Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Đầu năm bàn chuyện nghiệt ngã của dân tộc Việt Đỗ Văn Phúc



Đầu năm bàn chuyện nghiệt ngã của dân tộc Việt

Đỗ Văn Phúc

 
Hiểm họa mất nước vào tay Trung Hoa đã rõ ràng và cận kề
Nằm sát nách một anh khổng lồ, hung hăng và đầy tham vọng thì chắc chắn phải triền miên chịu đựng sự đe dọa và rắc rối. Trung Hoa là một quốc gia đông dân nhất thế giới, gần 1.4 tỷ người sống nhung nhúc trên một lãnh thổ rộng 9.6 triệu cây số vuông. Diện tích này chỉ thua lãnh thổ nước Nga mà thôi.
So với Trung Hoa, Việt Nam nhỏ bé với 95 triệu dân sống trên 331 ngàn cây số vuông, chỉ được coi là anh chàng David tí hon bên cạnh tên khổng lồ Goliath. Về lãnh thổ, Trung Hoa lớn gấp 30 lần; về dân số, gấp 15 lần. Nhưng đặc biệt tham vọng bành trướng của người Trung Hoa thì vô hạn.
Suốt chiều dài hơn 4000 năm lịch sử của mình, nhiều thế hệ Việt Nam đã phải dai dẳng đấu tranh cật lực để sống còn trước thiên nhiên khắc nghiệt và đối đầu với nạn xâm lăng của các triều đại Trung Hoa.
Sơ lược lịch sử đối đầu giữa Việt Nam và Trung Hoa
1.- Thời Tiền sử:
Sông Hoàng Hà là cái nôi xuất phát của văn minh Trung Hoa mặc dù văn hoá của Trung Hoa là sự kết nạp bởi nhiều nguồn từ khu vực quanh Hoàng Hà và Dương Tử Giang trong suốt hàng triệu năm trước đó.
Vào cái thời xa xưa đó, tại khu vực Nam Trung Hoa mà hiện nay là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, có một trăm bộ lạc thổ dân có cùng một gốc Việt như Việt Thường, Mân Việt, Phúc Việt, Âu Việt, Lạc Việt vân vân. Sử gọi nhóm này là Bách Việt, do một thủ lãnh là Xuy Vưu cầm đầu. Họ cũng có nền văn hoá đặc thù và có ngôn ngữ riêng biệt.
Khoảng thế kỷ 21 trước Tây Lịch, một bộ lạc hùng mạnh từ thượng nguồn sông Dương Tử do Hoàng Đế thống lãnh đã tràn xuống, đánh tan tác trăm bộ lạc Việt, mở ra thời kỳ mà theo sử Trung Hoa là thời “Tam Hoàng, Ngũ Đế” (The three Sovereigns and Five Emperors).
Mãi cho đến thời nhà Hán (206 BC – 220 AD), các triều đại nối nhau ở Trung Hoa dần chuyển về phương Bắc mà không bành trướng xuống phương Nam.
Hai bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt kết hợp thành một nước Âu Lạc do vị vua khai sáng là Hùng Vương. Ông mở ra triều đại Hồng Bàng nối nhau 18 đời vua từ năm 2879 cho đến năm 258 trước Tây Lịch. Các vua Hùng di dân phát triển dần xuống phương Nam mà nay là đồng bằng sông Hồng Hà, pha trộn với các sắc dân địa phương có nguồn gốc từ các đảo Indonesia, Malysia để tạo nên một dân tộc Việt Nam ngày nay.
2.- Thời kỳ Trung Hoa đô hộ.
Khi vua Tần đánh tan sáu nước chư hầu (Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề) còn lại của nhà Chu thời Chiến Quốc (Warring States), thống nhất Trung Hoa, lập nên nhà Tần (221 – 206 BC). Ông tự xưng là Tần Thủy Hoàng Đế. Tần Thủy Hoàng sai tướng Triệu Đà xuống chinh phục nước Âu Lạc lúc đó do An Dương Vương (tức Thục Phán) trị vì. Sau nhiều lần tranh chiến không thành công, Triệu Đà dùng mưu cho con trai là Trọng Thủy cưới Công Chuá Mỵ Nương, con gái của An Dương Vương. Trọng Thủy lần mò điều ra những bí mật quân sự của vua Thục Phán. Nhờ vậy Triệu Đà chiếm được nước Âu Lạc. Nhưng ông tự tách ra khỏi nhà Tần mà tự xưng vua, đặt tên nước Âu Lạc thành Nam Việt.
Tuy Thục Phán và Triệu Đà không phải người bản xứ Âu Lạc, nhưng sử Việt không coi hai triều đại này là sự đô hộ của Trung Hoa, vì nước Âu Lạc hay Nam Việt độc lập hẳn với các triều đại bên Trung Hoa.
Từ năm 111 BC, ba triều đại nối tiếp nhau từ nhà Hán, Đông Ngô và Lương, Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ kéo dài trong 150 năm. Nhiều người Việt Nam đã đứng dậy phất cờ khởi nghĩa giành độc lập trong đó có bà Trưng Trắc đã chiếm nhiều thành nhưng sau cùng bị thảm bại trước danh tướng Mã Viện của nhà Hán vào năm 43 sau Tây Lịch. Từ đó Trung Hoa đô hộ Việt Nam cho đến năm 544 AD. Sau khi chiến thắng quân Lương, Lý Bí tự phong vua lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Vạn Xuân chỉ tồn tại 58 năm. Đến năm 602 thì bị nhà Tùy bên Trung Hoa thôn tính. Việt Nam rơi lại vào vòng đô hộ của Trung Hoa lần thứ 3 kéo dài cho đến năm 937 dưới các triều đại Tùy, Đuờng và Nam Hán.
3.- Thời kỳ độc lập.
Năm 937, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại độc lập cho đất nước sau gần 1000 năm bị đô hộ. Nền độc lập này cũng nhiều lần bị đe doạ, nhưng mỗi lần quân Trung Hoa xâm chiếm, đều bị quân dân Việt Nam một lòng chiến đấu đẩy lui. Các vua Việt Nam  hiểu biết thân phận nhỏ bé, nên dù nhiều lần chiến thắng quân xâm lược, bề ngoài mặt các vua Việt vẫn giữ thái độ thần phục để được yên mà lo nội trị. Việt Nam hàng năm phải gửi vàng bạc, và vật quý sang Trung Hoa cống hiến vua Tàu và chịu lép mình tự nhận là tiểu quốc, coi Trung Hoa là thiên triều. Nhưng từ nay, không có các quan Thái Thú do các hoàng đế Trung Hoa đưa sang cai trị.
Tạm kể vài chiến thắng đánh tan hay đánh đuổi quân xâm lăng Trung Hoa:
Năm 979, lợi dụng lúc vua Việt Nam còn nhỏ tuổi, nhà Tống đưa quân sang đánh. Tướng Lê Hoàn đã phế bỏ vị vua nhỏ, lên ngôi với vương hiệu Lê Đại Hành Hoàng Đế. Ông đánh tan quân Tàu đuổi chúng về nước.

Năm 1076, thấy tình hình thuận lợi, nhà Tống lại dự mưu xâm lăng lần nữa. Nhưng Đại Tướng Lý Thường Kiệt đã bất thần đem quân tấn công trước thọc sâu vào ba tỉnh miền Nam Trung Hoa để cảnh cáo.
Vào các năm 1258, 1285, và 1287, Trung Hoa khi đó dưới sự cai trị của nhà Nguyên, thuộc sắc tộc Mông Cổ. Hoàng Đế nhà Nguyên ba lần đem quân xâm lặng Việt Nam đều bị đánh bại. Điều đáng nói là quân Mông Cổ đánh Đông dẹp Tây từ thảo nguyên Mông Cổ cho đến Âu Châu, dánh đâu thắng đó. Đánh tan đế quốc Hồi hùng cường ở miền Lưỡng Hà, Thọc vào Ba Lan, chiếm tận thành Moscow, nhưng họ đã bị chặn lại ở Việt Nam và Nhật Bản.
Năm 1407, nhà Minh chiếm và đô hộ Việt Nam trong 10 năm, nhưng sau đó bị Lê Lợi đánh đuổi về Tàu.
Năm 1789, nhà Thanh lại đưa ông vua phản quốc Lê Chiêu Thống về Hà Nội lập làm vua bù nhìn. Vua Quang Trung đã hành quân thần tốc trong ba ngày Tết, đánh tan đạo quân 300 ngàn lính của Trung Hoa.
Cho đến năm 1974, Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đụng độ với Hải Quân Trung Cộng tại Hoàng Sa.. Trung Cộng chiếm các đảo này từ tay Việt Nam với sự thoả thuận của phía Cộng Sản Bắc Việt dựa theo bức công hàm do Phạm Văn Đồng gửi dến lãnh tụ Trung Cộng Chu Ân Lai thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của Tàu trong đó bao luôn vùng Hoàng Sa và Trường Sa.
4.- Sự tham dự của Trung Hoa trong chiến tranh Việt Nam
Trong suốt hai cuộc chiến chống Pháp (1946-1954) và chiến tranh Quốc Cộng (1960-1975), nhà nước Cộng Sản Bắc Việt hoàn toàn lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng. Chính lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam là Hồ Chí Minh cũng từng là người lính trong Hồng Quân Trung Hoa. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng là một chi bộ trong phong trào Cộng Sản Quốc Tế đứng đầu là Nga và Trung Cộng. Theo một cuốn sách mang tựa đề “Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo” của một học giả Trung Hoa là Hồ Tuấn Hùng, ông Nguyễn Ái Quốc, người từng đuợc Nga đào tạo về cách mạng, đã chết tại Trung Hoa. Trung Hoa tìm đuợc một người có nhân diện na ná thay vào, đặt tên lại là Hồ Chí Minh để làm lãnh tự đảng Cộng Sản Đông Dương, thành lập năm 1930 ở Quảng Đông.
Việt Minh sẽ không bao giờ thắng được trận Điện Biên Phủ nếu không có sự viện trợ ồ ạt của Trung Cộng. Trung Cộng ngoài khí giới, tiếp liệu, còn gửi cố vấn và quân chiến đấu tham dự trận chiến.
Khi trận đánh kết thúc mà thất bại về phía người Pháp, chính Trung Cộng đã đạo diễn trong hội nghị Geneve năm 1954 để chia cắt đất nước Việt. Sau đó, Trung Cộng đưa các cố vấn làm việc bên cạnh Hồ Chí Minh để ra lệnh thực hiện những chương trình theo đúng khuôn mẫu mà họ cũng làm ở bên Trung Hoa. Nếu chiến dịch cải cách ruộng đất bên Trung Hoa làm chết hàng chục triệu nông dân vô tội, thì tại Việt Nam, Hồ cũng ra lệnh đấu tố giết hết cả trăm ngàn người trong các năm từ 1953 đến 1956. Rồi khi Trung Hoa phát động phong trào trăm hoa đua nở, Việt Cộng cũng làm theo, bắt bớ giết hại hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ. Rồi việc xua dân vào các nông trường, công trường; rồi cuộc chiến xâm lăng miền Nam… nhất nhất đều theo lệnh quan thầy Trung Cộng.
5.- Tình đồng chí sứt mẻ.
“Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị sáng như rạng đông…” Đó là đoạn mở đầu bài hát ca tụng tình đồng chí giữa hai nước Việt-Trung. Nhưng mối tình sắt son này hết mặn mà khi Trung Cộng thấy Việt Cộng quay sang phía Nga khi cuộc chiến vừa chấm dứt rồi sau đó, đem quân xâm chiến Kampuchea, là một chư hầu của Trung Cộng. Năm 1979, Trung Cộng huy động hàng trăm ngàn quân tấn công vào 6 tỉnh cực Bắc Việt Nam, giáp giới giữa hai nước. Cuộc chiến huynh đệ này làm cả hai bên tổn thất nặng nề đến nỗi Đặng Tiểu Bình thề rằng sẽ không tái diễn nữa. Năm 1988, Hải Quân Trung Cộng tấn công chiếm các đảo của Việt Nam ở Quần Đảo Trường Sa. Việt Cộng ra lệnh cho quân đội của họ không được kháng cự. Trong một video quay đuợc ở đảo Gạc Ma, một chiếc tàu của hải quân Việt Nam gần như bất động dể cho quân Trung Cộng bắn giết và đánh chìm không thương xót.
Rồi từ đó, vùng duyên hải Việt Nam nằm trong sự kiểm soát của Trung Cộng. Hàng trăm tàu cá người Việt hoặc bị xua đuổi, hoặc bị bắn chìm mà không thấy có sự can thiệp của nhà cầm quyền Việt Cộng.
Một thời kỳ đô hộ mới!
Trong một tài liệu dài 82 trang, cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao, Ủy Viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Trần Quang Cơ, tiết lộ rằng các lãnh tự Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã triệu tập các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam trong một cuộc họp bí mật tại Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) để thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước mà không cho Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch tham dự. Việc này xảy ra vào tháng 9 năm 1990. Phía Viêt Cộng có sự tham dự của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Ủy Viên Bộ Chính Trị Đỗ Mười, Ủy viên Đảng đặc trách Ngoại Giao Hoàng Bích Sơn, Thứ Trưởng Ngoại Giao Đinh Nho Liêm, Ủy Viên Trung Ương Đảng Hồng Hà. Phiá Trung Cộng có Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân, Thủ Tướng Lý Bằng.
Bề ngoài mặt là tìm biện pháp giải quyết vấn đề Kampuchea, nhưng một mục tiêu kín đáo khác quan trọng hơn, đó là xiết chặt sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Hoa trong viễn ảnh sụp dổ của Liên Bang Sô Viết và khối Đông Âu đang cận kề. Từ gần 30 năm qua, dù có nhiều yêu cầu từ các giới trong và ngoài đảng, các lãnh tụ cao cấp Cộng Sản Việt Nam vẫn không chịu tiết lộ các điều khoản bí mật của thoả ước Thành Đô. Dư luận chung cho rằng đây là thoả ước quy phục, chấp nhận để Việt Nam trở thành một quận của Trung Hoa sau một thời gian chuẩn bị chuyển tiếp từ từ cho đến năm 2020. Sự im lặng của đảng Cộng Sản Việt Nam làm cho mối ngờ vực này càng được củng cố. Chính một nhà bình luận trong đảng là Le P.T. đã viết “Tôi cảm thấy lo âu cho số phận nước nhà nếu như đảng cứ giữ mãi bí mật về hội nghị Thành Đô
Dấu hiệu Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc Trung Cộng

Những năm sau khi diễn ra hội nghị Thành Đô, VC đã nhượng nhiều đất đai ở biên giới cho Trung Cộng. Số diện tích lên tới hàng ngàn cây số vuông. Cột mốc biên giới bị dời sâu vào phía lãnh thổ Việt Nam. Ải Nam Quan, thác Bản Giốc nay nằm trong lãnh thổ Tàu. Nàng Tô Thị cũng đã bồng con đứng bên Tàu nhìn về phía đất Việt!
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam và truyền thông không còn bình luận, nhắc nhở đến cuộc chiến biên giới 1979. Các bia, tượng kỷ niệm dân quân Việt Nam trong cuộc chiến này bị đập bỏ, thay bằng những bia, mộ tưởng niệm quân xâm lăng Trung Cộng chết trên dất Việt.
Nhà cầm quyền cấm ngặt bất cứ hoạt động nào nhằm tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong các trận chiến chống quân Trung Hoa.
Hiến Pháp Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1980 được tu chính, bỏ đi một câu được ghi ở chương đầu trong đó lên án hành vi xâm lăng của nước lớn Trung Cộng. Hiến Pháp năm 1992 xoá hẳn tất cả những câu có tính cách chống Tàu.
Khi Trung Cộng xây dựng các căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Cộng đã nhắm mắt làm ngơ, dù rằng hai quần đảo này đang ở trong tình trạng tranh chấp giữa nhiều nước trong đó có cả Việt Nam. Việt Cộng cũng làm ngơ mà không hề lên tiếng phản đối hay chống cự khi các tàu ngư dân Việt Nam bị tàu tuần tiễu của Trung Cộng bắn giết trong hải phận quốc tế, hay ngay cả trong hải phận Việt Nam.
Rồi khi cả thế giới lên tiếng và hàng ngàn dân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Cộng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hải phận Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền Việt Cộng lần nữa lại im tiếng.
Trong những năm sau này, Việt Nam mở toang cửa cho hàng hoá Trung Cộng tràn vào vừa phá hoại sản xuất trong nước vừa đầu độc người dân Việt Nam. Rồi hàng ngàn hàng vạn du khách Trung Hoa cũng tràn vào không cần giấy tờ, visa nhưng hưởng đầy đủ mọi sự ưu đãi như đế vương tại các khu du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, với danh nghĩa công nhân tại các nhà máy của Trung Cộng, hàng vạn thanh niên Tàu vào Việt Nam như đạo quân nằm sẵn để chờ một ngày nào đó làm nội tuyến cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra.
Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn Việt Nam, các khu phố Tàu mới được xây dựng bề thế, tấp nập. Đèn lồng đỏ, một đặc trưng văn hoá Tàu xuất hiện khắp nơi.
Nhưng điều nguy hiểm nhất vẫn là việc Việt Cộng nhượng phần đất có tính cách chiến lược ở miền Trung cho Trung Cộng khai thác quặng mỏ Bauxit. Việc này về quân sự là một điều vô cùng nguy hiểm vì khi Trung Cộng nắm vùng yết hầu này, là cắt lãnh thổ Việt Nam ra làm hai, hai miền trong ngoài không còn tiếp viện cho nhau được. Số nhân công Trung Hoa sẽ là những con ngựa thành Troy. Về môi sinh thì bùn đỏ do khai thác bauxite sẽ tràn xuống phá hoại một vùng rộng lớn mà hàng trăm năm sau vẫn không thể khôi phục được. Chưa kể nguy cơ ung thư ảnh hưởng đến sức khoẻ hàng triệu người sống trong vùng này.
Về văn hoá giáo dục, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa tiếng Trung Hoa vào giáo trình có tính cách bắt buộc từ cấp tiểu học trở lên. Trong vài cuốn sách cho học sinh mẫu giáo, đã thấy hình ảnh với cờ xí của Trung Cộng mà học sinh sẽ làm quen coi như đó là hình ảnh quê hương mình. Cuối năm 2017 vừa qua, một nhà giáo dục Việt Nam đã đưa ra đề nghị thay thế các nguyên âm Việt Nam từng dùng hàng trăm năm qua, bằng những nguyên âm khác mà khi ghép lại, chữ Việt Nam trông na ná như chữ Tàu viết bằng mẫu tự Latin.
Hiện nay, trên đất nước Việt Nam, đi đâu cũng thấy những tấm biển quảng cáo, bảng chỉ dẫn với chữ Trung Hoa!
Nhưng đối với những người Việt yêu nước nào lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Hán Hoá hay nguy cơ xâm lăng của Trung Cộng, nhà cầm quyền Việt Nam không nương tay đàn áp, bắt bớ, tuyên án tù nhiều năm. Thậm chí còn đánh chết khi giam cầm họ trong các đồn công an.
Về kinh tế, Trung Cộng là một đối tác hàng đầu của Việt Nam. Theo tài liệu của quan thuế Việt Cộng, năm 2013, mức giao thương ở 50.21 tỷ đô la, tăng 22% so với năm trước. Năm 2013, Việt Nam nhập từ Trung Cộng gần 37 tỷ đô la hàng hoá (tức 28% số nhập cảng của Việt Nam) và bán qua Trung Hoa 13.26 tỷ đô la hàng hoá, chiếm 10% số hàng xuất cảng.
Cũng trong năm 2013, sai biệt mậu dịch với Trung Hoà là 23.7 tỷ đô la, tăng 44.5% so với năm trước; phần thua thiệt nghiêng về phiá Việt Nam.  Trị giá mậu dịch với Trung Hoa tăng hàng năm.
Các thương vụ ở vùng biên giới với Trung Hoa bùng nổ rất mạnh. Theo số liệu của tỉnh Lạng Sơn, có gần 3 tỷ đô la hàng hoá trao đổi tại khu vực này mỗi năm.. Đa số là nông phẩm và hàng điện tử.
Trên thị trường Việt Nam, sản phẩm của Trung Cộng chiếm khoảng 80%, mà toàn là hàng tồi tệ về phẩm chất, hàng giả và hàng nhái.
Thực phẩm độc hại của Trung Hoa cũng tràn qua Việt Nam. Họ làm giả ngay đến cả lúa gạo, rau trái. Họ dùng hoá chất làm cho các cá thịt ươn thối, hoa trái héo uá trở nên tươi xanh, bắt mắt.
Ba tháng trước khi hết nhiệm kỳ Quốc Hội, Đại Hội 12 Đảng Cộng Sản Việt Nam vội vàng bổ nhiệm những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của chế độ như Chủ Tịch nhà nước, Chủ Tịch Quốc Hội… mà theo Hiến Pháp, phải được dân bầu cử.
Rõ ràng là phe nhóm thân Trung Cộng của Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách chặt bớt vây cánh của phe Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm trước cuộc viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Làm xong việc này, Trọng sẽ rảnh tay để dâng đất nước cho quan thầy Trung Cộng.

Từ ngàn năm nay, Trung Hoa luôn coi các nước chung quanh là nhược tiểu, là man di mọi rợ, là thấp kém. Trên lá cờ Trung Cộng có một ngôi sao lớn biểu trưng cho sắc tộc Hán, bốn sao nhỏ xung quanh biểu trưng cho dân Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương, và Tây Tạng. Trong một dịp chủ tịch Trung Hoa Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, chúng tôi đã thấy các em nhỏ cầm lá cờ Trung Hoa với những 5 ngôi sao nhỏ bên dưới ngôi sao lớn. Hình ảnh lá cờ với 5 sao nhỏ cũng thấy trên những chiếc áo dài tại Việt Nam. Phải căng ngôi sao nhỏ thứ năm này biểu trưng cho quận Việt Nam thuộc Trung Hoa trong nay mai?
Đứng về khảo hướng Dân tộc học và Nhân chủng học, người Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với người Trung Hoa. Văn hoá Việt Nam, cũng như văn hoá bất cứ quốc gia nào, luôn dung nạp những tinh tuý các nền văn hoá khác, qua sự tiếp xúc, vào nền văn hoá của dân tộc mình. Với 1000 năm bị đô hộ, dĩ nhiên văn hoá Trung Hoa cũng hoà đồng vào văn hoá Việt, tạo nên một bản sắc đặc biệt cho văn hoá chúng ta.
Ngày nay, mặc dù qua cả ngàn năm cai trị với chính sách tàn bạo, Trung Hoa vẫn không làm cho người Việt đồng hoá thành người Tàu được. Việt Nam vẫn có văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng biệt vừa mang đặc tính vùng Hoa Nam, vừa có tính cách của vùng Nam Á.
Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Hoa thể hiện qua bất cứ hình ảnh sinh hoạt xã hội nào.
Trong quá khứ lịch sử, Việt nam đã nhiều lần đánh bại quân xâm lược Trung Hoa hùng hậu. Vì tiếp giáp với một nước lớn, đông dân và hiếu chiến, các vua Việt Nam luôn ý thức hiểm họa diệt vong. Qua hàng ngàn năm, chúng ta đã học được nhiều bài học xử thế mềm dẽo trong ngoại giao để sinh tồn nhưng không bị lệ thuộc.
Dính líu với Trung Cộng qua học thuyết Cộng Sản không tưởng, các lãnh tụ đảng Cộng Sản Việt Nam đã hy sinh chủ quyền của đất nước để thực hiện các tham vọng của họ là quyền uy tuyệt đối và các đặc quyền tối cao. Việt Nam cần phải có sự thay đổi sâu sắc tận gốc rể về hệ thống chính trị thì mới nhận được sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đánh mất hai lần các cơ hội để thay đổi. Lần trước là khi Liên Sô sụp dổ năm 1990, lần sau là ngọn lửa cao trào cách mạng hoa lài ở Bắc Phi và Trung Đông. Hoa Kỳ cũng vài lần đưa bàn tay thân thiện ra. Nhưng các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam vẫn e dè vì quá sợ uy thế của ông chủ Trung Cộng. Họ cũng lo sợ cho sinh mạng chính trị của họ nếu xảy ra sự thay đổi chế độ ở Việt Nam theo chiều hướng dân chủ tự do.
Chúng ta đã thấy nguy cơ bị Trung Cộng đô hộ là quá rõ ràng và kề cận!
Một ngày không xa, nếu người Việt không đủ can đảm vùng lên, thì nước Việt Nam sẽ bị xóa trên bản đồ thế giới; dân tộc Việt Nam sẽ bị diệt vong; và sự bành trướng của Trung Cộng sẽ chưa chịu ngừng nếu chưa chinh phục hết vùng Đông Nam Á Châu.
Chúng ta cầu mong 90 triệu người Việt Nam sẽ sống dậy với ý chí kiên cường bất khuất mà tổ tiên chúng ta từng biểu lộ qua các thời đại hào hùng chống bắc xâm!
Texas ngày đầu năm 1 tháng 1, 2018
Đỗ Văn Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét