Vì sao sau trận mưa: Phú Quốc biến thành Phú Nước
Phạm Nhật Bình
Mùa mưa năm nay, TP. HCM còn đang xôn xao vụ dùng lu chống ngập của một nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, cả nước lại dấy lên sự kiện ngập nước sau một trận mưa ở những nơi mà không ai có thể ngờ đến: Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc thuộc Tỉnh Lâm Đồng và một số huyện tại các Tỉnh Gia Lai, Tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Đắk Nông ngập chìm trong biển nước.
Hầu như cùng một lúc, không ai có thể ngờ được cảnh đảo Phú Quốc của Tỉnh Kiên Giang cũng đang chìm trong biển nước. Phú Quốc được nhà nước đua nhau thổi phồng, để cao như “Đảo Ngọc – Thiên Đường Du Lịch”, sau 4 ngày mưa lớn vào đầu tháng Tám, điều khó ngờ ấy đã biến thành sự thật.
Bây giờ ta cứ thử tưởng tượng, Singapore ngập lụt dưới 2 mét nước và nhiều khu vực trên đảo quốc này chìm trong biển nước như Phú Quốc hiện nay, thì mọi người sẽ nghĩ sao?
Chắc chắn là với những đầu óc bình thường, không ai có thể chấp nhận đó là sự thật, nhất là đối với Đảo Quốc Sư Tử cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất nhì thế giới. Tương tự không ai có thể nghĩ ra là Phú Quốc lại biến thành Phú Nước – ngập lụt sau vài ba ngày mưa lớn mà trước đây không hề xảy ra.
Lý do từ khi hình thành, Phú Quốc là một hòn đảo ngoài khơi Tỉnh Kiên Giang mà địa hình thiên nhiên có đồi núi thấp với những cánh rừng nguyên sinh giữ nước và một hệ thống sông rạch, khe suối đủ để thoát nước ra biển trong mùa mưa. Sự cân bằng sinh thái như một điều thật tự nhiên. Người dân sống ở đây hầu hết là ngư dân, trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây chưa bao giờ phải lâm vào tình trạng chạy lụt như những ngày qua. Cho nên chuyện Phú Quốc ngập lụt thật hy hữu, thật “lịch sử” khó thể xảy ra… ngoại trừ động đất và sóng thần!
Nhưng kể từ năm 2013, khu kinh tế Phú Quốc được thành lập và sau đó trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế nhà nước cùng với Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc mới có tình trạng đất biến thành vàng. Đây là những đặc khu kinh tế lập ra để kết nối với kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc.
Phú Quốc ngày nay chịu cảnh trời biển mênh mông chính vì sự tham lam của các quan chức nhà nước. Nguồn lợi vô tận của đất đai khiến họ hăm hở phá rừng, xẻ núi, lấp sông rạch nhằm mục đích lấy đất bán cho nhà đầu tư mở casino, xây khách sạn mà hầu hết vốn đầu tư bỏ ra đều mang bóng dáng Trung Quốc.
Khi rừng trên nguồn không còn, nước mưa không có gì giữ lại nó phải ào ạt đổ về thành phố trước khi có thể rút ra biển. Tuy nhiên hiện tượng Phú Quốc chìm trong biển nước chỉ sau 3 ngày mưa cũng khiến người ta phải chau mày về sự phá sản nhanh chóng của thiên nhiên, dưới sự quản lý đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Mùa mưa này không chỉ Phú Quốc là nơi “ngập lịch sử” như báo chí trong nước mỉa mai tường thuật, mà ngay trên miền cao nguyên người dân thành phố Bảo Lộc Tỉnh Lâm Đồng cũng vất vả đối phó với nước lũ từ những cơn mưa nguồn. Nguyên nhân cũng chỉ do tình trạng phá rừng vô tội vạ với sự dung túng và tham gia tích cực của cán bộ kiểm lâm.
Ở Huyện Đảo Phú Quốc, thay vì tìm biện pháp đối phó, trước hết chính quyền nhanh chóng đổ thừa cho biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao bất thường nên Phú Quốc bị lụt. Như thế có nghĩa phủi sạch trách nhiệm trong quá khứ chính quyền cấu kết với nhà đầu tư, đã thẳng tay tàn phá thiên nhiên để thoả mãn lòng tham vô đáy của mình.
Bởi vì dù cho có biến đổi khí hậu gì đi chăng nữa, nếu rừng không bị phá, hệ thống sông rạch còn nguyên và được quan tâm gìn giữ, tu sửa đúng mức sau khi xây cất nhà cửa thì chuyện ngập lụt sẽ được hạn chế tối đa. Cũng do quan chức thiếu tầm nhìn và kiến thức lãnh đạo non kém, lại tham lam lao vào bán đất làm giàu, xây cất bừa bãi nên người dân Phú Quốc phải hứng chịu thảm hoạ không phải do họ gây ra. Nhiều năm qua, Phú Quốc càng gấp rút biến thành đặc khu kinh tế để đón Trung Quốc nhảy vào thì vi phạm trong xây dựng ngày càng trầm trọng.
Vấn đề đặt ra ai là người chịu sự trừng phạt của thiên nhiên nếu không phải là chính người dân Phú Quốc. Còn các lãnh đạo tham lam, vô tài sau khi no đủ đã tìm cách cao chạy xa bay.
Tóm lại, nạn lụt ngập ở Phú Quốc cho thấy tầm trí tuệ của lãnh đạo đảng và nhà nước cầm quyền hoàn toàn không có. Nó giống như việc xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở miền Bắc và metro Bến Thành-Suối Tiên ở miền Nam, tốn bao nhiều tiền và công sức mà chưa thấy viễn cảnh của ngày khánh thành. Mà nếu có khánh thành đi chăng nữa, với khả năng quản lý của cán bộ hiện nay, liệu những con đường này có an toàn hay không?
Từ nhiều năm qua, Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng khâu bế tắc quản lý đất nước chính là rào cản của thế chế. Đúng ra là thể chế độc tài, tạo ra nạn quan liêu và sứ quân nên cán bộ không quan tâm đến đời sống của người dân mà chỉ tập trung vào việc làm sao vơ vét thật nhiều và hưởng thụ trong lúc còn nắm quyền. Mất quyền là mất tất cả nên họ phải “liên kết” nhau để ăn chia – bao che – tồn tại.
Nói một cách dễ hiểu, ngày nào mà đất nước Việt Nam còn bị lãnh đạo bởi những tên cán bộ thiếu năng nhưng thừa tham vọng quyền lực thì chuyện đảo Phú Quốc bị lụt, điều mà trong đầu mọi người không ai có thể tưởng tượng đó là chuyện có thật.
Phạm Nhật Bình
Sent from Yahoo Mail for iPhone |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét