Chuyện Cuối Tuần: Vũ Khí Tối Tân Của Hải Quân Hoa Kỳ
Bùi Phạm Thành
1. Seasparrow Missile (RIM-7)
Seasparrow là loại hỏa tiễn tầm ngắn của các chiến hạm thuộc Hải Quân Hoa Kỳ và NATO. Đây là loại hỏa tiễn địa đối không (surface-to-air) được hướng dẫn bởi ra-đa, được trang bị trên chiến hạm để chống lại sự tấn công của các loại hỏa tiễn hành trình và phi cơ của địch.
Loại hỏa tiễn này được bắt đầu chế tạo từ thập niên 1970, và đã được tiếp tục nghiên cứu và phát triển để trở thành một thành phần của hệ thống vũ khí phòng không của Hải Quân. Hỏa tiễn được trang bị với đầu đạn, khi nổ sẽ bung ra thành một vòng các mảnh vụn. Vận tốc và tầm hoạt động của loại hỏa tiễn này được xem là bí mật quốc phòng.
2. Aegis Weapons System (AWS)
Aegis không phải là một loại vũ khí mà là một hệ thống vũ khí được gọi là "lá chắn", có khả năng theo dõi và hướng dẫn nhiều loại vũ khí và hỏa tiễn. Có thể nói đây là hệ thống phòng thủ bằng hỏa tiễn tối tân và hữu hiệu nhất của Hoa Kỳ và thế giới tự do.
Hệ thống phòng thủ này dùng một loại máy tính điện tử mạnh và tối tân nhất (supper computer) và ra-đa để phát hiện vũ khí của địch đang tiến vào để phóng hỏa tiễn đáp trả, chận đầu hỏa tiễn của địch. Hải Quân Hoa Kỳ hiện có 84 chiến hạm trang bị hệ thống Aegis để phòng thủ bờ biển quốc gia.
Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia như Úc, Nhật, Na Uy, Nam Hàn và Tây Ban Nha cũng có trang bị hệ thống phòng thủ này.
3. Evolved Sea Sparrow
Loại hỏa tiễn này là loại vũ khí bí mật của Hải Quân, chỉ được biết đây là loại hỏa tiễn địa đối không tầm trung, được chế tạo đặc biệt để chận đầu các loại hỏa tiến chống chiến hạm của đối phương, và có vận tốc siêu thanh, khoảng 344 m/s (1,125 ft/s), 768 mph (1,235 km/h). Đây là loại vũ khí tự vệ hữu hiệu trong trường hợp chiến hạm bị đối phương tấn công từ mặt biển hay trên không.
Với chiều dài 12 feet (3.6 m) và khả năng mang theo một đầu đạn nặng 90 pounds (40.8 Kg), với giá từ 787 ngàn đến 972 ngàn đô-la mỗi trái. Được chế tạo từ hơn mười năm trước, loại hỏa tiễn tân trang có tên là ESSM Block II sẽ được đem sử dụng vào năm 2020.
4. RIM-1616 Rolling Airframe Missile (RAM)
Hệ thống phóng hỏa tiễn liên tục này là công trình hợp tác của Hoa Kỳ và Đức. Đây là một hệ thống phóng hỏa tiển rất mạnh và ít tốn kém, có thể bắn hạ các loại hỏa tiễn hành trình hay các loại phi đạn trong khoảng 10 dặm hay gần hơn.
5. Electromagnetic Railgun
Được các nhà nghiên cứu về vũ khí gọi là "Star Wars technology - Kỹ thuật của chiến tranh liên hành tinh," loại vũ khí này được xem là vũ khí tương lai của Hải Quân. Đây là loại vũ khí dùng động năng của điện từ, thay vì thuốc nổ, để phóng phi đạn ra khỏi nòng súng với tốc độ 4,500 đến 5,600 dặm một giờ (mph) và đi xa hơn 100 dặm. Đây là một phát minh quan trọng vì không cần thuốc nổ để đẩy phi đạn ra khỏi nòng súng và lượng nhiên liệu cần thiết để phi đạn tiếp tục bay, nên toàn thể phi đạn là thuốc nổ và một vài bộ phận điện tử nhỏ, thế cho nên rất khó theo dõi, vì không có hơi nóng, và sức công phá mạnh hơn các phi đạn thường, vì lượng thuốc nổ nhiều gấp bội.
Năm 2014 một hệ thống thử nghiệm cho loại súng này được gắn trên chiếc USNS Millinocket, nhưng không nghe nói tới việc tiếp tục phát triển hay kiến tạo.
6. Harpoon Missile
Harpoon là loại hỏa tiễn chống chiến hạm rất đắt tiền, khoảng 1.2 triệu đô-la cho mỗi trái, thế cho nên từ ngày được phát minh, 1977, đến 2004 chỉ chế tạo được 7,000 phi đạn. Đây là loại hỏa tiễn đa năng, bất kể thời tiết như thế nào nó đều có thể phóng đi từ bờ biển, Hàng Không Mẫu Hạm, chiến hạm hay tàu ngầm với một khoảng bay xa hơn 77 dặm mang đầu đạn nặng 488 pounds (221 Kg).
7. Penguin Anti-Ship Missile
Đây là loại hỏa tiễn chống chiến hạm từ tầm ngắn đến tầm trung bình được hướng dẫn bởi ra-đa, vệ tinh và tự điều khiển, được dùng để chống các chiến hạm loại lớn. Đặc điểm của loại hỏa tiễn này là "khai hỏa, không quan tâm - fire and forget" có nghĩa là sau khi được phóng, phi đạn có thể tự điều chỉnh đường bay để đi đến mục tiêu. Loại hỏa tiễn này có thể phóng đi từ chiến hạm, phản lực cơ chiến đấu hoặc trực thăng.
8. Trident II (D5) Missile
Trident II (D5) là một trong những hỏa tiễn rất mạnh, hữu hiệu và tin cậy nhất trong kho vũ khí của quân lực Hoa Kỳ. Đây là loại hỏa tiễn liên lục địa (intercontinental ballistic missile) chính và quan trọng nhất để dùng trong trường hợp có chiến tranh nguyên tử. Hỏa tiễn Trident II được trang bị trên các tàu ngầm nguyên tử loại Ohio của Hải Quân Hoa Kỳ. Tàu ngầm loại Ohio được chế tạo với mục đích duy nhất để trang bị hỏa tiễn Trident II, hoạt động cùng với các phi đội ném bom nguyên tử của Không Quân, và đội phóng hỏa tiễn Liên Lục Địa mang đầu đạn nguyên tử của Bộ Binh để lập thành một hệ thống phi đạn nguyên tử tam giác (Nuclear triad) phòng thủ Hoa Kỳ. Hiện nay, theo bản công bố của quân đội, thì Hải Quân Hoa Kỳ có 14 tàu ngầm loại này hoạt động ở khắp các đáy biển trên thế giới.
Mỗi tàu ngầm có thể được trang bị 20 hỏa tiễn Trident, mỗi trái có thể mang 12 đầu đạn nguyên tử với mục tiêu khác nhau, có nghĩa là mỗi đầu đạn nguyên tử có thể nhắm vào một mục tiêu riêng biệt. Một hỏa tiễn Trident có khả năng phá hủy hoàn toàn một quốc gia nhỏ như Bắc Hàn, và một vài trái có thể làm tê liệt hoàn toàn hệ thống điện của một quốc gia lớn như Trung Cộng.
9. Vertical Launch Anti-Submarine Rocket (ASROC) (VLA)
VLA là loại hỏa tiễn lên thẳng chuyên chống tàu ngầm. Loại hỏa tiễn này được phóng thẳng đứng lên trên không để đặt vào quỹ đạo của đạn đạo, sau đó sẽ mở dù để rơi xuống, khi chạm mặt nước nó sẽ thả ra một số ngư lôi nhắm vào tàu ngầm của đối phương. Với phương pháp này, ngư lôi sẽ được phóng đi từ một nơi rất xa, ngoài tầm tấn công của tàu ngầm địch.
10. AIM-120 AMRAAM
Trong những năm gần đây, Bộ Quốc Phòng đã chi hàng chục triệu đô-la để gia tăng hiệu lực của hỏa tiễn AIM-120 AMRAAM. Đây là một trong những loại hỏa tiễn rất mạnh và hữu hiệu nhất vẫn được dùng thường xuyên trong các trận không chiến. Hỏa tiễn AIM-120 thuộc thế hệ mới dự tính sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Qua nhiều năm tiếp tục được nghiên cứu và phát triển, AIM-120 đã trở thành một loại hỏa tiễn hàng đầu của không chiến, hữu hiệu trong mọi thời tiết, mọi giờ giấc, đêm hay ngày. Với khả năng "khai hỏa, không quan tâm - fire and forget", hỏa tiễn được phóng đi từ phi cơ sẽ tự tìm và phá hủy phi cơ địch. Hiện nay ngoài Hải và Không Hoa Kỳ còn có 36 quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ sử dụng loại hỏa tiễn này.
11. Tomahawk Cruise Missile
Tomahawk là loại hỏa tiễn hành trình tầm xa để tấn công các địa điểm nằm sâu trong nội địa của đối phương. Đây là loại hỏa tiễn tương đối đắt với giá khoảng hơn nửa triệu đô-la một trái, có thể phóng đi từ chiến hạm hay tàu ngầm trong bất kỳ thời tiết nào và có vận tốc gần với vận tốc của âm thanh, khoảng 550 mph (dặm/giờ) và bay xa từ 700 đến 1350 hải lý (từ 805.5 dặm đến 1,553.5 dặm).
Được trang bị với hệ thống định vị GPS và máy ảnh có thể truyền hình ảnh về trung tâm điều khiển qua nửa vòng quả đất, nên hỏa tiễn Tomahawk có thể đánh trúng mục tiêu được điều khiển từ một trung tâm điều khiển ở xa và an toàn. Hỏa tiễn có thể bay lòng vòng hàng giờ trên không và thay đổi đường bay và có thể được trang bị với đầu đạn nguyên tử hay thông thường. Loại hỏa tiễn này đã được dùng liên tục trong chiến tranh ở Syria.
12. AGM-65 Maverick
Maverick là loại hỏa tiễn không-đối-địa (bắn từ trên không xuống mục tiêu trên mặt đất) rất thông dụng có hệ thống điều khiển để đánh vào mục tiêu rất chính xác. Hỏa tiễn này có thể bắn trúng các mục tiêu như xe tăng, súng phòng không, kho săng hay các xe, tàu đang di chuyển.
Ngoài Hải Quân, TQLC và Không Quân cũng dùng loại hỏa tiễn này, và quân đội Hoa Kỳ đã phóng hơn 5,000 hỏa tiễn Maverick trong chiến dịch Operation Desert Storm năm 1991 và trong chiến tranh Iraq War ở thập niên 2000.
13. Standard Missile
Đây là loại hỏa tiễn có điều khiển được trang bị trên nhiều loại chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, có khả bắn hạ máy bay, tàu chiến và chặn đầu các loại hỏa tiễn tấn công, ngay cả hỏa tiễn hành trình.
14. Mark 60 CAPTOR
Mark 60 không phải là hỏa tiễn mà là loại mìn biển (thủy lôi) chống tàu ngầm duy nhất của Hoa Kỳ. Đây là trái thủy lôi Mark 46 được bao bọc bởi lớp vỏ bằng nhôm và neo sâu dưới đáy biển.
Mark 60 có thể được neo dưới đáy biển từ vài tuần cho đến vài tháng. Khi nhận diện được tàu ngầm địch, vỏ bên ngoài được mở ra để trái thủy lôi bên trong có thể tấn công. Phương pháp này đã giúp Hải Quân tiết kiệm được rất nhiều tiền chi dùng cho thủy lôi. Điều quan trọng là Mark 60 có khả năng phân biệt tàu ngầm địch và bạn.
15. Mark 48 Heavyweight Torpedo
Mark 48 là loại ngư lôi hạng nặng, có thể di chuyển một khoảng xa hơn 5 dặm với vận tốc 32.2 mph (dặm/giờ), mang theo một đầu đạn nặng 650 pounds (294.8 Kg).
Tất cả tàu ngầm của Hải Quân Hoa Kỳ đều có trang bị loại ngư lôi này với khả năng phá hủy tàu địch trên mặt hoặc ngầm dưới đáy biển. Loại ngư lôi thế hệ mới được trang bị bộ phận điện tử "thông minh", máy sonar, và hệ thống hướng dẫn. MK 48 có thể hoạt động ở ngoài khơi lẫn bờ biển.
16. Mark 45 Gun (MK45)
Ngoài hỏa tiễn, thủy lôi và ngư lôi, Hải Quân Hoa Kỳ còn trang bị các loại súng đại bác. Mark 45 là loại đại bác tự động 5-in được gắn trên các khu trục hạm loại Arleigh Burke và tuần dương Ticonderoga. MK45 được dùng để chống lại các mục tiêu trên biển, trên không và mặt đất.
Được gắn trên bong tàu, đại bác Mark 45 có thể bắn từ 16 đến 20 viên một phút với khoảng xa 14.9 dặm.
17. SLAM-ER Missile
Đây là loại hỏa tiễn hành trình có điều khiển được xem là chính xác nhất của Hải Quân Hoa Kỳ. Ngoài Hải Quân, loại hỏa tiễn này còn được các đơn vị khác của quân lực sử dụng để tấn công các mục tiêu gần và trung bình trên biển và mặt đất.
Mỗi hỏa tiễn SLAM-ER trị giá khoảng 500,000 đô-la. Hỏa tiễn có hệ thống điều khiển tối tân có thể được điều khiển từ xa để đánh trúng mục tiêu cố định hay di chuyển. Năm 2017 Hải Quân ký giao kèo 12.3 triệu đô-la với Boeing để chế tạo SLAM-ER.
18. Advanced Gun System (AGS)
Đây là loại súng đại bác 155 ly gắn trên pháo tháp được chế tạo đặc biệt cho tàu chiến mới nhất, tối tân nhất của Hải Quân - USS Zumwalt. Được đánh giá là loại vũ khí tân tiến và tối tân nhất, hai hệ thống súng đại bác này sẽ được gắn trên các tàu khu trục thuộc thế hệ mới hiện đang được kiến tạo. Với sự điều khiển của computer và nhiên liệu để bay xa, đại bác này có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng xa 72.5 dặm.
19. AIM-9 Sidewinder
Đây là loại hỏa tiễn tầm ngắn, rất hữu dụng trong trường hợp không chiến (máy bay đánh nhau với máy bay trên không, tiếng lóng của quân đội Mỹ là "dogfights", có nghĩa là "chó đánh nhau") được chọn để gắn trên các phản lực cơ chiến đấu. Lịch sử của vũ khí ghi nhận rằng loại hỏa tiễn này đã bắn hạ 270 máy bay của đối phương.
Sidewinder là loại hỏa tiễn cũ nhất, rẻ nhất, và thông dụng nhất của các quốc gia tây phương với hơn 110,000 trái đã được chế tạo. Loại hỏa tiễn này dùng phương pháp tìm phi cơ địch bằng hơi nóng, và hồng ngoại tuyến điều khiển.
20. SCALPEL
Đây là tên viết tắt của Small Contained-Area Laser Precision Energetic Load. Ngoài cái tên rắc rối khó diễn dịch này ra thì đây là một loại bom được điều khiển bằng laser. Có nghĩa là laser chỉ vào điểm nào thì nó sẽ rơi đúng vào điểm đó. Loại bom này đã được dùng nhiều trong chiến tranh xa mạc ở Trung Đông vừa qua, với các toán biệt kích (SEAL) hay lực lượng đặc biệt (Green Beret) dùng tia laser để chỉ điểm cho bom rơi xuống những căn cứ của phiến quân Hồi Giáo.
21. General-Purpose Bomb
Tất cả các phi đoàn ném bom trên các Hàng Không Mẫu Hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đều sử dụng loại bom thông dụng này, thường là loại bom Mark 80. Đây là loại bom ít tốn kém được dùng để rải (thả hàng loạt) xuống mục tiêu. Đặc điểm của loại bom này là có thể gắn thêm bộ phận điều khiển để trở thành loại bom "thông minh", điều khiển bằng laser, dùng trong mọi điều kiện của thời tiết.
22. M61 Vulcan
Hải Quân Hoa Kỳ có riêng một lực lượng không quân gồm hơn 3,700 phi cơ đủ loại. Một loại vũ khí đặc biệt được gắn trên phản lực cơ chiến đấu là súng đại liên M61 Vulcan. Đây là loại đại liên có thể bắn 100 viên đạn trong 1 giây, có nghĩa là 6,000 viên trong 1 phút.
23. LOCUST
LOCUST là tên viết tắt của The Low-Cost UAV Swarming Technology, là vũ khí chiến lược mới nhất của Hoa Kỳ. Đây là loại máy bay không người lái được phóng hàng loạt lên không trung với nhiệm vụ làm rối loạn hệ thống truyền tin, đồng thời làm tiêu hao hỏa lực của phi cơ địch vì phải bắn vào chúng. Như tên gọi Low-Cost (giá rẻ), mỗi chiếc máy bay không người lái này chỉ tốn 15,000 đô-la cho mỗi chiếc. LOCUS hiện đang ở trong tình trạng phát triển và thử nghiệm.
24. Phalanx CIWS
Phalanx CIWS (đọc là "sea-whiz”) là hệ thống vũ khí phòng thủ chính của các chiến hạm chống lại các loại hỏa tiễn chống chiến hạm của đối phương. Hệ thống vũ khí này được trang bị bằng loại đại bác Vulcan 20 ly, hướng dẫn bằng ra-đa.
Phalanx được gắn trên tất cả các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, ngoại trừ loại tàu đổ bộ loại San Antonio. Với hình dạng đặc biệt nên hệ thống súng này được biết đến với tên gọi là "R2-D2".
25. Paveway Laser-Guided Bomb
Đây là loại bom được hướng dẫn bằng laser. Loại bom này là loại bom thông thường được chế biến để trở thành loại bom "thông minh" được hướng dẫn bằng tia laser.
Đây là loại bom được chọn để dùng trong Chiến Tranh Iraq (Iraq War) từ năm 2003 chống lại chính quyền của Saddam Hussein.
26. AGM-88 HARM
Đây là loại hỏa tiễn đặc biệt bay với vận tốc cao để tìm kiếm và phá hủy hệ thống ra-đa của địch. Với giá khoảng $250,000 mỗi trái, loại hỏa tiễn này có thể bay xa 80 dặm với vận tốc 760 mph (dặm/giờ). Lại hỏa tiễn này đã được Hải Quân dùng nhiều trong Operation Desert Storm (1991) và Iraq War (2003).
27. AGM-154 Joint Standoff Weapon (JSOW)
AGM-154 là loại hỏa tiễn 1,000 pounds không-đối-địa có thể mang nhiều đầu đạn khác nhau được kiến tạo qua sự phối hợp của Hải và Không Quân. Đây là loại vũ khí quan trọng được hướng dẫn chính xác để tấ công các vị trí của địch từ xa, ngoài tầm vũ khí phòng không thông thường.
Loại chế tạo cho Hải Quân có khả năng tấn công các vị trí cố định trên mặt đất cũng như chiến hạm di chuyển trên mặt biển. AGM-154 được xem là loại vũ khí thành công nhất của Bộ Quốc Phòng ở thập niên 1990 và vẫn được tiếp tục bổ túc với các kỹ thuật mới.
28. Mark 36 SRBOC
Mark 36 không phải là vũ khí mà một hệ thống phòng thủ phóng ra những vật liệu làm rối loạn và đánh lừa hệ thống ra-đa của địch khiến chúng hướng dẫn hỏa tiễn đánh vào các mục tiêu giả đó.
Mỗi hệ thống phóng của Mark 36 gồm 6 ống phóng ra những vật liệu làm rối loạn ra-đa. Kể từ năm 2010, đã có tất cả 19 lực lượng Hải Quân của thế giới tự do trang bị hệ thống này.
29. Mark 50 Lightweight Torpedo
Đây là loại ngư lôi nhẹ chống tàu ngầm. Có chiều dài 9.5 ft (2.9 m) được kiến tạo để tránh được các loại chống ngư lôi của địch.
MK50 được chế tạo để thay thế loại ngư lôi MK 46 phóng đi từ máy bay, để có thể dùng được ở cả vùng ở biển sâu lẫn cạn, và được phóng đi bằng máy bay và tàu chiến.
30. Laser Weapon System
Hệ thống Laser Weapon System (LaWS) lần đầu tiên được trang bị trên USS Ponce năm 2014 và đã thành công trong việc thử nghiệm với tia laser xanh lá cây (green laser) trong phương diện phòng thủ.
Tiến lên một bước với kỹ thuật chiến tranh tương lai, Hải Quân Hoa Kỳ đang nghiên cứu việc sử dụng vũ khí với tia infared (hồng ngoại tuyến), được điều chỉnh từ nóng, nóng bỏng, mù mắt hoặc hoàn toàn đốt cháy mục tiêu của đối phương.
Bùi Phạm Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét