Biết tha thứ
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Nhiều người lầm tưởng rằng, tha thứ đồng nghĩa với chuyện ai làm gì cũng mặc kệ. Nhưng không phải như vậy. Trong khi đó, tiếp tục hờn oán, đổ thừa, đổi lỗi, đổ tội, chỉ để chôn nhốt mình vào quá khứ thay vì nhìn về tương lai, sẽ làm cho con tim và khối óc của mình nhỏ lại. Chữ “nhỏ” ở đây vừa có ý nghĩa đen và cả ý nghĩa trắng. Tha thứ, mặc khác, là nhận thức được rằng oán ghét và thù hận chỉ chồng chất thêm những niềm đau từ trong tâm hồn ra đến thể xác.
Tha thứ cũng không có nghĩa là quên đi. Và, cũng không phải là chấp nhận, biện hộ, hay vô cảm với lỗi lầm đã xảy ra. Tha thứ ở đây là bỏ đi những thù hận hoặc những tính toán chuyện báo thù: loại bỏ những chịu đựng thương tổn nhưng không bỏ qua lỗi lầm. Người có lỗi có thể không được xóa đi tội lỗi, nhưng chính mình phải được bình an. Khi biết tha thứ là ta biết tự giải thoát cho chính mình.
Tha thứ không thể thay đổi quá khứ nhưng lại mở rộng con đường cho tương lai. Một khi lỗi lầm đã xảy ra thì không thể làm gì để thay đổi nó. Một tách nước đã rơi xuống sàn nhà, vỡ toang thì không thể hốt lại và hàn gắn, nhưng không biết tha thứ thì những đổ vỡ đó sẽ là những rạn nứt từ nhỏ thành lớn trong tâm hồn, mà qua những khe hở đó, ta nhìn đời bằng lăng kính thù hận, giận dữ, hay buồn thảm.
Khoa học chứng ninh rằng tha thứ là điều tốt cho sức khoẻ. Tha thứ rất là khó nhưng là điều lành mạnh, nên làm. Khi ta không biết tha thứ, cơ thể sẽ tiết ra thêm nhưng hormone gây ra stress. Ghim sâu thù hận vào tâm hồn sẽ làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị đột quỵ tim. Không biết tha thứ sẽ dễ gây ra bệnh tâm thần như trầm cảm, sợ hãi.
Một nghiên cứu của bác sĩ người Ý, Dr. Pietro Pietrini, cho thấy giận dữ và báo thù chỉ làm cho lý trí bị hạn hẹp, thiếu khả năng nhìn xa trông rộng. Ngược lại khi tha thứ, những trung tâm của não bộ nghiên về sự phán đoán, giải quyết vấn đề khó khăn, khả năng cảm nhận, và tình cảm vị tha sẽ phát triển hơn.
Biết tha thứ là chuyện nói thì dễ mà thực hiện cho được không phải là dễ. Bản năng thù hận và ý chí phục thù đã được “thiết kế” trong cơ thể, não bộ con người. Thật ra, chính nhờ bản năng biết thù hận và biết trả thù đã giúp loài người sống còn, hiện hữu. Ý chí trả thù sẽ làm cho những trung tâm khoái cảm của não bộ được thỏa mãn, như thèm ăn ngọt, ghiền thuốc phiện hay khoái lạc về tình dục chẳng hạn.
Tuy nhiên tương tự như thiện và ác, sự tha thứ cũng là bản tính bẩm sinh của con người. Nhân chi sơ, tính bổn thiện là vậy. Không riêng gì loài người, hầu hết các loài động vật đều biết làm hoà sau khi vật lộn, cấu xé nhau. Sự giải hòa có những lợi ích ví dụ như làm cho tâm hồn được bình thản và lạc quan hơn.
Biết tha thứ là tự giải thoát, cứu rỗi lấy mình. Theo Louis B. Smedes, “tha thứ là giải thoát một người tù, để khám phá ra rằng, người tù ấy chính là mình”. Chúng ta không những là người tù tự giam lấy mình mà còn nằm trong ngục tù do người khác xây dựng ra từ những lỗi lầm của họ.
Không biết tha thứ, gặm nhấm vào thù hận, ta chỉ để quá khứ đóng khung hiện tại và tương lai. Đổ thừa đổ lỗi, là chạy trốn sự thật. Khi không biết tha thứ ta chỉ nhìn thấy người gây ra tội nhưng không thấy rõ toàn cảnh của vấn đề và sự kiện. Từ đó ta chỉ thấy ta là nạn nhân hơn là ghi nhận sự kiện và tiếp tục con đường trước mặt.
Thế thì, làm thế nào để biết tha thứ?
Tha thứ cần đến một quyết tâm và cả những phương thức để vượt qua những thù hằn, chìm sâu vào quá khứ.
Bước đầu tiên là phải phân tách “câu chuyện thương tâm” đã xảy ra đến với mình như là một người ngoại cuộc nhìn vào. Nhưng, không vội đổ tội cho kẻ khác, làm như thế ta lại tự đặt mình vào vị trí một nạn nhân. Có nghĩa là, vô tư, khách quan với niềm đau, không nên gắn liền với nó, và nghĩ rằng có nhiều người khác đã từng trải qua tương tự như mình.
Kế đến:
1.Tháo gỡ sự giận dữ: Qua những nhận thức và hiểu biết trực quan, ta tự tìm hiểu xem những lỗi lầm đã xảy ra ảnh hưởng thế nào đến chính ta, đến cuộc sống của mình. Đại loại như khi bị đụng xe, nên nhìn kỹ xem xe bị hư như thế nào, nhưng không nên nóng giận với người tài xế bên kia.
2.Quyết định tha thứ: Không có nghĩa là vô cảm với sự kiện. Trở lại chuyện đụng xe, nếu tai hại không nhiều thì nên bỏ qua thôi.
3.Thực hiện sự tha thứ: Hãy chọn một góc độ khách quan để nhìn người gây ra lỗi lầm. Tìm hiểu nguyên nhân và động cơ đã khiến người đó hành động như vậy. Hiểu ở đây không có nghĩa là ta chấp nhận chuyện sai trái, biện hộ cho người ấy, mà hiểu tại sao người ta hành xử như vậy.
4.Tự giải thoát: Cân nhắc giữa những chịu đựng và đau khổ nếu ta tiếp tục thù hận. Thử đặt mình vào tình huống của những người khác nếu họ phải trải qua giống như mình. Biến niềm đau thành những hành vi thăng hoa, có lợi hơn.
Quan trọng nhất là phải biết tha thứ cho chính bản thân mình, cho những lỗi lầm của chính mình, trước khi tha thứ cho kẻ khác. Đừng tự giam cầm lấy chính mình. Thời gian có thể hàn gắn nhiều đổ vỡ, lỗi lầm, nhưng biết tha thứ sẽ làm cho ta chóng trở lại sự bình an.
Tha thứ đòi hỏi sự hiểu biết chính mình và hiểu vị thế của người khác. Tha thứ đòi hỏi sự can đảm. Can đảm để thay đổi và vượt qua. Trên hết, tha thứ sẽ giải thoát tâm hồn của chúng ta, bỏ lại quá khứ để tiếp tục vào tương lai.
BS. Hồ Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét