Nguyễn Ngọc Già
2019-10-01
2019-10-01
Tình trạng Việt Nam hiện rất nguy nan, đặt trong bối cảnh phức tạp của thế giới, đặc biệt cuộc thương chiến Mỹ - Hoa, cho đến nay đủ căn cứ để khẳng định: Không có một thỏa thuận tốt đẹp nào diễn ra cả. Nhất là tình hình Hong Kong đang "mất dần và mất hẳn" "tài sản Tự Do" vốn dĩ họ thụ hưởng cả trăm năm qua, cho thấy rất cao với sự quyết liệt của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Những "đám mây mù" vẫn bao quanh lịch sử mối bang giao Việt Nam - Trung Quốc
Công Hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký công nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Trung Quốc cũng như Hội nghị Thành Đô "thành công" vào năm 1990 do ông Nguyễn Văn Linh đứng đầu phái đoàn Việt Nam cho đến nay vẫn chưa tỏ tường.
Những khoản gọi là "viện trợ" của Trung Quốc dành cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa để cưỡng chiếm miền Nam trước 1975 cũng như những khoản tiền khác mà người dân Việt Nam không tài nào hay biết, khi đôi bên "cho và nhận" có kèm theo những điều kiện gì.
Theo BBC [1] "1964 - 1975: Trung Quốc 'viện trợ Hà Nội nhưng không thể chỉ huy", bài báo cho hay, số viện trợ của Trung Quốc dành cho Bắc Việt đạt đỉnh cao năm 1965, 1967, 1972, và 1974.
Bài báo nhận định viện trợ của Trung Quốc chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng của nước này. Đồng thời, cho biết số liệu chính thức của Trung Quốc thống kê từ thập niên 1950 cho đến 1975, Trung Quốc đã viện trợ cho Bắc Việt tổng cộng hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Trong đó, 1,4 tỉ là cho vay không lãi suất.
Về "tình hữu nghị Việt - Trung", ông Dương Danh Dy nói [2]: "Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả..."
Hình minh họa. Khách du lịch Trung Quốc đi bè ở thác Bản Giốc ở biên giới phía bắc tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009 AFP
Trong khi ông Nguyễn Trọng Vĩnh từng cho hay [3]: "Trong đàm phán biên giới trên bộ, Trung Quốc gian xảo lấn của ta một nửa thác Bản Giốc, 100m từ ải Nam Quan xuống đến Tân Thanh vốn là điểm nối đường ray trước đây để tàu Trung Q uốc đưa hàng hóa vào đất ta, cộng với lấn chiếm những nơi khác, họ lấn của ta một diện tích bằng tỉnh Thái Bình".
Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết thêm [3]: "Dù sao, sự nhường cơn xẻ áo của nhân dân Trung Quốc giúp chúng ta khá lớn trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta, Nhà nước ta rất biết ơn, coi như mắc một món nợ. Nhưng tháng giêng năm 1974, nhà cầm quyền Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đương thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa; năm 1975, trang bị cho lực lượng vũ trang Pôn-pốt đánh phá phía Tây nam nước ta; tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân xâm lăng, tàn phá triệt để các tỉnh biên giới nước ta, giết hại đồng bào ta thì tự họ đã xóa hết nợ nần, ơn nghĩa trước đây. Ngược lại họ lại mắc nợ máu với nhân dân biên giới nước ta".
Cả thế giới không còn xa lạ với bản chất của người CSVN. Vì vậy, năm xưa Đặng Tiểu Bình "dạy cho Việt Nam một bài học" để gây ra 2 cuộc chiến thảm khốc tại biên giới phía Bắc và Tây Nam, không đáng ngạc nhiên đối với quốc tế.
Vào ngày 14/12/2012, đài BBC đưa tin ông Trương Tấn Sang trong tư cách Chủ tịch Nước khẳng định [4]: "Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo. Hành động bán nước hay những việc làm tương tự sẽ chịu sự nguyền rủa, oán hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta đã từng phê phán nghiêm khắc những nhân vật và những chế độ như thế trong lịch sử".
Đường Lưỡi Bò - vì đâu nên nỗi?!
Đường Lưỡi Bò do nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đơn phương tuyên bố chủ quyền vào năm 1953, nhưng chưa bao giờ họ đưa ra giải thích đảm bảo tính khoa học về nó.
Năm 1953 cũng là năm khởi sự chính thức "chiến dịch Điện Biên Phủ" sau nhiều năm chuẩn bị để dẫn đến:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)
Đến nay thật tỏ tường, Điện Biên Phủ không thể "lẫy lừng chiến thắng" nếu không có viện trợ từ Trung Quốc. Và phải chăng "thời điểm 1953" là cột mốc cho thấy, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tận dụng quá tốt cơ hội để đưa ra "Đường Chín Đoạn", lúc mà nhà cầm quyền Hà Nội không cần phải quan tâm, vì buộc phải tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt rất cần "viện trợ quân sự" để đối phó với người Pháp?!
Khi con bạc đang khát dữ dội cho "mộng ước" làm nên "trang sử oai hùng và chói lọi", quả thật quá dễ để cho nhà cầm quyền Hà Nội nhanh chóng nhận lấy tất cả những gì mà phía Trung Quốc trao cho. Bẫy đã được đặt xong! Từ rất lâu như thế!
Bên cạnh đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn nhắc đến thuật ngữ "quyền lịch sử" - để khẳng định gần hết Biển Đông là của họ - dù vô cùng mơ hồ đối với thế giới nhưng họ thật tự tin mà không cần phải lý giải! Tại sao như vậy?
Chính Bắc Kinh biết quá rõ, những "món viện trợ" cho Hà Nội "thật bất nhân và vô cùng bất nghĩa" đối với người mà họ luôn "trìu mến" gọi là "đồng chí". Ngược lại, Hà Nội cũng thật rành tâm địa của Bắc Kinh, nhưng lại không muốn "bánh ít trao đi bánh quy trao lại".
"Tình hữu nghị thắm thiết" của đôi bên được tụng ca thật "lãng mạn" và "nghĩa tình" vào ngay năm 1956, khi "men say chiến thắng Điện Biên" vẫn còn... "nồng nặc":
Bên ni biên giới là mình.
Bên kia biên giới cũng tình quê hương
(Đường sang nước bạn - Tố Hữu)
Bãi Tư Chính và vấn đề kiện
Báo Thanh Niên ra ngày 18/8/2019, có bài [5] "Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam: Hiểm họa cho toàn khu vực".
Khi người CSVN, đứng đầu là Hồ Chí Minh, phát hành Công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký, đã công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc, lúc bấy giờ - người CSVN có hiểu - đó cũng là bước khởi đầu gây đại thảm họa cho toàn khu vực ngày nay không (?).
Nhà cầm quyền Hà Nội kêu gọi quốc tế ủng hộ về tình hình "Bãi Tư Chính", trong khi người dân trong nước không còn mấy ai tin tưởng vào "hành động thực tế" của họ.
"Kiện" - chữ được bắt gặp rất nhiều, từ khi Bãi Tư Chính bị xâm phạm.
Các nhà chuyên môn về Biển Đông cùng các nhà báo có nhiều đồng thuận về việc "kiện" với bằng chứng "chắc chắn thắng" thông qua thành công của Philippines năm 2016 và nhiều căn cứ pháp luật quốc tế khác, không thể chối bỏ.
Philippines kiện "Đường Lưỡi Bò" mà Trung Quốc khẳng định "tài sản riêng" của họ, trong khi Bãi Tư Chính nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Nói cách khác, Philippines kiện "cái chung", còn Việt Nam kiện "cái riêng" - Một phạm trù của Triết Học, rất đáng để cho người CSVN bóp trán suy ngẫm. Chính vì vậy, nhà cầm quyền Hà Nội rất cần ủng hộ của toàn dân, khối Asean và quốc tế. Cho đến nay "chiến lược này" hoàn toàn thất bại, bởi ngay cả ông Phạm Bình Minh trong phát biểu ngày 28/9/2019 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, dù mất tới mười lăm phút đồng hồ, nhưng không dám nhắc tên "khách thể - Trung Quốc". Điều này có nghĩa, không thể tiến hành khởi kiện "một quốc gia vô danh". Đó là khác biệt thứ nhất.
Chính phủ Philippines, cho tới nay, chưa hề cho thấy có bất kỳ "ân oán tình thù" nào kèm với những "món nợ bất minh và bất chính" đối với Bắc Kinh. Đó là khác biệt thứ nhì.
Philippines là quốc gia đa đảng. Đó là khác biệt thứ ba.
Ông Lê Mã Lương và ông Trương Giang Long - 2 người Công Sản cấp cao - đã chỉ ra nhiều nhân vật cao cấp khác trong ĐCSVN luôn luôn "toàn tâm toàn ý" với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đó là khác biệt thứ tư.
Kết luận
Một nguyên tắc đối ngoại của thế giới, cho đến nay vẫn sừng sững, không thể chối bỏ: Không một quốc gia nào can thiệp vào một quốc gia khác, một khi quốc gia cần giúp đỡ không lên tiếng.
Chính sách "vừa hợp tác vừa đấu tranh" biến tướng từ chính sách "đi dây" hàng chục năm qua của nhà cầm quyền Hà Nội - Nó cần phải được loại bỏ bởi tính phản khoa học trong tình hình Việt Nam nguy cấp hiện nay.
_______________________
Nguyễn Ngọc Già
[3] http://trannhuong.net/tin-tuc- 17298/lao-tuong-nguyen-trong- vinh-huu-nghi-hay-muu-do-thon- tinh--.vhtm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét