Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Người Việt ăn cắp ở Nhật: Vì sao nhiều như vậy?

Người Việt ăn cắp ở Nhật: Vì sao nhiều như vậy?

Ngày nay, người Việt sang Nhật theo dạng du học sinh, nghiên cứu sinh và xuất khẩu lao động ngày càng phổ biến, cùng với đó là những vụ việc người Việt trộm đồ ở Nhật cũng trở nên không còn hiếm.
Japan Today trích dẫn số liệu từ cảnh sát Nhật cho thấy chỉ riêng trong nửa đầu năm 2014, số lượng tội phạm người nước ngoài tại Nhật tăng hơn 10%, tức là tương đương với khoảng 5000 vụ việc, trong đó số lượng người trộm cắp mang quốc tịch Việt Nam chiếm đến hơn 20%.
Năm 2017, người Việt bị ghi nhận thuộc nhóm hàng đầu trong số những cư dân ngoại quốc ở Xứ Phù Tang vi phạm pháp luật của nước này. Cũng trong năm 2017, các tờ báo ở Nhật đã đưa ra bình luận rằng: Trước đây vị trí hàng đầu số vụ người nước ngoài phạm tội ở Nhật thuộc về Trung Quốc; tuy nhiên vị trí này vào năm ngoái là dành cho Việt Nam.
Đã không ít người tự đặt câu hỏi: Tại sao người Việt lại ăn cắp ở Nhật với tần suất nhiều như vậy?
Không tìm hiểu về Nhật Bản trước khi đến?
Một bộ phận người lao động và du học sinh Việt Nam đến Nhật Bản với vốn hiểu biết ít ỏi về đất nước này, kể cả những thông tin cơ bản nhất. Trên thực tế, nhiều thủ phạm trong các vụ án trộm cắp gặp rắc rối trên đất Nhật đã thú nhận với cảnh sát rằng họ thực sự đã không tìm hiểu về Nhật Bản trước khi nhập cảnh. 
Những thông tin về phong tục, tập quán, luật pháp, giao thông… ở Nhật đều có thể tìm kiếm trên Internet hoặc sách vở, hoặc từ những người đã và đang sống ở Nhật. Tuy nhiên, không phải người Việt Nam nào trước khi đến Nhật cũng chịu bỏ công sức tra cứu hoặc tham gia các nhóm cộng đồng người Việt sống ở Nhật trên các mạng xã hội để tham khảo.

Báo Mainichi của Nhật đưa tin vụ 7 nghi phạm người tham gia vụ ăn cắp mỹ phẩm 
Khi muốn du học hoặc làm việc tại Nhật, không ít người chỉ muốn nghe những thông tin lạc quan để giúp họ yên tâm lên đường tới Nhật. Họ không muốn nghe về những ví dụ về sự thất bại, rắc rối mà người Việt có thể gặp phải ở Nhật. Cùng với đó là sự xuất hiện của các trung tâm tư vấn du học, công ty môi giới người lao động làm ăn bất chính luôn vẽ ra “cuộc sống màu hồng” để có khách hàng. Tuy nhiên, khi đến Nhật, những gì họ trải nghiệm, đối mặt khác xa những gì họ tưởng tượng hoặc nghe hứa hẹn.
Đến Nhật rồi vẫn tiếp tục mù mờ
Sự thiếu hiểu biết về Nhật Bản còn tiếp diễn ngay cả khi người Việt đã đến Nhật sinh sống, mà rào cản lớn nhất chính là ngôn ngữ. Các du học sinh vào học các trường tiếng Nhật với lời hứa hẹn “vừa học vừa làm”, trong khi hầu hết chưa nói được tiếng Nhật ở mức giao tiếp cơ bản. Mặc dù, các thực tập sinh này đã được học tiếng Nhật từ 3-6 tháng trước khi nhập cảnh nhưng điều đó hoàn toàn chưa đủ. Những du học sinh dạng “vừa học vừa làm” cũng dễ bị cuốn vào chuyện đi làm tối ngày và khó lòng cải thiện kỹ năng tiếng Nhật.

Bảng thông báo nhắc nhở viết bằng tiếng Việt.
Đó cũng là thực trạng phổ biến của người lao động Việt trên đất Nhật. Với vốn tiếng Nhật mỏng manh, nhiều người trong số họ cũng chỉ được làm các “công việc tay chân” không cần giao tiếp nhiều, với mức thu nhập khá thấp. Cuộc sống khó khăn nơi xứ người là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người lao động Việt ở Nhật hình thành “thói quen lấy cắp”.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là xuất phát từ ý thức
Trộm cắp là một trong những tội mà người Nhật ghét nhất chỉ sau tội quấy rối phụ nữ. Người Nhật rất thân thiện, hiếu khách và lịch sự. Vì vậy những ai đến với nước Nhật đều được họ chào đón và tiếp đãi nồng nhiệt. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ bỏ qua cho những lỗi lầm của bạn, cũng như không đánh giá, đề phòng con người Việt Nam.
Chúng ta thường tự hào rằng đất nước Việt Nam xinh đẹp, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn sự việc một cách công bằng. Từ chuyện khách du lịch vừa xuống sân bay đã bị hải quan đòi hối lộ, đi taxi bị vẽ đường chặt chém, ra đường bị giật đồ… đến chuyện ăn cắp ở nước ngoài, tất cả đã và đang tạo ra những hình ảnh “người Việt xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế. 
Tuy rằng ở đâu cũng có người này người khác, không thể “quơ đũa cả nắm”, nhưng phải chăng chúng ta vẫn nên nghiêm túc nhìn vào lỗi lầm, nỗ lực học tập và sửa chữa?
Có một người Việt ở hải ngoại đã từng bình luận: “Ở trong nước thì còn đóng cửa bảo nhau được. Còn đằng này đi nước ngoài mà còn xấu xa như vậy thì đó là quốc nhục rồi, không còn là chuyện của cá nhân nữa”.
Người Việt xấu hay không xấu, không phải bởi vì họ vốn thế. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, bởi xấu hay không xấu, nó không phải là điều bất biến. Có những môi trường đang dung dưỡng cái xấu, tạo ra người Việt xấu; và cũng có những cách để triệt tiêu cái xấu, làm biến mất cái xấu..
Trong lịch sử, Việt Nam ta đã từng là một dân tộc hồn hậu, trung thực, hiếu tín lễ nghĩa. Cha ông ta từng dạy dỗ con cháu đời sau qua những câu ca xưa, những câu chuyện và giai thoại văn hoá. 
Văn hóa Việt Nam vẫn ở đó, vẫn ẩn chứa những vẻ đẹp lấp lánh về nhân nghĩa. Chỉ có điều, văn hóa không thể tự lên tiếng, văn hoá chỉ có thể chờ được tiếp nhận, kế tục. Chúng chỉ là tạm thời lãng quên, chứ không phải là chúng ta không có.

.

__,_._,___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét