Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Dịch viêm phổi Vũ Hán khiến nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào bế tắc

Dịch viêm phổi Vũ Hán khiến nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào bế tắc

Nhà máy sản xuất ô tô ở Thâm Quyến, Trung Quốc (ảnh chụp màn hình video https://youtu.be/v0vnP7IT-Bw).
Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi đến nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể xác định. Tuy nhiên, theo CNN, một số nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm hai điểm phần trăm trong quý này, khiến phần lớn nền kinh tế đất nước rơi vào bế tắc. Sự sụt giảm này có nghĩa là Trung Quốc có thể mất tới 62 tỷ USD.
Trung Quốc hiện không đủ khả năng chống lại sự sụt giảm này. Mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm ngoái ở mức thấp nhất trong gần ba thập niên, trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với nợ gia tăng và sự ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Hiện tại, Bắc Kinh đang giành nhiều nguồn lực để ngăn chặn dịch virus corona tàn phá nền kinh tế. Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện một số biện pháp để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch viêm phổi.
Chính quyền trung ương và địa phương đã phân bổ 12,6 tỷ USD cho đến nay để chi cho điều trị y tế và mua sắm các thiết bị. 
Các ngân hàng lớn đã cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh. Ngoài ra, ngân hàng Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép người dân ở Vũ Hán và các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc được hoãn trả các khoản vay trong vài tháng nếu nguồn thu nhập của họ bị gián đoạn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của đất nước, cho biết sẽ đảm bảo có đủ thanh khoản trên thị trường tài chính khi họ mở cửa trở lại vào hôm 3/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày. Ngân hàng này đã quyết định bơm 1.200 tỷ NDT (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính.

Dự đoán của giới chuyên gia

Theo nhà kinh tế học Trung Quốc Zhang Ming, chính phủ Trung Quốc sẽ phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để ngăn nền kinh tế sụt giảm hơn nữa. Ông dự đoán, mức tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ giảm xuống 5% trong quý I, với giả định dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 3. Ông mô tả rằng đó là kịch bản lạc quan nhất và ông không đưa ra thêm bất kỳ dự báo nào khác trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn nữa.
Chuyên gia Zhang cho biết, chính phủ có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho ngành y tế và đào tạo việc làm. Ông cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm, các thành phố có thể bù đắp được các điểm yếu trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và sản xuất.
Ông Zhang nói thêm, ngân hàng trung ương cũng cần cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế. Theo ông, các biện pháp như vậy có thể giúp mức tăng trưởng phục hồi trong quý tới và đẩy tăng trưởng GDP của năm lên khoảng 5,7%. Mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 6,1% của năm ngoái, nhưng đây là con số mà nhiều nhà phân tích dự đoán.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác có cái nhìn không mấy lạc quan. Các nhà phân tích tại Nomura tin rằng mức tăng trưởng có thể giảm ít nhất hai điểm phần trăm trong quý đầu tiên. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh hôm 31/1 trích dẫn thông tin từ những người trong ngành nói rằng dịch viêm phổi có thể khiến GDP giảm hai điểm phần trăm trong quý này. Những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn virus corona lây lan bằng cách kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và yêu cầu các nhà máy phải đóng cửa có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng ngành sản xuất của quốc gia và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Virus corona ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc hơn cả dịch SARS
Ông Zhang và các nhà phân tích khác cho rằng dịch virus corona ảnh hưởng đến kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả dịch SARS gần hai thập niên trước.
Có thể thấy ngành du lịch Trung Quốc bị ảnh hưởng ngay lập tức vì dịch bệnh. Ngành công nghiệp du lịch trị giá hàng chục tỷ USD đã lao đao khi chính quyền trung ương ra lệnh phong tỏa các thành phố lớn như một nỗ lực ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. Các công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không lớn phải hoàn tiền cho khách, trong khi một số hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất phim Tết cùng nhiều hệ thống rạp chiếu ở Trung Quốc cũng thất thu khi một loạt phim bom tấn không được chiếu.
Sự lây lan của virus corona có nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp. Chuyên gia Zhang cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Thị trường việc làm Trung Quốc vốn đã bất ổn. Ngành công nghiệp có truyền thống tạo nhiều công ăn việc làm như công nghệ đã tổn thương nghiêm trọng vì thương chiến.
290 triệu công nhân nhập cư là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất. Nhiều người trong số họ đến từ nông thôn, lên thành phố để làm thuê như xây dựng, phục vụ bàn, giao hàng, bảo vệ… Nhưng vì nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động trở lại, nên hàng triệu công nhân khó có thể tìm được việc làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hơn 10 triệu công nhân nhập cư từ tỉnh Hồ Bắc có thể còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì mọi người xung quanh lo sợ những công nhân này sẽ lan truyền virus.
Chuyên gia Zhang nói thêm dịch viêm phổi cũng có thể khiến hàng tiêu dùng đắt hơn. Ngân sách đã bị thắt chặt vì nợ gia tăng, và một cuộc khủng hoảng thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm ngoái đã khiến giá thịt tăng vọt. Ngoài ra, Tân Hoa Xã cho biết, giá rau đã tăng lên khi mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm cơ bản trong đợt bùng phát virus corona.

Những thách thức khác

Đối phó với dịch viêm phổi sẽ khiến một số vấn đề khác của Trung Quốc trở nên khó giải quyết hơn, trong đó có cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận giai đoạn một được ký vào đầu tháng 1, Bắc Kinh đã đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa của Hoa Kỳ trong hai năm tới. Các nhà phân tích nói rằng việc giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc sẽ khiến nước này gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đó. Nếu dịch bệnh làm suy yếu sức mua của người dân nhiều hơn nữa, mục tiêu đó sẽ nằm ngoài khả năng hơn nữa.
Ngoài ra, Washington vẫn đang áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ không leo thang nếu Bắc Kinh “tạm thời” không thể thực hiện được cam kết mua hàng của Mỹ như đã thỏa thuận vì dịch viêm phổi. 
Ông Ken Cheung, chiến lược gia về thị trường ngoại hối châu Á tại ngân hàng Mizuho Bank cho biết, năm 2020, ông Donald Trump sẽ bước vào cuộc đua tổng thống nhiệm kỳ 2 và việc leo thang căng thẳng thương mại trong tình trạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ông.

Từ xuất khẩu gỗ của New Zealand đến thực phẩm của Hoa Kỳ bị đình trệ bởi dịch coronavirus

Cảng Shekou ở Thâm Quyến, Quảng Đông (Ảnh: Flickr).
Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn virus corona của Trung Quốc tác động đến các hoạt động kinh tế và đang được cảm nhận trên toàn cầu, với các nhà xuất khẩu, khai thác và sản xuất, mọi thứ từ than, gỗ đến thịt và trái cây, đang phải đối mặt với sự chậm trễ và những lô hàng tiềm năng bị hủy bỏ (Reuters ngày 4/2).
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc được cho là nước có mức tiêu dùng lớn nhất đối với các nguyên liệu thô, nhiên liệu và thực phẩm trên toàn cầu. Nhưng sự kết hợp giữa kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cùng với sự lây lan nhanh chóng của chủng mới virus corona đã giết chết hàng trăm người, đang gây nhiễu loạn các kênh hậu cần trong và ngoài nước này.
Những ảnh hưởng của nó đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải dài đến New Zealand, Hoa Kỳ và hơn thế nữa, gây ảnh hưởng rõ rệt đối với các mặt hàng nhỏ như thực phẩm và lâm sản. 
Xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cũng bị gián đoạn, dẫn đến các vấn đề khác về chuỗi cung ứng. Hyundai Motor cho biết họ sẽ tạm dừng sản xuất tại Hàn Quốc, cơ sở sản xuất lớn nhất của Hyundai Motor, vì thiếu phụ tùng thay thế.
Tại cảng Eastland của Gisborne ở New Zealand, xuất khẩu gỗ tròn sang Trung Quốc – nguồn doanh thu chính của cảng – đã bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới, trong khi các nhân viên lâm nghiệp trên khắp New Zealand đã được thông báo về nhà.
“Ngành công nghiệp đang quay cuồng một chút như dự đoán”, Prue Younger, giám đốc điều hành của Hiệp hội các Nhà thầu Lâm nghiệp cho biết.
Doanh số 300 triệu đô la New Zealand (195 triệu USD) bán tôm hùm hàng năm của New Zealand cho Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các thương nhân cho biết, giá tôm hùm đá địa phương đã giảm gần một nửa khi các nhà xuất khẩu tìm cách giảm hàng tồn kho và ngư dân đã ngừng đánh bắt.
“Đối với các nhà xuất khẩu của New Zealand, thời điểm này thật đáng tiếc vì đây là thời kỳ cao điểm về nhu cầu và giá cả tốt trong dịp Tết”, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công nghiệp Tôm hùm đá New Zealand, Mark Edwards nói với cổng thông tin Stuff.

Thiếu lao động

Tắc nghẽn cảng là tác động tổng hợp của một số lệnh phong tỏa quy mô toàn thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và điều này ngăn cản mọi người đi làm. Điều đó dẫn đến việc giảm lao động cho tất cả các chức năng cần thiết tại các cảng nhập cảnh điển hình, chẳng hạn như nhân viên hải quan và nhân viên kiểm tra và xử lý hàng hóa.
Ít người làm việc tại các cảng dự kiến sẽ tạo ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và đe dọa sẽ tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu nông nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc, như nhà chế biến gia cầm Sanderson Farms Inc và Tyson Foods Inc.
Ước tính có khoảng 300 đến 400 container gia cầm đông lạnh hiện đang vận chuyển vào Trung Quốc từ Hoa Kỳ, khoảng 80% trong số đó là chân gà, hoặc bàn chân, Jim Sumner, chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu Gia cầm & Trứng Hoa Kỳ cho biết. Đây là một phần trong sự tăng cường cho các nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ sau khi ký kết thỏa thuận Giai đoạn 1 của Hoa Kỳ-Trung Quốc. Bắc Kinh vào tháng 11 đã dỡ bỏ lệnh cấm gần năm năm đối với các lô hàng thịt gia cầm của Hoa Kỳ.
“Các lô hàng chân gà đầu tiên của chúng tôi mới bắt đầu đến nơi thì tất cả những điều này xảy ra,” ông Sumner nói. “Số lượng đã được thông quan chỉ là một phần nhỏ nếu so với sản lượng thông quan trong điều kiện bình thường”.
Cả Tyson và Sanderson đều không thể đưa ra bình luận ngay hôm thứ ba.
Cũng có báo cáo về sự thiếu hụt thuyền trưởng cho tàu kéo, có nghĩa là các tàu lớn hiện mất nhiều thời gian hơn bình thường để cập cảng tại một số cảng nhất định. Các quan chức tại một số cảng lớn hơn cho biết họ đã có thể duy trì hoạt động bình thường nhưng các cơ sở cảng nhỏ hơn đang gặp khó khăn. “Cảng và các bến tàu của chúng tôi đang hoạt động bình thường. Nhưng vấn đề thực sự bây giờ là các cảng tiếp nhận ở hạ lưu, chẳng hạn như (xung quanh) Thượng Hải và Ninh Ba,” một giám đốc hậu cần tại cảng Yingkou ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc, một trung tâm quặng và quặng sắt lớn, nói.
Những gì chúng tôi nghe được từ báo cáo của họ là họ không có đủ người lái xe tải và thuyền để chuyển hàng hóa ra khỏi cảng bằng đường bộ và đường sông. Vì vậy, họ đang bị tắc nghẽn và muốn chúng tôi giảm tốc độ gửi tàu cho họ. Người quản lý của một công ty hậu cần của nhà nước ở Ninh Ba cho biết, thời gian chờ đợi đã tăng lên ít nhất bốn ngày, để dỡ hàng xà lan trên sông do thiếu hụt nhân sự.
Nhưng một vấn đề thậm chí còn lớn hơn, theo ông, là nhu cầu tiêu dùng yếu do sự phong tỏa lan rộng. “Các thương nhân có nhiệm vụ lấy hàng hóa của họ và bán cho người tiêu dùng, nhưng ngay bây giờ họ không thể bán cho bất kỳ ai. Vì vậy, họ chỉ dự trữ nó tại các cảng, tạo ra ngày càng ít không gian hơn cho hàng hóa tiếp theo vào cảng.”

Các nhà xuất khẩu thận trọng

Các nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ cho biết một số lô hàng container có thể bị trì hoãn do không chắc chắn về thời gian ân hạn cho việc thông quan, hoặc các khoản phí nợ cho người mua hàng vì sự chậm trễ giao hàng.
Khoảng 20 cảng lớn và hai hãng vận tải nội địa trên khắp Trung Quốc đã giảm hoặc loại bỏ phí trễ hạn và phí tạm giữ đối với các lô hàng container, hàng kềnh càng và tàu dầu cho đến ngày 9/2 để cố gắng duy trì lưu lượng hàng hóa ra thị trường. Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu với thời gian hành trình kéo dài hàng tuần tới Trung Quốc vẫn lo ngại về khả năng trì hoãn kéo dài một khi hàng hóa của họ đến cảng, đặc biệt là thực phẩm có thể bị hỏng.
Giám đốc điều hành Peter Friedmann tại Liên minh Vận tải Nông nghiệp, một cơ quan công nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, “Các hãng vận tải đã kéo dài thời gian ân hạn đến ngày 9/2, nhưng ngoài thời hạn đó, các chủ hàng có thể phải đối mặt với các mức phạt nặng.”
Ông nói thêm rằng phí trễ hạn bình thường đối với các container lạnh – được sử dụng để vận chuyển cá, thịt và trái cây – có thể lên tới 350 đô la mỗi container mỗi ngày, có khả năng dẫn đến tổn thất nặng nề đối với các lô hàng có giá trị thấp, dễ hư hỏng nếu việc trì hoãn thông quan kéo dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét