Bộ trưởng Williamson nêu kế hoạch lập căn cứ của Anh ở Đông Nam Á
Lần đầu kể từ Thế Chiến 2, Anh Quốc lên kế hoạch lập căn cứ quân sự trở lại ở Đông Nam Á để 'tăng vị thế quốc tế'.
Tin này ngay lập tức đã thu hút bình luận từ giới quan sát tại Trung Quốc, cảnh báo Anh không nên dính líu vào "tranh chấp trong khu vực".
Trở lại Phía Đông Kênh đào Suez
Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson phát biểu hôm cuối năm 2018 rằng Anh Quốc có kế hoạch xây một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và một ở vùng biển Caribbe.
Dự án nhằm đề cao vai trò của Anh sau khi rời Liên hiệp châu Âu (EU), báo Anh dẫn lời ông Williamson hôm 31/12/2018.
Trong nhiều thập niên qua chính sách quốc phòng của Anh là "không đi quá phía Đông của Kênh đào Suez" và chỉ tập trung vào vùng xung quanh châu Âu.
Nay, trả lời một tờ báo Anh, ông Gavin Williamson nói:
"Chúng ta cần nói rõ rằng chính sách cũ bị vứt bỏ, và Anh Quốc một lần nữa trở thành quốc gia toàn cầu."
Bản quyền hình ảnh MOD Image caption
Chiến lược cũ có từ thập niên 1960 theo sau khủng hoảng Kênh đào Suez, khi Anh và Pháp phải rút quân vì can thiệp bất thành chống lại chính phủ Ai Cập thời đó.
Nhưng Anh Quốc còn tham vọng trở lại vị thế ở Đông Á như thời Thế Chiến 2.
Anh từng đóng gần 100 nghìn quân ở Singapore trong Thế Chiến 2 nhưng phải rút đi vì thua Nhật Bản năm 1942.
Ngoài ra, ông Williamson cũng nói sau khi rời EU, Anh sẽ thắt chặt quan hệ với Australia, Canada, New Zealand, các nước vùng Biển Caribbe và châu Phi.
Tuy ông không nói cụ thể về vị trí cho hai căn cứ quân sự mới, các báo Anh tin rằng chính phủ đang bàn thảo để chọn đặt căn cứ ở Singapore hoặc Brunei cho vùng Đông Nam Á, và Montserrat hoặc Guyana ở vùng Biển Caribbe.
Hiện nay, Anh Quốc có căn cứ quân sự hải ngoại ở Cyprus, Gibraltar, vùng đảo Falkland (Malvinas, gần Argentina) và Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, Anh cũng có thỏa thuận tiếp cận địa bàn với nhiều nước khác cho mục tiêu huấn luyện, diễn tập quân sự chung.
Theo trang South China Morning Post hôm 01/01/2019, giáo sư Từ Lập Bình từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TQ đã nói về kế hoạch của Anh:
"Đây là động tác lên gân, nhắm vào Trung Quốc và tìm cách gắn kết với các thế lực bên ngoài trong cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa."
Báo này cũng trích lời ông Nễ Lạc Hùng, chuyên gia hải quân ở Đại học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải nói "đây là bằng chứng Anh cùng các đồng minh thân cận khác của Mỹ ngày càng lại gần đường lối cứng rắn của Donald Trump chống lại Trung Quốc".
Trong năm 2018, Anh Quốc đã cử các tàu HMS Albion và HMS Sutherland vào Biển Đông, đi qua các tuyến hàng hải mà Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền đi lại.
Theo chuyên gia Thành Đỗ từ Paris viết cho BBC Tiếng Việt trong tháng 12/2018, không chỉ Anh mà Pháp, qua lời Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cũng nói sẽ cử hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tới Biển Đông trong năm 2019.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption
Đối tác năm nước
Trên thực tế, dù không có căn cứ quân sự nào sau Thế Chiến 2 ở Nam Á và Đông Nam, Anh vẫn là thành viên chủ chốt của một liên minh quân sự nhỏ, 'Five Power Defence Arrangements' (FPDA) từ 1971.
Các nước này đều là thành viên Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), trong đó có Anh, Úc, Malaysia, New Zealand, và Singapore.
Quy chế đối tác gồm năm quốc gia này được nâng cấp hồi 2016 và đề ra kế hoạch cho các tàu chiến và hàng không mẫu hạm Anh thăm vùng biển Đông Nam Á.
Họ cũng đồng ý với nhau rằng các nước gần nhất như Úc và New Zealand sẽ ứng cứu Singapore và Malaysia nếu bị tấn công.
Anh Quốc vì ở xa hiện chỉ đóng góp phần huấn luyện hải quân và không quân, với các đơn vị Không quân Hoàng gia Anh (RAF) thường xuyên có mặt tại căn cứ Butterworth, bang Penang của Malaysia.
Tại Brunei, Anh Quốc hiện có thỏa thuận tiếp cận cơ sở huấn luyện cho bộ binh và biệt kích cùng quân lực hoàng gia nước chủ nhà.
Sang ngày 2/01/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Jeremy Hunt, phát biểu tại Singapore xác nhận rằng Anh Quốc "muốn mở rộng hiện diện qua các đối tác quân sự đã có trong vùng" và nhắc đến tiểu đoàn Gurkha của Anh có mặt tại Brunei.
Trên bình diện quốc tế, Anh Quốc, cũng qua lời Bộ trưởng Gavin Williamson, gần đây lên tiếng mạnh mẽ hơn về đe dọa an ninh mạng từ Nga và Trung Quốc.
Anh hiện cũng là thành viên của liên minh tình báo 'Năm Con Mắt' gồm các nước nói tiếng Anh: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Australia, New Zealand và Canada.
Trong năm qua, quan chức hoặc chuyên gia từ các nước này đều lần lượt nói về nguy cơ 'tin tặc' và điều họ gọi là 'nạn trộm cắp công nghệ cao' một số đối tượng từ Trung Quốc thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét