Hoa Kỳ có thể rời bỏ Biển Đông ?
Published: 17/11/2017 |
By: VQ1
Biển Đông gồm Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trước đây được xem như vùng biển quốc tế để các thương thuyền, chiến hạm lưu hành tự do. Từ khi Trung Cộng tự nhận chủ quyền “hình lưỡi bò chín đoạn”, bồi đắp đảo tân tạo và đặt cơ sở quân sự thì Biển Đông dậy sóng. Sự căng thẳng giữa Trung Cộng (TC) và Hoa Kỳ (HK) trên Biển Đông càng ngày càng cao, từ can thiệp ngoại giao, tuần tra quân sự, tập trận bắn đạn thật liên tục xẩy ra trong vùng… Việt Nam, với địa chính trị quan trọng, trở thành tâm điểm để các cường quốc kéo vào quỹ đạo của mình… Vấn đề đặt ra là HK có dám bỏ Biển Đông mà giữ được vị thế siêu cường trong thế kỷ thứ 21 hay không? Từ đó cho ta viễn ảnh về quan hệ Mỹ-Việt trong tương lai.
1) Hoa Kỳ thay đổi chiến lược biển sau Chiến Tranh Lạnh (1945-1991):
Sau khi khối Cộng Sản tan rã năm 1991, chiến tranh lạnh chấm dứt. Năm 1992, HK lập tức thay đổi chiến lược biển toàn diện. Phân chia những hạm đội hải quân “đóng chốt” tại các eo biển có tuyến hàng hải huyết mạch trên thế giới nhờ các lực lượng HKMH thuộc lớp Nimitz, các đội Tàu Ngầm và chiến hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử, không cần tiếp tế nhiên liệu.
Riêng tại vùng biển Tây-Nam Thái Bình Dương, Mỹ kiểm soát những eo biển huyết mạch nằm trên một chuỗi nối tiếp, dễ dàng và nhanh chóng hỗ trợ nhau khi hữu sự. Những eo biển do Hải Quân Mỹ làm “cảnh sát” gồm: Eo biển Luzon (Luzon Strait giữa Philippines và Đài Loan), eo biển Makassar (Makassar Strait giữa đảo Borneo và Celebes Indonesia, nối biển Java và Celebes), eo biển Sunda (Sunda Strait giữa đảo Java và Sumatra Indonesia, nối Ấn Độ Dương với biển Java); Và eo biển Malacca (Malacca of Strait giữa Mã Lai và Indonesia, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương).
Về mặt chiến lược, giữ an ninh những eo biển này tức sẽ giữ dược tuyến hàng hải Ấn Độ – Thái Bình Dương và làm chủ ba chiến lược: giữ an toàn tuyến đường biển chở dầu từ Trung Đông qua Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, bảo vệ an ninh tuyến đường thương mại mà Mỹ có 60% lượng hàng hoá đi qua hàng ngày, và bảo vệ các nước châu Á Thái Bình Dương mà TT Trump cho là “chòm ngân hà”, đó là vùng đất vàng trong thế kỷ thứ 21.
Những eo biển thuộc Tây-Nam Thái Bình Dương mà Hải Quân Mỹ thường xuyên kiểm soát
2) Muốn thành cường quốc phải là cường quốc biển (Sea Power)
Từ thế kỷ thứ 19, Đô Đốc Hải Quân HK Alfred Thayer Mahan (1840-1914) một chiến lược gia lừng danh của Mỹ mà sử gia John Keegan người Anh gọi Mahan “là chiến lược gia quan trọng bậc nhất của HK trong thế kỷ thứ 19” (1). Alfred Mahan khẳng định “chỉ có sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền.” Cuốn The Influence of Sea Power Upon History, 1660–1783 xuất bản năm 1890 của ông là kim chỉ nam cho những nhà hoạch định chiến lược của các nước thực dân châu Âu đi xâm chiếm thuộc địa.
Theo Mahan, muốn trở thành cường quốc biển, cần những điều kiện như vị trí địa lý của quốc gia tiếp giáp với mặt biển; Có bờ biển đủ rộng và thuận lợi cho hoạt động quân sự, kinh tế và thương mại; Có sức mạnh để bảo vệ vùng biển của mình; Và có phương tiện hữu hiệu cho việc di chuyển trên biển. Lý thuyết đó đã tác động mạnh vào các nước thực dân châu Âu, họ đua nhau đóng chiến hạm vượt đại dương xâm chiếm thuộc địa khắp năm châu bốn bể vào hậu thế kỷ thứ 19 kéo dài đến nửa thế kỷ 20. Thực dân Anh chiếm Ấn Độ để có Ấn Độ Dương, thực dân Pháp chiếm Việt Nam để có Biển Đông, thực dân Hà Lan chiếm Indonesia xem như chiếm biển Nam Dương v.v.. tất cả đều muốn làm “Cường Quốc Biển” như chiến lược gia Mahan đề xướng.
3) Hoa Kỳ chuẩn bị Siêu Cường Biển
Trong khi chiến lược gia Mahan người Mỹ vạch ra chiến lược “cường quốc Biển” và các nước châu Âu nhanh chóng dùng làm phương châm trở nên những đế quốc Thực Dân xâm chiếm thuộc địa khắp nơi để làm giàu cho mẫu quốc, thì HK không dùng tàu chiến xâm lăng thuộc địa, mặc dù thừa khả năng. Thế giới lúc đó ngạc nhiên thắc mắc: Lẽ nào Mỹ không muốn thành cường quốc? Hay người Mỹ thấy quyền lợi mà không ham? Thật phi lý, ai cũng biết chủ nghĩa của Mỹ là chủ nghĩa “thực dụng” vì quyền lợi…
Nhìn vậy mà không phải vậy, Mỹ không tranh cường quốc biển mà chuẩn bị cho vị thế Siêu Cường Biển. HK đang chuẩn bị một kế hoạch lâu dài vững chắc. Nhìn lại lịch sử chiến tranh của nước Mỹ trên thế giới, ta thấy HK rất điêu luyện về chiến lược “đi sau mà về trước”.
Trong thời kỳ Đệ I Thế Chiến (1914-1918), khi chiến tranh đã qua ¾ đoạn đường chiến binh, tháng 6/2017 Mỹ nhảy vào cuộc chiến. Rốt cuộc, Mỹ nhận thành quả nước thắng cuộc. Thời Đệ II thế chiến (1939-1945) cũng vậy, hai năm đầu Mỹ tuyên bố đứng trung lập, đến năm 1941 Mỹ vào cuộc, cuối cùng Mỹ nắm chủ động thắng cuộc. Cuộc Chiến Tranh Lạnh (Cold War) tuy cuối cùng chiến thắng Cộng Sản nhưng không vinh dự như hai đại chiến trước vì hội chứng chiến tranh Việt Nam. Với kinh nghiệm trong ba đại chiến đó, Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để bước lên vũ đài Siêu Cường Biển và duy trì thế siêu cường của mình về lâu dài sau Chiến Tranh Lạnh.
Qua ba cuộc đại chiến, hễ Mỹ dùng chiến lược “đi sau mà về trước” thì đạt những chiến thắng lừng lẫy, uy tín ngút trời, nâng vị thế nước Mỹ thành quán quân trên chính trường quốc tế. Từ trước tới nay, Mỹ chuẩn bị làm siêu cường rất chu đáo, không khoe khoan, bồng bột, háo thắng… Mỹ đã chuẩn bị 4 phương tiện làm Siêu Cường Biển như sau:
Thứ nhất, về Tàu Ngầm (Submarine), chiếc tàu ngầm đầu tiên do Nga sáng chế bởi Yefim Nikonov và đưa vào phục vụ chiến tranh từ năm 1720. Nửa thế kỷ sau, năm 1775 Mỹ nghiên cứu tàu ngầm “Turtle” một người lái (2). Khi chiến tranh Nhật-Mỹ tại Trân Châu Cảng (1941) thì Tàu Ngầm Mỹ tham chiến trở thành mũi nhọn trọng yếu đánh đắm hải quân Nhật. Từ đó đến nay, Mỹ không ngừng nâng cao kỹ thuật tàu ngầm về mọi mặt, hiện nay Mỹ có đội tàu ngầm vô địch về số lượng, cũng như chất lượng và khả năng chiến đấu vô song. Tàu ngầm hải quân Mỹ chạy bằng năng lượng nguyên tử, trang bị hoả tiễn tự hành tối tân Tomahawk (3) và trang bị cả hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử.
Thứ hai, về Hàng Không Mẫu Hạm (Aircraft Carier), chiếc đầu tiên do Nhật hạ thuỷ là HKMH Hosho vào năm 1922; Hải quân Anh có chiếc HKMH HMS Hermes vào năm 1924 [4]. Ba năm sau, vào tháng 9, 2017 Hải quân Mỹ mới có chiếc HKMH thuộc Lexington-class đưa vào hải quân. Giờ đây khi nói đến HKMH của Mỹ thì thế giới phải kinh ngạc, với 5 hạm đội (3,4,5,6,7) tung hoành trên khắp năm châu bốn biển. Hải quân các quốc gia trên thế giới tổng cộng có 20 chiếc HKMH thì Mỹ chiếm 11 chiếc (55%), và mỗi HKMH của Mỹ chạy bằng năng lượng nguyên tử và trang bị vũ khí tối tân gấp bội lần HKMH của các nước khác [5].
Thứ ba, về Không Quân, trong thời kỳ đệ I thế Chiến năm 1914, không quân Đức dùng oanh tạc cơ Zipperlins (Airship) dội bom các mục tiêu khắp châu Âu [6], thì không quân Mỹ chưa thành hình. Năm 1917, Mỹ mới có một đội phi cơ nhỏ hoạt động trong toán American Expeditionary Force (AEF). Thế mà 24 năm sau, 1941 khi Mỹ tham gia Đệ II thế Chiến, oanh tạc cơ của Mỹ bay đen vùng trời và dội bom khắp trên nước Đức. Không những tại châu Âu, mà ở châu Á máy bay B-29 đã có khả năng dội hai trái bom nguyên tử trên đất Nhật kết thúc Đệ II thế chiến. Ngày nay, nói đến không quân Mỹ, những chiến đấu cơ F-16, F-18, F-22 và F-35 đang làm chủ vùng trời thế giới, bên cạnh những máy bay ném bom chiến lược B-52, B1 khổng lồ xuất phát từ từ các phi trường nội địa nước Mỹ có thể bay đến dội bom bất cứ nơi nào trên thế giới rồi trở về với sự tiếp tế nhiên liệu trên không…
Và thứ tư, về bộ binh, binh chủng Thuỷ Quân lục Chiến lừng danh qua bao cuộc đại chiến thế giới, cùng với một lực lượng Bộ Binh hùng hậu được trang bị vũ khí cá nhân và xe thiết giáp tối tân, những giàn hoả tiễn THAAD làm cho thế giới kinh ngạc… THAAD đặt ở đâu thì đối phương lên tiếng phản đối vì sự tối tân và hiệu năng chiến đấu vô song của nó.
Bốn phương tiện chủ động để làm siêu cường thì Mỹ đều “đi sau mà về trước”, cộng thêm kinh tế luôn hàng đầu với tổng sản lượng (GDP) năm 2016 hơn 25% GDP toàn thế giới (10), nay Mỹ là Siêu Cường Biển vô địch, bỏ xa các nước châu Âu hằng thập niên, và đi trước TC một phần tư thế kỷ. Trong những năm tháng tới, nước Mỹ lại càng bỏ xa các nước trên thế giới nhờ vào kỹ thuật tối tân và ngân sách quốc phòng khổng lồ. Như vào tháng 9, 2017, Quốc Hội Mỹ đã chấp nhận ngân sách quốc phòng 700 tỷ USD (năm 2016 chỉ có $523.9 tỷ) chi dùng vào chương trình “từng bước nâng cấp quân đội Mỹ” [7] của TT Trump yêu cầu. Số ngân sách quốc phòng này vượt quá nửa tổng số ngân sách quốc phòng của các nước trên thế giới cộng lại. Với tiềm lực đó, nước Mỹ sẽ trở thành Siêu Cường Biển trong hằng thế kỷ tới khó ai sánh kịp.
Các Hạm Đội Hoa Kỳ (2,3,4,5,6 & 7) đang kiểm soát các vùng biển trên thế giới – Nay hạm đội 3 & 7 (Đông và Tây Thái Bình Dương) cùng dưới một bộ chỉ huy
4) Hoa Kỳ hành động ở Biển Đông như thế nào sau Chiến Tranh Lạnh (1992) ?
Không phải giờ này ông Trump cho “Nước Mỹ Trước Hết” (American First) mà từ xưa đến nay Mỹ luôn luôn theo chủ trương có lợi cho nước Mỹ trên hết. Thấy lợi là Mỹ nhảy vào dù hy sinh xương máu, không lợi thì Mỹ rút lui dù ai có kêu gào giúp đỡ cũng phớt lờ (don’t care). Chẳng qua những đời Tổng Thống Mỹ trước đây xuất thân chính trị chuyên nghiệp nên họ khéo ăn nói che được bản chất nước Mỹ mà thôi.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuỳ theo từng giai đoạn mà Mỹ hành động có lợi nhất cho nước Mỹ. Việc bỏ Cam Ranh năm 1975 nay trở lại đều nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ.
a) Giai đoạn 1992-2009:
Từ năm 1992, Hải Quân Mỹ đã chủ trương làm chủ những eo biển chiến lược sinh tử trên Ấn Độ -Thái Bình Dương như đã đề cập ở trên, cùng thời kỳ ấy HK đã chuẩn bị liên kết vùng Đông Nam Á bằng cách ngấm ngầm ủng hộ Indonesia đẩy mạnh sinh hoạt của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á gọi tắt là ASIAN [9].
Mặc dù vậy, trong thập niên năm 1990, nhận thấy TC đang đối phó với đói nghèo, còn loay hoay trong thềm lục địa, chưa có khả năng đặt chân ra Biển. Các nước vùng châu Á-Thái Bình Dương đang ngập lặn trong chiến tranh giữa các nước Cộng Sản “anh em” tranh dành lý thuyết Mác-Lê lỗi thời (VN đánh Cambodia, TC đánh VN). Nhìn chung, khu vực này như “mớ bòng bong”. Mỹ thấy không có lợi về thương mại, nhúng tay vào thêm rắc rối, chi bằng âm thầm giữ những eo biển quan trọng trên Biển để bảo đảm tuyến hàng hải là đủ. Thậm chí quay mặt để các nước Đông Nam Á tự cấu xé lẫn nhau hầu rãnh tay khai thác túi vàng đen dầu lửa ở Trung Đông. Chính sách của Mỹ lúc đó là cố làm chủ những mỏ dầu to lớn đại ở vùng Vịnh và tập trung phát triển nền kinh tế kỹ thuật điện tử “hight tech”. Từ đó những máy vi tính ra đời bằng bộ óc thông minh của con chíp điện tử microprocessor, kỹ nghệ “dot com”, hệ thống internet toàn cầ đưa nước Mỹ bước vào kỷ nguyên kỹ nghệ điện tử làm thay đổi vận hành thế giới, nước Mỹ ở vào thời kỳ kinh tế cực thịnh và nâng cao uy thế trên thế giới.
Dưới thời TT Bush vẫn thấy vùng Châu Á-Thái Bình Dương chưa phát triển, còn ở mức “xoá đói giảm nghèo” không phải là lúc khai thác quyền lợi, cũng như chưa có những đe doạ nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ, nên TT Bush lơ là và vắng bóng tham gia các hội nghị quan trọng của khối ASIAN. Chỉ duy trì ngoại giao cần thiết, đứng quan sát tình hình thời cuộc. Hơn thế nữa, đang đối đầu với chiến tranh chống khủng bố, phải cung cấp tài nguyên và nhân lực cho những cuộc chiến chống khủng ngoài nước và tăng cường an ninh nội bộ…
b) Giai đoạn 2009 – 2016:
Năm 2009, là năm TT Barack Obama mới bước vào Toà Bạch Ốc phải đối đầu với trăm ngàn ngổn ngang của TT Bush để lại. Nước Mỹ trong cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đang lâm vào cuộc chiến chống khủng bố ở hai chiến trường Iraq và Afghanistan còn mịt mù khói lửa, quân khủng bố Hồi Giáo vẫn tiếp tục khiêu khích trên thế giới tự do… Thừa nước đục thả câu, TC đệ trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ tự vẽ “lưỡi bò 9 đoạn” đòi làm chủ 90% diện tích Biển Đông vào giữa năm 2009. Báo hiệu quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông và vùng Đông Nam Á bị đe doạ!
Lập tức, TT Obama liền tuyên bố “Xoay Trục Châu Á” để đáp ứng kịp thời với chiến lược Siêu Cường Biển từng vạch ra sau thời hậu Cộng Sản.
Tháng 7/2010 tại Hội Nghị Diễn Đàn Khu Vực khối ASEAN (ARF) ở Hà Nội, cựu ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố “Biển Đông cũng là quyền lợi cốt lõi của Mỹ”, khởi nguồn chiến lược ngoại giao đối phó với một TC đang hung hăng nổi lên. Lời tuyên bố của bà Clinton làm cho Bộ Trưởng ngoại giao TC Dương Khiết Trì nổi giận rời khỏi phòng họp. Khi trở lại, họ Dương tuyên bố một câu thô lỗ chưa từng có trong ngành ngoại giao “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế”. Không lẽ ỷ nước lớn đi cướp các nước nhỏ hay sao, đó là hành động của bọn thảo khấu !
Qua những sự kiện cho ta thấy rằng Mỹ có chiến lược vạch sẵn của vị thế siêu cường. Tuỳ theo tình hình mà Mỹ biết lúc nào cần đặt ưu tiên hành động để đem quyền lợi cho mình.
Dưới thời TT Barack Obama thấy âm mưu TC lộ ra rõ ràng, nhất là cuối năm 2014 trở đi, TC bắt đầu có hành động xâm lăng trắng trợn, hiếp đáp các nước yếu trong vùng, đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, xâm lấn vùng lãnh hải Philippines, đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông, hăm doạ các tàu chiến nước ngoài đến vùng biển TC cho là chủ quyền v.v.. Đặc biệt là TC nhanh chóng xây các đảo tân tạo trên vùng biển tranh chấp và ngày đêm lén lút xây căn cứ quân sự, bất chấp luật lệ quốc tế, xem thường “cảnh cáo” của Mỹ. Thậm chí còn thử “gan” của TT Obama bằng cách không cho thang máy ra Airforce One để Obama phải xuống bằng “cửa hậu”.
Sự phản ứng của Mỹ trong thời gian này tăng lên tùy mức độ. Phần chính chủ yếu về ngoại giao và vận động quốc tế gây sức ép đối với TC. Ban đầu Mỹ tuyên bố trung lập không đứng về phía nào của các nước tranh chấp Biển Đông, nhưng trên thực tế những đòi hỏi của Mỹ rất có lợi cho các nước nhỏ đòi chủ quyền trên Biển Đông. Cổ động việc “đàm phán đa phương”, trong khi TC chỉ muốn “đàm phán song phương” để dễ dàng ăn hiếp các nước yếu. Mỹ khuyến khích Philippines đưa TC ra toà phán xét PCA về xâm phạm Biển Đông để quốc tế hoá hành động xâm lăng phi pháp của TC, và đã chiến thắng. Tiếp theo là có những hành động quân sự như cho chiến hạm hải quân tuần tra vào gần 12 hải lý ở các đảo tân tạo của TC để thách thức chủ quyền. Quốc hội HK thường hối thúc hành pháp có hành động quyết liệt hơn ở Biển Đông. Và Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng HK đã liên tục viếng thăm thân thiện với các đối tượng trong vùng Đông nam Á như Mã Lai, Singapore, Indonesia, Miến Điện, Việt Nam và nhất là Philippines để tạo đồng minh.
Nhất là năm 2016, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter (dưới thời TT Obama) thường đi về vùng Châu Á Thái Bình Dương, ông đã tuyên bố tình hình Biển Đông bước sang giai đoạn 3: “Trong giai đoạn ba, quân đội Mỹ giữ vững và phát triển kết quả từ giai đoạn hai. Sẽ có thêm nhiều vũ khí hiện đại được đưa tới châu Á, bao gồm chiến đấu cơ F-35, máy bay trinh sát P-8 và tàu ngầm nguyên tử, máy bay ném bom chiến lược hiện đại cùng các kỹ thuật công nghệ tối tân về vũ trụ và hệ thống Internet. Bộ trưởng Carter tiết lộ quân đội Mỹ còn nắm trong tay một số vũ khí mới mà mọi người không thể ngờ tới sẽ được khai triển sử dụng ở châu Á-Thái Bình Dương.”
Tuy vậy, TC không chịu lùi bước, họ dùng đủ mánh khoé và hành động tiểu xảo để tiến hành xâm lăng, dùng du kích biển, dùng lực lượng bán quân sự v.v.. sử dụng chiến thuật “mềm nắn, rắn buông” để tiến hành làm chủ Biển Đông, họ đã xây “Vạn Lý Trường Thành” trên biển để làm đầu cầu xuất phát cho quốc sách “Một Vành Đai, Một Con Đường” mà Tập Cận Bình chính thức tuyên bố trong hội nghị APEC tại Đà Nẵng là “không thể đảo ngược”.
c) Giai đoạn 2017….
Nhận thấy những biện pháp của TT Barack Obama chưa có khả năng đẩy lùi bước xâm lược của Tàu Cộng trên Biển Đông, TT Trump tiếp tục tiến hành chiến lược “Xoay Trục” của TT Obama bằng những bước mạnh hơn. Đến lúc TT Trump phải thực hiện chiến lược Siêu Cường Biển của mình để giữ Biển Đông. Ông đã đề ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở mà bốn nước trụ cột là Mỹ-Ấn-Nhật-Úc đang thành hình một vòng đai bao vây kinh tế lẫn quân sự TC. Ông Trump đang tìm cách lôi cuốn những nước có địa chính trị liên hệ vào quỹ đạo của Mỹ, điểm nhắm là Việt Nam. Điều này chúng ta đã thấy khá rõ trong chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Trump vừa rồi. Cách tiếp cận của TT Trump thấy mạnh hơn, cụ thể hơn và khác hơn so với các đời TT tiền nhiệm. Dĩ nhiên ông sẽ không lập lại cách thức mà các đời TT trước đã thực hiện không có kết quả.
Các chiến lược gia Tòa Bạch Ốc chắc chắn thấu triệt rằng: Nếu Mỹ rời khỏi Biển Đông thì sẽ mất những lợi điểm to lớn như:
– Mất Biển Đông là mất cửa ngõ đường biển và đường hàng không giao lưu với các nước quốc châu Á – Thái Bình Dương đối với quốc tế.– Mất Biển Đông xem như chặt dứt móc xích trên chuỗi dây xích Ấn Độ-Thái Bình Dương, tuyến đường lưu thông trên biển và trên không bị kiểm soát bởi Trung Cộng.– Mất Biển Đông thì HK đã đánh mất vị thế Siêu Cường Biển. Tiếng nói của HK trên chính trường quốc tế không còn được tôn trọng. Thế thế giới có thể trở nên hỗn loạn.– Mất Biển Đông, kéo theo các nước Đông Nam Á không còn niềm tin ở Mỹ, sẽ bổ về quỹ đạo TC, Mỹ xem như mất nguồn khai thác quyền lợi lớn nhất trong thế kỷ 21. Kinh tế hàng đầu của Mỹ bị thách thức, địa vị Siêu Cường Biển bị hạ bệ. – Mất Biển Đông, Mỹ sẽ bị bế tắc giao thương với vùng kinh tế châu Á có GDP chiếm hơn 30% GDP toàn cầu (10), đây là vùng có mức độ kinh tế tăng nhanh nhất thế giới hiện nay với thị trường nhân công rẻ là hấp lực cho giới đầu tư nước Mỹ.
Một HK đã chuẩn bị thế Siêu Cường Biển cả hằng trăm năm, càng ngày càng mạnh, càng hiện đại đang bỏ xa các nước trên thế giới. Ngày nay, Hoa Kỳ có uy thế tuyệt đối về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, tin học xứng với vị thế một Siêu Cường Biển vô địch, thử hỏi rằng HK có thể rời bỏ vị trí chiến lược trọng yếu Biển Đông để rồi nhận lãnh một hậu quả vô tiền khoáng hậu cho tương lai của nước Mỹ hay không? Chắc chắn không.
Lời kết:
TT Hoa Kỳ Donald Trump và CT TC Tập Cận Bình đọc diễn văn về chiến lược của mình tại Hội Nghị APEC Đà Nẵng 11/2017
Hội Nghị APEC năm 2017 tại Đà Nẵng vừa rồi, qua hai bài diễn văn của TT Mỹ Donald Trump và và Chủ Tịch TC Tập Cận Bình đã mở ra một thế trận chiến lược đối đầu “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” và “Một Vành Đai, Một Con Đường” mà Biển Đông là tâm điểm của sự tương khắc đó.
Cuộc đối đầu này không đơn thuần về quân sự, nó là một trận chiến tổng hợp về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tin học…
HK đã ba lần chiến thắng các trận đại chiến trên thế giới trước đây. Lần này Mỹ bước vào cuộc chiến mới với ưu thế tuyệt đối của mình, không có lý do gì mà Mỹ thua trận ở Biển Đông. Trừ khi Tập Cận Bình từ bỏ đấu óc bá quyền Đại Hán để chung sống hoà bình với nhân loại. Nếu không Trung Hoa sẽ gánh một hậu quả khôn lường cho “giấc mơ Trung Hoa” của họ..
Trọng tâm của cuộc đối đầu Trung-Mỹ xẩy ra trên vùng biển Việt Nam, dân tộc ta một lần nữa không thể tránh được cảnh tương tranh này. Đối với TC luôn luôn có dã tâm chiếm nước ta để làm một tỉnh của Tàu như Tân Cương và Tây Tạng, nhà cầm quyền CSVN đang bị TC mua chuộc và khống chế như một kẻ thừa sai, sự xâm lăng của Tàu Cộng đang tràn ngập nước ta đến mức thậm chí nguy. Nếu không một thế lực nào đủ sức ngăn chận dã tâm Đại Hán xuống Biển Đông và Đông Nam Á thì việc mất nước Việt Nam về tay TC khó tránh khỏi. Hiện nay chỉ có Mỹ mới có đủ khả năng ngăn chận TC.
Khi Hoa Kỳ coi trọng Biển Đông như một vị thế chiến lược không thể mất, thì chắc chắn họ sẽ trở lại vùng châu Á-Thái Bình Dương mà nước Việt vẫn là cứ điểm quan trọng. Dân tộc Việt cần khôn khéo vận dụng cơ hội này để đuổi TC ra khỏi nước ta. Tách rời sự cấu kết (răng môi) giữ tay sai CSVN và quan thầy TC là bảo vệ tổ quốc và là chặt đứt điểm tựa mà CSVN thường sử dụng để tiếp tục bám quyền cai trị. Được như vậy, công cuộc giải thể chế độ độc tài toàn trị CSVN thuận lợi gấp bội phần.
Hoa Kỳ, ngày 17 tháng 11 năm 2017
==========================================