng vì cụ Tạ Chương Phùng có rất nhiều uy tín tại Bình Ðịnh, nơi mà cụ Võ Như Nguyện có một thời gian làm tỉnh trưởng vào năm 1955.
Không rõ có một sự liên hệ nào hay không giữa cái chết của ông Nguyễn Văn An với sự liên lạc giữa cụ Tạ Chương Phùng với Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm, tuy nhiên sau khi ông Nguyễn Văn An bị giết thì chỉ một vài tháng sau, vào đầu năm 1955 thì cụ Tạ Chương Phùng không còn ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm nữa.
Năm 1965, khi Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ thành lập Hội Ðồng Dân Tộc Cách Mạng quy tụ trên 10 đoàn thể chính trị do cụ Chữ làm Chủ Tịch, ông Phan Bá Cầm làm Tổng Thư Ký, ông Thái Thủy làm Phó Tổng Thư Ký thì cụ Tạ Chương Phùng nhận lời làm Cố vấn vì Bác sĩ Chữ là đồng chí của Cụ trong Phong Trào Cường Ðể mà ông Ngô Ðình Diệm làm lãnh tụ thời đầu thập niên 1940. Cụ vẫn giữ liên lạc với người bạn tù của cụ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa là cụ Phan Khắc Sửu, cựu Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa từ tháng 10 năm 1964 cho đến tháng 6 năm 1965, tuy nhiên không tham gia vào một đoàn thể chính trị nào sau khi Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ từ trần vào tháng 12 năm 1967
Cụ Tạ Chương Phùng cũng là bạn của cụ Trần Văn Hương, dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa giữ các chức vụ Thủ Tướng, Phó Tổng Thống và Tổng Thống. Trong bài thơ “Lao Trung Lãnh Vận,” có ghi là làm vào ngày 17 tháng 11 năm 1960 tức là sáu ngày sau khi bị chính quyền của ông Ngô Ðình Diệm bắt vào Tổng Nha Công an sau vụ đảo chánh ngày 11-11-1960, cụ Trần Văn Hương có câu:
“Ðòi vợ, ngầy: ông Cử,
Làm thơ, diễu: bác Ðồ.
Các anh còn ở ngoãi,
Ðợi quái gì chưa vô?”

Trong phần chú thích về ông Cử, cụ viết: “Ông Cử Tạ Chương Phùng tuy tuổi đã cao, song còn vui tánh, hay nói giỡn cho anh em đỡ buồn, thường than phiền rằng: cảnh trong lao không đến kham khổ, chỉ thiếu ‘ma femme’ là đáng buồn thôi.” (Bà Cử thất lộc đã lâu.) 14
Trong bài thơ kế tiếp cũng ghi là làm vào ngày 17 tháng 11 năm 1960, cụ Hương nói rằng: “Ông Cử cũng thường diễu rằng: trong ‘tứ khoái’ mặc dầu có ba được đầy đủ song còn thiếu một cũng bực lắm thôi! Vì thế nên sẵn dịp tôi đọc luôn bài thơ sau đây, làm rồi trước bài trên một chút:
“Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn,
Chưa thấy chuyện gì, chuyện khó khăn.
Nằm khểnh sờ môi: râu tủa tủa,
Ngồi rù gãi háng: dái lăn tăn...”15

Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường cho biết thêm cụ Trần Văn Hương sau này vẫn giúp đỡ cho Cụ Tạ Chương Phùng và vẫn còn giữ liên lạc sau năm 1975:

“Chẳng biết Ba tôi quen ông (Trần Văn Hương) hồi nào. Có lẽ với tính cách nhân sĩ mà đậm hơn có lẽ bởi tình đồng-tù ở Tổng Nha Cảnh Sát sau vụ đảo chánh năm 1960. Ông có bài thơ sau này báo chí hay nhắc đến câu “Ngồi rù gãi háng, dái lăn tăn...” trong đó lời đề từ có nhắc đến tên Ba tôi, người gợi hứng.

“Chuyện văn học nghệ thuật cũng có chỗ hợp nhau: hai ông cùng nói chuyện hát bội. Ba tôi ở quê nhà từng đóng vai Hoàng Phi Hổ (Phong Thần,) Tào Tháo, Tạ Ôn Ðình và tất nhiên có quen
 ông Ðào Tấn. Ông Hương có cho Ba tôi một số bản tuồng hát bội đã in rồi cũng có (Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa,) thứ còn trong trang đánh máy cũng có.
“Ðiều đáng ghi riêng biệt là ông có giúp đỡ vật chất cho ông bạn già lỡ thời, thất thế. Ðầu năm 1981, ông còn nhờ người chị đến nhà hỏi: “Ông Cụ mạnh giỏi không, sao lâu quá không lại chơi?” Ông già ung thư đó đúng là ‘gân,’ sống dai quá. Ông không biết rằng ‘ông cụ’ không có thời giờ đến thăm ông vì đã mất từ năm 1977 rồi...” 16

Cụ Tạ Chương Phùng từ trần tại Sài Gòn vào năm 1977. Con cháu của Cụ hiện có rất nhiều người đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Con trai của cụ, Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường, là cựu Ðại Úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã được sang định cư tại Hoa Kỳ sau một thời gian bị tù “cải tạo.” Ông cũng là một nhà văn, một nhà biên khảo về sử học đã từng xuất bản bảy cuốn sách và riêng cuốn “Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam (1771-1802)” đã được Giải Thưởng Văn Học Toàn Quốc vào năm 1973. Hiện nay cuốn sách này đang “được trưng bày” tại “Viện Bảo Tàng Tội Ác Mỹ-Ngụy “ ở Sài Gòn. Không hiểu cuốn sách này đã phạm vào “tội ác” gì đối với Cộng sản vì chủ nghĩa Cộng sản chưa hề xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1771 đến 1802 là năm Vua Gia Long thống nhất nước Việt Nam.

Tạ Chí Diệp: Người ủng hộ ông Diệm từ trước năm 1954
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgP2BlsUAO3yT7gcX4uwqYRmwauq-GVcKRnulvUHmHk9QmtuYkK-Zj0YirjUPJgmtaeI4YFP1ECOmYXsU8JH2NEOMippmpoS5rKXBhL627Z5oI8jLJz859Xc4EtHZng1n7P4LvOy6bBuV8K/s320/T%E1%BA%A1Ch%C3%ADDi%E1%BB%87p1.jpg
Tạ Chí Đại Trường (trái) và Tạ Chí Diệp

Trong một bài báo khác nhan đề “Ông Ngô Ðình Diệm Dưới Nhãn Quan Của Tinh Thần Nho Học,” 
“Tôi (Ðoàn Văn Thái) được chỉ định làm Ủy Viên Liên Lạc giữa Trung Ương (Sài Gòn) và Miền Trung. Mỗi lần vào Sài Gòn tôi đều đến hội kiến và nhận chỉ thị qua ông Ngô Ðình Nhu ở tại số 8 đường Ypres (tòa soạn báo Xã Hội, sau này là đường Ðinh Công Tráng ở Ngã Sáu sài Gòn.) Ðó là một căn nhà ở trong khuôn viên Dưỡng đường St Pierre (của Giám mục Ngô Ðình Thục,) nơi tôi thường gặp các ông Bùi Kiện Tín (Bác sĩ,) Nguyễn Phan Châu (tức Tạ Chí Diệp,) Trần Chánh Thành, Trương Tử An, Ðỗ La Lam v.v

“... Sau khi Cụ Ngô Ðình Diệm về nước lập nội các (7-7-1954) thì có sự bất đồng trong nội bộ Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình, từ đó phong trào kể như tan vỡ, một số thành viên đã đứng vào thế đối lập với chính quyền.” 17 
Như vậy thì trước khi ông Ngô Ðình Diệm làm thủ tướng, ông Tạ Chí Diệp đã là một thành viên trong Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình tích cực ủng hộ và vận động cho ông Diệm về chấp chánh, là người rất gần gũi và thân thiết với ông Ngô Ðình Nhu cho nên mỗi lần vào Sài Gòn, ông Ðoàn Văn Thái đều có gặp ông Diệp ở nhà ông Ngô Ðình Nhu , tuy nhiên chỉ ít lâu sau khi ông Diệm lên làm thủ tướng thì một số người trong nhóm nói trên là ông Hà Thúc Ký và Ðoàn Văn Thái bị cầm tù, Tạ Chí Diệp và Trương Tử An cũng bị tù rồi bị thủ tiêu.

Tạ Chí Diệp còn có bí danh là Nguyễn Phan Châu , không phải là con ruột nhưng là cháu của cụ Cử Tạ Chương Phùng, một nhân sĩ và cũng là một nhà cách mạng chống Pháp người tỉnh Bình Ðịnh. Không rõ Tạ Chí Diệp sinh vào năm nào, tuy nhiên theo những người có quen biết với ông thì vào năm 1954 ông chưa đến 30 tuổi, vì thế mà ông Nguyễn Trân đã nói rằng “Châu chưa đầy 30 tuổi, biết gì mà nói với Thủ Tướng Diệm?” Như vậy thì có lẽ ông Tạ Chí Diệp ra đời vào khoảng cuối thập niên 1920.

Người viết được may mắn có cơ hội được tiếp xúc với Giáo Sư Tạ Chí Ðại Trường, con trai của cụ Tạ Chương Phùng hiện đang sống tại thành phố Westminster, tiểu bang California và đã được ông cho biết thêm một vài chi tiết về ông Tạ Chí Diệp.

Thân phụ của Tạ Chí Diệp là anh ruột của cụ Tạ Chương Phùng, một vị tú tài Hán học nhưng đã qua đời khi Tạ Chí Diệp mới được một tuổi, cho nên Tạ Chí Diệp được ông bà nội và cụ Tạ Chương Phùng nuôi dưỡng cho đến tuổi trưởng thành, do đó tuy là cháu nhưng ông được cụ Tạ Chương Phùng coi như là con ruột. Ông theo học trường Collège de Quy Nhơn, rồi sau đó ra Huế tiếp tục theo học bậc đệ nhị cấp và rất gần gũi với cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn là bạn của cụ Tạ Chương Phùng. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông ra Hà Nội cùng với một người bạn thân là ông Trương Tử An, em trai của ông Trương Tử Anh, lãnh tụ Ðảng Ðại Việt. Tại Hà Nội, ông sống một thời gian với học giả Ðào Duy Anh và trở về Quy Nhơn vào cuối tháng 12 năm 1946. Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường cho biết rằng ông Tạ Chí Diệp từ Hà Nội về Quy Nhơn trên chuyến xe lửa cuối cùng trước khi đường hỏa xa bị gián đoạn sau ngày Toàn Quốc Kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946. Ông cho biết thêm rằng ông Tạ Chí Diệp mang về một va-li rất nặng đựng đầy sách và tài liệu về Karl Marx và chủ nghĩa Cộng sản do nhóm Ðào Duy Anh xuất bản tại Hà Nội. Có lẽ nhờ những tài liệu này mà Tạ Chí Diệp hiểu rõ về chủ nghĩa Mác-xít và trở thành một người có tinh thần chống Cộng quyết liệt sau này.

Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tạ Chí Diệp tham gia kháng chiến trong vùng Liên Khu 5 và được giao cho chức vụ chỉ huy một trung đội Xung Phong Tuyên Truyền của Việt Minh. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó thì ông rời bỏ hàng ngũ Việt Minh, trở về sống với gia đình ở làng Vân Hội, phủ Tuy Phước tỉnh Bình Ðịnh. Vào khoảng năm 1947, ông dạy học tại trường Quang Thùy ở phủ Tuy Phước do ông Nguyễn Hữu Lộc làm hiệu trưởng. Trong thời gian này, ông đã gia nhập Mặt Trận Quốc Dân Bài Cộng do thúc phụ của ông là cụ Tạ Chương Phùng và ông Nguyễn Hữu Lộc lãnh đạo. Sau khi ông Nguyễn Hữu
 Lộc bị Việt Minh xử tử và cụ Tạ Chương Phùng trốn được sang vùng Quốc Gia, Tạ Chí Diệp bị Việt Minh cầm tù. Những người đồng chí của ông như là Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh v.v. ít lâu sau cũng bị Việt Minh xử tử. (Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tại Quy Nhơn có những con đường được mang tên Nguyễn Hữu Lộc, Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh để vinh danh những vị chiến sĩ chống Cộng sản này.) Theo cụ Ðoàn Văn Thái thì vào đầu thập niên 1950, vùng Liên Khu 5 bị nạn đói trầm trọng, do đó Việt Minh đã phóng thích một số tù nhân để khỏi nuôi ăn và Tạ Chí Diệp đã được trả tự do trong giai đoạn này. Sau đó ông cùng với người bạn là ông Trương Tử An tìm cách trốn về vùng Quốc Gia sống với cụ Tạ Chương Phùng ở Nha Trang và làm nghề dạy học để sinh sống. Ông đã lấy bí danh là Nguyễn Phan Châu để hoạt động chính trị trong giai đoạn này.

Khi cụ Tạ Chương Phùng nhận chức Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh vào tháng 3 năm 1954 thì Tạ Chí Diệp theo cụ làm chánh văn phòng của tỉnh trưởng. Ông cũng là người phụ trách về chính trị và tuyên truyền trong chiến dịch Atlante nhằm giải phóng miền nam tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên do Việt Minh kiểm soát từ năm 1946. Do sự giới thiệu của cụ Tạ Chương Phùng, Tạ Chí Diệp vẫn thường đến hội họp với ông Ngô Ðình Nhu ở Sài Gòn và ông Ngô Ðình Cẩn ở Huế để vận động cho việc đòi hỏi đưa ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh.

Sau khi ông Ngô Ðình Diệm trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, trong thời gian trước khi bị tù rồi bị thủ tiêu, ông Tạ Chí Diệp làm giáo sư dạy môn Việt Văn tại các trường Trung Học Lê Văn Trung ở Tây Ninh, Trường Trung Học Tân An, Trường Trung học Phan Sào Nam và một số trường tư thục ở Sài Gòn. Ông bị bắt trên đường về dạy học tại Tân An và sau khi ông bị mất tích, thì thân nhân tìm được chiếc xe gắn máy cũ kỹ của ông nằm chơ vơ cạnh một khu sình lầy ở phía Nam Sài Gòn. Ðó là di tích cuối cùng của Tạ Chí Diệp theo lời của cựu Ðại Sứ Bùi Diễm.

Tạ Chí Diệp có liên hệ rất mật thiết với ông Trương Tử An, em trai của ông Trương Tử Anh, lãnh tụ đảng Ðại Việt và ông Bùi Diễm, cũng là một đảng viên Ðại Việt, do đó mà có nhiều người nghĩ rằng ông Diệp cũng là đảng viên đảng Ðại Việt. Người viết có hỏi cụ Ðoàn Văn Thái, một đảng viên Ðại Việt rất thân cận với ông Hà Thúc Ký về vấn đề này thì cụ Ðoàn Văn Thái khẳng định rằng tuy ông Tạ Chí Diệp có nhiều liên lạc thân hữu với nhiều đảng viên Ðại Việt, nhất là với ông Trương Tử An, tuy nhiên ông không phải là đảng viên của đoàn thể chính trị này.

Không có ai biết đến tung tích của ông Tạ Chí Diệp trong thời gian bị tù lần thứ hai trước khi bị thủ tiêu, tuy nhiên Cụ Ðoàn Văn Thái có cho biết rằng “sau ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, sau khi đưa anh Hà Thúc Ký từ Nhà thương Chợ Quán về nhà ngày 3 tháng 11 năm 1963 thì chúng tôi mới biết trước đó các ông Vũ Tam Anh Nguyễn Ngọc Nhẫn, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Phan Châu Tạ Chí Diệp, Trương Tử An cũng đều bị đưa vào tại phòng giam ‘tâm thần’ ở bệnh viện Chợ Quán, rồi sau đó mất tích....” 18


14. Trần Văn Hương: “Lao Trung Lãnh Vận,” Sài Gòn, 1964, trang 4.
15. Trần Văn Hương: Sđd, trang 5.
16. Tạ Chí Đại Trường: “Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài,” Thanh Văn, California, 1993, trang 16.
17. G.S. Nguyễn Lý Tưởng: “Ông Ngô Đình Diệm Dưới Nhãn Quan Của Tinh Thần Nho Học,” Nhật Báo Người Việt, ngày Thứ Bảy 23-8-2003.
18. Thư của Cụ Đoàn VănThái ngày 17 tháng 11 năm 2005.


  - Kỳ 4 -

Tạ Chí Diệp: Tham Gia “Chiến Khu Ðông” Chống Nguyễn Văn Hinh

Khi ông Diệm mới về nước, tình hình rất là khó khăn, Tạ Chí Diệp đã đi khắp miền Trung và vào Sài Gòn để tuyên truyền lôi kéo quần chúng ủng hộ ông Diệm. Vào cuối năm 1954, khi Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh lập Ðảng Con Ó chống lại Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm, ông Tạ Chí Diệp đã cùng với Thiếu Tá Thái Quang Hoàng lập chiến khu ở Phan Rang để chống lại Tướng Hinh và ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm. Sau khi Tướng Nguyễn Văn Hinh phải rời khỏi Việt Nam để trở về Pháp vào ngày 20 tháng 11 năm 1954, Thiếu Tá Thái Quang Hoàng và các sĩ quan dưới quyền như là Ðại Úy Huỳnh Văn Cao đều được Tổng Thống Diệm tưởng thưởng và trọng dụng. Chỉ mấy năm sau, Thiếu Tá Hoàng được thăng đến Trung Tướng và nếu không bị nhóm đảo chánh 11-11-60 bắt cóc đưa lên Nam Vang thì Trung Tướng Thái Quang Hoàng đã có thể trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội VNCH, Ðại úy Huỳnh Văn Cao chỉ vào khoảng có sáu năm sau, đến đầu thập niên 1960 đã trở thành Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 4.


Cũng vào khoảng thời gian đó, ông Nguyễn Trân được mời giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Khánh Hòa (Nha Trang), rồi ít lâu sau đó thì được chuyển về làm Tỉnh Trưởng Ðịnh Tường (Mỹ Tho). Vào lúc đó, ông Nguyễn Trân rất thân với Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm và theo lời ông thì ông vẫn thường đi xe lửa từ Nha Trang vào Sài Gòn, ăn ngủ tại Dinh Ðộc Lập và hàn huyên với ông Diệm cả ngày, có nhiều khi mãi cho đến tận đêm khuya. Ông Nguyễn Trân cho biết rằng vào khoảng tháng 8 năm 1954, Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh công khai chống lại Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm và nếu mà ông Hinh thắng được ông Diệm thì “chắc chắn miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng sản, Quốc Gia hết đất sống. Vì thế giúp ông Diệm là giúp Quốc Gia vậy...
“Dưới áp lực của tình thế, các sĩ quan Phân Khu Duyên Hải, các tỉnh trưởng và một số thân hào nhân sĩ trong vùng họp mật với nhau tại một mật khu cũ của Việt Minh trong tỉnh Ninh Thuận gọi là Chiến Khu Ðông để bàn kế hoạch đối phó. Hiện diện trong buổi họp đó có:


- Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ, Tư Lệnh Phân Khu Duyên Hải,
- Thiếu tá Thái Quang Hoàng, Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận,
- Ðại Úy Huỳnh Văn Cao, phụ tá Thiếu tá Hoàng,
- Thiếu Tá Ðỗ Mậu, Phó Tham Mưu của Ðại Tá Lễ,
- Trung úy Nguyễn Văn Long, sĩ quan Tiểu khu Bình Thuận,
- Lương Duy Ủy, Tỉnh Trưởng Phú Yên,
- Nguyễn Văn Hay, Trưởng Ty Công An Ninh Thuận,
- Phan Xứng, một nhân sĩ Ðà Lạt,
- Nguyễn Phan Châu, Chỉ Huy Nghĩa Dũng Ðoàn Chiến dịch Atlante,
Và tôi, Tỉnh Trưởng Khánh Hòa....” 1


Như vậy thì theo sự tiết lộ trên đây của ông Nguyễn Trân, hồi tháng 8 năm 1954, Tạ Chí Diệp cũng đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc giúp cho Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm chống lại ảnh hưởng của Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh tại miền Trung. Ông Nguyễn Trân cho biết rằng sau khi nhóm sĩ quan và nhân sĩ này quyết định ly khai rồi rút ra Chiến Khu Ðông thì “Thiếu Tá Ðỗ Mậu đòi thêm một điều kiện là phải trình việc này lên Thủ Tướng Diệm, Cụ có cho mới làm. “Tôi đề nghị anh Nguyễn Phan Châu vào Sài Gòn gặp Thủ Tướng ngay,” Ðỗ Mậu nói.
“Ðề nghị của Mậu chỉ là một sự phá bĩnh vì tôi biết tính ông thủ tướng hay do dự, không quyết định, song tôi nín thinh. Tôi cũng biết việc Nguyễn Phan Châu đi (Sài Gòn) chẳng đi tới đâu vì Châu chưa đầy 30 tuổi, biết gì mà nói với Thủ Tướng? Nguyễn Phan Châu tên thật là Tạ Chí Diệp, cháu cụ Cử Tạ Chương Phùng, một nhân sĩ tỉnh Bình Ðịnh đã ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm từ lâu và đã từng bị tù thời Pháp thuộc vì ông Diệm. Châu lại là con nuôi của Hồ Hữu Tường và là môn đệ của Tường về lập trường trung lập chế.
“Châu rất được Ðỗ Mậu tin nên mới được Mậu cử đi mà không ai phản đối. Chiều hôm đó tôi sửa soạn lên xe lửa về Nha Trang thì anh Nguyễn Văn Hay gặp tôi, năn nỉ tôi vào Sài Gòn trình công việc với ông Diệm.. “Bác chịu khó đi giùm, anh Hay nói, Châu chỉ là một trẻ con, làm sao nó dám gặp ông Cụ?”...

“Tôi liền đáp tàu lửa tại ga Tháp Chàm vào Sài Gòn và sáng hôm sau vào Dinh Ðộc Lập. Tôi gặp Nguyễn Phan Châu và hỏi: ‘Anh đã gặp Cụ chưa?’ Châu trả lời: ‘Tôi là con nít, đâu dám gặp Cụ!’ Tôi hỏi tiếp: ‘Thế sao anh lại nhận sứ mạng?’ Châu lặng thinh....” 2

Một nhân vật thứ hai cũng có mặt trong phiên họp ly khai nói trên là ông Ðỗ Mậu, lúc bấy giờ là Tham Mưu Phó Phân Khu Duyên Hải của Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ. Tuy ông Ðỗ Mậu không lấy gì làm thân thiết và dường như cũng không có mấy cảm tình với ông Nguyễn Trân lúc bấy giờ đang làm tỉnh trưởng Nha Trang vì theo ông Nguyễn Trân thì “Ðỗ Mậu được Ngô Ðình Cẩn phong làm Chủ Tịch Kỳ Bộ Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia đã không ủng hộ tôi trong công cuộc bình định, lại trở mặt chống tôi và mưu hại tôi,” 3 nhưng trong đoạn nói về vai trò của Tạ Chí Diệp lúc đó thì ông Ðỗ Mậu gần như còn có phần đề cao hơn là tác giả cuốn Công và Tội.
Ðỗ Mậu viết như sau:

“Tôi liền đề nghị với ông Lễ triệu tập ngay một buổi họp gồm có Trung Tá Nguyễn Quang Hoành, Chỉ Huy trưởng Tiểu khu Phan Thiết, Thiếu Tá Thái Quang Hoàng, Chỉ Huy trưởng Tiểu khu Phan Rang, Thiếu Tá Huỳnh Công Tịnh, Chỉ Huy trưởng Tiểu khu Nha Trang và Ðại úy Lê Khương, chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 đóng tại Thành Diên Khánh cách tỉnh lỵ Nha Trang 10 cây số...
“Tham dự buổi họp này, ngoài sự hiện diện của anh em quân nhân, tôi còn mời thêm ba người dân sự toàn là bạn thân của tôi và có thể nói họ là những chiến sĩ kiên cường. Ðó là Phan Xứng từ Ðà Lạt xuống, Nguyễn Văn Hay ở Phan Rang và Tạ Chí Diệp tức Nguyễn Phan Châu, con trai cụ Tạ Chương Phùng từ Quy Nhơn vào.
 (Ghi chú: ông Ðỗ Mậu cũng như rất nhiều người khác đã tưởng lầm Tạ Chí Diệp là con của cụ Tạ Chương Phùng vì tuy Diệp chỉ là cháu nhưng được cụ xem như là con của cụ.)

Chúng tôi phân công cho Thái Quang Hoàng lập Chiến Khu Ðông, Tạ Chí Diệp sẽ đưa 50 thanh niên đảng viên của anh ta từ Bình Ðịnh vào chiến khu để làm cán bộ chính trị nòng cốt, Ðại Úy Nguyễn Khương phụ trách thông tin tuyên truyền, Phan Xứng về Ðà Lạt lo đối phó với Ngự Lâm Quân. Chúng tôi nhờ Linh Mục Nguyễn Văn Sồ lo việc in truyền đơn và tài liệu, còn nhà thờ của Cha thì sẽ biến thành trụ sở bí mật. Trung Tá Nguyễn Quang Hoành nắm lấy tỉnh Phan Thiết và Ðại Úy Lê Khương về Khánh Hòa sửa soạn đem quân lên núi tổ chức thêm chiến khu. Sắp đặt xong, ông Lễ và tôi về lại Nha Trang và cho Ðại Úy Huỳnh Văn Cao vào mật trình với Dinh Thủ Tướng...” 4


Ông Ðỗ Mậu cho biết sau đó người Pháp biết được âm mưu này, cho nên Tướng Nguyễn Văn Hinh đã ra lệnh thuyên chuyển Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ ngay tức khắc đi làm chỉ huy trưởng Ðặc khu Phú Quốc. Ông Lễ bị đưa vào Sài Gòn nhưng đã đánh lừa được người của Tướng Hinh, rồi chạy vào trốn trong Dinh Ðộc Lập và ít lâu sau thì được ông Diệm cử làm Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát và Công An. Còn ông Ðỗ Mậu cũng bị ông Diệm gọi về Sài Gòn và có gặp Tạ Chí Diệp cùng với Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ đang ngồi trong văn phòng của ông Võ Văn Hải khi hai ông Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Luyện vào báo cho biết việc Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm quyết định cử Ðại Tá Lễ và ông Mậu sang Mỹ du học...

“Hai ông Luyện và Nhu đã ra khỏi phòng mà ông Lễ và tôi vẫn còn bàng hoàng về quyết định của ông Diệm gởi hai chúng tôi đi Mỹ dù bấy giờ quyết định đó không còn được thi hành nữa. Tạ Chí Diệp, người bạn trẻ trí thức, chí lớn, tài cao của tôi, người đã từng phụ trách bộ phận chính trị của Chiến Khu Ðông, hậm hực kéo tôi ra hành lang tâm sự:


“Ðã muốn làm cách mạng, muốn cầm chính quyền thì khó khăn nguy nan mấy cũng phải kiên cường gian khổ đấu tranh, sao ông Cụ và hai ông Nhu-Luyện lại mau thối chí đến thế? Bác xem lại coi liệu chúng ta có lầm ủng hộ một gia đình phong kiến tầm thường không?” Tôi vội chận Diệp lại: “Cứ từ từ cho cụ Diệm làm việc đã, chưa nên có ý nghĩ đó vội, dù sao còn nước còn tát.”
“Tuy nhiên từ đó Tạ Chí Diệp xa lánh dần nhà Ngô, không còn liên hệ với anh em ông Diệm nữa. Cho đến khi thân phụ của Diệp là cụ Cử Tạ Chương Phùng bị nhà Ngô chê bai là quê mùa cổ hủ, tỏ thái độ vong ân bội phản, Diệp càng thêm bất mãn, bèn liên lạc với Bình Xuyên để chống đối lại Thủ Tướng Diệm. Diệp đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối nhà Ngô ngay trước Dinh Ðộc Lập, do đó Diệp bị bắt giam chung với cán bộ Cộng Sản tại Thủ Ðức và Tam Hiệp gần 5 năm trời. Sau khi Diệp bị bắt. thì cụ Cử Tạ Chương Phùng và người con rể của Cụ cũng bị công an bắt. Khi được trả tự do, Diệp thường liên lạc với Bác Sĩ Trần Kim Tuyến và tôi, do đó, sau này Diệp có chân trong Hội Nghị Ðoàn Kết do ông Nhu chủ tọa, việc mà tôi sẽ kể rõ ở một đoạn sau...” 5


Một tác giả khác là ông Cửu Long Lê Trọng Văn cho biết rằng sau hai năm ông Ngô Ðình Diệm cầm quyền, ông Tạ Chí Diệp nhận thấy chế độ Ngô đình Diệm đầy phong kiến, độc tài, gia đình trị, chèn ép tiêu diệt các đảng phái quốc gia không chịu làm tay sai cho chế độ, cho nên ông Diệp đã tổ chức biểu tình trước Dinh Ðộc Lập và Tòa Ðô Chánh đòi hỏi chế độ Ngô Ðình Diệm phải thực thi dân chủ. Sau đó ông Tạ Chí Diệp bị bắt vào tháng 6 năm 1956 (?), bị ghép tội “phản nghịch, có hành động phá rối trị an” rồi bị giam ở Thủ Ðức, sau đó bị an trí tại Trung Tâm Cải Huấn Tam Hiệp, Biên Hoà trong 5 năm trời.

Tạ Chí Diệp không phải là một nhân vật chính trị nổi tiếng và cũng không giữ một chức vụ nào quan trọng tại Miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1950 khi ông Ngô Ðình Diệm mới về nước chấp chánh, tuy nhiên tên tuổi của ông Tạ Chí Diệp lại được nhiều người biết đến vì ông là một người trẻ tuổi đã hăng say trong việc ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm củng cố địa vị và thế lực trong buổi ban đầu, nhưng rồi sau đó chẳng bao lâu, không những ông không còn ủng hộ, mà ngược lại trở thành chống đối chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm..

Tạ Chí Diệp trở thành người nổi tiếng trong giới chính trị cách đây gần nửa thế kỷ vì ông là một trong những người ít ỏi đã dám đứng lên chống đối đường lối chính trị độc tài, độc đoán của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, ông là một trong số chỉ có vài người rất ít ỏi đã cảnh giác người Việt Nam phải sáng suốt hành động và cương quyết đòi lại cho nhân dân Việt Nam quyền quyết định vận mệnh của mình và thẳng tay chống lại bọn thối nát, áp bức mà không lầm kế làm tay sai ngoại quốc cũng như là lệ thuộc ngoại quốc, ông là một trong những người đầu tiên lên tiếng kết án Tổng Thống Ngô Ðình Diệm dùng chính sách “gia đình trị” trong việc trị nước và cũng vì đó mà ông đã bị tù rồi bị thủ tiêu dưới sông Nhà Bè.

Người viết có nghe nói nhiều về những hoạt động của ông Tạ Chí Diệp, tuy nhiên ở phần trên chỉ ghi lại những điều mà những người có biết đến ông sau này đã viết lại trong một số và hồi ký hay hồi ức của họ. Người viết cũng có sự mong muốn được gặp gỡ một vài vị nói trên để tìm hiểu thêm về nhân vật này, tuy nhiên điều mong ước đó chưa bao giờ được thực hiện.

Một trong những nhân vật hiện nay còn sống và biết rất rõ về Tạ Chí Diệp có lẽ là cụ Ðoàn Văn Thái, năm nay 86 tuổi và hiện đang sống tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ. Vào năm 1954, cụ Ðoàn Văn Thái là phụ tá của ông Nguyễn Văn An, đặc trách về chính trị và hành chánh của Chiến dịch Atlante và cũng là người được Thủ Hiến Phan Văn Giáo chỉ định làm Phó Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh dưới quyền cụ Tạ Chương Phùng.

Người viết có may mắn quen biết với Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng và được ông cho biết rằng ông có quen biết rất thân với cụ Ðoàn Văn Thái, một người quen với Tạ Chí Diệp và đã từng có một thời hoạt động với Tạ Chí Diệp trong vùng Tuy Hòa và Bình Ðịnh cũng như là tại Sài Gòn vào đầu năm 1954. Người viết đã nhờ Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng hỏi thăm cụ Ðoàn Văn Thái về nhân vật Tạ Chí Diệp và cụ đã viết cho Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng một bức thư khá dài nói về nhân vật này.

Người viết xin có lời chân thành cảm tạ cụ Ðoàn Văn Thái và cảm tạ Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng đã cho phép người viết trích dẫn một phần trong lá thư này.


Cụ Ðoàn Văn Thái cho biết:
“Nguyễn Phan Châu tên thật là Tạ Chí Diệp, gọi cụ Tạ Chương Phùng là chú ruột.
“Tôi gặp Tạ Chí Diệp vào những ngày 3 và 4 tháng 1 năm 1954 trong tiền đại hội (phân bộ Miền Trung) của 
Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hòa Bình tại số 8 đường Ypres Sài Gòn, nhà và cơ sở của tạp chí Xã Hội của ông Ngô Ðình Nhu. Ông Nhu là một trong ba vị được Phong Trào giao phó cho nhiệm vụ kết hợp và tổ chức các cơ sở của phong trào tại Trung Việt. Những thành viên do ông Nhu kết nạp ở Sài Gòn mà chúng tôi được giới thiệu là các ông Bùi Kiện Tín (Bác Sĩ), Trần Chánh Thành, Tạ Chí Diệp, Trương Tử An, Ðỗ La Lam và mấy người nữa mà tôi không còn nhớ. Chúng tôi ở Huế vào có các anh Phan Khoang, Huỳnh Hòa, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Trân, Hà Thúc Ký, cụ Phan Văn Phúc (hội trưởng Hội Phật giáo Thừa Thiên và) tôi. Tiền đại hội do ông Nhu chủ tọa, trao đổi ý kiến và cương lĩnh của Phong Trào trong việc đòi hỏi chính quyền của Quốc Trưởng Bảo Ðại phải tổ chức bầu cử để có quốc hội và có hiến pháp, cùng đề nghị nhân sự tham gia Hội Ðồng Nghị Quyết của Phong Trào. Ðại Hội cử hành tại số 113 đường Yên Ðỗ Sài Gòn ngày 6 tháng 1 năm 1954.

“Về Huế, tôi được tin là ông Thủ Hiến Trung Việt Phan Văn Giáo cử tôi tham gia Chiến dịch Atlante. Chiến dịch này có mục đích giải phóng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên và
 phía nam tỉnh Quảng Nam (địa lý tỉnh Quảng Tín sau này.) Tôi được Thủ Hiến Phan Văn Giáo cử làm Chánh Văn Phòng của Trung-Nam-Trấn do ông Thủ Hiến kiêm nhiệm làm Chỉ Huy Sứ, hai ông phụ tá, một về quân sự là Tướng Nguyễn Văn Vỹ, một về chính trị và hành chánh là ông Nguyễn Văn An.

“Tôi theo đoàn quân đổ bộ lên Tuy Hòa giải phóng Phú Yên ngày 21 tháng 1 năm 1954 để tổ chức các cơ sở hành chánh và bố trí các đoàn Hành Chánh Lưu Động giúp ông Tỉnh Trưởng rồi trở về Nha Trang, nơi đặt văn phòng của Trung-Nam Trấn để tổ chức nhân sự cho việc giải phóng tỉnh Bình Ðịnh.

“Cụ Tạ Chương Phùng, một nhân sĩ ở Bình Ðịnh chấp nhận đề nghị giữ chức tỉnh trưởng Bình Ðịnh, Cụ trước đây rất có uy tín ở Bình Ðịnh, người ta gọi cụ là Cụ Cử Tạ. Các anh Phan Bình An và Nguyễn Mậu (Việt Nam Quốc Dân Ðảng) được cử làm đệ nhất và đệ nhị Phó Tỉnh Trưởng, Tạ Chí Diệp làm Chánh Văn Phòng của Tỉnh Trưởng.

“Chúng tôi chuẩn bị ráo riết để đưa ba đoàn Hành Chánh Lưu Ðộng và 1,000 Nghĩa Dũng Ðoàn theo đoàn quân chính quy đổ bộ lên Quy Nhơn ngày 8 tháng 3 năm 1954. Chiều ngày 8 tháng 3, ông Nguyễn Văn An gọi tôi sang bàn công chuyện và cho tôi biết rằng ông Thủ Hiến Phan Văn Giáo có nhận xét rằng Phan Bình An không có đủ cân sức để hợp tác với cụ Cử Tạ khi bên cạnh cụ có Nguyễn Mậu và Tạ Chí Diệp. Ông Giáo sợ rằng họ sẽ đi quá xa vì ông Giáo đã biết rõ sự liên hệ chặt chẽ giữa cụ Tạ Chương Phùng với ông Ngô Ðình Nhu. Ông An cho tôi biết ông Giáo đã ký quyết định cử tôi làm Ðệ Nhất Phó Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh thay cho Phan Bình An. Là công chức, tôi phải tuân hành chỉ thị của cấp trên.


“Ðổ bộ lên Quy Nhơn đúng sáng ngày 8 tháng 3 năm 1954, sau khi ổn định xong, tôi có nhiều dịp trò chuyện với Tạ Chí Diệp. Tôi được biết anh ấy có tham gia vào tổ chức ‘Liên Tôn’ ở Liên Khu 5 của các anh Ðoàn Chí Thoan, Nguyễn Hữu Lộc và Vũ Minh Vinh. Sau khi các anh Thoan, Lộc và Vinh bị Việt Minh xử tử, Tạ Chí Diệp bị ở tù trong mấy năm. Về sau Tạ Chí Diệp được thả ra vì lúc bấy giờ Liên Khu 5 mất mùa, đập Ðồng Cam ở Tuy Hòa bị Pháp thả bom phá hủy nên toàn liên khu bị nạn đói, Việt Minh đã phải thả một số tù nhân và khuyến khích một số người cho họ ‘dinh tê’ (trở về sống trong vùng Quốc Gia) để đỡ phải nuôi ăn và tổ chức một số điệp viên trà trộn vào Nam từ 1952 đến 1954.

“Sau ngày Ðiện Biên Phủ thất thủ (vào đầu tháng 5 năm 1954,) cụ Tạ Chương Phùng, Nguyễn Mậu và Tạ Chí Diệp đều xin từ chức và rút vào Nam...” 6

1. Nguyễn Trân: “Công và Tội”, Xuân Thu, 1992. Trang 112-113.
2. Nguyễn Trân: Sđd., trang 115.
3. Nguyễn Trân: Sđd., trang 188.
4. Đỗ Mậu: Sđd., trang 125-126.
5. Đỗ Mậu: Sđd., trang 125-128.
6. Trích thư của Cụ Đoàn Văn Thái ngày 17 tháng 11 năm 2005.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét