Ngày xưa bác sĩ ngẫm nghĩ kết hợp với kinh nghiệm lâu năm để “đoán bệnh”. Có bác sĩ chẩn ngay đúng bệnh, có bác sĩ phải mất thời gian, lại cũng có vị chữa hoài không hết vì không tìm ra bệnh. Bởi vậy người ta mới ca tụng một số bác sĩ nổi tiếng vì “mát tay”, bệnh chữa đâu hết đấy mau chóng, nhiều người khác không mát tay nên cứ chữa lai rai nuôi bệnh hoài!
Bây giờ bác sĩ không cần mất công như thế, nghi ngờ gì cứ cho xét nghiệm là lòi bệnh ra liền.
Thoạt tiên chỉ một nơi có sáng kiến đầu tư nhiều loại máy móc mới lạ tân tiến để xét nghiệm nhiều loại bệnh khác nhau, xuất hiện ở SG. Về sau các cơ sở y tế phát giác món lợi lớn từ đây nên chỗ nào cũng tìm cách đặt các máy riêng cho mình.
Cùng một loại máy nhưng vài nơi chào bán. Nơi máy tốt nơi xấu hơn, nơi giá cao nơi giá thấp, nơi bảo hành lâu hay mau… Như vậy có nhiều sự chọn lựa. Nếu là bệnh viện công thì sự chọn lựa tùy thuộc vào hoa hồng cho người đứng đầu ký thuận mua cái máy đó. Bệnh viện được rót tiền từ trên xuống để mua máy. Vậy thay vì mua của hãng kia tốt hơn thì nên mua của công ty này để nhận lót tay cao hơn, hoặc máy cũ cũng được nhưng giá rẻ dễ thu hồi vốn hơn. Thành thử máy tốt hay xấu không quan trọng lắm. Nhưng đó lại là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở y tế không tin tưởng kết quả xét nghiệm của nhau
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng sẵn kinh phí từ trên rót xuống để bệnh viện tự do mua sắm. Nhiều nơi, máy móc xét nghiệm không phải sở hữu thực sự của bệnh viện bởi vì thiết bị đắt tiền đều phải thông qua nhiều khâu: dự trù, trình duyệt, đấu thầu… lôi thôi rắc rối mà chưa chắc được duyệt. Vì vậy các nhóm liên doanh ra đời.
Công ty không bán máy vì bệnh viện không đủ tiền mua nên hợp tác bằng cách đưa máy vào bệnh viện và nhiệm vụ của bác sĩ là cho bệnh nhân làm các xét nghiệm càng nhiều càng tốt. Việc này có tên là “hợp đồng xã hội hóa”. Thay vì mua máy trả tiền một lần thì trả nhiều lần qua các xét nghiệm của bệnh nhân. Hợp đồng này thường đưa ra những quy định ngặt nghèo. Ví dụ mỗi ngày phải làm một số lượng xét nghiệm nhất định đủ sở hụi. Nếu dưới con số quy định đó thì bệnh viện phải bồi thường. Đào đâu ra ngày nào cũng đủ con số “khoán” đó bây giờ nên rộng rãi thời gian hơn thì tổng kết vào cuối năm. Vì thế bác sĩ tối mắt tối mũi ký giấy cho bệnh nhân làm đủ thứ xét nghiệm nhằm đạt chỉ tiêu đề ra.
Công ty cũng có thể cho mượn máy. Dĩ nhiên chẳng ai cho mượn không khơi khơi mà đi kèm vào đó là độc quyền bán hóa chất, vật tư mà không thông qua một giai đoạn bắt buộc là đấu thầu.
Trường hợp khác, thay vì công ty đặt thiết bị vào bệnh viện để thu tiền từ từ thì một bác sĩ hoặc cả nhóm nhân viên hùn vốn lại mua máy, cùng nhau làm… kinh tế, lời lãi chia chác vòng vòng trong nội bộ khỏi lọt ra bên ngoài.
Làm ở bệnh viện khó kiếm thêm nếu không mở phòng mạch tư. Một số bác sĩ chuyên môn sâu, càng khó mở phòng mạch thu hút bệnh nhân. Không phải ai cũng làm trong phòng giải phẫu để nhận phong bì vốn rất tai tiếng và lúc này đang bị soi, dễ bị lôi ra kết tội lúc nào không biết, nên kinh doanh các thiết bị xét nghiệm trong bệnh viện có vẻ là cách kiếm ăn hợp lý và kín đáo.
Máy móc có liên quan trực tiếp đến thu nhập của mình nên bác sĩ buộc phải phóng tay nhiều khi quá đáng. Bị bệnh về tim thì siêu âm ổ bụng, đau bụng thì đo điện tâm đồ… Xét nghiệm càng nhiều càng tốt. Biết đâu nhờ xét nghiệm rộng rãi vậy mà khám phá ra những căn bệnh… tiềm ẩn chăng (!). Các bệnh viện tư và quốc tế cũng tìm cách thu tối đa bằng vô số các xét nghiệm.
Đa số bệnh viện đều trang bị nhiều máy móc nên xảy ra tình trạng hễ bệnh nhân khám nơi nào phải xét nghiệm nơi đó chứ không được đồng ý kết quả mang từ nơi khác đến. Lý do thường đưa ra giải thích là máy móc ở nơi khác cũ rồi hoặc không tốt nên kết quả nghi ngờ không chính xác, không đáng tin cậy, chứ không phải đòi xét nghiệm tại cơ sở của mình để tăng thu nhập! Thật là khổ, chẳng những tốn công mà còn tốn của. Bởi vậy bệnh nhân khi chuyển khám bệnh từ nơi này sang nơi khác rất ngán tại mỗi nơi lại làm một loạt xét nghiệm mới. Bệnh nhân chữa trị ở bệnh viện huyện không bớt, chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi lại chuyển tiếp lên bệnh viện thành phố. Cứ mỗi nơi mới đến lại làm xét nghiệm toàn bộ. Không kể nơi dừng chân cuối cùng ấy, có khi cách hai tuần, lại xét nghiệm từ đầu chí cuối xem căn bệnh tiến triển thế nào. Nói chung bất cứ vào chữa bệnh nơi đâu cũng đều làm xét nghiệm lặp đi lặp lại. Tất cả những xét nghiệm trước đó từ những cơ sở khác đều vô giá trị. Việc này khiến bệnh nhân hết sức mệt mỏi và tốn kém.
Vừa qua một nam sinh thi vào trường đại học bị trả về sau đợt khám sức khỏe vì bị lao phổi. Nam sinh này đi khám lại nơi khác thì nhận kết quả không lao phổi. Cuối cùng trường đại học đầu tiên trả lời thực sự từ chối do thiếu hai phân chiều cao…
Hầu hết bệnh nhân hễ bác sĩ kêu sao cứ líu ríu làm theo. Dù có đọc cũng chẳng hiểu tờ xét nghiệm toàn chữ chuyên môn đó nói gì và càng chẳng biết xét nghiệm đó cần thiết hay không. Nào MRI, X-Quang, siêu âm… chắc không tốt bề dọc cũng tốt bề ngang. Có thể bệnh nhân chỉ đau một bộ phận nhưng BS bắt chụp chiếu đủ thứ. Đây cũng là lý do tại sao các nhà đầu tư thường chọn những BV lớn, nơi thường xuyên quá tải bệnh nhân để đặt các thiết bị đắt tiền.
Bệnh viện càng lớn cần nhiều máy móc lại càng nhiều máy tư nhân gửi vào đẻ ra lắm thứ xét nghiệm. Bởi vậy nhiểu người tin tưởng vào bệnh viện lớn được chữa trị tốt nhất nhưng thực ra chỉ tốn tiền nhiều nhất cho những xét nghiệm không cần thiết. Với những bệnh không nặng lắm, vào bệnh viện nhỏ vẫn được chữa trị tốt mà đỡ tốn kém rất nhiều.
Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm thì tốn bộn tiền chịu không nổi, bệnh nhân có bảo hiểm thì hao quỹ bảo hiểm, nhất là bác sĩ lo chạy theo định mức dùng máy tới nỗi mang tiếng. Bất kỳ bệnh như thế nào vẫn buộc phải xét nghiệm lung tung trong khi sự phí phạm đó có thể dành chữa trị cho nhiều người khác
Phòng mạch bác sĩ tư nhỏ bé không sẵn nhiều máy móc thì thường kết hợp với một số phòng xét nghiệm để ăn hoa hồng. Bác sĩ tư đưa phiếu xét nghiệm dặn tới đúng chỗ đó xét nghiệm nha, đừng đi nơi khác. Bệnh nhân ngại đi xa thì có nhân viên tới nhà lấy máu xét nghiệm, rồi cầm kết quả ấy trao cho bác sĩ đọc. Bác sĩ được trả khoảng ba đến bốn chục phần trăm tổng số tiền. Vì thế bác sĩ tích cực đưa ra nhiều khoản xét nghiệm lắm, vừa dễ dàng cho việc khám bệnh vừa ăn hoa hồng cao một cách đơn giản. Không phải bệnh viện tư mà bệnh viện công khi thiếu máy móc, bác sĩ cũng kê địa chỉ phòng xét nghiệm – để ăn hoa hồng như thế. Bệnh nhân phải theo đúng giấy giới thiệu của bác sỉ nếu đi trật thì coi chừng “bác” giận cá chém thớt. Thường là chẳng bệnh nhân nào dám trái ý. Dù xa hay gần, hễ bác sĩ nói xét nghiệm chỗ nào là đi đúng y chỗ ấy.
Do nhà nước không đủ kinh phí trang bị máy móc thiết bị cho các bệnh viện nên hình thức “xã hội hóa” nở rộ khắp nơi, cả hai bên tư nhân và bệnh viện liên kết với nhau để ăn phần trăm thường là 40-60. Cả nước có 63 tỉnh thành thì có đến 54 nơi đặt máy “xã hội hóa”.
Thế nhưng nếu không ráng tận thu mà cứ lai rai chờ bệnh thì biết bao giờ cái máy đó mới thu hồi được vốn chứ chưa nói đến lời. Đó là chưa kể tới chủ đầu tư phải đóng tiền lãi phát sinh cho số vốn gốc chưa thu hồi đủ đó.
Đổ cho bác sĩ nhiều khi cũng tội, bác sĩ không có cổ phần nhưng cấp trên giao chỉ tiêu mỗi ngày phải đạt bao nhiêu lần xét nghiệm. Chỉ tiêu thi đua đó, đừng có đùa. Thế là cứ nhè bệnh nhân ra mà… thi đua bất kể họ có thẻ bảo hiểm y tế hay không? Càng nhiều bệnh nhân xét nghiệm đương nhiên thiết bị đó mới mau lấy lại vốn và có lãi. Vì thế, bất kể người bệnh giàu nghèo, khó khăn, xa xôi, nếu không đúng nơi xét nghiệm do bác sĩ chỉ định thì coi chừng hậu quả, bác sĩ buộc đi xét nghiệm lại. Mất tiền lại thêm tốn công.
Hiện nay nhiều phòng xét nghiệm ở VN đang áp dụng ISO 15189, coi như một “chuẩn” với phòng xét nghiệm, nhưng mới có trên 40/3.000 phòng xét nghiệm ở VN đạt tiêu chuẩn này. Thay vì chỉ nên có một trung tâm xét nghiệm ở một tỉnh, một khu vực sẽ tiết kiệm hơn là mỗi cơ sở đều trang bị đủ các máy móc trùng lặp mà chẳng ai thừa nhận ai.
Vốn nhà rộng rãi, bà Trác – có con trai là bác sĩ – tụ tập hàng xóm lại rồi kêu trung tâm xét nghiệm y khoa cử nhân viên tới lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cũng được đưa trả tận nhà. Bà Trác đưa trả từng người tờ giấy kết quả xét nghiệm kèm số tiền tương ứng với 35% chi phí mà từng người đã đóng. Bà cho biết: “Đây là số tiền trung tâm chi lại cho bác sĩ điều trị, nhưng thôi hàng xóm con tôi không lấy đâu”.
Xã hội hóa có ưu điểm là giải quyết tình trạng thiếu vốn khiến các cơ sở y tế không thể có đầy đủ máy móc chữa bệnh. Nhờ trang bị nhiều thiết bị tân tiến, việc chữa bệnh trở nên nhanh chóng và chính xác. Nếu được bảo hiểm y tế thanh toán thì người nghèo cũng được hưởng lợi ích khi được dùng những thiết bị hiện đại này; bệnh viện trung tâm đỡ quá tải khi các bệnh viện dưới, do không thể làm đủ các xét nghiệm được nên cứ ùn ùn chuyển bệnh lên.
Nhưng những biến tướng từ nó thì không lường được.
Sài Gòn Cô Nương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét