Nghệ thuật dạy con ‘Made in Nhật Bản’: Đâu là cách trách phạt trẻ thông minh nhất?
Có 3 đứa trẻ trong giờ ra chơi ở trường, do sơ ý đã làm rách quần. Đối diện đứa con của mình với ống quần bị rách cùng khuôn mặt thấp thỏm sợ hãi, 3 người mẹ đã có 3 thái độ xử lý khác nhau.
Ba đứa trẻ phạm lỗi và cách xử lý của ba bà mẹ
Người mẹ thứ nhất tát thẳng tay, cộng thêm những lời trách mắng, sau đó vẫn không quên nghiêm khắc cảnh cáo đứa trẻ: “Lần sau không được phép chơi nghịch như vậy nữa!”
Người mẹ thứ 2 không đánh cũng không mắng, lặng lẽ vá lại vết rách trên ống quần cho con, và để lại một đường chỉ trên ống quần.
Người mẹ thứ 3 an ủi con: “Không sao, có đứa trẻ nào mà không ham chơi đâu, bố con hồi nhỏ còn nghịch hơn cả con ấy. Lần sau con cố gắng không bất cẩn nữa là được rồi”. Người mẹ này còn lấy chỉ mầu, thêu lên chỗ rách một bông hoa xinh xắn.
Cũng là dạy con, nhưng 3 người mẹ đã đưa ra 3 biện pháp khác nhau để giải quyết, sẽ dẫn đến 3 kết quả khác nhau:
Người mẹ thứ nhất khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi và thất vọng, đứa trẻ sẽ bị kìm kẹp trong sự quản chế của người mẹ.
Người mẹ thứ 2 xử lý một cách thông thường mà không tạo sự khác biệt, đứa trẻ sẽ học được cách thuận theo hoàn cảnh tự nhiên.
Người mẹ thứ 3 là một người mẹ ưu tú trong cách giáo dục, người mẹ này đã dùng một bông hoa để khơi dậy trí tưởng tượng của trẻ. Nụ cười khích lệ của người mẹ này khiến cho đứa trẻ học được sự khoan dung, khiến cho đứa trẻ giữ được sự tự tin và sức sáng tạo.
Người mẹ thứ 3 là một người mẹ ưu tú trong cách giáo dục, người mẹ này đã dùng một bông hoa để khơi dậy trí tưởng tượng của trẻ.
Trong xã hội ngày nay, người mẹ thứ nhất có không ít, người mẹ thứ 2 không nhiều, còn người mẹ thứ 3 thì cực kỳ ít ỏi.
Có lẽ trong chúng ta ai ai cũng đã từng có những trải nghiệm này, nếu như đứa trẻ nào làm bẩn quần áo, thì rất nhiều bà mẹ có phản ứng đầu tiên là đánh đứa trẻ, sau đó sẽ nói với chúng: “Con làm như này là không đúng, con không được làm như thế!”… Kỳ thực nếu như chúng ta có thể khoan dung hơn, tha thứ, khích lệ chúng hơn thì sẽ khiến chúng tự tin hơn.
Khen ngợi và thưởng cho những việc làm tốt sẽ làm cho đứa trẻ năng động và ngoan hiền hơn. Trừng phạt những hành vi xấu là điều cần thiết, nhưng trước khi phạt, ta nên cân nhắc đến hậu quả của việc sửa phạt đó.
Thay vì tập trung vào những sai lầm của trẻ, những người làm cha mẹ nên tập trung vào việc khích lệ những việc làm tốt của chúng, định hình những tính cách tích cực cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Đất nước Nhật Bản là một ví dụ điển hình về cách giáo dục trẻ. Ở đất nước Mặt trời mọc này, trẻ em có ý thức tự lập từ rất sớm. Bởi vậy, từ một quốc gia nghèo tài nguyên, thiên tai liên miên nhưng Nhật Bản lại là cường quốc Đông Nam Á.
Vậy người Nhật đã dạy con như thế nào?
Nghệ thuật động viên con cái của người Nhật bản
Theo Chuyên gia về giáo dục người Nhật, ông Hirakv, thì những lời động viên kèm theo sự đề cập đến công việc và mục đích cụ thể cần thực hiện, chắc chắn sẽ giúp trẻ phấn đấu một cách hiệu quả và có định hướng hơn.
Để động viên, khuyến khích con cái, bố mẹ cần nắm rõ từng hoàn cảnh cụ thể. Có lời động viên trước, sau đó đi thẳng phân tích nguyên nhân, vấn đề cụ thể để cùng giúp con mình thêm tự tin để giải quyết.
Để động viên, khuyến khích con cái, bố mẹ cần nắm rõ từng hoàn cảnh cụ thể.
Khích lệ khi con đứng trước một kỳ thi quan trọng
Khi con đứng trước một kỳ thi quan trọng, bố mẹ không nên chỉ dừng lại ở việc nói mấy lời đại loại như: “Học đi con, con phải cố gắng mà học đi chứ!”. Bố mẹ nên nhìn nhận sâu sắc hơn về tâm lý, tinh thần của con trẻ. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, bố mẹ hãy giúp đỡ con hiểu rõ về mục tiêu cần phấn đấu trước mắt. Bên cạnh lời nói động viên, điều quan trọng là đề cập trực tiếp với con mục tiêu và công việc cụ thể. Như vậy, bạn đã định hướng và đặt nền tảng quan trọng cho những phấn đấu, nỗ lực của con cái mình.
Khích lệ khi con gặp thất bại
Một phương diện khác của việc động viên, khuyến khích con cái là thái độ của cha mẹ khi con bị điểm kém, thi trượt hoặc gặp một thất bại nào đó trong cuộc sống. Trong trường hợp này, nguyên tắc thứ nhất là bố mẹ đừng bao giờ trách móc hoặc có những hành động gây thêm áp lực cho con, cũng không nên chỉ dừng ở việc nói con hãy cố gắng ở những lần sau. Khi con cái gặp thất bại, bố mẹ hãy bình tĩnh và kiên nhẫn động viên con. Bạn có thể dùng những lời khích lệ để át dần tâm trạng rầu rĩ của con trẻ. Chẳng hạn:
“Con cũng không nên vì một lần thất bại mà cho rằng tất cả đã hết”.
“Mẹ nghĩ là chắc chắn con sẽ làm tốt hơn”.
“Không sao cả! Việc gì rồi cũng sẽ qua!”.
Những lời động viên của bố mẹ trong lúc này có tác động rất lớn. Nó là cơ sở củng cố lòng tin, ý chí tiến thủ của con trẻ. Nó giúp trẻ lấy lại cân bằng tinh thần, dần rủ bỏ gánh nặng tâm lý về thất bại vừa qua.
Khi con cái gặp thất bại, bố mẹ hãy bình tĩnh và kiên nhẫn động viên con.
Tiếp sau những lời động viên an ủi, việc quan trọng hơn là bố mẹ phải nói chuyện thẳng thắn với con, giúp con phân tích một cách cụ thể nguyên nhân của thất bại. Chẳng hạn, một em bé có thành tích học tập khá tốt bỗng chỉ đạt được 5 điểm ở một bài kiểm tra.
Người lớn có thể cùng trẻ phân tích nguyên nhân, ví dụ như:
“Dù sao thì con cũng nhận điểm 5 rồi, bây giờ bố mẹ và con sẽ cùng nghĩ xem tại sao lại như vậy nhé! Trong bài kiểm tra này, con đã làm sai ở chỗ nào?… Chỗ sai này là do con không hiểu rõ câu hỏi? Vì không nhớ ra kiến thức đó? Vì tính nhầm? Vì làm bài vội vàng quá?…”.
Bố mẹ nên cùng con cái trò chuyện, bàn luận lại những lý do đã dẫn đến thất bại, cố gắng để con tự nói ra, tự nhìn nhận những vấp váp đã gặp phải. Tất cả những điều này sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn với thất bại, hiểu rõ hơn bản thân, từ đó có phương hướng rõ ràng để sửa chữa và phấn đấu trong những “thử thách” về sau.
Khích lệ khi con thành công
Khi con cái thành công cũng thế, Giáo sư Hirakv cho rằng sẽ tốt hơn nếu người lớn biết cùng con cái ngồi lại, thảo luận về những nguyên nhân đưa đến thành công của con. Đây mới thật sự là “kỹ năng” cổ vũ, khích lệ con cái tuyệt vời hơn cả!
Ví dụ như nếu bố mẹ ngợi khen vì điểm 10 con đã đạt được, trẻ sẽ có cảm giác điều này là “đương nhiên”, “chẳng còn gì phải phàn nàn”. Cứ như vậy, những lần sau khi lại đạt điểm 10, trẻ rất dễ bị rơi vào tình trạng “giảm dần tinh thần muốn phấn đấu”. Chúng ta hãy thay đổi “thói quen” ngợi khen này. Chẳng hạn, đừng chờ đến khi con mình đạt được điểm số cao nhất hoặc đứng đầu một kỳ thi, bạn mới có một lời khen ngợi. Hãy quan sát và chọn thời điểm để lời khen của bạn có hiệu quả nhất với con, thậm chí có khi chỉ là:
“Hôm nay ai cũng mệt mỏi cả, thế mà con vẫn ngồi học chăm chỉ cả 2 tiếng đồng hồ!”.
Sẽ tốt hơn nếu người lớn biết cùng con cái ngồi lại, thảo luận về những nguyên nhân đưa đến thành công của con.
Cũng như vậy không nên khen quá mức với con trẻ. Khi khen ngợi khả năng vẽ tranh của con mình, có những bố mẹ thường nói: “Tranh con vẽ tuyệt vời, cứ như là hoạ sỹ chuyên nghiệp ấy”. Giáo sư Hirakv cho rằng, đối với việc khen ngợi con cái, không nên sử dụng những hình thức khoa trương như vậy. Khen ngợi là cả một nghệ thuật. Mục đích của việc khen ngợi là để củng cố và nâng cao lòng tự tin, tinh thần tự ý thức giá trị bản thân ở trẻ em. Ví như khi khen ngợi một bức tranh của con, bạn hãy đề cập một cách cụ thể và trực tiếp: “Bức tranh này, con chọn màu sắc bầu trời rất ấn tượng”, hoặc “Con vẽ bố, giống nhất là đôi mắt đấy”…
Thêm vào đó, bạn cũng không nên chỉ nhìn vào “kết quả” của bản thân bức tranh mà đánh giá, bình luận. Bạn hãy gợi mở về việc so sánh năng lực hội hoạ thể hiện ở bức tranh này so với những bức tranh trước của con. Ví như: “Bức tranh này có tiến bộ đấy! Con nhìn cái lá cây này vẽ đã giống hơn trước, đúng không?”… Khi bạn giữ thái độ cẩn trọng, tỉ mỉ xem xét để đưa ra nhận xét, khen ngợi về thành quả làm việc của con, con trẻ sẽ tin tưởng và tiếp thu đuợc nhiều hơn ý nghĩa từ những nhận xét và khen ngợi này.
Khích lệ động viên con cái là cả một nghệ thuật đối với cha mẹ, là cách thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc. Vì vậy, các bậc cha mẹ thông thái hãy cùng nhau học cách khích lệ con đúng cách để con sớm trưởng thành và thông minh hơn.
Chân Tâm – Nhã Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét