Muốn làm việc thì trước tiên hãy học làm người
Nền văn hóa truyền thống Á Đông có rất nhiều câu danh ngôn nổi tiếng đề cao đạo đức, nhân cách và phẩm chất của một con người. Ví như “Muốn hành sự, trước tiên hãy làm thánh nhân, Tài đức song toàn, lấy đức làm đầu” (Tử dục vi sự, tiên vi nhân thánh, đức tài khiêm bị, dĩ đức vi thủ);“Đức hạnh là nguồn nước, tài năng chỉ như sóng nước” (Đức nhược thủy chi nguyên, tài nhược thủy chi ba).
Cổ nhân luôn nhấn mạnh chữ “Đức” trước chữ “Tài”, từ đó có thể thấy được tầm quan trọng của nhân phẩm.
Nếu so sánh tài năng và phẩm hạnh của một người thì tài năng tuy quan trọng, nhưng nhân phẩm còn quan trọng hơn.Nếu một người có năng lực, nhưng nhân phẩm không tốt, thì năng lực của họ rất có thể sẽ trở thành thanh gươm sắc bén tự làm hại chính mình.
Trên con đường nhân sinh, chỉ có nhân phẩm mới là điều đáng tin cậy nhất. “Kẻ đức là vua của người tài, người tài là kẻ nô lệ của đức” (Đức giả tài chi vương, tài giả đức chi nô). Có đức mà không có tài chỉ là một kẻ phàm phu, có tài mà không có đức sẽ trở thành kẻ ác. Tài ba, thông minh nhưng không có sự dẫn lái của nhân phẩm và đạo đức thì người này ắt sẽ trở thành một con mãnh thú.
Người nhân phẩm tốt, tự có mang theo hào quang
Nhân phẩm tốt được định nghĩa rất đơn giản, chính là thiện chí giúp người, thiện đãi mọi người xung quanh. Một người có thiện tâm, ắt sẽ phát ra ánh hào quang. Nhân phẩm dù nhìn không thấy sờ không được, nhưng nhất định có thể khiến người ta cảm thụ được. Người phẩm hạnh tốt, tự có mang theo hào quang, kẻ đánh mất nhân phẩm sẽ bị người đời khinh khi.
Cả cuộc đời của một người chính là phải lấy nhân phẩm đạo đức làm nền tảng
Nếu một người mà nhân phẩm không tốt, thì dù làm việc gì cũng sẽ gặp khó khăn thất bại, làm việc gì cũng rất khó thành công.
Người có nhân phẩm tốt sẽ được Thần linh bảo hộ, không chỉ có trí huệ, mà làm việc gì cũng thuận lợi.
Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức.
Người có đạo đức phẩm hạnh tốt thì dù có đi đến đâu cũng đều gặp may mắn, người không có đạo đức cuộc đời sẽ luôn trắc trở, tai họa chồng chất. Vì thế muốn biết một người có vận khí tốt xấu thế nào thì hãy xem nhân phẩm đạo đức của người đó ra sao.
Cả cuộc đời của một người cần lấy nhân phẩm đạo đức làm nền tảng.
Làm sao để nhận biết được một người có nhân phẩm đạo đức tốt? Người có phẩm hạnh tốt chỉ cần quan sát hành vi, thói quen, cử chỉ của họ được biểu hiện qua mọi sự việc là có thể biết được. Dưới đây là một trong số đó.
Vay mượn tiền bạc
Một người có nhân cách, đạo đức hay không, khi nhìn vào việc biểu lộ thái độ đối với tiền bạc thì sẽ nhận biết rõ ràng. Vay mượn tiền bạc cũng là một cách để có thể nhìn rõ được phẩm hạnh ưu khuyết điểm của một con người.
Có người vay xong thì trả đúng hẹn, có người đến thời điểm phải trả thì lại lặng thinh, còn không thì hứa hẹn kéo dài thời gian, chỉ một chút đó thôi cũng đủ hiểu rõ.
Tiền không phải là vạn năng, nhưng có thể dùng nó như chiếc “kính chiếu yêu” để cho ta thấy rõ ai là người có nhân cách phẩm hạnh.
Liên hoan, ăn uống
Để nhận biết một người có nhân phẩm hay không, cùng ngồi ăn một bữa cơm sẽ nhận thấy được.
Người Á Đông có thói quen thích tụ tập với nhau cùng ngồi ăn một bữa cơm, dù chỉ là một ” bữa ăn” nhưng thông qua đó có thể nhìn ra được nhân cách giáo dưỡng của một con người.
Tính cách cũng như giáo dưỡng của mỗi người, đều có thể được phản chiếu thông qua bữa ăn, từng cử chỉ lời nói, từng thái độ và thói quen ăn uống.
Sau bữa cơm thì để người khác tính tiền, đối với nhân viên phục vụ thì la lối om sòm, khi nói chuyện thì nói liên hồi không ngớt, chỉ quan tâm xem mình ăn có ngon không, không hiểu được phải biết khiêm tốn và nhường nhịn người khác… kiểu người này luôn tự cao và ngạo mạn, nhân phẩm đạo đức rất đáng lo ngại.
Người có tu dưỡng đạo đức luôn tỏ ra lễ phép, khiêm nhường, trong bữa ăn, dù chỉ là thể hiện chút việc nhỏ cũng có thể thấy được sự giáo dưỡng nhân cách của họ.
Tuyệt giao
Cổ nhân nói: “Người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói những lời khó nghe” (Nguyên văn:Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh), câu này nằm trong cuốn ‘Chiến Quốc Sách – Yên Sách’.
Khi không qua lại với người khác nữa, thì người có nhân phẩm sẽ không nói những lời ác khẩu. Khi đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ với người không hợp với mình họ đã phải suy ngẫm cân nhắc rất nhiều. Vì vậy họ sẽ không ôm hận trong lòng, sau đó vẫn sẽ giữ phong thái của một người quân tử khi đối diện với người kia.
Trong “Sử ký” có ghi lại một điển cố:
Thời kì Chiến quốc, Nhạc Nghị là vị tướng rất tài giỏi về dụng binh, ông phò tá Yên Chiêu Vương tiến đánh nước Tề và lập được đại công. Sau khi Yên Chiêu Vương chết, Yên Huệ Vương lên thừa kế. Yên Huệ Vương vốn không thích Nhạc Nghị, khi đó nước Tề lại làm kế phản gián, thế là ông ta tước binh quyền trong tay Nhạc Nghị.
Nhạc Nghị sợ bị sát hại, liền chạy trốn lưu vong đến nước Triệu. Kết quả Yên quân đại bại, Yên Huệ Vương viết thư trách tội Nhạc Nghị. Nhạc Nghị hồi âm viết: “Người quân tử tuy không đi lại với nhau nữa nhưng cũng không nói xấu nhau, kẻ trung thần bỏ nước ra đi không nên chê bai vua để sạch cái danh” (Nguyên văn: Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh; trung thần khứ quốc, bất khiết kỳ danh).
Người có tấm lòng khoan dung độ lượng sẽ không bao giờ hoài nghi ai, khiêm tốn, nhường nhịn sẽ thiện giải được ác duyên đại nạn. Người có nhân đức cao thượng trong lòng sẽ không có kẻ địch. Một người có tu dưỡng đạo đức, dù cho sau này có chia tay nhau cũng sẽ từ trong tâm mà chúc phúc đối phương, không cần thiết phải đem tất cả những điều bất mãn không vui mà công khai cho người khác nghe.
Người có trí huệ cao thường không để lộ trí tuệ và tài hoa của mình
Người có trí huệ, họ thường không để lộ tài năng, không tự cho là đúng, không tự cho mình thanh cao, không thoát ly khỏi xã hội, thường cùng mọi người hòa hợp với nhau.
Người trí huệ cao, họ thường sống lẫn trong thế gian, nhìn thì không khác biệt nhưng thực ra họ không bị nhuốm bẩn, họ hiểu được đâu là chân lý, và tự che đậy trí tuệ và tài hoa của mình. Bề ngoài trông họ rất bình dị, họ muốn cùng với mọi người gần gũi nhau hơn.
Hãy đem trí tuệ sắc bén của mình mà làm ra chậm chạp hồ đồ đi một chút, không nên hơi một tí liền buông lời mắng người, động một chút lại giương cung rút kiếm. Cho dù là người từng trải có nhiều hiểu biết, thì vẫn nên cùng mọi người dung hòa lẫn nhau.
Luôn ghi nhớ “im lặng” và “khoan dung”
Đối với người khác thì mở rộng tấm lòng độ lượng khoan dung, hơn nữa còn biết im lặng đúng lúc, sẽ có thể thích ứng trong mọi hoàn cảnh, cùng người khác sống chung hòa hợp. Có thể tùy duyên mà cảm hóa, mới có thể kết thiện duyên rộng rãi.
Thời kỳ Tây Tấn có một điển cố: Đỗ Dự là một đại danh tướng văn võ song toàn. Ông trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, văn có thể an bang, võ có thể định quốc, công trạng thành tích nổi bật, được bách tính tôn kính.
Trong trận chiến Tây Tấn diệt Tôn Ngô (năm 265-317), Đỗ Dự thể hiện tài năng của một nhà quân sự phi phàm, dưới sự chỉ huy của ông nhà Hán đã kết thúc 300 năm cục diện phân chia, một lần nữa lập nên công danh hiển hách.
Mặc dù ông đạt được nhiều chiến công to lớn, là một nhân vật hết sức quan trọng, ông vốn đảm nhiệm chức Thứ sử Kinh Châu, nhưng lại vẫn thường xuyên qua lại với giới quyền quý ở kinh thành Lạc Dương, còn chủ động cùng bọn họ uống rượu, trò chuyện vui vẻ trong các bữa tiệc.
Lúc ấy có một số người tỏ ra nghi ngờ, hỏi Đỗ Dự: “Hiện giờ ông là người có địa vị, là một người ngay thẳng chính trực, tại sao lại còn phải đi nịnh bợ bọn người kia?”
Đỗ Dự nói: “Ta đối bọn họ hoàn toàn không có yêu cầu điều gì, nguyên nhân duy nhất chính là ta sợ bọn họ gây trở ngại cho ta, thậm chí làm hại ta. Nhưng ta có bị hại cũng không quan trọng, chỉ là lo lắng quốc gia triều chính cũng bởi vì đó mà bị tổn thất”.
Đỗ Dự không phải nịnh bợ những kẻ quyền quý kia, mà là ông muốn giữ mối quan hệ tốt với họ, bởi vì ông biết, nếu như biểu hiện quá mức cương trực thì sẽ chuốc tổn hại. Như vậy, không chỉ có hại cho mình, hơn nữa còn nguy hại cho việc gây dựng cơ đồ sự nghiệp quốc gia.
Người có trí huệ cao, thường biết thời điểm nào nên thể hiện sự chính trực và thông minh. Nếu một mực tỏ thái độ không ưa người khác, thì dĩ nhiên đối phương cũng sẽ không muốn tiếp cận, cũng liền dễ đánh mất cơ hội thành tựu sự nghiệp, thậm chí tự dưng gặp tai họa.
Vậy nên làm người, không chỉ thể hiện trí tuệ, mà còn thể hiện tu dưỡng. Nhân phẩm và tài năng, như là cánh tay trái và tay phải, người dù có năng lực nhiều bao nhiêu mà không có nhân phẩm, thì cũng như người tàn khuyết không trọn vẹn.
Theo Soundofhope
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét