Trần Trung Chính
ĐẦU NĂM KHAI BÚT: 1/1/2020
Trong dịp lễ Thanksgiving vừa qua (tháng 11/2019), Việt Nam Nhật Báo tại San José đã cho đăng tải Tài Liệu Về Tổ Chức Tình Báo Của Việt Cộng Tại Miền Nam (Nam Việt Nam = Việt Nam Cộng Hòa).
Tác giả bài viết này lấy tên là NGUYỄN THƯỢNG VŨ, người viết suy đoán rằng đây là bí danh của một viên chức trung cấp của cơ quan phản gíán của VNCH, bí danh này trùng tên với một nhân vật có thực tại San José , đó là Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ. Vì không thấy chức vị của tác giả viết Tài Liệu Về Tổ Chức Tình Báo Của Việt Cộng nên người viết suy đoán rằng đó chỉ là bí danh trùng với tên của Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ.
Dang Dở (hay dở dang) là tính từ (adjective) có nghĩa là đang còn chưa xong, chưa trọn vẹn (nhưng phải dừng, phải bỏ), thí dụ: tác phẩm viết dở dang, mối tình dang dở. Thời tiền chiến, một nhà thơ (hình như là Xuân Diệu) có làm 2 câu thơ mà bọn sinh viên học sinh chúng tôi thuộc lòng:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Tình mất vui khi đã trọn câu thề.
Nhận thấy rằng cả Việt Cộng cũng như tác giả Nguyễn Thượng Vũ đều tổng kết thành quả tình báo của phía Cộng Sản cũng như tường thuật lại thành quả của ngành phản gián VNCH đều chỉ là những “tổng kết dang dở” và “tường thuật dang dở”.
Dang Dở thứ nhất: phía Việt Cộng cho rằng Đại Tá Phạm Ngọc Thảo “trá hàng”, ông Phạm Ngọc Thảo nhận chỉ thị của Đảng CSVN ra làm việc với anh em ông Diệm – Nhu để tạo thời cơ cho Đảng CSVN “thống nhất đất nước”. Phía VC cũng cho rằng ông Ngô Đình Nhu và bác Sĩ Trần Kim Tuyến tin dùng ông Phạm Ngọc Thảo vì tin theo lời giới thiệu tốt của các linh mục Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, Phạm Ngọc Chi…
Dang Dở thứ hai: phía VC đánh giá quá thấp tài năng phán đoán của 2 ông trùm “chính trị” Ngô Đình Nhu và ông trùm “tình báo “ Trần Kim Tuyến. Ông Phạm Ngọc Thảo được “tin cậy” vì chính ông đã cung cấp tin tức của Lê Duẩn để Cảnh Sát của Đại Tá Nguyễn Văn Y suýt bắt được Lê Duẩn tại một căn nhà ở đường Vườn Chuối hồi 1957. Bác sĩ Trần Kim Tuyến phân trần với ông Thảo rằng Sở Nghiên Cứu Chính Trị của ông không có lính thuộc cấp nên phải nhờ Cảnh Sát. Mà Cảnh Sát không biết rằng họ phải bắt giữ một nhân vật quan trọng nên lề mề về thủ tục hành chánh khiến Lê Duẩn “lọt lưới”. Cả Bác Sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Ngọc Thảo đều lấy làm tiếc về vụ này, vì nếu Lê Duẩn bị bắt thì đã không có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam!
Dang Dở thứ ba: tất cả báo cáo thành tích của VC cũng như bản tường thuật của bí danh Nguyễn Thượng Vũ không hề đề cập đến sự hiện hữu và thành tích cũng như thất bại của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến và Sở Nghiên Cứu Chính Trị. Người viết khẳng định là phía VC không hề biết những việc làm của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo VNCH mà họ chỉ biết qua Cơ Quan Phản Gián (tức là Khối CSĐB trong Tổng Nha Cảnh Sát mà thôi).
Dang Dở thứ tư: Đại Tá Phạm Ngọc Thảo được CIA đưa sang Hoa Kỳ du học Trường Chỉ Huy Tham Mưu từ trước khi cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, đặc biệt là ông đưa cả gia đình gồm cả vợ và các con đi theo. Sự kiện đặc biệt này khiến người viết suy đoán rằng CIA đã sắp xếp để Đại Tá Phạm Ngọc Thảo “giữ một vai trò mới” trong chính trường VNCH sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết.
Dang Dở thứ năm: Ngày 30 tháng giêng năm 1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh, đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 làm cuộc “đảo chánh” lật đổ Trung Tướng Dương Văn Minh. Tướng Nguyễn Khánh gọi công việc ông thực hiện là “Cuộc Chỉnh Lý”. Tuy vậy, lịch sử và thực tế cho thấy rằng người thực sự thực hiện “Cuộc Chỉnh Lý” này là Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Quân Khu 3. Vì không có bất cứ đơn vị bộ binh nào của Quân Đoàn 2 cũng như Quân Đoàn 3 tham dự, mà chỉ có các tiểu đoàn Nhảy Dù của Đại Tá Cao Văn Viên di chuyển và trấn đóng các địa điểm trọng yếu trên địa bàn Biệt Khu Thủ Đô mà thôi.
Dang Dở thứ sáu: Sau khi Trung Tướng Nguyễn Khánh nắm quyền tại Sài Gòn, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo được tình báo Hoa Kỳ sắp xếp đưa ông trở lại Sài Gòn một mình (gia đình vẫn ở lại Hoa Kỳ). Chuyến trở về của ông được Tùy Viên Quân Sự của Tòa Đại Sứ VNCH tại Washington D.C. báo cáo cho các giới chức có thẩm quyền của chính phủ VNCH tại Sài Gòn. “Người ta” đón chờ Đại Tá Phạm Ngọc Thảo tại phi trường Tân Sơn Nhứt…
Dang Dở thứ bảy: CIA loan báo việc “đón chờ “ này, nên khi phi cơ quá cảnh ở phi trường Hong Kong, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo xuống phi trường Hong Kong, rồi chờ hơn một tuần lễ sau mới dùng một chiếc phi cơ khác bay vào Sài Gòn. Đại Tá Phạm Ngọc Thảo không nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ VNCH cũng như không nắm chức vụ chỉ huy một đại đơn vị nào của Quân Đội VNCH, vậy mà ông tổ chức “đảo chánh”, “biểu dương lực lượng” hà rầm trong năm 1964 và 1965. Cái gi làm cho Đại Tá Phạm Ngọc Thảo có power mạnh như vậy?
Dang Dở thứ tám: ngày 16 tháng 2 năm 1965, Bác Sĩ Phan Huy Quát (thủ lãnh của nhóm Đại Việt Quan Lại) nhận chức Thủ Tướng Chính Phủ và thành lập nội các. Ba ngày sau (ngày 19 tháng 2 năm 1965), Trung Tướng Dương Văn Đức và Thiếu Tướng Lâm Văn Phát đem binh sĩ từ Quân Đoàn 4 về Sài Gòn để gây áp lực với Bác Sĩ Phan Huy Quát “tống xuất” Đại Tướng Nguyễn Khánh ra ngoại quốc làm Đại Sứ Lưu Động. Yêu sách được thỏa mãn, 2 ông tướng lui binh khỏi Sài Gòn và Thiếu Tướng Lâm Văn Phát tự gọi công việc của ông là “Biểu Dương Lực Lượng”! Sau khi 2 ông tướng lui binh khỏi Sài Gòn, Trung Tá Phạm Văn Liễu, đương kim Tổng Giám Đốc CSQG tiến cử Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan làm Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội (thay thế Đại Tá Cao Văn Chính) và kiêm nhiệm chức Giám Đốc Trung Ương Tình Báo (thay thế Trung Tá Lê Văn Nhiều).
Lý do: cả Thủ Tướng Phan Huy Quát và Trung Tá Phạm Văn Liễu – TGĐ/CSQG đều cho rằng Đại Tá Cao văn Chính và Trung Tá Lê Văn Nhiều là đàn em của Đại Tướng Nguyễn Khánh và đã đứng sau các xáo trộn chính trị và quân sự trong năm 1964 và 1965.
Dang Dở thứ chin: Khi Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bị bắt ở Hố Nai – Biên Hòa thì Đại tá Nguyễn Ngọc Loan chưa nắm giữ TGĐ/CSQG (tháng 4/1966 Đại Tá Phạm Văn Liễu từ chức TGĐ/CSQG, ông bàn giao chức TGĐ/CSQG cho Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan), Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan coi hồ sơ của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo từ Nha An Ninh Quân Đội và từ cơ quan Trung Ương Tình Báo VNCH, nhận thấy nhân vật này quá “nguy hiểm” nên ông ra lệnh “trừ khử”. Không có y chứng của Bác Sĩ Luật Y nào xác nhận tình trạng thi thể của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, nên có tin đồn là Đại tá Thảo bị bắn trên phi cơ trực thăng áp giải ông từ Biên Hòa về Sài Gòn cũng như có tin đồn là Thiếu Tá Hùng Sùi ”bóp dái” cho đến chết…
Dang Dở thứ mười: sau khi Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bị “thanh toán”, vợ con của Đại Tá Thảo vẫn ở lại Hoa Kỳ, CIA giúp đỡ bà Thảo bằng cách trợ giúp bà mở tiệm Laundromat để sinh nhai, chính trong bài viết Tổ Chức Tình Báo Của VC Tại Miền Nam, bí danh Nguyễn Thượng Vũ cũng xác nhận con trai của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo đã trở thành Bác Sĩ và hành nghề tại Orange County. Thưở còn sinh thời, nhà báo Lữ Giang (tức Thẩm Phán Nguyễn Cần) có cho biết là bà Đại Tá Thảo đã nghỉ hưu và cư ngụ tại vùng lân cận của thành phố San Clement (giữa Orange County và San Diego). Bà Đại Tá Phạm Ngọc Thảo cũng cho ký giả Lữ Giang biết là bà có liên lạc với Bác Sĩ Trần Kim Tuyến để nhờ Bác Sĩ Tuyến minh oan cho Đại Tá Thảo về việc Bác Sĩ Tuyến biết chắc Đại Tá Thảo là người quốc gia thật sự chứ không phải là “trá hàng” như bọn VC đã dựng chuyện VÁN BÀI LẬT NGỬA (do Trần Bạch Đằng tưởng tượng).
Ghi chú: bác sĩ Trần Kim Tuyến là người “sống để bụng, chết mang theo”, chưa bao giờ người ta thấy ông lên tiếng hay đính chính những việc ông làm trong thời đệ nhất Cộng Hòa, cho nên lời yêu cầu của bà Đại Tá Phạm Ngọc Thảo không được bác sĩ Trần Kim Tuyến đáp ứng.
Chiến tranh Việt Nam (giữa VNCH và VNDCCH) có thể tính từ 1955 đến 1975, coi như trọn vẹn 20 năm, phía VNCH tổn thất khoảng gần 300,000 binh sĩ tử trận (người viết căn cứ trên báo cáo của Nha Quân Phí – Bộ Quốc Phòng VNCH, đây là số tiền trả cho thân nhân của binh sĩ tử trận) và khoảng gần 400,000 thương phế binh (người viết căn cứ trên báo cáo của Bộ Cựu Chiến Binh- VNCH) .
Sau 30 tháng 4 năm 1975, nhận thấy phia VNDCCH không có thương phế binh nên người viết phỏng đoán VNDCCH có từ 700,000 đến 800,000 binh sĩ tử trận. Nhưng theo bà Dương Thu Hương, con số binh sĩ miền Bắc tử trận tối thiểu cũng đã lên tới 3 triệu. Con số 800,000 binh sĩ tử trận là tính theo “trực tiếp giao tranh” của lính Bắc Việt với Quân Lực VNCH và quân lực Hoa Kỳ. Như vậy con số sai biệt khoảng 2.2 triệu ở đâu? Câu trả lời: binh sĩ Bắc Việt chết tới 2.2 triệu vì các trận mưa bom do pháo đài bay B-52 oanh tạc từ 1965 đến 1972.
Người viết có thể khẳng định là nhóm lãnh đạo của VC quá dốt về sự hiện đại của quân lực Hoa Kỳ nên số tổn thất nhân mạng đã quá cao (12% của 25 triệu dân). Kiến thức và kinh nghiệm của ban lãnh đạo VC là những kinh nghiệm từ chiến trường Cao Ly 1950 – 1953 và chiến trường Bắc Việt 1950 -1954. Đế quốc Pháp có những tướng giỏi như De Lattre de Tassigni, Raoul Salan, Navarre… nhưng nước Pháp không có “nội lực” kinh tế, không đủ nhân lực (binh sĩ chiến đấu phải lấy từ các thuộc địa như Maroc, Algerie, Tunisie, Senegal…), không đủ vũ khí và quân trang quân dụng (chính phủ Pháp phải cầu viện Hoa Kỳ viện trợ quân sự), cho nên chuyện rút lui khỏi Đông Dương là điều tất yếu phải xảy ra.
Mặc dù được Liên Sô và Trung Cộng trang bị vũ khí tối tân hơn trang bị của Quân Đội VNCH như AK-47, B-40, B-41, súng cối 82 ly, thượng liên 12 ly 8…nhưng các tướng lãnh của BV không biết một tý gì về hàng rào điện tử, về kỹ thuật trải thảm của B-52, các pháo binh của các chiến hạm hải quân Hoa Kỳ chạy cận duyên bờ biển Việt Nam có thể yểm trợ cho TQLC và bộ binh hành quân trên đất liền…
Khoa học thực nghiệm là khoa học dựa trên thử nghiệm và thí nghiệm với kết quả ghi nhận ĐÚNG và SAI. Từ 1964, mỗi năm BV phải chuyển số binh sĩ từ Bắc vào Nam khoảng hơn 200,000 người, chỉ thấy binh sĩ vào Nam mà không thấy binh sĩ trở ra Bắc vì phần lớn đã bị mưa bom tiêu diệt, số còn lại không đủ thắng các đơn vị của VNCH (dù được trang bị kém hơn). Vấn đề người viết nêu ra là từ 1964 đến 1968, cách tấn công miền Nam không có hiệu quả mà các lãnh đạo của BV không chịu (hay không biết) xoay sở chuyển qua các phương cách khác.
Ngay cả trận Mậu Thân 1968, dù đánh lén và huy động toàn lực, BV cũng không đạt được thành quả quân sự nào. Vậy mà cứ xin thêm quân viện và xua thêm người vào Nam, đó là lý do chỉ có 12 năm chiến đấu mà binh sĩ tử thương lên tới 3 triệu. Nên nhớ rằng trong trận Cao Ly, Thống Chế Bành Đức Hoài kéo 1 triệu chí nguyện quân từ Trung Hoa sang Cao Ly, hỏa lực quy ước Hoa Kỳ cũng đã tiêu diệt 400,000 quân Trung Hoa (thời điểm 1953, Hoa Kỳ chưa có B-52 , chưa có kỹ thuật thả bom theo ô vuông…)
Kiểu truyền thông cánh tả cứ bốc thơm VC rằng “thua trên chiến trường, nhưng thắng trên màn ảnh truyền hình của TV” là cách HK tìm đường rút ra khỏi VN sau khi dàn hơn ½ quân số của quân đội HK vào VN đã quá tốn kém. Tại sao các lãnh đạo của BV cứ dàn dựng những Cụm A.22 với những nhân vật như Mười Hương, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Xuân Ẩn , Lê Hữu Thúy, Đinh Văn Đệ… cho dù có chút thành công như xem được tài liệu mật của Tổng Thống Thiệu, hay của Đại Tướng Cao Văn Viên đi chăng nữa thì cũng không làm giảm được bao nhiêu số thiệt hại nhân mạng của binh sĩ BV.
Hàng rào điện tử Mac Namara thực chất chỉ là những sensors ghi nhận số người đi qua một vùng nào đó, những ghi nhận như là số lượng người, tốc độ di chuyển và hướng đi tới…tất cả các dữ liệu đó được tự động chuyển vào căn cứ dữ liệu (data base), một số chuyên viên sẽ sử dụng căn cứ dữ liệu để khai thác dữ liệu. Trung Tâm Khai Thác Dữ Liệu mới chuyển các phân tích và tổng hợp dữ liệu cho cơ quan MACV tại Sài Gòn. Các tướng lãnh trách nhiệm mới quyết định mở những cuộc hành quân oanh tạc tiêu diệt quân địch. Vũ khí giết người này mới đúng là “vũ khí giết người hàng loạt” thì ban lãnh đạo của VC không lo “hóa giải”, mà cứ đi lo làm biết bao chuyện tầm phào khác.
Dẫn chứng: đọc những chuyện của nhà văn Xuân Vũ như ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN, như 2000 NGÀY ĐÊM TỬ THỦ CỦ CHI thì mới rõ là toàn thể Ban Lãnh Đạo của BCT Đảng CSVN không biết một tí gì về “trải thảm bom” bằng B-52 nên thay vì nói 3 triệu binh sĩ BV “hy sinh tánh mạng” thì chúng ta nên sửa lại “3 triệu binh sĩ BV bị toi mạng vì sự ngu dốt của Ban Lãnh Đạo Đảng CSVN”!
NỬA VỜI cũng là tính từ (adjective), có nghĩa là “có tính chất nửa chừng, không dứt khoát, không triệt để”. Thí dụ: biện pháp nửa vời, thái độ nửa vời. Người viết gọi ban lãnh đạo của VC chỉ làm công tác tình báo xâm nhập nửa vời vì họ đã không có biện pháp hóa giải sự hoạt động của hàng rào điện tử cũng như giải quyết được phương pháp thả bom trải thảm của các pháo đài bay B-52 (là 2 phương tiện gây tổn thất nhân mạng cho các binh sĩ BV nhiều nhất).
Thiếu Tướng Nguyễn Khăc Bình góp ý là “chuyện tình báo là chuyện xảy ra giữa âm binh và phù thủy, ai cao tay ấn hơn là phía bên kia sẽ ôm đầu máu”. Chính ông đã nhiều lần đòi bắt giữ Phạm Xuân Ẩn, nhưng phía HK ngăn cản: tình báo HK đã sử dụng Phạm Xuân Ẩn như là một hộp thư để chuyển giao những tin tức mà HK cần cho VC biết.
Trường hợp thượng sĩ Minh, thư ký của Đại Tướng Cao Văn Viên cũng tương tự như vậy: HK muốn cho VC biết những kế hoạch của Đại Tướng Cao Văn Viên đối phó với cuộc tấn công toàn diện của 16 sư đoàn quân BV (mà không có quân viện của Hoa Kỳ).
Cả 2 nguồn tin tức từ phía Phạm Xuân Ẩn và từ phía thượng sĩ Minh chuyển giao giúp cho VC mau mau dốc hết toàn lực chiếm trọn VNCH để chính phủ HK lấy cớ là phía CSVN vi phạm hiệp định Paris 1973 nên không viện trợ 3 tỷ dollars cho VN như khoản 21B của Hiệp Định Paris quy định (thực tế, Hoa Kỳ tiết kiệm được 3.7 tỷ dollars, đó là người viết tính thêm 700 triệu dollars mà Tổng Thống Thiệu xin Quốc Hội HK viện trơ vào đầu năm 1975, nhưng chính phủ HK không tháo khoán số ngân khoản này).
Sau 30 tháng 4 năm 1975, VC phong cho ông Phạm Xuân Ẩn cấp bậc Đại Tá Tình Báo rồi vinh thăng lên cấp bậc Thiếu Tướng Tình Báo nhưng không cho ông làm gì cả khiến ông bất mãn. Còn thượng sỹ Minh được VC công nhận là anh hùng của lực lượng vũ trang Quân Đội Nhân Dân VN với cấp bậc Đại Tá!!
Ban lãnh đạo của VC ra lệnh cho các văn nô “tiểu thuyết hóa” các thành tích tình báo của các nhân viên của họ mà không hề biết rằng những điệp viên Cộng Sản chỉ thu thập được những tin tức tình báo mà phía Hoa Kỳ muốn nhả ra. Chứng cớ là các dữ kiện tình báo của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến và của Sở Nghiên Cứu Chính Trị thời Đệ Nhất Cộng Hòa cũng như các dữ kiện và tài liệu của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo dưới thời Thiếu Tướng Nguyễn Khăc Bình làm Đặc Ủy Trưởng hoàn toàn biến mất. Ngay cả Nha Văn Khố của Khối Cảnh Sát Đặc Biệt cũng bị thiêu hủy để bảo mật, hay hoặc các văn kiện bí mật của Phủ Tướng VNCH dưới sự lãnh đạo của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, cũng biến mất. Đó là nói về Việt Nam, còn nói về phía Hoa Kỳ như các văn kiện bí mật thời Đại Sứ Bunker và Đại Sứ Graham Martin, hay các văn kiện tình báo dưới thời Williams Colby và Polgar thì cũng chẳng có dấu vết còn sót lại.
Chiến tranh Việt Nam 1955 – 1975 thực sự bắt đầu khi Hồ Chí Minh và Đảng CSVN khai sinh ra Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Hà Nội năm 1960: Cộng Sản BV cho thành lập Đoàn 66 để mở đường xa lộ Trường Sơn (mà chúng gọi là Đường Mòn Hồ Chí Minh). Phía Hoa Kỳ tham chiến thực sự tại chiến trường Nam Việt Nam vào tháng 3 năm 1965 dưới thời chính phủ của Thủ Tướng Phan Huy Quát sau khi TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào căn cứ Chu Lai.
Cuộc chiến tại VN là một cuộc chiến tranh kỳ quái vì kẻ gây chiến là Bắc Việt đem đại quân vào miền Nam VN mà không tuyên chiến với VNCH, bọn CSBV khoác dưới chiêu bài “nhân dân miền Nam nổi dậy”. Phía Hoa Kỳ đem 550,000 quân vào chiến trường VN do lời yêu cầu chính thức của chính phủ VNCH (văn thư yêu cầu này do đích tay Thủ Tướng Phan Huy Quát ký tên), phía đồng minh của Hoa Kỳ và VNCH còn có 50 ngàn binh sĩ chiến đấu của Đại Hàn, 12 ngàn binh sĩ chiến đấu của Thái Lan, 8 ngàn binh sĩ chiến đấu của liên quân Australia – New Zeland, 2 ngàn binh sĩ không chiến đấu của Philippines…
Từ trước đến nay, người viết chưa thấy nhà nghiên cứu và các sử gia đặt vấn đề là chính phủ HK điều động một số lượng binh sĩ đông đảo còn hơn cả số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến tại Âu Châu thời đệ nhị thế chiến, đông đảo hơn số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến tại Á Châu thời chiến tranh với Nhật Bản, đông đảo hơn số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến tại Triều Tiên khi Hoa Kỳ có chiến tranh với Bắc Hàn và Trung Cộng… Vấn đề là liệu chính phủ Hoa Kỳ đã có sẵn giải pháp dự liệu để chấm dứt chiến tranh Việt Nam hay không?
Chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ có thái độ được chăng hay chớ như các chính phủ của các quốc gia nhỏ bé. Theo sự suy đoán chủ quan của cá nhân người viết bài này, chắc chắn là chính phủ Hoa Kỳ đã nắm chắc giải pháp chấm dứt cuộc chiến Việt Nam với rất nhiều options dự phòng cho các chính phủ kế nhiệm (vì tối đa Tổng Thống Hoa Kỳ chỉ nắm giữ quyền lực có 2 nhiệm kỳ, tổng cộng 8 năm)
Vì tham chiến mà không có sự tuyên chiến của Quốc Hội nên giải pháp để “chiến tranh tự tàn lụi” là giải pháp được các lãnh tụ chính trị của Hoa Kỳ ưa thích nhất. Ý nghĩ “để chiến tranh tàn lụi” mới xảy ra trong đầu óc của người viết sau khi 2 Tổng Thống Obama và Tổng Thống Donald Trump dứt điểm xong các lãnh tụ của Al-quaida và ISIS mà không cần có ký kết thương thảo hay hòa đàm gì ráo!
Các lãnh tụ chính trị của Hoa Kỳ tin tưởng rằng nếu thương dân thì sau 4 năm thiệt hại nhân mạng quá lớn (1965, 1966,1967 và 1968) các lãnh tụ BV sẽ phải lui quân về Bắc thì chiến tranh VN đương nhiên sẽ tàn lụi. Nhưng không ngờ , Hồ chí Minh và Ban Lãnh Đạo VC không biết điều lại gửi thêm binh sĩ và quân trang quân dụng vào miền Nam cố chiếm lấy được VNCH bất chấp cái giá phải trả. Do đó chúng ta thấy chính phủ Nixon lên thay chính phủ Johnson, vẫn giữ chính lược “ american soldiers go home” nhưng thiết lập chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh VNCH tự vệ từ 1968 đến 1972.
Năm 1971, toàn thể lục quân Hoa Kỳ đã trở về Hoa Kỳ, chỉ còn các quân nhân lục quân phụ trách yểm trợ tiếp liệu cho Không Quân VN và lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ còn ở Biển Đông mà thôi. Tới năm 1974 – 1975 được sự yểm trợ tích cực về vũ khí đạn được của Liên Sô, Lê Duẩn nhất quyết hy sinh đến thế hệ thanh niên cuối cùng của miền Bắc động binh kéo 16 sư đoàn vào Nam. “Chiến tranh tàn lụi” cũng có nghĩa là Hoa Kỳ đơn phương ngưng viện trợ cho VNCH (viện trợ cho VNCH thêm nữa, dù ít ỏi nhưng chiến tranh sẽ vẫn tiếp tục, thêm người chết và thêm tốn phí vô ich…)
PHẦN KẾT:
Chiến tranh Việt Nam sở dĩ kéo dài và nước Việt Nam chịu tổn thất năng nề cả về mặt vật chất lẫn tinh thần vì trình độ dân trí của nhân dân VN còn quá thấp kém. Người dân Việt Nam (nhất là đám khoa bảng có một chút gọi là trí thức) vẫn chưa phân biệt rạch ròi thế nào là NGƯỜI YÊU NƯỚC. Người yêu nước trước hết phải thương dân, Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không hề thương dân. Do đó Hồ Chí Minh không thể được gọi là NGƯỜI YÊU NƯỚC (cho dù ông ta nhận vơ tên của mình là NGUYỄN ÁI QUỐC)
ÁI QUỐC hay YÊU NƯỚC thiết yếu phải có nghĩa là THƯƠNG DÂN hay nói chung là THƯƠNG NGƯỜI.
Không có tình người, không cổ võ tình yêu thương đối với đồng loại thì Hồ chí Minh không thể là nhà ái quốc được. Hồ chí Minh và những đảng viên CSVN luôn luôn hô hào “đấu tranh giai cấp” để xã hội tiến bộ và luôn luôn đề cao “bạo lực cách mạng để tiêu diệt kẻ thù giai cấp” thì không còn tư cách để lãnh đạo dân chúng VN xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phú cường được được nữa.
Hãy xóa bỏ chế độ Cộng Sản và vứt bỏ chủ nghĩa Xã Hội tuyên truyền láo khoét và mị dân vô bổ đã gây tác hại cho quốc gia Việt Nam trong suốt 75 năm qua.
ĐẦU NĂM KHAI BÚT
San José ngày 01 tháng 01 năm 2020
Trần Trung Chính
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét