Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

VN-Gù lưng mà sống!

VN-Gù lưng mà sống!



Người nghèo ở Việt Nam vẫn phải còng lưng làm việc và còng lưng mà sống. (Hình: Getty Images)
Trong tháng vừa qua, Notre Dame de Paris vừa bị hỏa hoạn lớn, do đó rất nhiều người đã nhắc lại đại tác phẩm của Victor Hugo và nhân vật Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Bây giờ ở Việt Nam, rất ít người bị gù lưng vì cố tật mà thảy đều bị gù lưng vì thời đại, chẳng qua là vì cúi lưng, lom khom quá độ, lâu ngày biến thành tật, mà không ai biết mình đang bị gù lưng.
Cô Nguyễn Phương Mai là phó giáo sư tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại Học Khoa Học Ứng dụng Amsterdam, Hòa Lan, cho rằng cô chưa mất niềm tin vào tương lai của chính mình ở Việt Nam, nhưng cô lại nói: “Nếu quay trở lại Việt Nam sống và hàng ngày phải đối mặt với những cái khó khăn, những điều chướng tai gai mắt, phải gù lưng mà sống thì chưa chắc tôi đã về, nghĩa là tôi cũng lại mất niềm tin!”
Vậy ai là những người phải “gù lưng mà sống” trong xã hội này?
Dù không sợ, người ta phải khom lưng xuống để tỏ ra mình biết sợ, để được sống còn và sống yên.
Trong đoản văn “Người việt nam hèn hạ” của một người trẻ tuổi có tên Phan Hân (chữ việt nam không viết hoa), đã mô tả xã hội bây giờ là một “cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất!”
Ai cũng mong có “một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị cảnh sát giao thông thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết…
Vậy thì còn ai dám đứng thẳng?
Cũng có người không biết mình còng lưng, vì nhìn chung quanh, lưng ai cũng còng. Ở đâu cũng nhìn thấy thái độ của kẻ đi xin (dân) và người có quyền ban phát (đảng-chính quyền.) Cái đáng là mình được quyền làm, quyền có thì lại là một thứ ân huệ, mà trong đất nước này ân huệ ban từ trên xuống, cũng không bao giờ ai cho không mà được trả bằng tiền, quà cáp, sức lực và cả nhân cách của con người.
Nhất nhất điều gì người dân cần làm đều phải qua tay chính quyền, cũng phải xuống xã xin con dấu, như người dân cần vay tiền ngân hàng, trẻ con sinh ra làm giấy khai sinh, hồ sơ đi làm ăn xa, gia đình hộ nghèo đi bệnh viện giải phẫu, xuống xã nhận tiền “hộ nghèo…”
Có hai thứ “còng lưng,” một là còng lương để tồn tại, như lời Nguyễn Tuân: “Tôi sống được là nhờ biết sợ!”  Hai là còng lưng vì “sưu cao thuế nặng.” Không khác gì thời thực dân, phong kiến mà ông Lê Văn Cuông – cựu đại biểu Quốc Hội cũng xót xa: “…Mùa sưu thuế hãi hùng ở Hậu Lộc cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh.”
Nông dân tên Dương, ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết trong vụ thu hoạch Hè Thu vừa qua gia đình anh phải nộp tất cả 20 loại thuế, trong đó có những loại thuế, phí nhà nước cũng như tỉnh không quy định mà chính quyền huyện, xã lại đề ra và bắt dân phải nộp kiểu “phép vua thua lệ làng.”
Nặng nhất là khoản xây dựng nông thôn mới, mỗi người phải đóng gần 1 triệu/1 năm. Đó là đóng góp nghĩa địa, thu thủy lợi, trả công bảo vệ hoa màu, quỹ thiếu niên nhi đồng, quỹ văn hóa làng-thể thao, quỹ khuyến học, quỹ điện sáng nhà văn hóa, quỹ an ninh xã hội, quỹ an ninh thường xuyên làng, quỹ chữ thập đỏ… Nhiều thứ đóng rõ ràng là phi lý.
Báo chí Việt Nam kể một câu chuyện người dân khốn khổ: “…do không đóng đủ tiền giao thông nông thôn, một chị nông dân đã bị chính quyền thôn, xã đến cưỡng bức bắt con bò mới mua để cày ruộng, sau đó bán cho người khác. Con chị đó đến ngăn thì bị họ đánh, phải đi bệnh viện.”
Ở Hải Lộc, Hậu Lộc “có gia đình còn bị ‘tổ công tác đặc biệt’ bốc mất mấy tấm ván canh.” Tấm ván canh là gỗ mua sẵn dành cho người già chết thì đóng quan tài. Cái thời 31 năm về trước, trương tuần của “Cái đêm hôm ấy… hôm gì?” chỉ trấn lột thóc, để lại cái áo quan cho mẹ nhà văn Phùng Gia Lộc, xem ra vẫn còn nhân đạo hơn bọn cường hào mới bây giờ lấy cả tấm ván canh lo hậu sự của người già.
Thời này trâu bò ra đồng ăn cỏ, vịt xuống ao rỉa cá cũng phải thuế. Bọn cầm quyền nghĩ cách thu thuế, “nhổ lông sao cho vịt khỏi kêu.” Rồi đây đến cái điện thoại cầm tay cũng phải đóng thuế. Việt Nam hiện có 72,300,000 cái cell phone, đứa nào nghĩ ra chuyện “nhổ lông vịt” này quả là siêu đẳng.
Ra đường thì có công an giao thông thổi còi kiếm ăn mỗi ngày, tài xế đi xa thì có B.O.T. chặn đường thu “mãi lộ,” lưng thằng dân chất chồng bao nhiêu thứ thuế, không gù mới là chuyện lạ.
Có con đi học, xin còng lưng thêm tí nữa! Cho con đến trường là một nỗi khổ của cha mẹ phải đóng hàng chục thứ “phí.”
“Mức đóng góp đầu năm dành cho khối học sinh lớp 1 hơn 7.5 triệu đồng với 22 khoản thu: tiền bán trú, tiền ghế, tiền áo đồng phục, tiền sách mua nhà trường, tiền kỹ năng sống, tiền chữ thập đỏ, tiền quỹ đội, tiền học tiếng Anh, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền xã hội hóa giáo dục, tiền ngoại khóa, tiền vệ sinh nhà trường, tiền trông trẻ (dạy buổi chiều,) tiền hỗ trợ nhà bếp, tiền giấy kiểm tra, tiền vệ sinh lớp học, tiền quỹ lớp, tiền phô tô, tiền máy chiếu, tiền điều hòa, tiền bảo hiểm y tế…”
“Lên đến lớp 4, lại thêm các loại tiền đóng: Tiền xã hội hóa, tiền bảo trì máy tính, tiền quỹ hội cha mẹ, tiền thuê trực nhật, tiền vệ sinh trường, tiền nước uống, tiền giấy vệ sinh, tiền hoạt động ngoại khóa, tiền bổ sung đồ dùng bán trú, tiền học buổi chiều và hỗ trợ trông trưa, tiền học kỹ năng sống, tiền quỹ lớp, tiền chữ thập đỏ, tiền quỹ đội, tiền giấy thi… Nhiều gia đình không chịu nổi phải cho con nghỉ học.”
Không biết chính phủ sinh ra để làm gì, và thu thuế để phục vụ ai? Thu thuế để xây dựng đảng, như thế đảng càng mạnh, thì dân càng phải gù lưng hơn nữa! Những ai làm ăn, kinh doanh dưới chế độ Cộng Sản chắc đã biết chuyện nhịn nhục, nói cười cho qua chuyện để chúng ta cùng có lợi, đôi khi phải quên cả nhân cách của mình, có tiền bạc rủng rỉnh, nhưng đêm nằm nghĩ lại có hổ thẹn hay không?
Trong một xã hội, buổi sáng ra khỏi nhà, gặp thằng công an khu vực, trong lòng khinh nó, mà cũng phải chào hỏi. Đến sở làm việc với thằng thủ trưởng dốt nát, tham ô, phe cánh, kinh tởm mà cũng phải thưa dạ, bác cháu, anh em. Buổi chiều không muốn đi nhậu mà cũng phải làm ra vẻ sốt sắng, chén chú, chén anh, cho ra phe mình. Cái thời buổi “thẳng thắn, thật thà, thương thua thiệt,” ai mà dám đứng thẳng lưng, đôi khi phải sống giả dối, quên mình, nên cái lưng gù xuống lúc nào không hay!
Vậy mà người ta không biết quý khi được sống trong một xã hội, mà thấy cái lưng mình còn thẳng!
(Huy Phương)



Chuyện buồn ở những làng... ăn nhậu + Người Việt chi gần 8 tỉ USD trong năm 2019 để mua bia


 
Từ những ngôi làng xa xôi cho đến thị thành, đâu đâu cũng có bóng dáng bợm nhậu. Gia đình tan nát, con trẻ mồ côi vì cha mẹ mê bia rượu, những chuyện buồn như thế kể hoài không hết... 

1. Ở một làng nhỏ ngoài miền Trung chỉ có vỏn vẹn hơn 50 nóc nhà nhưng có đến bốn đứa nhỏ tên gọi ở nhà là Xỉn, ba thằng tên Xị. Những cái tên này ra đời từ “máu” nhậu của cánh đàn ông. Có một thằng Xỉn là bạn học của tôi, tên thật của nó là Thanh nhưng suốt 27 năm qua người ta chẳng ai gọi tên thật của nó, trừ các giáo viên. Thằng Xỉn là con một. Mẹ của nó bỏ đi vào Nam từ lúc nó mới học lớp 2. Nghe đâu mỗi năm bà có gửi tiền về cho phía ngoại để mang lên cho nó chứ không gửi trực tiếp về nhà. “Gửi cho cha nó thì tiền vào bàn nhậu hết chứ còn đâu lo cho thằng nhỏ” - có lần bà ngoại thằng Xỉn lý giải như vậy.

Ba thằng Xỉn thứ bốn, từ nhỏ tôi chỉ biết người ta gọi ông là bốn Cà. Cà không phải là tên nhưng là “đặc tính” sau khi nhậu của ông.

BM

Người ta kể, cứ sau mỗi cuộc nhậu ông không bao giờ chịu về nhà mà đi gõ cửa hết nhà này đến nhà khác để tìm “độ” làm “tăng hai”. Đến khi không tìm ra “độ” nữa thì ông mua rượu về nhà uống một mình rồi đánh vợ. Có lẽ vì không chịu nổi những trận đòn của chồng sau cuộc nhậu nên má thằng Xỉn mới bỏ đi biệt xứ.

Năm trước, thằng Xỉn gọi điện cho tôi báo tin ba nó qua đời, ông chết vì tai nạn. Nó kể, sau mấy cuộc nhậu, ông đi xe đạp về nhà chẳng may bị rớt xuống mương. Đến sáng hôm sau người ta bắt gặp thì xác ông đã lạnh cóng.

Ngày tôi về đưa tang ông, trong nhà trống hoác, hàng xóm quây quần lại mỗi người giúp một tay. Người ta bàn nhiều về cái chết của ông, có người nói năm nay ông 53 tuổi nên gặp hạn, qua không khỏi. Thế nhưng, chẳng ai nói rằng, chính rượu đã cướp đi hạnh phúc và cả mạng sống của ba thằng Xỉn.

BM

2. Năm 2015, có một sự kiện gây xôn xao dư luận ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - đó là cái chết của bà Nguyễn Thị Hoa (tên nạn nhân đã thay đổi) ngay trong những ngày giáp Tết. Bà Hoa sinh năm 1984, có chồng nhưng gãy gánh tình duyên giữa đường nên chán nản bỏ nhà “đi bụi”. “Bợm nhậu” ở địa phương thương tình nên hay rủ Hoa nhậu chung. Vậy là chỉ trong vài năm Hoa trở thành một “bợm nhậu” nữ có tiếng.

Chiều ngày 1/2/2015, Hoa bắt đầu cuộc “tửu chiến” xuyên đêm với ba người đàn ông ở địa phương. Đến hơn 1 giờ sáng hôm sau, khi đã quá mệt, Hoa dựa vào một bao tải chứa đồ ngủ và từ đó không thức dậy nữa. Hoa mất, gia đình không có tiền để mua nỗi một cái quan tài nên phải nhờ tổ chức từ thiện giúp đỡ. Đứa con trai của Hoa, khi đó mới 5 tuổi vẫn ngơ ngác chưa biết từ hôm nay mình đã thành đứa trẻ mồ côi.


Hôm chúng tôi đến xã Đạo Thạnh, ông Đ. - người có mặt trong cuộc nhậu khiến Hoa tử vong nói, từ đêm đó ông đã “cai nhậu” hẳn. “Bây giờ 9 - 10 ngày mới dám nhậu 1 lần chứ không phải ngày nào cũng uống nữa”.

3. Không biết từ bao giờ ăn nhậu đã trở thành một thói quen. Từ những ngôi làng xa xôi cho đến thị thành, ở đâu cũng có bóng dáng của bợm nhậu. Đã có nhiều gia đình tan nát vì vợ/chồng quá mê nhậu và ngày hôm nay đứa trẻ con của Hoa đang lớn lên không có vòng tay của người mẹ cũng chỉ vì cuộc nhậu hôm đó.

BM
Hiện trường vụ tai nạn ở hầm Kim Liên.

Cách đây vài hôm, người viết có tham gia chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn của lái xe cùng với Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Công an TP.HCM). Thật bất ngờ, sau quá nhiều vụ tai nạn do “ma men” lái xe gây ra, nhiều người xỉn rượu vẫn ung dung lái xe trên đường. Khi bị CSGT “tuýt còi” nhiều người say vẫn luôn khẳng định là mình “rất tỉnh táo”. Có lẽ họ đã quên mất, mới đây thôi, đứa con của nữ công nhân quét rác Lê Thị Hà trắng đêm đợi mẹ về nhưng niềm vui đoàn tụ đó đã bị một “ma men” lái xe cướp đi vĩnh viễn. Hay gần đây nhất, một người mẹ đã không thể về với cậu con trai mắc bệnh tự kỷ vì vụ tai nạn ở hầm Kim Liên mà người gây ra là một gã say xỉn.

BM

Bia, rượu là “sát thủ” phá vỡ hạnh phúc gia đình và chuyện buồn không chỉ xảy ra ở những nơi được mệnh danh là làng... ăn nhậu. "Đã uống rượu bia thì không lái xe" đang là khẩu hiệu lan truyền tích cực trong cộng đồng. Hy vọng, mỗi người từng treo dòng chữ này trên facebook hay trên áo sẽ không vi phạm.


Hoàng Lâm - Thanh Phúc

===

Người Việt chi gần 8 tỉ USD trong năm 2019 để mua bia
14/05/2019 - Mặc dù người Việt uống bia ngày càng tăng đô nhưng người Mỹ mới là "bợm nhậu" vì uống bia nhiều nhất thế giới với hơn 100 tỉ USD/năm. Đây là dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) khi tính toán tổng mức doanh thu với thị trường bia của Việt Nam sẽ đạt con số 7,7 tỉ USD vào năm 2019. Đặc biệt hơn, tốc độ tăng trưởng thị trường bia Việt Nam hằng năm sẽ tăng 5,6% trong giai đoạn 2019-2023. Và người Việt sẽ uống bia lên con số 9,6 tỉ USD vào năm 2023.
bia_ruou_ioih
Statista cũng cho biết, tính riêng trong năm 2019, nếu tính theo doanh thu đầu người thì mỗi người Việt bình quân uống bia hết 79,55 USD. Còn nếu tính theo đơn vị uống là lít thì người Việt sẽ uống hết 4,6 tỉ lít, tương đương mỗi người dân uống hết 47,6 lít trong năm 2019 và đến hết năm 2023 là 5 tỉ lít.
Tuy nhiên, người Việt uống bia vẫn kém so với các nước khác. Theo Statista, nhóm 5 nước uống bia hàng đầu gồm nước Mỹ chiếm lớn nhất thị trường bia toàn cầu khi dự tính năm 2019 uống hết 115 tỉ USD.
Thứ 2 là Trung Quốc với 72,6 tỉ USD, xếp thứ 3 trên thị trường bia là Brazil với tỉ lệ tiền tiêu tán vào bia là 51,7 tỉ USD. Xếp thứ 4 và 5 là Anh và Đức với giá trị lần lượt là 26,8 và 22,4 tỉ USD.
Trong khi đó, Forbes vừa dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ...
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Ở giai đoạn này, Việt Nam lại là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010. Mức tăng tại Ấn Độ là 37,2%. Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
nguoi_viet_mua_bia_1_nvmk
Lượng tiêu thụ rượu toàn cầu giai đoạn 2010-2017. Ảnh: Forbes.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét