Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Nguyễn Tiến Hưng: “Việt Nam Hóa” và Những Ngày Cuối Cùng của VNCH.

Trời đã về khuya, tôi nóng lòng ngồi chờ Eric. Eric Von Marbod (Đệ nhất Phó Phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ) là một thành viên của phái đoàn Tướng Fred Weyand do Tổng thống Gerald Ford gửi sang Sàigòn để thẩm định tình hình. Hôm ấy là ngày 28 tháng 3, 1975. Tôi đã để sẵn trên bàn mấy chai 33 - loại bia ông ưa thích nhất. Vừa tới, ông uống liên tục hai chai rồi trao đổi với tôi về tình hình tuyệt vọng ở Đà Nẵng vì hết quân để tiếp viện cho Tướng Ngô Quang Trưởng. “Bây giờ tôi mới thực sự cảm nhận việc TT Thiệu gửi anh đi thuyết phục ông Schlesinger giúp trang bị thêm hai sư đoàn làm lực lượng trừ bị.” Đây là ông nhắc lại hai lần chúng tôi gặp Bộ trưởng Quốc Phòng James Schelesinger (ông thầy dạy tôi gần bảy năm tại Đại học Virginia). Lần nào cũng nghe ôngtrả lời là không thể được vì Quốc Hội đã cắt quân viện. 

Ngày 31/3/1975 một buổi họp với phái đoàn Weyand dưới sự chủ tọa của TT Thiệu tại Phòng Tình Hình Dinh Độc Lập vào lúc 5 giờ chiều. Ngoại trưởng Vương Văn Bắc và chúng tôi cùng tham dự.

Đây là buổi họp Việt - Mỹ cuối cùng sau 25 năm người Mỹ dính líu vào Việt Nam

Mọi người cố tỏ ra bình tĩnh để cho đài truyền hình quay phim. Chúng tôi (ngồi cạnh Đại tướng Viên) cũng nhoẻn một nụ cười. Nhưng khi truyền thông vừa ra khỏi thì bầu không khí nặng nề đã bao trùm: Đà nẵng vừa bị bỏ ngỏ ngày hôm trước. Nhiều vấn đề được đề cập nhưng quan trọng nhất là làm sao có được tiếp liệu cho lực lượng quân đội còn lại. Tướng Weyand kết luận: “Chúng tôi sẽ viện trợ theo nhu cầu của VNCH và sẽ trình bày những nhu cầu này trước Quốc Hội.” Ông Marbod thêm: “Nếu có lệnh thì việc tiếp liệu sẽ khởi sự ngay vì đã có sẵn ở Okinawa và Đại Hàn.”
Ngày hôm sau, 1/4/1975 TT Thiệu chủ tọa một cuộc họp nữa để bàn việc tái tổ chức một số đơn vị quân đội bị tan rã nếu có được tiếp liệu như Tướng Weyand hứa. Về phía dân sự, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc và chúng tôi cùng tham dự. 

Qua hai cuộc họp này và saunhững diễn biến và những buổi họp tại Dinh Độc Lập trong ba tháng đầu 1975, chúng tôi thấy những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần không thể vượt qua được của Miền Nam đã bộc lộra thật rõ ràng. 

Hầu hết nó phản ảnh những khuyết điểm của chiến lược “Việt Nam Hóa” và việc Quốc Hội cúp quân viện. 

Mỹ hóa chiến tranh 

Trước hết, tại sao phải Việt Nam hóa? Vì trước đó cuộc chiến đã bị Mỹ hóa. 

Trong một bài phỏng vấn của TT Thiệu với tạp chí The New Republic, ông bình luận: 
· Về chính trị, “Lý do chính mà Việt Cộng cố thủ mạnh mẽ được như vậy là vì dân chúng vẫn tin rằng chẳng có gì khác giữa người Pháp mà họ gọi là thực dân và người Mỹ mà họ gọi là đế quốc.” 
· Về quân sự, sau khi đã đem quân vào rồi thì chiến tranh thành ra “Mỹ hóa.” Có hai sai lầm quan trọng:
· "Vì quá tin tưởng ở sức mạnh của mình và coi thường khả năngcủa quân lực VNCH, Hoa Kỳ không trang bị cho họ vũ khí hiện đại. Chẳng hạn quân đội Mỹ vào Việt Nam từ tháng Ba, 1965 nhưng quân đội Miền Nam chỉ có súng Garrands từ thế Chiến II. Mãi tới tháng Sáu, 1968 sau Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ mới cung cấp súng M-16 cho binh sĩ VNCH trong khi bộ đội Cộng sản miền Bắc đã sử dụng loại súng tối tân AK-47 từ mấy năm trước. Hầu hết máy bay trực thăng rất cần thiết trong các cuộc hành quân đều do phi công Hoa Kỳ lái và chỉ chịu mệnh lệnh của cấp chỉ huy người Mỹ." 
· "Quân đội Hoa Kỳ chỉ quen với chiến tranh qui ước không thích hợp với những điều kiện chiến đấu chống du kích trong núi rừng nhiệt đới. Nhưng Hoa Kỳvẫn tin rằng sẽ thắng bất cứ loại chiến tranh nào bằng cách sử dụng hỏa lực thật mạnh và thật nhiều
· Lối đánh trận kiểu nhà giàu này quá phí phạm, coi thường sinh mạng của dân chúng mà thường không đem lại kết quả mong đợi. Trái với mục tiêu ‘tranh thủ nhân tâm,’ lối đánh trận này chỉ làm cho dân chúng có cảm tình với chủ trương “chống Mỹ cứu nước” của Cộng sản. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp bất đồng ý kiến giữa các cố vấn Mỹ và các cấp chỉ huy người Việt." 
Ngoài ra nó lại còn gây nên một tình trạng tâm lý hết sức bất lợi: đó là làm cho quân đội VNCH quen với cung cách chiến đấu kiểu nhà giầu. 

“Việt Nam Hóa” 

TT Richard Nixon muốn “giải kết vai trò của Mỹ” ở Việt Nam (De-americanization of the Vietnam War). Bộ trưởng Quốc Phòng Melvin Laird thuyết minh nên dùng từ “Việt Nam Hóa” (Vietnamization). 

Chương trình này đã giúp quân đội VNCH trở thành hùng mạnh nhất tại Đông Nam Á. Về mặt kinh tế nó cũng giúp Miền Nam có được những bước tiến vượt kỳ vọng, mặc dù chịu sức ép lớn lao của lạm phát siêu mã. 

Tuy nhiên, về mặt quân sự thì nó có nhiều khuyết điểm: 

1. VIỆT NAM HÓA KIỂU MỸ 

Quân đội đã trở nên hùng mạnh, nhưng sự hùng mạnh ấy thiếu “tính cách bền vững” (sustainability). Nó hùng mạnh nếu như tiếp tục có được hỏa lực và khả năng đi động (fire power and mobility). Đây là hai cấu phần chính của mô hình chiến đấu kiểu Mỹ - dù trong chiến tranh Việt Nam hay Thế Chiến II hay Chiến tranh Triều Tiên, hay bây giờ ở Trung Đông. 

Về hoả lực: luôn cần bom đạn, máy bay khu trục, thiết giáp. Về di động tính: trực thăng, máy bay vận tải, xăng nhớt. Cả hai yếu tố hỏa lực và di độngđều đòi hỏi phải có sẵn đồ phụ tùng để bảo trì và sửa chữa. 

Nguyên 1,429 tầu chiến của Hải Quân VNCH đã cần tới 64,240 món đồ phụ tùng và dụng cụ sửa chữa, Không quân: 192,000, Lục quân: 127,000 món. 

Năm 1974 khi Quốc Hội Mỹ cúp quân viện,Đại tướng Cao Văn Viên phải hạn chế tối đa đạn dược, xăng nhớt. Có lần chúng tôi đi thăm Sư Đoàn 1 đóng ở Huế. Tướng Nguyễn Văn Điềm chỉ lên phía đồi núi và nói: “Chúng tôi luôn bị pháo của quân đội Bắc Việt từ trên đó mà không có khả năng đáp trả.” 

Tinh thần suy sụp 

Tình trạng này ép mạnh vào tinh thần Miền Nam - nhất là trong bối cảnh quân đội Bắc Việt lại được đồng minh yểm trợ mạnh mẽ hơn (như hỏa tiễn STRELLA). Chúng tôi được chứng kiến sự khắc khoải của TT Thiệu khi ông ra lệnh dốc hết dự trữ của Ngân Hàng Quốc Gia để mua tiếp liệu vì dầu lửa thì tuy đã tìm thấy nhưng chưa khai thác kịp. 

Nói về hỏa lực, phải kể tới số quân cụ được chuyển giao trong chương trình Enhance và Enhance Plus (1972). Truyền thông Mỹ hay nói tới việc đã chuyển cho Miền Nam từng tỷ đôla khí giới mà vẫn bại trận. Ta hãy nghe Tướng John Murray,Tùy Viên Quốc phòng ở Sàigòn bình luận: 
"Ai cũng tưởng lầm về vụ chuyển giao quân cụ cho VNCH. Thật ra đó chỉ là những quân cụ hư hỏng hoặc cũ kỹ, lỗi thời. Phần lớn là đồ thặng dư, đòi hỏi phải bảo trì quá nhiều." 
Mỗi khi ông Murray yêu cầu Bộ Quốc Phòng gửi phụ tùng để bảo trì thì đều bị từ chối: “Miền Nam phảiômlấynhững thứ này nhưcủanợ.” 

TT Thiệu ví von sự kiện này “như có một cái xe Cadillac mà không có được một cái ‘bougie’ để thay thế khi cần, thì chiếc Cadillac chỉ là đống sắt, lại còn phải canh giữ cho khỏi bị mất trộm.” 

2. KHÔNG CHUYỂN GIAO HỆ THỐNG THAM MƯU 

Chương trình Việt Nam Hóa chỉ tập trung chủ yếu vào việc chuyển giao quân cụ, tiếp liệu (như kho Long Bình), không đặt nặng vấn đề tham mưu và điều hợp chiến trường. Như vậy, khả năng tham mưu của Bộ Tổng Tham Mưuvà tư lệnh chiến trường là giới hạn. 

Đây có thể cũng là một lý do mànhiều khi TT Thiệu chỉ huy trực tiếp từ Dinh Độc Lập (như chúng tôi chứng kiến trong buổi họp ngày 25/3/1975 về lệnh bỏ Huế). Ngay từ thời còn là một sĩ quan, khả năng tham mưu của ông đã được đồng liêu và tướng lãnh Mỹ khen ngợi. Nhưng ông bị chỉ trích là tập trung quyền hành. 

3. KHÔNG GIÚP MIỀN NAM CÓ THÊM LỰC LƯỢNG TRỪ BỊ 

Vấn đề này thì chúng tôi nắm rất vững vì đã từng nhận chỉ thị của TT Thiệu để giúp Đại tướng Viên và Trung tướng Đồng Văn Khuyên (đặc trách tiếp vận) “lobby” phía Mỹ giúp trang bị thêm hai sư đoàn để làm lực lượng trừ bị. Cả thế giới cứ nói là Miền Nam có trên một triệu quân đội mà vẫn thất bại. Trong số một triệu ấy, chỉ có 13 sư đoàn (khoảng 200,000) làquân đội chính quy. Phần còn lại là Địa Phương Quân, Nhân dân Tự vệ, v.v. với trách nhiệm chính là giữ an ninh địa phương. 

TT Thiệu thường hay phàn với chúng tôi “Mình chỉ có hai sư đoàn Dù và TQLC, phải dùng trực thăng bốc đi hết trận này tới trận khác.” 

4. THỜI GIAN VIỆT NAM HÓA QUÁ VẮN VỎI 

Chương trình bắt đầu từ Hè 1969 và chấm dứt cuối 1972: như vậy là chỉ có ba năm rưỡi. Nó lại bị gián đoạn bởi hai trận chiến: “Lam sơn 719” đánh sang Lào (mùa Xuân 1971) và “Mùa hè đỏ lửa” (Xuân – Thu 1972). 

Sau hai trận này sức mạnh của quân đội bị tiêu hao. Cấp lãnh đạo quân sự lại mất đi gần 20% của thời gian Việt Nam Hóa (có thể dùng để tổ chức nhiều khóa hội thảo về tham mưu). 

5. VIỆT NAM HÓA TRONG BỐI CẢNH ĐÀM PHÁN 

Chiến lược giải kết khỏi Việt Nam dựa vào hai cấu phần: Việt Nam Hóa và đàm phán với Bắc Việt. TT Nixon cho rằng cả hai sẽ đi song hành và hỗ trợ nhau. Nhưng trong thực tế nó đã đi ngược với nhau: Nixon tin vào Việt Nam Hóa, Kissinger không tin – lại còn thuyết phục Nixon tại sao ông không tin. Kissinger chỉ tập trung vào mật đàm. 

Nơi đây chúng tôi chỉ nhắc lại một thí dụ về sự đối chọi này: ngày 17 tháng 9, 1972 quân đội VNCH lấy lại được Quảng trị, tinh thần lãnh đạo Miền Nam lên cao – đó là thành công của Việt Nam Hóa. Nhưng chỉ ba tuần sau, tinh thầnlại bị rúng động thật mạnh - vì thất bại của hòa đàm. Tại sao thất bại? Vì trong buổi họp với ông Lê Đức Thọ (8/10/1972) ông Kissinger đã nhượng bộ điểm chính yếu của bốn năm mật đàm: Mỹ đơn phương rút quân nội trong hai tháng, quân đội Bắc Việt được đóng lại Miền Nam - và đóng rải rắc khắp nơi giống như những đốm da beo. 

Những ngày cuối cùng 

Trước bối cảnh bị cúp viện, năm khuyết điểm trên đã cùng một lúc tác động vào Miền Nam trongnhững ngày tháng cuối cùng. Bắt đầu từ trận Phước Long. 

TRẬN CHIẾN PHƯỚC LONG 

Đêm ngày 13 tháng 12, 1974, quân đội Bắc Việt nổ súng tại Phước Long. Lực lượng của VNCH chỉ gồm Địa phương quân, Nghĩa quân, và 4 trung đội Pháo binh, tổng cộng khoảng 4,000 người. Dù phải đối đầu với lực lượng áp đảo của Bắc Việt gồm 2 sư đoàn (SĐ 7 và 3 Bộ binh) cùng với các đơn vị pháo, xe tăng, đặc công, và phòng không gộp lại là đông hơn lực lượng Miền Nam gấp 6 lần, lực lượng trú phòng vẫn chống cự và kéo dài được trên ba tuần(13/12/1974 tới 6/1/1975). 

Giải pháp “da beo” đã giúp quân đội Miền Bắc có một lợi điểm chiến thuật thật lớn: đó là có thể chọn nơi, chọn ngày và chọn giờ để tấn công. Khi tấn công thì có thể tập trung quân để ở thế thượng phong. 

Đang khi đó, quân đội Miền Nam phải trải ra thật mỏng trên toàn lãnh thổ và một biên giới gần 700 dậm. 

TẠI SAO KHÔNG TÁI CHIẾM PHƯỚC LONG? 


Hội Đồng An Ninh Quốc Gia họp vớiTướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn III để thẩm định việc tái chiếm Phước Long. Cuộc họp đi tới kết luận là không khả thi vì (1) không còn lực lượng trừ bị nào và cũng không thể rút đơn vị nào từ những vị trí khác; (2) thiếu phương tiện chuyểnquân và chuyển đại pháo. 

Chưa bao giờ Miền Nam lại cảm thấy bất lực như lúc này: không có trừ bị để tăng viện mà nếu rút đơn vị này nọ để tăng viện thì cũng hết phương tiện để chuyển quân và chở đến cho kịp thời. 

Về thời gian cần thiết để chuyển quân: muốn đưa Sư đoàn Dù từ miền Trung tới thì cần một tuần, và muốn đưa một sư đoàn của Quân khu IV tới cũng mất 3 ngày, mà Phước Long cần ngay.Đúng như Đại tướng Viên đã trình TT Thiệu (Hè 1974): “Trước đây , trong cuộc tấn công 1972, Sư đoàn Dù có thể di chuyển từ Sài Gòn tới các mặt trận ở Pleiku và Vùng 1 chỉ trong vòng 48 tiếng bằng không vận mà không gây trở ngại gì. Nhưng bây giờ, cùng một cuộc không vận tương tự, không quân cần đến 7 ngày và phải trưng dụng tất cả các phương tiện không vận khác.” 

SỤP ĐỔ 

Ngày 6 tháng 1, Phước Long thất thủ. Trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, Phước Long là tỉnh đầu tiên bị mất. Phước Long mở đầu cho cuộc tổng tấn công Mùa Xuân 1975 của quân đội Bắc Việt. 

Có nhiều yếu tố đưa tới sụp đổ, nhưng trong tất cả những biến cố theo sau Phước Long –Ban Mê Thuột, Pleiku, Huế, Đà Nẵng - đều có nguồn gốc từ hai yếu tố chính: khuyết điểm của Việt Nam Hóa và Quốc Hội cắt viện trợ. 

Tại sao lại sụp đổ quá nhanh? Vì tinh thần đã bắt đầu suy sụp từ tháng 8 năm 1974 khi tác giả của Việt Nam Hóa, TT Richard Nixon sụp đổ (8/8/1974) và chỉ ba ngày sau (11/8/1974) Quốc hội cúp quân viện- từ mức $2.1 tỷ (1972/1973) xuống $700 triệu. Trong thực tế chỉ còn khoảng $500 triệu. Điều chỉnh theo lạm phát phi mã thì con số này thành ra vô nghĩa. 

Từ “Việt Nam Hóa” tới “Afghan Hóa” 


Sau Iraq Hóa ( “Iraqiazation”) bây giờ Mỹ Afghan Hóa (“Afghanization”). TT Trumpvừa quyết định rút 7,000 quân: Kabul hốt hoảng. Họ cứ tưởng là 14,000 quân của Mỹ và 8,000 quân của NATO sẽ tiếp tục đóng lại. Bây giờ Mỹ nêu rõ thời điểm để rút quân, giống như TT Nixon đã làm trong thời gian Việt Nam Hóa. 

Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh mới của Trung Tâm Chỉ Huy (U.S. Central Command) trình bày với Quốc hội: “Quân đội Afghanistan sẽ giải thể nếu không có Mỹ hỗ trợ... Tôi nghĩ rằng một trong những điều thực sự mang lại thiệt hại lớn nhất cho họ là chúng ta đặt ra một lịch trình để rút quân, và nói với họ ‘chúng tôi sẽ rút hết vào một thời điểm nhất định.” 

Tờ NYT bình luận: “Một điểm sáng mà một số người nhìn thấy về quyết định rút quân khỏi Afghanistan là nó có thể được phối hợp với các cuộc đàm phán hòa bình (với Taliban) như một biện pháp để xây dựng lòng tin.” Chắc chắn rằng những gì xẩy ra sẽ ngược lại: nó sẽ phá hủy lòng tin của Kabul, giống như Nixon phối hợp rút quân với mật đàm Kissinger đã phá hủy lòng tin của Sàigòn. 

Khi Sàigòn mất lòng tin, TT Nixon hứa hẹn là đừng lo, chúng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ và luôn luôn đứng bên cạnh các ông. Vừa qua, trước khi thông báo quyết định rút quân, ông Zalmay Khalilzad, viên chức đặc trách đàm phán với Taliban đã trấn an Kabul: “Nếu quân đội Afghanistan muốn chiến đấu hoặc tiếp tục chiến đấu, chúng tôi đảm bảo với họ rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với chính phủ và người dân Afghanistan.” 

Nghe như hai ông Nixon và Kissinger đang nói với ông Thiệu. 

Mong rằng những bài học về Việt Nam Hóa sẽ được Mỹ rút tỉa. Thà rằng chậm còn hơn là không bao giờ.

Nguyễn Tiến Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét