Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Dau An tuan qua: Trung Quoc va Nga lieu co bao ve Chinh phu Maduro toi cung ?


Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Twitter)

Trung Quốc và Nga là hai trong số rất ít các quốc gia trên thế giới công khai bảo vệ chính phủ của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro trước những lời kêu gọi từ chức của phe đối lập, người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Nhưng những diễn biến tuần qua cho thấy Bắc Kinh và Moscow vẫn có khả năng sẽ ‘ngoảnh mặt’ với Maduro.

Mặc dù được cho là nguyên nhân chính đẩy Venezuela tới nạn tham nhũng trầm trọng, siêu lạm phát, kinh tế kiệt quệ, khiến người dân phải bới rác để tìm đồ ăn, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tị nạn, nhưng Tổng thống Maduro kiên quyết không từ chức, cũng không tổ chức lại một cuộc bầu cử tổng thống một cách tự do, dân chủ. Nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố công nhận Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido làm người lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, sau khi kỹ sư 35 tuổi này tuyên bố là tổng thống lâm thời thay thế Maduro vào ngày 23/1.
Hiện chỉ còn một số ít các quốc gia tuyên bố ủng hộ Maduro, trong đó có Trung Quốcvà Nga. Theo Reuters, hôm 26/1, hai nước này đã dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chặn dự thảo nghị quyết của Mỹ về việc ủng hộ quốc hội Venezuela do ông Guaido làm chủ tịch.
Điểm chung giữa Trung Quốc và Nga
Tại cuộc họp ở Liên Hợp Quốc hôm 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomepeo chỉ trích Nga và Trung Quốc “nâng đỡ một chế độ thất bại với hi vọng thu hồi hàng tỉ đôla các khoản đầu tư và viện trợ thiếu cân nhắc trong nhiều năm qua”.
Theo CNN, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela. Cơ quan nghiên cứu Inter-American Dialogue cho hay, từ năm 2007 tới năm 2016, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã cho Venezuela vay 17 khoản nợ với tổng trị giá 62,2 tỉ USD, một sự ưu ái mà Bắc Kinh dành cho Venezuela hơn bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác. Viện nghiên cứu chính sách công American Enterprise Institute cho biết, từ năm 2005 tới năm 2015, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 19,15 tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela.
                                                                                                                                              Chủ tịch Tập Cận Bình trong một chuyến thăm tới Venezuela hồi năm 2014. (Ảnh: XINHUA/ZUMA PRESS)

Còn đối với Nga, vào năm 2017, Kremlin đã đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3,15 tỉ đô la của Venezuela. Tuy nhiên, CNN nhận định tổng nợ của Venezuela với Nga có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Một nguyên nhân khác khiến Nga-Trung trở thành người bảo vệ đối với chính quyền Maduro là việc Venezuela được sử dụng như một “lá chắn” quan trọng của Moscow và Bắc Kinh khi đối phó với Mỹ, theo phân tích của các chuyên gia.
“Nga và Trung Quốc đang sử dụng Venezuela như một tấm lá chắn để thách thức Hoa Kỳ. Nó không chỉ là việc hỗ trợ về mặt kinh tế. Trung Quốc và Nga đang tận dụng sự hỗ trợ kinh tế để thiết lập sự hiện diện của quân sự ở Venezuela. Đây là một ván cờ địa chính trị”, ông Joseph Humire, giám đốc điều hành của Trung tâm xã hội tự do an toàn, một nhóm nghiên cứu độc lập, nếu nhận định của mình với Fox News.
                                                                                                                          Sau khi chủ tịch quốc hội Venezuela, ông Guaido, tuyên bố là tổng thống lâm thời để thay thế chính phủ hiện tại vì cho rằng không điều hành được đất nước, Tổng thống Putin đã gọi điện ‘động viên’ và hứa hẹn sẽ ủng hộ ông Maduro. (Ảnh: Getty)

Hiện Trung Quốc đang đặt một cơ sở theo dõi vệ tinh ở bang Guarico của Venezuela, trong khi đó Nga có một cơ sở thực hiện các cuộc tấn công mạng tại căn cứ hải quân Antonio Diaz trên đảo Orchilla, gần Caracas.
“Nga và Trung Quốc [có thể] gây áp lực với Hoa Kỳ thông qua những cơ sở quân sự này để đạt được tham vọng của họ ở Ukraine và Đông/Trung Âu (đối với Nga) và Đài Loan hay Biển Đông (đối với Trung Quốc)”, ông Humire nói.
“Cả hai [Trung Quốc và Nga] đều sẽ mất một đồng minh chiến lược ở Nam Mỹ và cả hai đều có nguy cơ mất khả năng thu lại đầy đủ khoản nợ của Venezuela”, ông William Ogborn, chuyên gia từng cộng tác với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, đưa ra nhận định.
Chịu đựng hết nổi
Trung Quốc đã thất bại trong việc cứu Venezuela khỏi sự sụp đổ kinh tế, điều đó làm xuất hiện các câu hỏi nghiêm túc về sự nhạy cảm của Bắc Kinh trong việc quản lý rủi ro địa chính trị, ông Cary Huang, một cây viết kỳ cựu của tờ SCMP bình luận.
Giống như Nga, mối thâm tình giữa Trung Quốc và Venezuela được thiết lập từ thời Hugo Chavez. Năm 2001, Venezuela trở thành “đối tác chiến lược” của Trung Quốc, và mối quan hệ này được nâng thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2014. Nhưng có lẽ đúng như nhận xét của ông Cary Huang, Trung Quốc đã sai lầm khi kết thân với chính quyền Maduro chỉ ‘giỏi’ tham nhũng và lại không biết làm kinh tế.
Theo The Diplomat, Trung Quốc cũng đã nhận ra vấn đề này nhưng do đã đâm lao nên đành phải theo. AidData, một phòng nghiên cứu trực thuộc Đại học William and Mary, theo dõi viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, cho hay, vào năm 2014 Bắc Kinh đã phải nới lỏng các điều khoản của khoản vay 50 tỷ đô la cho Venezuela.
Lâm khủng hoảng, Maduro không ngần ngại nói rằng ông rất hy vọng Trung Quốc sẽ giúp đỡ, và Bắc Kinh đã lại phải một lần nữa cứu giúp Caracas bằng khoản vay 4 tỷ đô la tiền mặt vào tháng 7/2015 và tiếp theo là 5 tỷ đô la vào tháng 5/2015. Tuy nhiên, The Diplomat cho hay, các khoản vay sau này dành cho ‘đối tác chiến lược toàn diện’’ Nam Mỹ của Trung Quốc đều đặt thêm rất nhiều điều khoản vì sợ ‘nợ xấu’.
                                                                                                            Venezuela là một quốc gia từng rất thịnh vượng, nhưng dưới thời Maduro đã lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhiều người dân phải bới rác tìm đồ ăn để tồn tại. (Ảnh: CRISTIAN HERNANDEZ)

Vay được tiền nhưng Venezuela vẫn cứ trượt dài trên dốc lớn, trước tình hình như vậy đã có những công ty của Trung Quốc quyết định ngừng hợp tác đầu tư với các tập đoàn nhà nước của quốc gia đang chìm trong khủng hoảng. Theo nguồn tin của Reuters, Tập đoàn dầu khí PetroChina của Trung Quốc đã lên kế hoạch từ bỏ tư cách đối tác với PDVSA do đối nhận thấy đối tác Venezuela hoạt động yếu kém từ nhiều năm nay.
Ký giả Cary Huang đánh giá, về mặt kinh tế, Trung Quốc đã chịu tổn thất rất lớn khi đầu tư vào Venezuela. Nhiều dự án trong số 790 dự án ở Venezuela của Trung Quốc đã thất bại, chúng là những nạn nhân của tham nhũng hoặc vỡ nợ. Caracas cũng đã trì hoãn trả nợ cho Bắc Kinh trong các chuyến hàng dầu, bất chấp các thỏa thuận đã ký giữa hai bên..
Nga cũng ở tình trạng không khá hơn Trung Quốc bao nhiêu, tập đoàn PDVSA mà tập đoàn Nga Rosneft đang nắm giữ phần lớn cổ phần đã bị Hoa Kỳ chế tài, các khoản thu nhập của công ty Citgo, công ty con của của PDVSA, có đại bản doanh ở Mỹ sẽ bị quản lý, ngoại tệ thu được từ bán dầu của công ty này buộc phải gửi vào một tài khoản do Washington chỉ định.
Theo DW, Rosneft đang cho Venezuela vay 6 tỷ đô la và chính phủ Maduro trả nợ tập đoàn của Nga bằng cách cho Rosneft hướng lợi nhuận từ 5 dự án lớn mà PDVSA đang đầu tư, phần còn lại trả bằng dầu, nhưng như đã đề cập, với tình hình của PDVSA thì rất khó để Nga thu hồi nợ.
Đã đến lúc nói lời chia tay?
Liệu Trung Quốc và Nga có thể trông chờ vào việc được hoàn vốn từ một chính phủ “bất tài và tham nhũng nhất thế giới”, như lời ông Huang, đã khiến nền kinh tế Venezuela lạm phát tới 1 triệu phần trăm vào năm ngoái và có thể là 10 triệu phần trăm vào năm nay theo đánh giá của IMF?.
Vào hôm thứ Sáu (1/2), Reuters đưa tin, lãnh đạo phe đối lập Guaido đã gửi thông điệp tới Trung Quốc và Nga đề nghị hai nước này không nên tiếp tục ủng hộ chính phủ Maduro nữa và ngụ ý rằng hãy ủng hộ chính phủ của ông.
Trong thư gửi đến Nga và Trung Quốc, ông Guaido cam kết rằng việc thay đổi người cầm quyền ở Venezuela sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho Moscow và Bắc Kinh. Ông Guaido nói: “Maduro không bảo vệ Venezuela, ông ta không bảo vệ các khoản đầu tư của bất kỳ ai và ông ta sẽ không đem lại thỏa thuận tốt đẹp nào cho các quốc gia đó”.
Lãnh đạo phe đối lập Guaido cầm trên tay cuốn hiến pháp Venezuela phát biểu trước đám đông người ủng hộ. Ông cho rằng việc mình tuyên bố là tổng thống lâm thời của Venezuela là hợp hiến. (Ảnh: @jguaido/Twitter)
Hiện tại Mỹ, Canada, Châu Âu và nhiều nước láng giềng Mỹ Latinh đã công nhận tư cách tổng thống lâm thời của ông Guaido. Hàng ngàn người dân Venezuela đã xuống đường để ủng hộ vị tổng thống lâm thời trẻ tuổi hôm thứ Bảy (2/2). Một vị tướng cấp cao trong quân đội Venezuela đã lên tiếng rời bỏ Maduro và ủng hộ Guaido. Sức ép lên chính phủ Maduro đang rất lớn. Những diễn biến đó khiến Trung Quốc và Nga không thể không nghĩ đến việc rời bỏ Maduro để hướng về cánh tay của lãnh đạo trẻ Guaido đang chìa ra.
Tịnh Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét