Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Xung đột Mỹ Trung: Đối đầu quân sự chiến lược



Xung đột Mỹ Trung: Đối đầu quân sự chiến lược

Cho đến nay, cả thế giới đều đã thấy chính quyền Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ. Nhưng chính quyền Trung Quốc thì từ lâu đã âm thầm chạy đua, coi Mỹ là đối thủ về mặt quân sự. Cả hai bên đều đã và đang có những động thái chiến lược, âm thầm hoặc công khai đối địch lẫn nhau.

Phân tích động thái chiến lược của Trung Quốc

Chiến lược coi Mỹ là đối thủ cần vượt qua, thể hiện rõ trong tác phẩm “Chiến tranh không giới hạn” của hai sỹ quan cao cấp Giải phóng quân Trung Quốc PLA năm 1999. Chiến lược này chỉ ra rằng, thay vì đối đầu quân sự trực tiếp, Trung Quốc cần thực hiện các giải pháp khác nhau để đẩy đối thủ vào khủng hoảng. 
“Sáng kiến Vành đai Con đường” của Trung Quốc đã tích hợp trong nó mục tiêu quân sự. Căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc đặt tại Djibouti, tiếp theo đó sắp có thêm các căn cứ quân sự cạnh cảng Gwadar – Pakistan và Sihanouk Ville – Campuchia. Tất cả đều là các vị trí chiến lược về quân sự, từ Đông Phi – Trung Đông, Ấn Độ Dương đến Nam Biển Đông.
Hoạt động quân sự hóa các đảo trên Biển Đông cũng liên tục được thực hiện, từ xây đường băng cho chiến đấu cơ đến lắp đặt và thử nghiệm tên lửa. Chính quyền Trung Quốc đang có khả năng chi phối lớn với hai nước có tranh chấp chính là Philippines và Việt Nam. Điều này đã giúp họ liên tục gia tăng được các động thái kiểm soát biển, đảo. Nhưng Trung Quốc luôn giữ các hoạt động sao cho không hung hăng đến mức mà Mỹ và các nước tranh chấp có hành động quân sự.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng từ lâu trong quan hệ với Mỹ và đồng minh, Trung Quốc chiếm đến 90% giao dịch với bên ngoài của Triều Tiên. Chính quyền thời kì Giang Trạch Dân được cho là đã cung cấp cho Triều Tiên các vật tư và hỗ trợ trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Khi Tập Cận Bình nắm quyền, do sức ép từ Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã phải “nhả” bớt Triều Tiên và không thể hoàn toàn khống chế lá bài Triều Tiên như trước được nữa.
Đối với vấn đề Đài Loan, chủ trương của Trung Quốc luôn là “tái thống nhất Đài Loan” theo hình thức “một quốc gia hai chế độ”, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Các hoạt động của Mỹ liên quan đến Đài Loan, luôn gặp các phản ứng rất mạnh từ phía chính quyền Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc cũng đang củng cố quan hệ với Nga. Kim ngạch thương mại hai bên đã tăng 24,5% trong năm 2018. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua vũ khí từ Nga. Năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc được Nga mời tham gia tập trận quân sự Vostok. Cả hai nước cùng có quan điểm bênh vực các chế độ như Triều Tiên, Venezuela và Iran.
Chính quyền Trung Quốc rất chú tâm quan hệ với Iran. Trung Quốc là đối tác chính mua dầu và bán vũ khí cho Iran. Khi Mỹ rút khỏi JPOA và cấm vận trở lại Iran, Trung Quốc vẫn cố gắng “vượt rào” để giao thương với chế độ này. Khi Iran bị cáo buộc tấn công Arab Saudi, thì Trung Quốc và Nga có động thái chuẩn bị tập trận với Iran. Diễn biến này cho thấy chính quyền Trung Quốc là lực lượng đứng sau chế độ Iran, Trung Quốc dùng nó như một con bài chiến lược trong quan hệ với Mỹ.

Phân tích động thái chiến lược của Mỹ

Trong thời đại ngày nay, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc quân sự như Mỹ và Trung Quốc khó có thể lường được hết hậu quả cho cả hai bên, cũng như cho cả thế giới. Do vậy, chính quyền Mỹ đã nhắm tới các động thái có tính chiến lược để tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Ngày 2 tháng 8 năm 2019, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga, vốn đã kí từ năm 1987. Chỉ chưa đầy 20 ngày sau khi tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình độ chính xác cao có tầm bắn hơn 500km. Với những tên lửa độ có chính xác cao (PrSM) và các tên lửa siêu thanh hiện có, Mỹ chỉ cần lập trình lại thì nó sẽ trở thành những tên lửa mới, vốn từng bị hạn chế bởi INF.
Năm 2018, Mỹ thành lập Lực lượng Không gian. Tháng 8 năm 2019, Mỹ nâng cấp nó thành Bộ tư lệnh Không gian (SpaceCom). Động thái này thể hiện mục tiêu duy trì ưu thế quân sự tuyệt đối trong không gian của Mỹ, đồng thời ngăn chặn thách thức của Trung Quốc khi đang nghiên cứu phát triển tên lửa diệt vệ tinh.
Chính phủ Donald Trump cũng yêu cầu đồng minh tăng chi tiêu quân sự và chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ. Như vậy, một mặt sức mạnh trong tương quan với Trung Quốc càng khác biệt rõ rệt, mặt khác giúp Mỹ tập trung một phần chi phí quân sự cho các mục tiêu phát triển vũ khí mới, đầu tư vào các lĩnh vực gây sức ép trực tiếp với chính quyền Trung Quốc.
Tại khu vực Đông Bắc Á, các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Mỹ đẩy mạnh hợp tác quân sự với Úc và Ấn Độ. Các cuộc tập trận với các nước khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và với các nước ASEAN đã lần lượt được thực hiện. Mỹ còn gia tăng cả quan hệ với Mông Cổ. Có thể nói, chính quyền của tổng thống Donald Trump đã bằng một loạt các hành động đưa Trung Quốc vào thế “tứ bề thọ địch”.
Trong vấn đề Đài Loan, mặc dù chính quyền Trung Quốc luôn có các phát ngôn phản đối rất cứng rắn, nhưng Mỹ vẫn thực hiện hỗ trợ Đài Loan mạnh mẽ, thực chất và không để tâm tới việc đấu khẩu với Trung Quốc. 
Đối với các chiến trường như Syria, Afghanistan Tổng thống Trump đã thể hiện quan điểm rõ ràng ngay từ khi tranh cử là sẽ rút tối đa lực lượng khỏi hai chiến trường này, thể hiện quan điểm nhất quán tập trung đối phó với Trung Quốc.
Với Iran cũng tương tự, mặc dù có các phát ngôn mạnh, nhưng ông Trump vẫn chủ yếu sử dụng các công cụ như cấm vận, ngoại giao. Sau cáo buộc Iran tấn công Arab Saudi, Mỹ cũng chỉ tập trung tăng thêm cấm vận, di chuyển quân chiến lược và huy động tối đa sức mạnh quân sự của đồng minh, nhằm gây sức ép với chế độ Iran. Rất khó có khả năng chính quyền Trump bị sa vào một cuộc chiến với Iran để bị phân tán với địch thủ chính là chính quyền Trung Quốc.

Kết luận

Việc chính quyền tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tổng lực với chính quyền Trung Quốc đang tạo ra xu hướng chống chính quyền Trung Quốc trên toàn nước Mỹ, nó cũng đang lan ra cả thế giới.
Trung Quốc đang khó khăn về mọi mặt, nguồn thu nhập tài chính giảm do tăng trưởng chậm lại, trong khi vốn đầu tư khổng lồ và dàn trải, nguồn công nghệ ăn cắp bị chặn lại, xu hướng bị phần lớn các quốc gia cảnh giác tiến tới cô lập, bản chất bất lương của chính quyền Trung Quốc cũng ngày càng lộ rõ. Trong điều kiện các mâu thuẫn nội bộ của giới chính trị Trung Quốc âm ỉ nhưng quyết liệt, các vấn đề Hong Kong, đàn áp tôn giáo… kết hợp lại đang làm cho sức mạnh của chính quyền Trung Quốc rất khác so với vẻ bề ngoài.
Cuộc chạy đua vũ trang này khó có thể dự báo về diễn biến và kết cục. Tuy nhiên, chỉ có con đường tự do, tôn trọng quyền con người, tôn trọng các quốc gia khác mới có thể giúp đất nước Trung Quốc có được một môi trường phát triển hài hoà và hợp tác được với thế giới bên ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét