Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Luận về cụm từ Việt Cộng. Nguyễn Quang Duy

Luận về cụm từ Việt Cộng.

Nguyễn Quang Duy
Ai cũng biết Việt Cộng là cộng sản Việt Nam, nhưng theo sách sử cụm từ lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Vào đầu năm 2018, nghiên cứu sinh sử Viện Đại Học Wisconsin-Madison, Brett Reilly công bố trên trang The Diplomat bài “Cội nguồn đích thực của cụm từ Việt Cộng”.
Brett Reilly cho biết đã phát hiện hai điều (1) cụm từ Việt Cộng và (2) cuộc nội chiến Quốc-Cộng đã khởi đầu từ những năm 1920 tại miền Nam Trung Hoa, hơn ba thập niên trước khi người Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Như vậy cuộc chiến Quốc-Cộng đã kéo dài gần trăm năm, vẫn còn tiếp diễn, thách thức phải viết lại lịch sử chiến tranh Việt Nam
Cứ mỗi tháng 4, cụm từ Việt cộng lại thường xuyên được nhắc đến trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhân 44 năm Sài Gòn thất thủ, xin được tóm tắt công trình nghiên cứu của Brett Reilly và giải thích lý do vì sao đảng Cộng sản Việt Nam luôn dị ứng khi được gọi chính danh là Việt Cộng.
 
Sách sử chính thống
Tự điển, sách sử, báo chí ngoại ngữ đều định nghĩa Việt Cộng là những du kích quân cộng sản chống lại quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn 1954-75.
Tác giả quyển “Victory at any cost” (Chiến thắng bằng mọi giá) Cecil B. Currey còn quả quyết rằng cụm từ do Thiếu tướng tình báo Mỹ Edward Lansdale cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nghĩ ra từ tiếng Anh Vietnamese Communists - Vietcong.
Lansdale nhận thấy các cán bộ Việt Minh hoạt động ở miền Nam sau 1954 là những người vừa đánh bại quân Pháp nên có uy tín với dân là mối đe dọa quyền lực của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên đề nghị ông Diệm đừng gọi họ là Việt Minh mà gọi bằng một tên mới là Việt Cộng, để người dân miền Nam lầm tưởng rằng đây là 2 lực lượng khác nhau.
Từ đó các sử gia Mỹ theo trường phái chính thống lập luận rằng Mỹ phạm sai lầm khi tham gia chiến tranh, biến xung đột của những người nổi dậy có tinh thần dân tộc tại miền Nam thành chiến trường chiến tranh lạnh giữa Mỹ, Nga và Tàu.
Còn các sử gia theo trường phái xét lại cho rằng Việt Cộng là cụm từ thích hợp để minh hoạ việc Nga, Tàu và Bắc Việt lãnh đạo cuộc nổi dậy tại miền Nam, Mỹ tham gia để ngăn chặn sự lan rộng của cộng sản xuống vùng Đông Nam Châu Á.
Qua nghiên cứu, Brett Reilly biết được cụm từ Việt cộng bắt nguồn từ tiếng Trung Hoa “zhonggong” phát âm tiếng Việt là “Trung cộng”.
Cụm từ này đã được những người Việt bị Pháp truy lùng phải trốn sang miền Nam Trung Hoa vào những năm 1920 sử dụng.
Việt Cộng chỉ những người Việt theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản, còn những người Việt theo chủ nghĩa quốc gia được gọi là Việt Quốc.
 
Nội chiến bắt đầu…
Một cụm từ khác được Brett Reilly đề cập tới là cụm từ Việt gian cũng bắt nguồn tiếng Trung Hoa “Hanjian” phát âm là Hán gian chỉ những người Trung Hoa phản quốc.
Cuối thập niên 1920, khi Quốc Dân Đảng Trung Hoa nhận định rằng chủ nghĩa quốc tế cộng sản thực chất chỉ là chủ nghĩa thực dân kiểu mới của nước Nga Sô viết và như thế Trung Cộng những người Trung Hoa theo cộng sản là Hán gian phản quốc.
Cuộc chiến này ảnh hưởng đến Việt Cộng và Việt Quốc, một bên theo Mao còn bên kia theo Tưởng, khơi mào cuộc nội chiến ý thức hệ giữa những người Việt chống Pháp lưu vong tại miền Nam Trung Hoa.
 
Nhập cảng Việt Nam…
Theo Brett Reill, cuộc chiến lan sang miền Bắc Việt Nam, các bên tiến hành theo dõi lẫn nhau và thỉnh thoảng lại ám sát những kẻ mà họ nghi là người được phía bên kia trà trộn vào.
Trên Tràng An Báo, xuất bản tại Huế, năm 1938, Cụ Phan Bội Châu tuyên bố những người theo cộng sản là:
“những người lợi dụng chủ nghĩa xã hội nhằm chia rẽ đất nước, phá hoại sự thống nhất, tiêu diệt tinh thần quốc gia, dân tộc”.
Đáp lại, ông Võ Nguyên Giáp và ông Trường Chinh, hai lý thuyết gia cộng sản, trên tờ báo Pháp thiên tả Notre Voix (Tiếng Nói của Chúng Ta), tuyên bố Cụ Phan Bội Châu là “tên phản quốc”.
Có thông tin cho biết chính lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã báo cho thực dân Pháp bắt Cụ Phan Bội Châu để lãnh thưởng.
Trận chiến Quốc-Cộng không chỉ diễn ra gay gắt trên các cột báo, mà còn diễn ra bên trong hệ thống nhà tù thuộc địa.
Một bản sao cương lĩnh 12 điểm, năm 1935, của Việt Nam Quốc dân đảng, được tìm trong nhà tù ở Hà Nội, liệt kê hai mục đích đầu tiên của đảng là nâng cao nhận thức về dân tộc Việt Nam và xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản.
Ở nhà tù Côn Đảo, cuộc xung đột ý thức hệ dẫn đến những trận thanh toán gây chết người. Trần Huy Liệu, từng là Bí thư kỳ bộ Nam kỳ Việt Nam Quốc dân đảng, theo cộng sản khi bị tù tại Côn Đảo, hồi tưởng:
“Gió biển lạnh lẽ ở Côn Đảo không thể xua tan được bầu không khí căm thù bao quanh hòn đảo”.
 
Việt Minh cướp chính quyền 19/8/1945
Sau một giai đoạn rất ngắn hợp tác, hai phía Quốc-Cộng lại sử dụng từ “Hanjian” - Hán gian cho các đối tượng được họ ghép cho là Việt gian phản quốc, khởi động cuộc nội chiến đẫm máu.
Các đơn vị Việt Minh trung thành với Võ Nguyên Giáp tấn công các đảng quốc gia, buộc những người quốc gia một lần nữa phải trốn sang Trung Hoa.
Những người theo cộng sản đệ tam giết cả những người cộng sản đệ tứ, những tổ chức yêu nước không bị ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch, những giáo phái yêu nước như Đạo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài, giết tất cả những ai không chấp nhận sự thống trị của cộng sản đệ tam.
Khi chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946, những nhóm người Việt yêu nước không theo cộng sản liên kết với nhau, chịu sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại và cộng tác với Pháp để từng bước giành độc lập bằng biện pháp hòa bình và hợp tác.
Khi người Mỹ cắt viện trợ và ngừng bán vũ khí cho chính phủ Tưởng Giới Thạch, các lực lượng Trung Cộng do Mao Trạch Đông lãnh đạo ngày càng tiến gần đến biên giới phía Bắc.
Theo Brett Reill đến năm 1948, những tờ báo có tinh thần dân tộc chống Pháp đã sử dụng cụm từ Việt Cộng, như trên tờ Tiếng Gọi của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã có bài báo động:
“Nếu quân đội Việt Cộng có thể bắt tay với Trung Cộng ở biên giới Trung Việt, thì cái gì ngăn cản được quá trình cộng sản hóa Việt Nam?”
Nếu cụm từ Việt Cộng có nghĩa xấu, thì nó chỉ xấu vì các đảng quốc gia đã liên kết người cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) với người cộng sản Trung Hoa (Trung Cộng).
Đến năm 1950, Trung cộng viện trợ cố vấn, quân sự, kinh tế, Việt Minh bắt đầu chuyển thành nhà nước toàn trị, thực hiện chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất theo đường lối Mao Trạch Đông.
Chính quyền Quốc gia dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại thường xuyên sử dụng cụm từ Việt Cộng trong các thông tin chính thức để tố cáo ban lãnh đạo Việt Minh là cộng sản.
Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa do đó chỉ kế thừa việc sử dụng cụm từ Việt Cộng để gọi tất cả những người Việt theo cộng sản không kể Bắc Nam.
Công trình nghiên cứu Brett Reill chấm dứt ở đây, để lại một câu hỏi lớn là những người miền Nam thua cuộc vẫn luôn hãnh diện với danh xưng Việt Quốc hay người Việt quốc gia, còn ngược lại đảng Cộng sản Việt Nam mặc dầu thắng trận lại luôn dị ứng khi bị nêu đích danh là Việt Cộng.
 
Sự thật lịch sử.
Nếu Hồ Chí Minh có hằng trăm tên, tuổi, bút danh, thay đổi tùy tình hình quốc tế cộng sản và hoàn cảnh cách mạng Việt Nam thì đảng Cộng sản cũng thế.
Đảng Cộng sản từng bỏ cả tên cộng sản, để lấy tên Hội Truyền Bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đảng Lao Động, đảng Nhân Dân Cách Mạng, hay lập ra hai đảng ngoại vi là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội.
Trong từng thời kỳ đảng Cộng sản còn sử dụng các tổ chức như Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Việt Minh, Mặt trận Giải Phóng miền Nam, nhiều các tổ chức ngoại vi khác để hoạt động cộng sản.
Nếu Hồ Chí Minh phải lấy bút danh nhà báo C.B. (Của Bác) để viết bài “Địa Chủ Ác Ghê” trên báo Nhân Dân đấu tố đến chết điền chủ Nguyễn thị Năm.
Thì đảng Cộng sản cũng phải sử dụng đảng Nhân Dân Cách Mạng, Mặt trận giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam, để đánh lừa dư luận, chiến tranh tại miền Nam là cuộc nổi dậy của người miền Nam yêu nước, không do cộng sản miền Bắc lãnh đạo.
Ở nông thôn người dân thường xuyên bị Việt Cộng đe dọa, bị khủng bố, bị xử tử hay bị bắt lên rừng giam cầm đến chết.
Ở thành thị Việt Cộng càng ngày càng gia tăng đặt bom hay pháo kích khủng bố.
Biến cố Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công Thủ đô Sài Gòn và nhiều thành phố lớn tại miền Nam giết và bắt lên rừng hằng chục ngàn thường dân.
Riêng tại Huế lên đến 5,000 người bị giết hay chôn sống, nhiều ngàn người khác bị bắt lên rừng không có ngày về.
Chiến tranh càng gia tăng thì hình ảnh tội ác Việt Cộng càng được phổ biến trên Đài Truyền Hình hay qua báo chí.
Cụm từ Việt Cộng trở thành ác mộng thành nỗi kinh hoàng của người dân miền Nam.
Khi chính phủ Hoa Kỳ bỏ cuộc “cút” khỏi miền Nam, nhiều người ở thôn quê, ở thị xã hay tỉnh nhỏ sợ Việt Cộng phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên Sài Gòn hay các thành phố lớn.
Tháng 3/1975, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, thì từng đoàn người Kinh bỏ nhà, bỏ cửa, đồng bào Sắc Tộc bỏ buông làng dìu dắt chạy trốn Việt Cộng.
Cuộc rút quân (và rút dân) hoàn toàn thất bại, quân đội Bắc Việt kéo vào tiếp thu Huế, Đà Nẵng, rồi cuối cùng tiếp thu Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Sau ngày tang thương này, người miền Nam bị tù cải tạo, bị đánh tư sản, bị đi kinh tế mới, cả một guồng máy cai trị từ miền Bắc đưa vào, đến công an khu vực cũng là người miền Bắc, buộc người miền Nam phải bỏ nước ra đi.
Với người miền Nam cụm từ Việt Cộng vẫn là nỗi kinh hoàng luôn ám ảnh, như chiến tranh Quốc-Cộng gần trăm năm vẫn chưa chấm dứt.
Đảng Cộng sản sợ sự thật về mối liên hệ gắn bó từ tư tưởng đến hành động với đảng Cộng sản Trung Hoa – “zhonggong” – Trung Cộng, sợ sự thật về chiến tranh Việt Nam và tội ác họ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Họ sợ sự thật lịch sử bởi thế họ rất dị ứng khi được nêu chính danh là Việt Cộng.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
30/4/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét