Những câu hỏi khó giải đáp ổn thỏa
Trích trong Hạnh Mong Vô Cầu, chương 12, tác giả Lê Huy Trứ
Sau đây là những câu hỏi thường thức nhưng khó giải đáp ổn thỏa:
a. Kẻ ác sống dai, người hiền chết sớm
a. Kẻ ác sống dai, người hiền chết sớm
“Tại sao kẻ ác sống dai, người hiền chết sớm?”
Thiện ác từ chủ quan. Hiền như ngu, ác như thật. Khôn thật hiền, hiền thật ngu.
Tuy nhiên, tất cả không thoát được luật tự nhiên:
Thoạt mới sinh, thì đà khóc chóe, Đời có vui sao chẳng cười khì? (Nguyễn Công Trứ) * Trắng răng đến kẻ bạc đầu, Đều mang tiếng khóc ban đầu mà ra. (Ôn Như Hầu)
b. Ăn hiền ở lành mà vẫn khổ
“Tại sao tôi ăn hiền ở lành mà nghèo khổ, bệnh hoạn, tật nguyền, xấu xí, cô độc, không được hạnh phúc, bị người khinh khi xa lánh. Trong khi đó những kẻ ác thì quyền quý, giàu sang, hạnh phúc, đẹp đẻ khoẻ mạnh, lắm người thân cận, hầu hạ, giúp đở?”
Trời sao trời ở không cân, Kẻ ăn không hết người lần không ra. Người thì mớ bảy, mớ ba, Người thì áo rách như là áo tơi. (Cao dao Việt Nam)
Chỉ có kẻ kém trí mới thấy và tưởng một người hiền lành, cẩn thận, dễ bảo và thật thà mà vội cho là thiện (hiền) nhân có thể dung nạp. Trong khi đó, vị trí nhân dùng người thì lại khác, tùy người tùy việc, thà dùng một kẻ đầy mưu sĩ, ngông cuồng, cao ngạo, quật cường, can đảm, thông minh, mưu trí, có tài cán biết mạnh dạn tiến thủ còn hơn thâu dụng cả ngàn người ngu để dễ sai bảo.
Người hiền lành, cẩn thận, dễ bảo và thật thà, tuy ở đời ai cũng ưu thích cho là tốt là hiền, nhưng dưới con mắt thánh nhân họ không có chí khí hướng thượng, phấn đấu chỉ biết an phận, vâng dạ không hiểu rõ đạo lý nên có phần không lợi cho đại cuộc. Đa số chúng ta có mắt không tròng, ngay cả những nhà chính trị gia, các nhà kinh doanh, và các nhà giáo dục hiện đại, cũng thường dễ phạm phải sai lầm ấu trĩ như vậy, người giỏi thì không dùng, người xấu thì không đuổi đi.
Ý kiến và lời nói của người tài tuy có thể ngang tai nhưng nếu dựa vào người chẳng có thực tài, khéo nịnh bợ, sẽ dẫn đến thất bại, tạo thành nguy cơ nghiêm trọng cho tổ chức, lúc ấy có hối cũng không kịp nữa. Bởi thế, cho nên quan niệm và tiêu chuẩn phân biệt của người phàm phu về thiện ác, tốt xấu, ngu khôn thực rõ ràng khác biệt, tương phản với thánh nhân vậy.
c. Chỉ cầu được an phận mà không được
Có nhiều người chỉ mong cầu được yên thân mà sống qua ngày chứ không dám vọng cầu nhưng rồi những trở ngại, cái khó, cái khổ đau vẫn ùn ùn đeo đẳng lấy họ. Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Theo Phật Giáo, cầu an cũng là vọng cầu, không cầu cũng là cầu, khác xa với vô cầu. Ngạn ngữ có câu: Ghét của nào trời cho của nấy! Cầu cái mình thích thì không dễ có nhưng cái ghét dù không cầu nó cũng lăn xả vào thân. Chưa thấy ai giải thích ổn thỏa những khổ nạn nầy. Chúng ta thường được khuyên nhủ: Nên chấp thuận trở ngại thì thông suốt, mà mong cầu thông suốt thì sẽ bị trở ngại. Thay vì tàn nhẫn nói thẳng: ráng mà chịu, chấp nhận trở ngại rồi đời sẽ qua, không qua thì chết phức đi cho hết khổ. Bill Gates thành thật: Đời bất công; phải ráng quen với nó.
Lời khuyên thông thường mà chúng ta thường nghe: Chúng ta nên nhìn xuống để cảm nhận hạnh phúc vì có biết bao nhiêu người khác không bằng mình. Lúc đó, chúng ta sẽ phát tâm từ bi bố thí, cứu người, giúp đời, tạo phước báu. Vì nếu chúng ta nhìn lên sẽ thấy có biết bao nhiêu người hơn mình, cho nên không cảm nhận được hạnh phúc. Tóm lại, khi tâm cảm thấy biết đủ, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Đây cũng như đau thì cho thuốc an thần (pain medication) cho bớt đau chứ chả thật sự cứu giúp được gì cho bệnh nhân trong cơn ngặt nghèo, nguy nan, và khốn cùng. Ai cũng nói được, nhất là để tạm khuyên nạn nhân đang đau khổ mà chính mình cũng chả làm gì được cho họ. Lời nói không mất tiền mua nhưng nó chỉ là ‘cảm nhận’ rất tâm lý.
Chưa có ai khuyên: Thử cầu khó khăn, cầu trở ngại xem. Có thể cũng không được? Mong cầu mau chết, cầu khổ đau, cầu nghèo nàn cũng không dễ gì mà được. Số chưa chết, nghiệp chưa tận thì dù muốn chết cũng không chết được; đang an tâm tự tại dù cầu khổ, khổ cũng không đến liền; đang giàu có dù có cầu nghèo cũng không một sớm một chiều mà nghèo mạt rệp được. Cho nên, đôi khi thất vọng vì cầu bất đắc cũng không đến nổi quá tệ như ta tưởng.
Can đảm và dũng cảm hơn, nếu cầu trở ngại không được thì đi tìm kiếm nó trước để mà đối phó thay vì chờ nó đến với mình như Lý Tiễu Long nói, trên lý thuyết. Đây có thể là một phương thức hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh khổ đau? Nhưng có mấy ai muốn tập sống khắc khổ, phòng bệnh khổ đau, bằng cách đi tìm trở ngại bao giờ?
Trong bài thơ Vịnh Cây Thông, Nguyễn Công Trứ đã từng đắng cay với cuộc sống nghèo khổ, thăng trầm hoạn lộ nên than, “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Nếu chán làm người, mong cầu kiếp sau được làm cây thông thì phải gieo nhân ‘quả thông thiện hay ác’ gì để được gặt quả làm cây thông? Mà trước khi được làm cây thông thì phải cầu chết trước đã. Uy Viễn Tướng Công còn nói: Không công danh thà mục nát với cỏ cây. Thử thực tập thiền định về cái chết của mình, thử tưởng tượng là mình đang chết hay nghĩ đến ngày mai mình sẽ chết, thời gian còn lại, mình nên làm những điều gì trước khi chết – lo sợ khổ đau, cái gì mang theo cái gì để lại? Thử tập chết mổi ngày để xem thử cái cầu bất đắc này khổ tới đâu? Có thể đây là một đáp số tạm thời để giải quyết khổ đau ập đến bất ngờ mà ít ai đã thử nghiệm?
Làm chủ được ngoại cảnh rất khó, làm chủ chính mình còn khó hơn. Cái khó ít còn đối phó không nổi thì mong gì đối phó nổi cái khó hơn? Tuy nhiên, chúng ta không nên quá yếm thế, quá thất vọng mà ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần một cách vô ích. Chúng ta phải có hy vọng để mà sống, quăng bỏ gánh lo để bớt khổ đau.
Sự lai tắc ứng, sự khứ tắc tĩnh. (Việc tới thì ứng phó, việc đi thì điềm tĩnh.)
Nếu quá tuyệt vọng khổ đau thì cứ nguyện cầu, cứ đọc kinh, đọc thần chú, cúng tế, bói toán, rồi thì cứ đấm ngực than trời trách đất cũng không sao miễn là những hành động này làm cho mình tạm an tâm để có hy vọng mà vươn lên may ra hết khổ? Đây cũng là một phản ứng tự nhiên của con người, là bản năng sinh tồn để tự làm giảm đi áp lực tâm thần lẫn thể xác (stress relieved mechanism.) Đôi khi dị đoan mê tín mà không hại mình, hại người lẫn hại vật chỉ tiền mất tật mang, hay phước thầy may chủ cũng không đến nổi quá tệ. Đời khổ là cái chắc nhưng đau là sự lựa chọn! (Suffering is certain but pain is optional!)
Đây là câu trả lời cuối cùng mà tôi trì được ý vì tìm đọc nơi không có chữ (vô tự) trong kinh điển Phật Giáo Đại Thừa: thiện ác, xấu tốt, trúng sai, sướng khổ, thương ghét chỉ là nhị nguyên, chỉ ứng dụng cho con người vô minh chứ nó không phải là phương trình khoa học của nhân quả (cause and effect.) Những lý luận nhị nguyên này không ứng dụng cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ. Chỉ có con người suy luận nhị nguyên, đặt ra luật lệ thưởng phạt rồi thì áp dụng những dữ kiện sai lầm này vào công thức nhân quả cho nên khi giải, ra đáp số sai đưa đến kết quả trật. Vũ trụ, thiên nhiên tự nó không thiện không ác, không xấu không tốt, không trúng không sai, không sướng không khổ, không thương không ghét.
Vũ trụ và thiên nhiên (mother nature) không biết những điều nhị nguyên đó. Khi thiên tai, bệnh dịch đến thì chúng sinh chết, không phải vì thiên nhiên vui buồn hay phẫn nộ, thưởng thiện hay phạt ác. Dù chúng sinh có chết hàng triệu hay chết hết, bị diệt chủng như khủng long, cũng không bận tâm thiên nhiên, nếu thiên nhiên có tâm. Tuy nhiên, những dữ kiện nhân duyên có thể phỏng đoán và giải thích được khi nào thiên nhiên tới hỏi thăm sức khoẻ lẫn mạng sống của chúng ta bởi những phương tiện của khoa học hiện đại. Như đã nói ở trên, thiên nhiên và vũ trụ không biết may mắn, giàu nghèo, yếu khoẻ, sướng khổ, ái ố, vô minh, ngu muội, thiện ác, trí tuệ, lẫn giác ngộ của con người là gì cho nên không thể cho con người những cái thứ rác rưới đó được. Tuy luật nhân quả, lý nhân duyên là luật của vũ trụ nhưng thiện ác là luật phân biệt của con người. Vũ trụ không biết những điều luật mà con người tự đặt ra cho chính mình. Cho nên, ‘gieo nhân gặt quả’ hay có thể là ‘gieo gió gặt bảo’ (theo nghĩa đen) nhưng không hẳn là ‘ác dã ác báo’ mà có thể ‘ác dã thiện báo’ hay cũng có thể ‘thiện dã ác báo.’ Tùy theo kết quả và nhân duyên mà con người gặt được dù muốn hay không muốn.
Nếu mong cầu đúng cách, vũ trụ sẽ cho ta tất cả những gì chúng ta mong muốn sau khi chúng ta quét sạch hết những cái quả rác rưới ở trên. Vấn đề là làm sao mong cầu đúng cách? Khi KHÔNG Có gì nữa thì sẽ CÓ cái Không Có! Đó chính là ý nghĩa rốt ráo của chữ Không (Emptiness) trong Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, “Sắc (form) chẳng khác không (emptiness,) không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét