2019 – ''Năm kinh hoàng'' với nước Trung Hoa của ông Tập
Về Trung Quốc, Le Monde có bài tổng hợp đáng chú ý, mang tựa đề ''2019, ‘năm kinh hoàng’ với Trung Hoa của ông Tập Cận Bình''.
Từ phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, đến vụ rò rỉ tin mật về chính sách đàn áp của Bắc Kinh tại Tân Cương, đối đầu với Hoa Kỳ về thương mại. Hình ảnh Trung Quốc trở nên tồi tệ đi trong năm 2019. Những bê bối của Trung Quốc lộ rõ trước con mắt toàn thế giới. Đối với lãnh đạo Trung Quốc, giờ đây, mỗi biến động nhỏ ở địa phương cũng có thể gây tiếng vang toàn cầu.
Một ví dụ được Le Monde nêu ra là, vụ một số nhân viên của một thư viện ở tỉnh Cam Túc miền tây bắc xa xôi, thể hiện quá mức lòng trung thành với chế độ, bằng cách đối cháy khoảng 60 cuốn sách bị họ cho là ''sai lầm về chính trị''. Ngay lập tức làn sóng phẫn nộ quốc tế bùng lên buộc chính quyền địa phương này phải can thiệp, yêu cầu tiến hành điều tra, trước khi trừng phạt một trong những người đốt sách. Vụ đốt sách tại Cam Túc chỉ là ''một chuyện hết sức nhỏ nhặt'' so với những gì diễn ra tại Hồng Kông và Tân Cương.
Tại Tân Cương, thoạt tiên việc cầm tù khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chỉ khiến những người bảo vệ nhân quyền và báo giới quan tâm. Tuy nhiên, kể từ đó, đặc biệt từ sau khi hơn 400 trang tài liệu nội bộ về chính sách trấn áp của đảng Cộng Sản lọt ra bên ngoài, cho thấy nội bộ chế độ cộng sản Trung Quốc phân hóa, Quốc Hội Mỹ và Liên Âu đã lên tiếng mạnh mẽ.
Người Hồng Kông biểu tình để tỏ tình đoàn kết với dân Tân Cương là điều mà Le Monde coi là hết sức mới mẻ. Cả hai cuộc khủng hoảng này đều cho cộng đồng quốc tế nhận ra bộ mặt tồi tệ của chế độ Trung Quốc. Ngay cả Hy Lạp, quốc gia đang hưởng nhiều đầu tư của Trung Quốc, chỉ có 51% dân chúng là có thiện cảm với Trung Quốc. Tồi tệ nhất là ở Mỹ, chỉ có 26% người Mỹ ưa Trung Quốc, tụt 12 điểm, trong lúc 60% ghét bỏ. Bất chấp việc Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận đầu tiên cho phép tạm hưu chiến thương mại, năm 2019 trên thực tế không mang lại cải thiện đáng kể nào đối với Trung Quốc trong hồ sơ quan trọng này. Người Trung Quốc có ấn tượng quốc gia này chỉ là ''một con tốt'' trong cuộc cờ chính trị của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ hai.
Núi nợ công khổng lồ của Trung Quốc được Le Monde đánh giá là một ''hố đen khổng lồ''. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại về tình trạng này. Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, trong năm 2019, tổng số tiền vay không hoàn trả được các doanh nghiệp công Trung Quốc là gấp ba so với năm ngoái (tương đương 5 tỉ euro). Tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng cao, chính quyền Trung Quốc năm nay còn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề của dịch tả heo, khiến giá của loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc, tăng vọt, góp phần khiến lạm phát tăng theo. Năm 2019 cũng là năm con heo theo lịch cổ truyền của người Hoa.
Hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm do cuộc chiến về thuế, Trung Quốc gia tăng nỗ lực để mở rộng quan hệ trao đổi thương mại với các láng giềng châu Á. Tuy nhiên, Ấn Độ lo ngại hàng Trung Quốc xâm lấn, vừa quyết định rút khỏi cơ chế đối tác kinh tế khu vực do Trung Quốc chủ trì, tiếp theo đó Nhật cũng rút.
Nguyên nhân thất bại dồn dập: Độc tôn tư tưởng Tập Cận Bình
Theo Le Monde, nhiều người muốn đi tìm nguyên nhân của các thất bại dồn dập này đối với Trung Quốc. Một nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là ''tư tưởng Tập Cận Bình''. Việc ông Tập tập trung toàn bộ quyền hành trong tay có thể coi là điều khiến cho chế độ cộng sản Trung Quốc trở nên xơ cứng, không kịp trở tay đối phó với các tình thế bất thường, khiến chính quyền Trung Quốc ''càng trở nên dễ phạm phải các sai lầm về chính trị'', theo nhận xét của nhà Trung Quốc học nổi tiếng Min Xin Pei (Bùi Mẫn Hân), trong một bài viết công bố trên mạng Project Syndicate.
Theo ông Min Xin Pei, chế độ tập thể lãnh đạo trước đây của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cho dù thể hiện rõ tính chất kém quyết đoán, nhưng có khả năng giới hạn được các khủng hoảng, do biết phản ứng mềm dẻo, kịp thời. Một ví dụ là, trong cuộc khủng hoảng 2003, tại Hồng Kông, Bắc Kinh đã chấp nhận rút lại ngay lập tức dự luật về an ninh quốc gia, khiến hơn 500.000 người Hồng Kông xuống đường phản đối. Giờ đây, tư tưởng ông Tập Cận Bình được đưa vào Hiến pháp, phê phán ông Tập bị coi là ''phạm tội khi quân'', thì chính quyền Trung Quốc tự đánh mất khả năng phản ứng linh hoạt. Rốt cục, lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của chính mình.
Dữ liệu y tế - Nỗi đau đầu của chính phủ Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét