Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

6 lý do khiến Mỹ và các đồng minh tẩy chay Huawei --- (Tác giả: D. Kim Thoa)

6 lý do khiến Mỹ và các đồng minh tẩy chay Huawei --- (Tác giả: D. Kim Thoa) 


Việc bắt giữ bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính Huawei tại Canada, rõ ràng là động thái đẩy căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ lên một cấp độ khác sau nhiều năm đã có xung đột.



Theo trang Technology Review, ngày 7-12 phiên tòa ở Canada đã nghe lập luận của các bên liên quan tới cáo buộc Huawei sử dụng công ty Skycom Tech để ký kết làm ăn với các hãng viễn thông Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Cộng hòa Hồi giáo trong giai đoạn 2009-2014.
Phía Trung Quốc lên án hành vi bắt giữ bà Meng Wanzhou, cho rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người của bà. Bắc Kinh yêu cầu Canada lập tức phải trả tự do cho bà Meng.
Tuy nhiên phía sau câu chuyện bắt giữ kịch tính được đưa tin rộng rãi trên truyền thông quốc tế, những phức tạp hậu trường của nó lại tập trung vào nỗi lo nguy cơ bảo mật của các cơ quan tình báo phương Tây với các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất.
Dưới đây là 6 điều lo ngại nhất của họ với sản phẩm của Huawei:
1, Có những "công tắc sát thủ" trong thiết bị Huawei
Hãng công nghệ Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất thế giới với những thiết bị hạ tầng mà các nhà mạng di động cần dùng để vận hành mạng không dây của họ.
Và các mạng không dây đó sẽ truyền tải dữ liệu vốn được sử dụng trong kiểm soát hoạt động của các thứ như mạng lưới điện, thị trường tài chính, hệ thống giao thông và nhiều hạ tầng trọng yếu khác của các nước.
Vì lẽ đó Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ lo sợ các cơ quan quân đội và tình báo Trung Quốc có thể xâm nhập vào những "cửa sau" trên phần mềm và phần cứng của những thiết bị do Huawei sản xuất.
Cũng vì thế Mỹ đã ngăn chặn việc sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei trong các chương trình mua sắm chính phủ. Các nước như Úc, New Zealand, Anh cũng đã có chính sách tẩy chay này.
2, Kiểm tra rồi vẫn không yên tâm
Kể từ năm 2010 nước Anh đã vận hành một trung tâm đặc biệt. Trong số các nhân viên của trung tâm này có cả những thành viên thuộc Cơ quan tình báo tín hiệu (GCHQ). Nhiệm vụ của trung tâm này là rà soát mọi thiết bị viễn thông của Huawei trước khi đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên đầu năm nay, trung tâm đặc biệt cảnh báo họ "chỉ có thể đảm bảo một cách có giới hạn" trong vấn đề thiết bị viễn thông của Huawei không bộc lộ nguy cơ an ninh.
Vì theo trung tâm này, họ đã phát hiện một số bảng mã của Huawei có biểu hiện rất khác nhau giữa thời điểm chúng hoạt động trên những mạng lưới thực tế so với lúc chúng được kiểm nghiệm. Một số nhà cung cấp phần mềm của Huawei cũng đã không tuân thủ những quy định kiểm soát chặt chẽ.
3, Các "cửa hậu" có thể bị lợi dụng để do thám dữ liệu
Huawei tuyên bố các thiết bị của họ kết nối với hơn 1/3 dân số thế giới. Họ cũng xử lý những số lượng dữ liệu khổng lồ của các doanh nghiệp.
Đó cũng là lý do vì sao giới tình báo phương Tây lo sợ khả năng những "cửa hậu" có thể bị lợi dụng trong các thiết bị của họ để xâm nhập những thông tin nhạy cảm.
Tình huống này trên thực tế không phải không thể xảy ra. Huawei không chỉ tạo ra thiết bị, họ còn kết nối không dây tới thiết bị đó để phục vụ các vấn đề nâng cấp hoặc cung cấp những bản vá sửa chữa trục trặc kỹ thuật khi cần.
Điều này dẫn tới những nghi ngại về khả năng các gián điệp mạng của Trung Quốc có thể khai thác khâu kết nối từ xa tới các thiết bị viễn thông của Huawei.
Huawei cũng là một trong những nhà sản xuất smartphone và các thiết bị điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Từ đây, có một lo ngại dấy lên khác là Trung Quốc có thể khai thác kênh do thám thông qua những thiết bị đó.
Tháng 5 năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh cho chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các căn cứ quân sự của Mỹ dừng bán các loại điện thoại do Huawei và ZTE sản xuất. Nguyên nhân cũng vì lo ngại những điện thoại này sẽ bị hack, làm tiết lộ vị trí và hoạt động di chuyển của các quân nhân.


Bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei vừa bị Mỹ yêu cầu nhà chức trách Canada bắt giữ tại Canada với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran - Ảnh: CNN
4, Việc triển khai mạng không dây 5G sẽ khiến mọi thứ tồi tệ hơn
Các hãng viễn thông trên toàn thế giới đang trong giai đoạn triển khai mạng di động thế hệ tiếp theo, còn gọi là mạng di động 5G.
Với tốc độ chuyển giao dữ liệu nhanh hơn nhiều, mạng 5G sẽ giúp các xe hơi không người lái có thể "trò chuyện" với nhau và giúp vận hành những thứ như hệ thống đèn đường thông minh.
Mạng 5G cũng sẽ kết nối và kiểm soát một số lượng lớn các robot trong các nhà máy và tại những địa điểm khác. Quân đội cũng sẽ ứng dụng mạng này trong nhiều thiết bị, ứng dụng.
Thực tế này sẽ mở rộng rất lớn số các thiết bị kết nối. Theo đó, nếu xảy ra tình huống các hệ thống mạng lưới hạ tầng hỗ trợ chúng bị "hack", khủng hoảng khôn lường sẽ xuất hiện.
Cả Úc và New Zealand vừa qua đã tuyên bố cấm sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei trong phát triển hệ thống hạ tầng cho mạng 5G. Tuần này tập đoàn BT của Anh cũng đã có quyết định tương tự.
5, Các công ty Trung Quốc sẽ bán công nghệ cho những nước bị Mỹ cấm vận thương mại
Chính quyền Mỹ vẫn đang điều tra về những cáo buộc cho rằng Huawei đã bán những sản phẩm có linh kiện công nghệ của Mỹ cho Iran và những nước đang bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận.
Trong phiên điều trần cuối tuần qua tại Cananda, một luật sư của chính phủ Canada cho biết giám đốc tài chính Meng Wanzhou của Huawei bị buộc tội nói dối các ngân hàng Mỹ là giữa công ty Skycom và Huawei không có mối liên hệ nào, trong khi thực tế là có.
Vì sự dối gạt đó mà các ngân hàng đã cho phép Skycom tiến hành những giao dịch đã vi phạm những lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
6, Huawei không "miễn dịch" trước ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc như họ tuyên bố
Công ty Huawei từng nhiều lần nhấn mạnh họ là một công ty tư nhân, thuộc sở hữu của chính các nhân viên trong công ty này. Tuyên bố này nhằm khẳng định họ không có động cơ nào để khiến cho khách hàng mất niềm tin vào độ tin cậy trong các sản phẩm của họ.
Tuy nhiên cấu trúc điều hành của Huawei cho tới nay vẫn đang là một bí ẩn. Nhà sáng lập công ty này, ông Ren Zhengfei, từng là một sĩ quan trong Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Và theo như ông Adam Segal, một chuyên gia về an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York, những điều như thế "khiến người ta đặt câu hỏi liệu rằng họ (Huawei) thực sự độc lập như thế nào".
Để bảo vệ mình, Huawei thường dẫn thực tế chưa có bất cứ chuyên gia bảo mật nào phát hiện được những "cửa hậu" trong các sản phẩm của họ. Mặc dù điều đó có thể đúng, nhưng dù thế nó cũng không thể thay đổi quan điểm của phía Mỹ. Cho tới nay, Mỹ vẫn không ngừng vận động, thuyết phục các đồng minh nước này tránh xa các sản phẩm của Huawei.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét