Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Quan điểm của Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) về cuộc tấn công vào toà nhà Lập pháp

Quan điểm của Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) về cuộc tấn công vào toà nhà Lập pháp

Mẹ Nấm (Danlambao) lược dịch - Cuộc tuần hành ôn hoà hàng năm vào ngày 1/7 nhân sự kiện Hong Kong được trao trả về Trung Quốc năm nay có nhiều biến động. Những người biểu tình ôn hoà khởi hành từ công viên Victoria, trong khi đó một nhóm sinh viên khác đã chiếm đóng toà nhà quốc hội (Legco). Người biểu tình tại Legco đã đập vỡ của kính, viết lên tường những dòng chữ phản đối Dự luật Dẫn độ. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để chiếm lại trụ sở sau đó. Và dưới đây là những chia sẻ của Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) với thế giới sau tất cả những gì xảy ra.

*

Cộng đồng thế giới thân mến, tôi muốn nói vài lời về những gì đã xảy ra tại #HongKong ngày hôm qua. 

2. Ước tính có khoảng 550000 người dân Hồng Kông đã tham dự cuộc biểu tình kỷ niệm hàng năm hôm qua - con số cao nhất từ trước đến nay. Ngày 1 tháng 7 đánh dấu cột mốc 22 năm kể từ khi Hồng Kông bị chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997, và bây giờ chỉ còn 28 năm nữa là chính sách không thay đổi trong 50 năm - "Một quốc gia, hai chế độ" sẽ hết hạn. 

3. Khi các cuộc biểu tình ôn hòa đang diễn ra, những người biểu tình trẻ tuổi khác đã cố gắng đột nhập vào khi liên cơ Hội đồng Lập pháp. Để hiểu TẠI SAO có sự việc này, chúng ta phải xem xét những gì đã xảy ra trong tháng qua. 

4. Cuộc phản kháng mạnh mẽ của người Hồng Kông chống lại Dự luật Dẫn độ được thỏa thuận với Trung Quốc đã tạo tiếng vang trên khắp thế giới. Những cuộc biểu tình đồng hành liên kết đã diễn ra tại hơn 30 thành phố và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng. 

5. Chúng tôi đã thử MỌI THỨ có thể được. Vào ngày 9 tháng 6, một triệu người Hồng Kông đã xuống đường một cách ôn hoà. Nhưng ngay trước khuya hôm ấy, Trưởng đặc khu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố rằng bà ta sẽ đẩy mạnh việc thông qua dự luật nội trong vòng trong ba ngày. 

6. Đó là lý do tại sao, vào sáng ngày 12 tháng 6, khi Hội đồng Lập pháp tổ chức cuộc tranh luận, người dân Hồng Kông đã dồn sức cho cuộc chiến cuối cùng của mình. Chúng tôi biết rằng đây là một bước tiến tới mà không có lối lùi. Bắc Kinh đã có đủ phiếu bầu vì chỉ 40 trong số 70 ghế là được người dân bầu trực tiếp. 

7. Và sau đó là phép màu. Người biểu tình đã hoàn toàn chiếm ngự toà nhà lập pháp. Những báo cáo đầy đủ chứng cớ đã được công bố bởi các phương tiện truyền thông quốc tế cho thấy cảnh sát đã dùng bạo lực. Nhiều thương tích đã xảy ra sau đó, nhưng như trong mọi trường hợp, các nhà lập pháp đã không thể triệu tập ai ra toà. 

8. Chỉ sau biến cố leo thang này, bà Carrie Lam mới có một thỏa hiệp nhỏ là tạm dừng việc đọc bản dự luật. Ngay cả bà ta cũng thừa nhận rằng các sự kiện vào ngày 12 tháng 6, chứ KHÔNG phải ngày 9 tháng 6, đã thay đổi suy nghĩ của bà ta. Những nỗ lực của người Hong Kong và sự quan ngại của thế giới đã không làm bà ấy bận tâm, cho đến khi bà ta nhìn thấy máu.

9. Nhưng bà Lâm gọi người biểu tình là ‘bạo loạn". Bà sẽ không đồng ý mở một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát. Bà ta không huỷ bỏ dự luật, huống chi là từ nhiệm. Sau cáí chết đầu tiên của một người biểu tình, HAI TRIỆU người đã tuần hành vào ngày 16 tháng Sáu. 

10. Hồng Kông có 7,5 triệu người, do đó, tương đương với MỘT PHẦN TƯ dân số đã biểu tình trong một dịp duy nhất. Tôi chưa bao giờ thấy số người bất mãn chống lại chính phủ trong lịch sử hiện đại đông như vậy.

11. Bà Carrie Lam cuối cùng đã xin lỗi vào hai ngày sau đó, nhưng để làm gì? Vì đã thất bại trong việc truyền đạt thông tin chính xác cho người dân Hồng Kông về Dự luật dẫn độ. Thậm chí cho đến thời điểm đó, bà ta vẫn cho là mình đúng và chúng tôi quá ngu ngốc. 

12. Các nhà bình luận trên khắp thế giới nghĩ rằng phong trào đã kết thúc, bởi vì dự luật được cho là đã bị đình chỉ và bà Lâm đã nói lời xin lỗi. Nhưng thực sự không có nhu cầu nào của chúng tôi được đáp ứng. Bà Lâm đã từ chối đối thoại với các nhà lập pháp đối lập và vẫn tiếp tục ca ngợi lực lượng cảnh sát. 

13. Sau khi phóng thích từ nhà tù vào ngày 17 tháng 6, tôi đã tham gia vào một số cuộc biểu tình nhỏ hơn, toạ kháng và vài cuộc chạm trán không thường xuyên. Chúng tôi muốn cho Bắc Kinh và thế giới biết rằng cuộc tranh đấu của chúng tôi còn lâu mới kết thúc. Sau đó là Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka đã gần kề. 

14. Quyết tâm của người dân Hồng Kông một lần nữa đã được thể hiện khi trong vòng 11 giờ, chúng tôi đã gây quỹ được hơn 6,7 triệu đô la Hồng Kông nhằm quảng cáo trên báo trước Hội nghị thượng đỉnh G-20 để kêu gọi thế giới đừng bỏ rơi chúng tôi. 

15. Chúng tôi rất biết ơn các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Donald Trump đã nêu lên vấn đề nhân quyền tại Hồng Kông trong các cuộc họp với ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, đến ngày 29 tháng 6, nhu cầu của chúng tôi vẫn bị bỏ qua. Có vẻ như chúng tôi đã thực sự thua cuộc. 

16. Tin tức tệ hại tiếp nối. Hai người biểu tình trẻ tuổi khác đã quyết định chọn cái chết vào cuối tuần qua. Chính phủ Hong Kong đang đẩy chúng tôi đến mức tuyệt vọng và tuyệt vọng. Chúng tôi đã thử mọi cách có thể tưởng tượng được  để khiến cho thông điệp của chúng tôi được lắng nghe.
17. Ở trong một nền dân chủ, Dự luật Dẫn độ này lẽ ra đã bị huỷ bỏ từ lâu. Các cuộc thăm dò đã đồng nhất cho thấy khoảng 70% người Hồng Kông ủng hộ việc huỷ bỏ dự luật. Sự nghiệp chính trị của bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ kết thúc với mức độ phản kháng trong một thời gian dài như vậy. 

18. Than ôi, Hồng Kông không phải là một nền dân chủ. Bà Lâm, một con rối của Bắc Kinh, cũng không giống bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Quyền lực của bà ta không đến từ người Hồng Kông mà từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này đưa tôi trở lại các sự kiện ngày hôm qua. 

19. Những người biểu tình đã đột nhập vào khu liên cơ Hội đồng Lập pháp KHÔNG phải là những kẻ bạo loạn. Họ KHÔNG bạo lực. Mục tiêu của họ là không bao giờ làm hại bất kỳ cá nhân nào. Họ muốn làm cho chế độ lắng nghe tiếng nói của người Hồng Kông, và họ không có lựa chọn nào khác. CHÚNG TÔI ĐÃ THỬ MỌI CÁCH. 

20. Có lẽ không phải tất cả các bạn sẽ đồng ý với mọi hành động của người dân Hồng Kông ngày hôm qua. Nhưng mấy tấm kính vỡ có giá trị gì so với cái chết của ba thanh niên nam nữ? Mấy bức chân dung có giá trị gì so với sự tồn tại của Hồng Kông như một mái nhà? 

21. Khoảnh khắc mà họ bước vào tòa nhà, họ biết điều gì đang chờ đợi họ. Họ sẽ phải đối mặt với việc bị truy tố và có thể bị phạt tù về tội bạo loạn với mức án tối đa là 10 năm. Họ còn cả tương lai phía trước.

22. Một số nhà lập pháp đối lập có thiện chí đã cố gắng thuyết phục những người biểu tình ngừng lại. Nhưng người dân đã trả lời rằng vì những người khác đã ngã xuống, bất kỳ hậu quả nào về đàn áp và tù đày mà họ sẽ phải đối mặt đều không thấm vào đâu. Nghe những lời trao đổi này tôi không cầm được nước mắt.

23. Ngay cả sau khi đột nhập vào, người biểu tình đã cư xử với tinh thần kỷ luật không thể tưởng tượng được. Họ để lại tiền mặt tại quầy trước khi lấy đồ uống từ quán ăn tự phục vụ. Họ niêm phong thư viện để bảo quản các tài liệu lịch sử được lưu trữ bên trong. Không một giây phút nào họ mất sự kiềm chế. 

24. Hồng Kông đã sản sinh ra những loại người trẻ nào? Thông minh, hiệu quả, chu đáo và yêu tự do. Tôi tự hào về họ, mặc dù tôi thú nhận rằng tôi không đủ can đảm để làm những gì họ đã làm ngày hôm qua. Tôi đã bị bỏ tù ba lần, vì vậy tôi biết rất rõ những gì đang đợi họ phía trước.
25. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta buộc phải đưa ra những quyết định tức thời mà nó sẽ khiến cuộc đời mỗi người thay đổi, thậm chí là còn thay đổi cả tiến trình của lịch sử. Dĩ nhiên là còn quá sớm để nói trước điều gì, nhưng tôi hy vọng rằng sau này khi chúng ta nhìn lại năm 2019, chúng ta sẽ không phải hối tiếc. 

26. Người Hong Kong vẫn đoàn kết như chúng tôi từng. Tôi tự hào về những gì bạn bè của chúng tôi đã làm đêm qua. Lần đầu tiên tôi bị hơi cay ngay bên ngoài khu vực khi cảnh sát cố gắng phá vòng phòng thủ của chúng tôi. Tiến về phía trước, chúng tôi sẽ tiếp tục đi tìm vị trí của riêng mình và chiến đấu. 

27. Các cuộc biểu tình đang diễn ra đã thách thức sự kỳ vọng của không chỉ đối với các nhà bình luận, học giả và cả bản thân tôi với tư cách là một nhà hoạt động. Tôi sẽ thật ngu ngốc khi cố gắng dự đoán những gì tiếp theo. 

28. Nếu có điều cần rút ra cho thế giới: Các sự kiện ở Hồng Kông hàm chứa rất nhiều điều so với dự luật dẫn độ, so với bà Lâm, thậm chí còn hơn cả dân chủ. Tất cả đều là vấn đề. Nhưng cuối cùng, đó là về tương lai của Hồng Kông sau năm 2047, một tương lai thuộc về thế hệ của chúng tôi.
29. Hãy tiếp tục theo dõi và ủng hộ chúng tôi. Thay mặt người Hồng Kông, tôi cảm ơn mọi người đã dành thời gian để tìm hiểu về chốn độc đáo này -nơi mà chúng tôi gọi là nhà.


Nguồn: 


Lược dịch:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét