“Sự can thiệp của Hoa Kỳ
vào Chiến Tranh Việt Nam”,
Hai thế hệ, một cái nhìn về lịch sử
Sơn Tùng
Chiều ngày 2.3.2019, tới dự buổi ra mắt bộ phim tài liệu lịch sử “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam” tại hội trường George Mason University Law School trong Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, tôi không kỳ vọng được biết thêm điều gì mới lạ về cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Cuộc chiến ấy đã được nói tới quá nhiều, viết quá nhiều và nhiều bộ phim tài liệu về cuộc chiến ấy cũng đã được thực hiện, nhất là về phía người Mỹ. Hơn 40 năm đã trôi qua sau ngày Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, có thể nói không còn điều gì về cuộc chiến ấy mà chưa được nói tới, bàn tới, kể cả những tài liệu “mật” cũng đã được giải mật và phơi bày dưới ánh mặt trời.
Vậy thì hôm nay, bộ phim “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam” của anh sinh viên Alex Thái Võ và cựu Đại sứ Bùi Diễm có điều gì mới lạ? Nhất là năm nay Đại sứ Bùi Diễm đã 96 tuổi và anh Alex Thái Võ thì sinh năm 1981, sáu năm sau khi chiến tranh chấm dứt.
Đáng lẽ sự kiện này đã khiến tôi nằm nhà thì lại chính là lý do đưa tôi tới góp mặt trong buổi ra mắt bộ phim tài liệu được cho biết là dài tới 17 giờ chiếu, gồm 15 đoạn. Tôi tò mò về sức khỏe thể chất và trí óc minh mẫn của cụ Bùi Diễm, một nhân vật tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn mà đã khá lâu không thấy xuất hiện. Tôi cũng thắc mắc về kiến thức, nhiệt tình và tài nghề của “cậu” sinh viên Alex Thái Võ mà đây là lần đầu tôi nghe tên. Hai người Việt Nam, một già một trẻ, “thân cô thế cô”, lấy tiền ở đâu và phương tiện ở đâu để làm một bộ phim tài tiệu dài như vậy và nội dung ra sao?
Năm 1983, khi Alex Thái Võ mới lên hai, bộ phim “Vietnam: A Television History” được thực hiện với phí tổn mấy triệu đô-la mà cũng chỉ dài 13 giờ chiếu. Bộ phim chứa đầy định kiến và thiên lệch với Việt Nam Cộng Hòa đã bị cộng đồng người Việt hải ngoại khi ấy phản đối rầm rộ. Tổ chức Accuracy In Media đã thực hiện một cuốn phim để phản bác lại, nhưng với 30 ngàn đô-la kiếm được do sự đóng góp của cộng đồng, cuốn phim cũng chỉ dài một giờ chiếu.
Vì vậy, có quá nhiều câu hỏi cho bộ phim dài 17 giờ chiếu này với hai nhà sản xuất độc đáo mà buổi ra mắt kéo dài 3 tiếng đồng hồ đã được làm sáng tỏ một phần.
Trước hết, nhà sản xuất phim Alex Thái Võ, nghiên cứu sinh tiến sĩ sử học, cho biết bộ phim này được thực hiện theo thể thức “lịch sử truyền khẩu”, dựa trên những cuộc phỏng vấn cựu Đại sứ Bùi Diễm kéo dài trong sáu năm với sự hướng dẫn của Giáo Sư Keith Taylor thuộc đại học Cornell ở New York.
Ông Alex Thái Võ cũng nói về lý do, những khó khăn và những thuận lợi để thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử này. Đáng chú ý là về mục đích và lý do thực hiện bộ phim này, ông Thái Võ nói rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam đã chấm hơn 40 năm, đã được nói tới nhiều trong sử sách và phim ảnh, nhưng vẫn còn thiếu sót và có nhiều sự thật đã bị bỏ quên hay không được nói tới. Trong khi tìm tài liệu để làm luận án tiến sĩ với đề tài “Cuộc Cải Cách Ruộng Đất” và “Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm” dưới chế độ cộng sản Miền Bắc Việt Nam, ông đã may mắn được quen biết Đại sứ Bùi Diễm và được ông đại sứ hết lòng cộng tác để thực hiện bộ phim này. Alex Thái Võ nhấn mạnh động cơ chính thúc đẩy ông cùng nhóm cộng sự viên làm bộ phim tài liệu lịch sử trung thực này về cuộc Chiến Tranh Việt Nam là để giúp một phần nào cho mọi người thấu hiểu sự thật về cuộc chiến ấy, nhất là các thế hệ người Việt mai sau.
Đại sứ Bùi Diễm cũng nói về lý do ông đã cộng tác với ông Thái Võ mà ông đã có cái duyên may gặp trong một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tại Trường Đại Học Cornell sáu, bảy năm trước. Ông cho biết khi rời Việt Nam hai ngày trước khi Sài-Gòn thất thủ, ông có đem theo một cặp đầy tài liệu quan trọng của chính ông trong những năm phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ 1965 tới 1975.
Những tài liệu này, cộng với sự hiểu biết và kinh nghiệm mà ông đã trải qua trong suốt hai cuộc chiến dài đã giúp cho sự hoàn thành bộ phim: “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”, nằm trong Dự án “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam”.
So với số tuổi của ông, Đại sứ Bùi Diễm tỏ ra còn rất minh mẫn và bén nhạy, nhất là khi trả lời các câu hỏi của cử tọa. Ông đối đáp không hề vấp váp, đôi khi còn tỏ ra không thiếu máu hài hước. Thí dụ được hỏi về việc Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ lên Đà-Nẵng ngày 8.3.1965 đã không hề có sự chấp thuận trước của VNCH mà cũng chẳng cần thông báo với nước chủ nhà, coi như là đất vô chủ. Câu hỏi đặt ra: khi ấy ông Bùi Diễm là đổng lý văn phòng tại phủ thủ tướng, chuyện đó sự thật ra sao?
Đại sứ Bùi Diễm xác nhận ba tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ lên Đà-Nẵng mở đầu cho giai đoạn Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà không có sự chấp thuận trước của chính phủ VNCH. Sau khi cuộc đổ bộ hoàn tất rồi, ngày hôm sau, một cố vấn của Đại sứ Maxwell Taylor mới tới gặp Thủ tướng Phan Huy Quát thông báo và xin ra một thông cáo chung về biến cố này, và chính ông Bùi Diễm là người đã thảo tại chỗ bản văn ấy. Đại sứ Bùi Diễm nói thêm tuy chính phủ Hoa Kỳ có một chính sách chung cho vấn đề Việt Nam là “be bờ” để ngăn chặn cộng sản lan tràn xuống Đông Nam Á, nhưng khi thi hành thì có nhiều bộ, cơ quan và các cố vấn liên hệ cùng làm việc với nhau, và thường thì không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau. Như vấn đề đổ quân vào Việt Nam tham chiến, có thể là do ý kiến của Ngũ-Giác-Đài, hay Bộ Ngoại Giao, hay các cố vấn trong Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Johnson là người quyết định và chịu trách nhiệm.
Đại sứ Bùi Diễm khôi hài: “Thời ấy chuyện gì xảy ra ở Việt Nam người ta cũng đổ cho ‘bàn tay lông lá’. Nhưng có khi tay phải làm mà... tay trái không biết!”
Ông Bùi Diễm không cười trong khi mọi người đều cười.
Đây là bi kịch lớn nhất trong những bi kịch về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Người Mỹ đã can dự vào cuộc tranh chấp tại Việt Nam trong khi không biết gì về Việt Nam, và người Việt Nam làm “đồng minh” với Mỹ cũng không biết gì về Mỹ Quốc. Họ chỉ biết về nước Mỹ và người Mỹ sau khi bại trận, mất nước và kéo nhau sang Mỹ tị nạn. Đã quá trễ!
Nhờ những năm dài giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền VNCH liên hệ đến Hoa Kỳ, trong đó có 5 năm làm đại sứ tại Washington (1967-1972), Bùi Diễm là một trong những người Việt Nam hiểu biết nhiều về người Mỹ và sự vận hành của nền chính trị Hoa Kỳ. Ông vừa là một chứng nhân lịch sử vừa là người trong cuộc về những đổi thay và biến động đã diễn ra dồn dập trên đất nước Việt Nam từ cuối cuộc Thế Chiến II cho đến năm 1975, khi Cộng sản đặt ách thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, một bước lùi lớn của “Thế giới Tự Do” và một thất bại quan trọng của siêu cường Hoa Kỳ trong chiến lược chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại Á Châu, mà hậu quả tai hại ngày càng thấy rõ qua sự bành trướng của Trung cộng.
Đại sứ Bùi Diễm là nhân vật có thẩm quyền và thích hợp để nói về lịch sử cuộc chiến tranh tại Việt Nam kéo dài 30 năm (1945-1975). Kẻ thắng - Cộng sản Bắc Việt - cũng như bên bại - Hoa Kỳ - đều đã viết sử và làm phim về cuộc chiến ấy, qua nhãn quan thiên lệch của mỗi bên, vì lợi ích của mỗi bên.
“Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”, hay Dự án “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam”, là tiếng nói trung thực của dân tộc Việt Nam, nạn nhân đã thua trắng tay trong canh bạc máu của thời đại đen tối nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Dưới đây là chủ đề 15 tập, hay phần, của bộ phim: “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”:
Phần 1: Nguồn Gốc Sự Can Thiệp Của Hoa Kỳ Tại Việt Nam, 1945-1965.
Phần 2: Hoa Kỳ Đưa Quân Vào Việt Nam.
Phần 3: Sự Hiện Diện Của Người Mỹ và Các Ảnh Hưởng về Kinh Tế, Xã Hội, Chính Trị, và Quân Sự.
Phần 4: Tết Mậu Thân 1968, Bầu Cử Tại Mỹ và Những Ảnh Hưởng Đưa Đến Hòa Đàm Paris.
Phần 5: Hiệp Định Paris và Những Hậu Quả.
Phần 6: Phong Trào Phản Chiến và Ảnh Hưởng Đối Với Chính Sách Việt Nam của Hoa Kỳ.
Phần 7: Những Diễn Biến Đưa Đến Paris.
Phần 8: Hội Đàm Sơ Bộ tại Paris.
Phần 9: Richard Nixon, Anna Chennault và Cuộc Bầu Cử năm 1968.
Phần 10: Mật Đàm Paris.
Phần 11: Sự Vận Hành của Nền Chính Trị Hoa Kỳ và Việt Nam Hóa Chiến Tranh.
Phần 12: Phản Chiến Bùng Nổ, Hồ Sơ Pentagon, Lo Ngại Của Hoa Kỳ và Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Năm 1971 Tại Nam Việt Nam.
Phần 13: ‘Vừa Đánh Vừa Đàm’, ‘Xích Lại Gần Nhau’, và ‘Hòa Bình Trong Danh Dự’.
Phần 14: Bài Học Lịch Sử và Những Vấn Đề Đại Cương.
Phần 15: Để Hiểu Thêm Về Con Người và Nền Chính Trị Hoa Kỳ.
Trong buổi ra mắt bộ phim “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”, ban tổ chức chỉ chiếu giới thiệu vài đoạn của Phần 2, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà-Nẵng ngày 8.3.1965, mở đầu cho giai đoạn trực tiếp tham chiến trên bộ ở Việt Nam.
Muốn xem toàn bộ gồm 15 phần (17 tiếng đồng hồ) được thu vào một USB và bán 20 đô-la. Với 20 đô, giá một bữa ăn sáng bình dân cho hai người, các bạn trẻ gốc Việt đang sống ở hải ngoại sẽ hiểu tường tận tại sao họ không ở Việt Nam mà lại đang có mặt ở khắp nơi trên hành tinh này, và nhận ra rằng những sử sách họ được đọc, những phim ảnh họ được xem, những điều họ được giảng dạy từ bậc trung học tới đại học về Chiến tranh Việt Nam đều không đúng sự thật.
Với giới trẻ tại Việt Nam, xem “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”, tức “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam”, họ sẽ hết còn thắc mắc tại sao mình được dạy phải “nhớ ơn Đảng” đã giải phóng mình mà mình lại đang sống như trong một nhà tù lớn. Nếu lên tiếng đòi được hít thở tự do và ăn nói tự do thì sẽ được “đảng giúp đỡ” cho vào một nhà tù nhỏ để cải tạo tư tưởng.
Sắp tới ngày 30.4.2019, 44 năm sau “ngày giải phóng”, 30.4.1975, thiết nghĩ là thời điểm nên xem bộ phim “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”, hay là “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam”.
Để kết luận, xin có một đề nghị nhỏ với Đại sứ Bùi Diễm và Nhà Sản xuất Alex Thái Võ: cái tựa đề “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam” nghe có vẻ không mấy ổn. “Lịch sử truyền khẩu” được dùng để chỉ lịch sử truyền miệng từ đời này qua đời nọ ở thời đại khi loài người chưa có chữ viết và chưa phát minh ra máy in. Ngày nay, ngoài sách sử còn có phim ảnh, computer với biết bao tiện ích, như USB đã được dùng để thu toàn bộ “Sự Can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam”, hay “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam”, với lời của Đại sứ Bùi Diễm và bao nhiêu hình ảnh, thước phim sống động, hấp dẫn mà nhóm sản xuất đã sưu tầm được trong chiều dài hơn nửa thế kỷ.
“Lịch Sử Chiến Tranh Việt Nam qua phim ảnh và lời dẫn giải của người chứng trong cuộc”, nghe có vẻ thuận tai và hợp lý hơn?
SơnTùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét