Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Còn đâu cơ hội… Phan

Còn đâu cơ hội…

Phan
Thuở nhỏ ở quê nhà, tôi thường nghe được từ mẹ tôi – người là một kho tàng tục ngữ, ca dao nên bất cứ sự việc gì diễn ra, mẹ tôi cũng dùng một câu tục ngữ hay ca dao để nêu lên ý kiến riêng của mẹ. Ví như bà hàng xóm phê phán một bà hàng xóm khác với mẹ tôi rằng, “Bà ấy từ dạo có con cái ở Mỹ gởi tiền đô về đến nay, cứ câng câng mặt lên đi chợ, đi chùa. Ra chợ thì chê bai mọi thứ từ đầu chợ đến cuối chợ; ra chùa thì ăn mặc như bà hoàng bà chúa, vàng vòng đỏ tay… Tôi có chào hỏi bà ấy thì bà ấy cũng chẳng thèm trả lời, chị ạ!” Mẹ tôi sẽ an ủi bà hàng xóm ta thán, “Ông bà mình đã nói, trưởng giả học làm sang; phú quý sinh lễ nghĩa mà chị”.
Khi tôi trốn học, đi chơi với những đứa trẻ lêu lổng vì chúng không đi học; và khi mẹ tôi biết được thì người sẽ khuyên nhủ tôi: “Con à! Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Khi nhà bị nhà cầm quyền tịch thu mọi thứ, tống đi kinh tế mới thì mẹ tôi thở dài cũng ra ca dao, “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan…”
Tôi lớn lên với thể trạng suy dinh dưỡng như cây khoai mì mùa hạn sau hoà bình lập lại, nhưng bụng no đầy, ấp lẫm tục ngữ với ca dao. Có lẽ điều ấy đã giúp tôi có suy nghĩ ngắn gọn về sau; như tiếp xúc với một người lần đầu, hình ảnh người ấy còn lại trong tôi rất ngắn gọn: Đó là con người bề ngoài thơn thớt nói cười, nhưng khẩu phật tâm xà, hành vi có tinh vi cách mấy thì cũng không che đậy được thói kéo áo người che bụng mình; kẻ mượn hoa cúng Phật dù cao tay cách mấy thì cũng có ngày vỏ quýt dầy gặp móng tay nhọn… nên ta không nên giao tiếp với người ấy nữa. Hoặc gặp người khác trong cuộc sống, nhưng về họ đọng lại trong tôi suy nghĩ giản đơn: Đúng là tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người. Đó là con người mà ta nên gần gũi, như gần đèn. Chẳng phải mẹ đã nói, ở hiền gặp lành, hữu duyên thiên lý mới tương giao được người tốt…
Không ngờ đến hôm sắp ra trường, người bạn học nói với tôi, “Anh nhớ nhiều tục ngữ, ca dao quá ha? Nhưng khả năng vận dụng vào giao tiếp thì hơi có vần đề…” Tôi trả lời cô bạn cũng rất ngắn gọn, “Cười người hôm trước hôm sau người cười”!
Từ ấy, cuộc sống là vô định vì đâu còn về nhà sau mỗi ngày tan trường, bạn bè chỉ còn là kỷ niệm; để sinh tồn không có cách khác hơn là ở bầu thì tròn ở ống thì dài; nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc… Mẹ. Hôm nào về nhà thì gần. Hứa nhăng hứa cuội cho mẹ vui, để mẹ mắng yêu cái thằng trăm voi không được bát nước xáo… Nhưng xa mẹ chỉ là cách mặt chứ không cách lòng, lòng mẹ bao la trong tôi cả kho tàng tục ngữ ca dao. Mắt sắc như dao cau, mỗi lần gặp con gái đẹp đều nhớ câu ấy của mẹ để cẩn trọng với huấn dụ vợ đẹp là vợ người ta…
Mỗi lần nhìn lại con dao cau với cái ô trầu của mẹ trên bàn thờ, lòng biết ơn người truyền lại cho tôi cả kho tàng nói ít hiểu nhiều thật vô giá. Nhưng ngay cả kỷ vật của mẹ thì giờ cũng chỉ còn được nhìn trên ảnh chụp vì bàn thờ gia tiên còn ở quê nhà.
Ra hải ngoại, nhiều người nói, chúng ta đi mang theo quê hương. Câu nói thật hay, nhiều ý nghĩa. Nhưng mỗi người trong chúng ta mang theo quê hương theo cách riêng; tôi mang theo kho tàng của mẹ tự bao giờ và đến bao giờ? Không khó tìm câu trả lời với người mẹ rỉ rả tục ngữ ca dao như mưa lâu thấm đất vào lòng con trẻ để xa quê như thật gần, quê hương ngay trong lòng mà lại rất xa xôi; quê nhà cách biển nhưng ngay trong lòng với cọng rau răm lẻ bạn trên bàn ăn cũng gợi nhớ câu, gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay…
Nhưng truyền lại cái kho tàng ấy cho đời sau không dễ trong hoàn cảnh người Việt ở Mỹ không có nhiều thời gian gần gũi con cháu, chúng lại dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt do hoàn cảnh hội nhập dòng chính của lớp trẻ Việt lớn lên trên nước Mỹ.
Thật là chuyện cười ra nước mắt. Tôi dạy đứa cháu làm mộc khi cháu muốn tự chế một cái loa để nghe nhạc. Dạy cháu chọn ván phải biết tận dụng hết cái đẹp của hoa văn tự nhiên trên gỗ, rồi đo đạc ra làm sao? Cưa cắt ra làm sao…? Lúc đóng những miếng ván mỏng lại thành cái hộp loa. Tôi đã dặn dò là phải khoan lỗ mồi trước khi đóng đinh, dù lỗ khoan chỉ nhỏ hơn cây đinh chút xíu, nhưng không khoan trước thì khi đóng đinh sẽ tét gỗ vì gỗ quá mỏng…
Rồi thì thằng bé mới hơn mười tuổi đầu thì làm sao đủ kiên nhẫn khi công trình tự làm đầu tiên của nó đã thành hình, chỉ còn một hai mũi đinh nữa là xong. Nó thôi khoan mồi mà đóng thẳng đinh vào gỗ cho hoàn tất. Miếng ván nứt nẻ ra, đường nứt còn ngắn hơn dòng nước mắt tiếc rẻ của thằng bé, phần sợ người chú khó tính cũng làm nó rụt rè câu hỏi, “Xin lỗi chú. Bây giờ con phải làm sao?”
Tôi nói với cháu tôi, “Chú đã nói rồi, dục tốc bất đạt. Chỉ còn cách tháo gỡ miếng gỗ nứt nẻ ấy ra, đi cắt miếng khác thôi cháu ạ!”
Thằng bé không gặp khó khăn nhiều với việc tháo gỡ và đi cắt miếng gỗ khác, nhưng nó rất khó khăn với sự kiên nhẫn, cứ lèm bèm… “Sao mà hôm nay xui quá vậy ta…?”
Tạ ơn trên khi cuối cùng nó cũng hoàn thành được cái bài tập trong trường cho học sinh về nhà tự làm một vật em thích. Trông nó vui làm tôi vui lây. Thằng bé thích nhạc đùng đùng của Mỹ đen, nên khi chỉ nó câu dây vô máy nhạc để nghe thử cái loa; nó cho tôi lại niềm tin là hạnh phúc có thật trên đời khi nhìn nó thả hồn vào loại âm nhạc khủng bố lỗ tai người nghe, và niềm vui sướng với lần đầu trong đời người ta khi hoàn thành được một việc mà mình yêu thích.
Thằng bé cũng biết khi nào nên đặt câu hỏi, và đặt câu hỏi về vấn đề gì?
Nó nói với tôi, “Hồi nãy, chú rầy con câu gì, nghe mắc cười lắm! Chú nói lại cho con nghe được không?”
“À. Chú nói: Dục tốc bất đạt. Thật ra là tiếng Hán, tiếng Tàu, chứ cũng không phải tiếng Việt của mình. Chú chỉ tiện miệng thì nói vậy thôi, cháu đừng nhớ tiếng Tàu…”
Nó gượng hỏi, “Nhưng câu đó có nghĩa là gì?”
“Ý nói, việc gì từ từ làm thì mới có kết quả tốt. Khi làm việc mà thiếu kiên nhẫn, chỉ muốn làm cho xong, mau xong. Công việc sẽ không xong như mong muốn, như cháu không khoan mồi vì muốn mau xong nên đóng đinh vô ván mỏng là bị nứt ván ngay…”
“Chú nói hay. Câu này hay mà vui nữa, con sẽ nhớ…”

Nhưng chỉ tuần sau, đứa cháu tôi thích vì cả đám cháu chỉ mình nó thích nói tiếng Việt, có bạn bè người Việt; còn lại toàn những đứa cháu không thích nói tiếng Việt, không thích chơi với bạn bè người Việt; lý do của chúng chỉ có thể tóm tắt lại là cần tôn trọng, nên thông cảm, chứ không hẳn có lý.
Thôi còn thằng cháu thích nói tiếng Việt cũng đủ cho chú nó vui lòng, nhưng niềm hạnh phúc nó cho không chú nó tuần trước thì tuần sau nó lấy lại!
Chuyện là: Chị tôi đi làm ra thì ghé nhà bà coi trẻ đón hai anh em nó về nhà. Thường nó là đứa trẻ hiếu động nên ham chơi, nó không quan tâm chuyện đói bụng. Nhưng thằng em của nó lại trầm tĩnh nên hay đói. Hôm đó, ba mẹ con về đến nhà. Thằng em kêu, “con đói bụng quá rồi mẹ ơi!” Nên chị tôi vội làm cho nó chút gì để ăn. Chị vốn chậm lại hay rối nên hâm được chút thức ăn cho con thì lại làm đổ cả ra sàn nhà bếp. Chị cầu cứu thằng lớn, “anh Hai ơi, con dọn dẹp, lau chùi sàn sếp dùm mẹ đi; để mẹ làm món khác cho em ăn. Nó đói bụng quá rồi! Giúp mẹ nha anh Hai…”
Nó dõng dạc nói với chị tôi, “Con nói mẹ nha! Cái gì cũng từ từ làm thì mới xong. Mẹ đừng có giục cứt bốc giục cho tèm lem, đổ bể hết rồi! Rồi lỡ mẹ bị phỏng thì sao?”
Chị tôi chết trân với thằng con sanh đẻ ở Mỹ, mới hơn mười tuổi đầu; nó nói cái tiếng Việt gì nghe khó hiểu. Chị không biết bây giờ nên rầy con không được ăn nói kỳ cục; hay để tìm hiểu đã, ai dạy con mình ăn nói kỳ cục vậy chứ…?”
Rồi đời sống Mỹ của người mẹ hai con lại còn đi làm, chị quên bẵng đi đến lần sau nó dạy em nó trên bàn ăn, “Mày đừng có giục cứt bốc giục như vậy! Phải từ từ ăn thì mới không bị nghẹn. Lần sau anh Hai không đi lấy nước uống với vỗ lưng cho mày đâu!”
Lần này thì chị tôi truy ra được người dạy con chị ăn nói kỳ cục… là chú nó!
Câu chuyện dục tốc bất đạt được tam sao thất bổn thành giục cứt bốc giục là chuyện vui trong gia đình mỗi khi sum họp. Nhưng lần này gặp lại thằng cháu ít gặp thì nó đã bốn mươi tuổi đời. Nó trả lời câu hỏi thăm của tôi, “Lâu quá không gặp. Cháu bây giờ làm ăn có khá không?”
“Dạ. Con cũng vậy à chú ơi! Số con cực nên cũng cứ… giục cứt bốc giục hoài. Dù ít gặp chú, nhưng cứ nhớ tới chú là con nhớ cái câu nói nghe vui ấy, nhưng câu đúng của chú nói thì con không nhớ…”
Tôi nhìn lại đám cháu là những chú bé ngày nào thì nay đều đã có gia đình riêng; nhìn lại anh chị em đã già, gặp nhau toàn nói chuyện tiền già với bệnh tật; nhìn lại cái kho ca dao tục ngữ trong tôi cũng đã xúc xiểng nhiều vì ít dùng, vì dùng với ai trong đời sống thực sự là nhiều từ bây giờ nói tiếng Anh còn dễ hiểu hơn nói tiếng Việt như nói với người tính tiền ở chợ, “làm ơn cho chú xin cái receipt.” Cô bé, cậu nhỏ làm thêm giờ ở chợ Việt sẽ hiểu ngay. Nhưng nói cho chú xin cái hoá đơn, hay cái biên lai tính tiền… thì nó đực mặt ra, rồi what mình… What… What… What do you want? What do you want from me…
Còn đâu cơ hội cho kho tàng nói ít hiểu nhiều của người Việt phát huy. Theo thời gian định cư, rất nhiều từ hễ nói ra tiếng Anh thì hiểu ngay, như “làm ơn cho chú order hai cái bánh xèo togo.” Người phục vụ chẳng hỏi han gì thêm, chỉ nói gọn lại “đợi con chừng mười phút, được không chú?” Nhưng nói, “làm ơn cho chú đặt hai cái bánh xèo đem về nhà…” thì thằng nhóc nhìn mình như người Mỹ mới học tiếng Việt!
Ngay cơ hội giữ gìn đã mai một thì còn đâu cơ hội phát huy cái kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng phong phú và ý nghĩa của người Việt.

Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét